Thứ 6 - Ngày 24/10/2014
CHÀO MỪNG QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE TRUNG TÂM XÚC TIẾN DU LỊCH THÁI BÌNH
- Di tích lịch sử
Đình Hiệp Lực

26/06/2014

    An Khê - mảnh đất cuối cùng phía Đông Bắc huyện Quỳnh Phụ, giáp với Hải Dương, Hải Phòng, nằm ven dòng sông Hóa, tựa mình bên dòng sông Luộc hiền hòa. Nơi đây, tồn tại và phát triển ghi nhận truyền thống văn hóa Cổ Việt, bảo lưu nhiều di tích Đền, Đình, Chùa… Đình Hiệp Lực thuộc thôn Hiệp Lực, xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ là một Di tích Lịch Sử - Văn Hóa cấp quốc gia được Nhà nước công nhận theo quyết định số: 1214/VHQG ngày 30 tháng 10 năm 1990.

       

         Làng Hiệp Lực, xã An Khê là làng ven sông có tên nôm là làng Nhảy, tên chữ là làng Đông Trang Lực thuộc phủ Ứng Hòa nay thuộc xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Phủ ứng hòa thiên thời Lý Trần và thời Lê Nguyễn, có một gia đình họ Lê tên là Lê Dương, vợ là Hoàng Thị Tích, ông Lê Dương làm quan triều đình, vợ ông bị bệnh mất sớm, ông cáo quan về nghỉ làm nghề cắt thuốc cứu dân.

        Một lần đi du ngoạn cảnh sông núi bốn phương, đến thôn Đông Trang Lực xã Phụ Phượng (tức thôn Hiệp Lực xã An Khê ngày nay), gặp người con gái Ả Lương đẹp người đẹp nết (con vợ chồng ông Trần Cung (Cự) và bà Lý Thị Toàn). Ông Lê Dương đem lòng yêu mến và lấy làm vợ. Ngày 10 tháng 8 năm Tân Mão vợ chồng ông Lê Dương sinh được người con trai đặt tên là Đô. Lê Đô 3 tuổi đã biết nói đủ điều, biết kính trên nhường dưới, 7 tuổi học giỏi, 12 tuổi sức học đã uyên thâm, thông thạo binh thư, lại thích cung kiếm.

         Khi Tô Định đem quân sang chiếm nước Âu Lạc, Hai Bà Trưng dựng cờ đại nghĩa, lúc đó Lê Đô liền triệu tập chiêu binh luyện võ. Các nơi đã nghe tin đó đến luyện cùng như huyện Tứ Kỳ thuộc tỉnh Hải Dương, Kiến Xương, Quỳnh Côi, Đông Quan, Hưng Hà ngày nay. Vì vậy ở nơi đây còn lưu lại một địa danh Trường võ. Đó là khu dất cao rộng trước có miếu thờ, đó là nơi tướng quân Lê Đô luyện quân sỹ, võ nghệ, cung kiếm, có lúc quân đông đến 10.500 quân.

        Trong hậu cung Đình Hiệp Lực còn thờ 01 đôi vồ tay, tương truyền đó là vũ khí của Đức Thánh thuở còn luyện tập võ nghệ. Sau khi luyện quân, đội ngũ hùng mạnh, ông đưa quân sỹ theo lời hiệu triệu của Hai Bà Trưng về Mê Linh nơi hai bà dựng cờ khởi nghĩa. Bà Trưng phong cho ông là Bản Quốc Thống Chế Đại Tướng Quân, ông chỉ huy các đại quân thủy bộ đến thẳng đồn giặc là Tô Định, đánh thắng nhiều trận lớn, thu phục 65 thành. Đất nước trở lại thanh bình, Bà Trưng mở tiệc khao quân mừng thắng trận, Lê Đô được Bà Trưng giao cho chấn giữ vùng đất Nghệ An quận Cửu Chân. Sau một năm ông được phong chức quan cao nhất lúc bấy giờ. Vì còn mẹ già, giữ đạo hiếu ông xin vua Trưng về quê dưỡng mẹ, vua y cho ông về quê. Ông khuyên dân chăm việc cày cấy, trồng dâu nuôi tằm, mọi người mến phục ông. Ông dựng cung điện ở hậu cung lúc bấy giờ. Ở đây được 3 tháng, vua Hán sai Mã Viện sang cướp nước ta, tin từ biên giới đưa về, Trưng Mỹ Vương lấy làm lo ngại liền triệu Lê Đô vào triều bàn kế chống giặc. Ông cầm quân đánh nhau với Mã Viện chưa phân thắng bại ở thế giằng co thì được tin mẹ ốm nặng, ông dâng biểu xin vua Trưng về thuốc thang trọn vẹn mẫu tử. Vua y cho ông về quê chăm sóc mẹ nhưng không may vì bệnh hiểm nghèo, thân mẫu qua đời, ông an táng mẹ ở cung điện. Lúc đó Bà Trưng đã rút về Cẩm Khê vì thế giặc mạnh. Ông đem quân đi giải vây cho vua, tới nơi hai chị em Bà Trưng đã gieo mình tự vẫn trên sông Hát Giang. Thấy vậy, ông cũng trẫm mình tự vẫn giữ trọn đạo vua tôi vào ngày 02 tháng chạp. Nhân dân làng Hiệp Lực tưởng nhớ đã dựng đình thờ ông nơi cung điện.

         Như vậy đình Hiệp Lực là nơi tôn thờ hai mẹ con một danh tướng của Hai Bà Trưng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Hán, đó là tướng quân Lê Đô và mẹ là Trần Thị Ả Lương người làng Hiệp Lực, bố là Lê Cung người Trang Nhân Mục (Hà Sơn Bình)

Trong quá trình nghiên cứu ngôi mộ cổ tìm thấy ở Cống Xi, hộp sọ và ngôn ngữ còn bảo lưu ở đây đã khẳng định: Lớp người cư dân đến khai phá lập làng tại Hiệp Lực ngày nay có gốc chủng tộc Nam Á vùng biển. Những cơ sở trên góp phần lý giải sự tồn tại của Thần phả về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng có sự tham gia của con người Đông Trang Lực tức Hiệp Lực ngày nay, gắn liền với ngôi đình thờ Lê Đô tướng quân và thân mẫu cùng với ngôi đền thờ Bát Nạn tướng quân là hợp lý.

Đây là con người có công chiêu mộ binh sỹ tại phía đông nam huyện Chu Diên (vùng sình lầy ven sông Hóa) cùng nhân dân cả nước bảo vệ Tổ quốc buổi đầu công nguyên. Ông là một người trung hiếu vẹn toàn là tấm gương giáo dục về nhân cách đạo đức cho thế hệ hôm nay và mai sau.

            Theo thần tích của ngôi đình đến thế kỷ thứ VI trong cuộc kháng chiến chống quân Lương, Lý Bí đã đi qua nơi đây đã nghỉ tại Trường võ và vào thắp hương trước cung điện khi ra trận và được sự giúp sức của Lê Đô, vì vậy trong đình còn lưu giữ bức đại tự (Linh dực Trưng Vương, âm phù Lý Đế).

      Thời trần thế kỷ 13 Trần Nhân Tông đánh giặc Ô Mã Nhi đi qua đây vào cầu đảo cũng rất linh ứng (sắc phong và ấn tín của Trần Đại Vương là bảo vật trong đình Hiệp Lực còn lưu giữ). Như thế có thể nói rằng đình Hiệp Lực có khá sớm.

       Lê Đô lúc sinh ra giúp Bà Trưng dựng nước chống giặc ngoại xâm. Lúc mất giúp Lý Bí, Trần Nhân Tông đánh giặc nên đã được phong: “Đông Trang Hiển Thánh” trên bức đại tự trong đình. Cũng vì công trạng của Lê Đô tướng quân từ buổi đầu công nguyên nên 5 sắc phong của các triều đại còn lưu giữ.

          Đình Hiệp Lực là di tích lịch sử rất có giá trị, là tư liệu nghiên cứu về địa bàn hoạt động của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng cũng như lịch sử hình thành làng xã, hình thái kinh tế, phong tục tập quán của con người buổi đầu công nguyên trên đất Thái Bình và còn là tư liệu để đi tới khẳng định vị trí vai trò của mảnh đất con người Thái Bình trong buổi đầu xây dựng nước và giữ nước của dân tộc.

        Với ý nghĩa tưởng niệm người có công với đất nước, với dân làng, hàng năm nhân dân nơi đây tổ chức lễ hội tại ngôi đình thờ tướng quân Lê Đô vào những ngày như sau:

- Ngày 10 tháng 08 âm lịch: Ngày sinh của Lê Đô tướng quân, ngày đó là lễ gà biểu tượng Đầu Phượng uy nghi nói nên công trạng của người trung với vua thể hiện qua bức đại tự trong nơi thờ là “Chí trung đại nghĩa”.

- Ngày 02 tháng chạp âm lịch: Ngày mất của tướng quân Lê Đô là ngày lễ cá nướng và xôi, nói lên sự chăm lo đến đời sống của nhân dân ngoài việc đao binh của người.

- Ngày 06 tháng 02 âm lịch: Là ngày sinh của thân mẫu là ngày lễ lợn, nói lên sự quan tâm của người mẹ một lòng vì con, mổ lợn khao quân, qua bức cuốn thư chính (Khâm Anh Phong) đã nói nên điều đó.

- Ngày 04 tháng 01 âm lịch: Ngày mất của thân mẫu là ngày lễ bánh dày, bánh chưng. Thể hiện sự khao khát độc lập tự do của nhân dân bản sự chống giặc ngoại xâm.Vì vậy dân gian nơi đây có câu: ‘‘Gái tháng hai, trai tháng tám’’.

        Trong lễ hội có các trò chơi: chọi gà, đu dây, vật võ, múa bát dật, kéo chữ, đua chải, đấu gậy, hát đối, hát ống…Có lẽ vì thế di tích lịch sử văn hóa Đình Hiệp Lực là niềm tự hào của nhân dân xã An Khê. Đến với An Khê du khách không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của di tích mà còn cảm nhận được vẻ đẹp anh hùng Đất và Người An Khê trong công cuộc chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước. Chính vì vậy xã An Khê đã được Đảng và nhà nước phong tặng: “Xã anh hùng lực lượng vũ trang trong công cuộc chống Mỹ cứu nước”.

Đức Ngọc (sưu tầm)
 
Bản quyền thuộc Trung tâm xúc tiến du lịch Thái Bình
Địa chỉ: 194 Hai Bà Trưng - Thành phố Thái Bình
Mọi chi tiết xin liên hệ: Tel: 0363.645.806
Email: dulichthaibinhtb@gmail.com