LOGO CỦA WEBSITE NÀY

Xem lẹ

Trang nhà > Vườn Thiền > Chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc Tự)

Hoe Nhai Pagoda

Chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc Tự)

Đông Tỉnh

Thứ Ba 25, Tháng Hai 2014

Chùa Hòe Nhai có từ thời Lý, tên chữ Hồng Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (năm 1989). Địa chỉ: số 19 phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội. Toạ độ: 21°02’32"N 105°50’50"E; cách Hồ Gươm chừng 1,5km về hướng bắc. Điểm dừng xe bus gần nhất: phố Yên Phụ (bus 01, 04, 08, 10, 14, 15, 17, 22, 23, 24, 31, 36, 47, 50, 54, 55, 58), phố Hàng Than (31).

JPEG - 159.6 kb
Mặt chùa Hòe Nhai ở phố Hàng Than. Ảnh ©2014 NCCong

Lược sử

Tương truyền chùa Hòe Nhai dựng từ thời Lý. Lâu ngày đổ nát, đến đầu thời Lê trung hưng, khi hoà thượng Thuỷ Nguyệt thuộc thiền phái Tào Động đến trụ trì, chùa mới được xây dựng lại. Hoà thượng Thuỷ Nguyệt truyền cho Tổ đời thứ 2 là HT Tông Diễn tức Chân Dung. Các sư Tổ tiếp theo gồm: HT tăng thống Tĩnh Giác, HT Bản Lai, HT Đại Nguyên v.v..

Cổng chính chùa Hoè Nhai. Panorama Thang Bui ©2011

JPEG - 179.4 kb
Tấm bia ở hiên chùa Hòe Nhai. Ảnh ©2014 NCCong

Trong chùa hiện còn tấm bia dựng năm Chính Hòa 24 (1703), bi ký do tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1688) Hà Tông Mục soạn và được khắc lại vào thời Nguyễn, ghi rõ: “Phường Hòe Nhai, khu Đông Bộ Đầu, thành Thăng Long nước Đại Việt ta có ngôi chùa tên Hồng Phúc, men dòng Lô giang (tức sông Hồng) mà bao dòng Tô Lịch, chống non Tản mà chầu hướng thần cư. Phong cảnh hữu tình là nơi tinh khí hội tụ, từ xưa là nơi các bậc tăng già đại sĩ trụ trì khấn tụng...”.

Sử sách cho biết dưới thời Lê trung hưng các vua chúa thường đến chùa Hồng Phúc để lễ Phật và mời sư trụ trì vào cung giảng kinh. Đương thời, ngoài các kinh Phật, chùa Hòe Nhai đã từng cho in một số sách khác rất giá trị như:

  • “Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa” của Hương Chân Pháp Tính[1], được khắc in năm Tân Tỵ tức 1701 hoặc 1761, TS Ngô Đức Thọ cho là 1401 (?). Có lẽ đây là cuốn từ điển Hán—Việt cổ nhất. Dưới dạng thơ chữ Nôm giải thích 3394 mục từ chữ Hán, sách cho phép ta biết rất nhiều về tình trạng từ ngữ và phát âm của tiếng Việt vào khoảng thế kỷ 17—18.
  • “Hồng Nghĩa giá tư y thư”, một tác phẩm y học của danh y Tuệ Tĩnh, do hoà thượng Bản Lai khắc in năm 1719.
JPEG - 199.6 kb
Bản rập văn bia khắc năm 1703 ở chùa Hòe Nhai

Chùa Hòe Nhai xưa kia đã trải qua nhiều đổi thay, đặc biệt được trùng tu lớn vào năm 1687 và 1899. Mặt trước của tấm bia dựng năm 1703 còn cho biết: lần mở rộng quy mô chùa năm 1698 do một Ưu-bà-di từng làm bảo mẫu trong cung với thế danh Nguyễn Thị Phán, pháp hiệu Từ Dụ, đã đứng ra quyên góp công đức thập phương. Mặt sau bia có bài minh PHÚC DIỄN VÔ CƯƠNG 福 衍 無 彊 dài 160 câu ca ngợi bà cụ này.

Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (tháng 12-1946), chùa Hòe Nhai bị tàn phá nặng. Hội Phật tử Hà Nội đã thực hiện việc tái thiết và hoàn thành vào mùa xuân năm Kỷ Sửu (1949). Ngày 21-1-1989 Bộ Văn hóa đã xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Sang thế kỷ 21 chùa lại được trùng tu gần như hoàn toàn.

Sân trước chùa Hoè Nhai. Panorama Thang Bui ©2011

Kiến trúc

Chùa nhìn về đất Phật ở hướng tây. Tuy hiện nay diện tích còn lại của chùa không lớn nhưng mặt ngoài trông thoáng đãng với dãy tường hoa khá dài và các cổng ở trên mặt hai phố Hàng Than và Hoè Nhai. Khuôn viên bên trong mát mẻ, trang nghiêm, có nhiều cây hoa đẹp trồng dọc theo lối đi lại và các khoảnh sân nho nhỏ dưới những tán cổ thụ xanh tốt quanh năm.

JPEG - 218.3 kb
Cổng hậu chùa Hòe Nhai. Ảnh ©2015 NCCong

Ảnh vệ tinh cho thấy mặt bằng chùa Hoè Nhai có bố cục kiểu “nội Công ngoại Quốc”. Qua cổng chính trên phố Hàng Than, du khách bước vào một sân ngắn với các tháp mộ ở hai bên phía trước toà Tam bảo. Tiền đường, thiêu hương nối với hậu cung được xây theo hình chữ “Công”. Phía sau chính điện có nhà Tổ và trai phòng với các dãy hành lang bao bọc xung quanh. Ngôi chùa hiện nay có lẽ chỉ còn thiếu hồ sen và lầu chuông, gác trống so với mô tả trong tấm bia dựng năm 1703. Một khác biệt nữa là cổng cũ đã thay bằng một ngũ môn quan to hơn nhiều.

Lưu ý

Trong chùa có 28 bia đá, quý nhất là tấm bia dựng năm 1703 đã nói ở trên. Đối chiếu văn bia với chính sử, các nhà nghiên cứu đã xác định được vị trí Đông Bộ Đầu 東 步 頭 nơi diễn ra trận đánh ngày 29-1-1258 là tại khu vực bờ sông Hồng gần chùa Hòe Nhai. Trong trận này vua Trần Thái Tông đã đích thân chỉ huy cánh quân thủy, còn tướng tiên phong Trần Khánh Dư dẫn kỵ binh chủ động tấn công địch. Chiến thắng lẫy lừng Đông Bộ Đầu đã làm cho đội quân Nguyên của Ngột Lương Hợp Thai phải rút chạy về Vân Nam (Trung Quốc) chỉ 10 ngày sau khi tiến vào thành Thăng Long bỏ ngỏ.

Bên trong chính điện chùa Hoè Nhai. Panorama Thang Bui ©2011

Chùa có 36 pho tượng tròn, cổ nhất là tượng Cửu Long, còn gọi là Thích Ca sơ sinh. Năm 2006, nhân dịp UNESCO công nhận lễ Phật đản là một lễ hội tôn giáo thế giới, nhiều công trình văn hóa Phật giáo nổi tiếng khắp châu Á được nhắc đến, trong đó có pho tượng “Sám hối” tại chùa Hòe Nhai, với tạo hình đặc sắc và là độc nhất ở Việt Nam. Tác phẩm thể hiện một người đội mũ miện, mặc triều phục đang quỳ gối, hai bàn tay cung kính mở rộng úp trên mặt phẳng, đỡ lấy thân mình đang cúi sát đất và mang trên lưng một pho tượng Phật cao lớn trong tư thế ngồi kiết già toạ sen, tay bắt quyết. Có nguồn tài liệu cho biết chính vua Lê Hy Tông đã sai tạc tượng này để tỏ lòng sám hối của mình sau sự kiện thiền sư Tông Diễn vào kinh dâng vua hộp “Ngọc khai thị” (Ngọc mở mắt)[2].

JPEG - 26 kb
Bức tượng "Sám hối" ở chùa Hòe Nhai

Theo nhiều nhà nghiên cứu, khoảng năm 1678, vua Lê Hy Tông có lệnh buộc tăng ni phải lui về chốn núi rừng, thôn xóm vắng vẻ để hành đạo, không được ở kinh đô Thăng Long nữa. Nghe tin này, thiền sư Tông Diễn, bấy giờ đã đắc pháp ở chùa Vọng Lão trên Yên Tử, đã xuống núi đến kinh thành xin dâng vua một hộp “Ngọc khai thị”. Khi được triệu vào cung, sư dâng hộp lên thì bên trong chỉ có một tờ biểu kể rõ lợi ích của việc ứng dụng Phật pháp vào chính sự, nhằm đưa đến thái bình thịnh trị, cứu đời an dân, như đã từng thấy xưa kia ở thời Lý-Trần. Lợi ích này rõ ràng và tỏa sáng như một viên ngọc quý, tuy vô hình, nhưng không bị thời gian và lịch sử hủy hoại. Vua đọc xong bèn thỉnh thiền sư đến tham vấn, hỏi đạo. Được thiền sư giải đáp trôi chảy và nêu lên những báo ứng không tránh khỏi của tội hủy báng, ngăn trở hoặc bài xích Phật pháp, vua Lê Hy Tông đã tỉnh ngộ và sám hối.

Sân sau chùa Hoè Nhai. Panorama Thang Bui ©2011

Sân trước chùa Hoè Nhai có ba ngọn tháp ba tầng. Thành hội Phật giáo Hà Nội đã cho dựng tháp Ấn Quang kỷ niệm sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 11-6-1963 tại Sài Gòn để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo và chế độ gia đình trị của tổng thống Ngô Đình Diệm. Trong thượng điện còn giữ được nhiều bức chạm hình tứ linh và các cửa võng sơn son thếp vàng, một đài sen gốm thuộc loại quý hiếm của thế kỷ 16 với các hình trang trí hoa cúc, vân xoắn ở những cánh sen và một quả chuông mang niên hiệu Long Đức 3 (1734).

Di tích lân cận

Chú thích

[1] Lê Mạnh Thát xác định thiền sư Pháp Tính sống vào khoảng 1470—1550 và đồng ý với cách hiểu của Đào Duy Anh viết năm 1975, dẫn dụ câu thơ trong bài tựa sách là "Hồng Phúc danh Hương Chân Pháp Tính". Còn ý kiến khác của Trần Văn Giáp viết năm 1969, cho rằng "một vị túc tăng là nữ sĩ Pháp Tính, xuất gia tu Phật". Pháp Tính là đạo hiệu của Trịnh Thị Ngọc Trúc (1619—1643), chính cung Hoàng hậu của vua Lê Thần Tông.
[2] Theo một thuyết khác, pho tượng này được tạc theo điển tích vua Đế Thích (Indra) tình nguyện làm giường cho Phật Thích Ca ngồi thuyết pháp.

Bản đồ trực tuyến


Đông Tỉnh