Bạn vui lòng Đăng nhập nếu đã có tài khoản tại Yume.vn
Hoặc Đăng ký tài khoản miễn phí.
Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức
07/10/2010 14:38 | 270 lượt xem
Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức
Cách Thị xã Tân An 3,5km về phía Tây, lăng Nguyễn Huỳnh Đức là một trong những kiến trúc lăng mộ cổ nhất ở Long An còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Đây là một quần thể kiến trúc bao gồm các công trình chính như cổng, lăng mộ, đền thờ Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức, một công thần khai quốc của Triều Nguyễn.
Khuôn viên lăng Nguyễn Huỳnh Đức có diện tích hơn 3000m2, được giới hạn bởi tường rào, có cổng tam quan mở về hướng Đông, trên cổng đắp nổi dòng chữ ''Tiền quân phủ''. Lăng Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức được xây dựng năm 1817 (trước khi ông mất) bằng đá ong và vữa tam hợp theo hướng bắc-nam. Lăng được xây dựng theo lối cổ, đăng đối nghiêm ngặt, có vòng thành hình chữ nhật dài 35m, rộng 19m, cao1,2m, dày 0,4m bao quanh. |
|
||
Di tích nghệ thuật ''Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức'' |
|||
Án ngữ lối vào mộ ở phía bắc tường thành là bình phong đá ong cao 3m có đắp nổi hoa văn mai - lộc. Từ bình phong có đường thần đạo dài 17m dẩn đến phần chính của mộ gồm biểu thành, các trụ biểu, hai bình phong và bia mộ. Trên hai bình phong có khắc 2 bài văn tế Nguyễn Huỳnh Đức của Trịnh Hoài Đức và Trấn thủ Định Tường Nguyễn Văn Phong. Toàn bộ ngôi mộ được trang trí hoa văn rồng, hoa lá, mặt trời, mây, hoa sen và nhiều câu đối chữ Hán. Nổi bật trong ngôi mộ là bia đá cao 1,56m, rộng 0,95m được mang vào từ Huế. Mặt bia có dòng chử hán: ''Việt Cố Khâm Sai Gia Định Thành Tổng Trấn, Chưởng Tiền Quân, Tặng Thôi Trung Dực Vận Công Thần, Phụ Quốc Thượng Tướng Quân, Thượng Trụ Quốc, Thái Phó Nguyễn Huỳnh Quận Công Chi Mộ''. Phía sau bia là nơi chôn cất thi hài Nguyễn Huỳnh Đức với một nấm mộ phẳng dài 3,4m, rộng 2,7m, cao 0,3m. Xung quanh mộ là những cây sứ cổ thụ tỏa hương ngào ngạt tạo nên vẻ thâm nghiêm cho nơi an nghĩ của một đại thần khai quốc. Nói chung lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức được xây dựng theo lối kiến trúc đầu đời Nguyễn: giản dị mà hùng tráng. Cách mộ 20m về phía Nam là đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức. Từ năm 1819 đến 1959, gia tộc thờ ông trong ngôi nhà xưa do Vua Gia Long sai người dựng cách ngôi mộ khoảng 500m. Vào năm 1959, để tiện cho việc thờ cúng, gia tộc đã xây dựng ngôi đền thờ mới này theo kiểu tứ trụ, 2 tầng mái, cửa gỗ trông ra hướng Đông. Ngay sau cửa chính đền thờ có đặt hương án chạm rồng, phụng, hoa lá sơn son thếp vàng, phía trên có bức họa truyền thần Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức được vẽ năm 1802. Phía sau hương án có bộ ván độc mộc dài 3,4m - rộng 1,8m- dày 0,14m có niên đại hơn 300 năm vốn là di vật của người đã khuất. Trong cùng là bàn thờ chính với khánh thờ đặt trên hương án và chiếc hộp sơn son đựng 8 bản chiếu, chỉ, chế, sắc của các triều Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức phong tặng cho tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức. Bên trong đền thờ còn bố trí 3 bộ lỗ bộ, tàn lọng và 4 cặp liễn đối ca ngợi sự nghiệp của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức do Vua Gia Long ngự ban. Ngoài ra những hiện vật cổ có niên đại thế kỷ XVIII và XIX còn được lưu giữ trong đền thờ như: đoản kỷ Vua Xiêm tặng năm 1798, Khánh lệnh đồng Vua Gia Long tặng năm 1819, bức hoành ''Vạn Lý Danh'' Vua Tự Đức tặng năm 1854. Phía sau đền thờ là ngôi chánh điện lợp ngói lưu ly xanh được gia tộc xây dựng năm 2000 theo bản vẽ của Kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng (nguyên viện trưởng Viện khảo cổ Sài Gòn). Trước đây vào năm 1972 gia tộc đã cho xây dựng 2 cổng lớn ở hai đầu con đường vòng cung dẫn vào lăng với thiết kế giống nhau theo kiểu cổng tam quan truyền thống. Trên cổng có hàng chữ Hán ''Tiền quân phủ'' và ''Lăng Nguyễn Huỳnh Đức'' bằng đồng. Nhìn từ xa, cổng lăng toát lên vẻ đường bệ, uy nghi như chào đón khách tham quan.
|
|||
Đến tham quan di tích lăng Nguyễn Huỳnh Đức chúng ta được chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc lăng mộ đầu đời Nguyễn và những cổ vật quý giá cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Ta còn được biết đến cuộc đời và sự nghiệp của một ''Hổ tướng'' lừng danh đất Ba Giồng và cũng là người có công khai phá Giồng Cai Én (Khánh Hậu), được nhân dân tôn thờ như một vị Tiền Hiền. Với những ý nghĩa ấy, ngay từ đầu thế kỷ XX, chính quyền thuộc địa đã liệt hạng lăng Nguyễn Huỳnh Đức là 1 trong 404 cổ tích ở Đông Dương. Bộ Văn hóa Thông tin nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng đã ra quyết định công nhận lăng Nguyễn Huỳnh Đức là di tích Quốc gia ngày 11/5/1993 (số quyết định 534-QĐ/BT). |