Lời BBT: Bia Thủy Môn Đình được tạo tác năm Cảnh Trị thứ 8 (1670), đời vua Lê Huyền Tông có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc biệt của Lạng Sơn cũng như của cả nước. Đây là một trong số rất ít các di vật có minh văn xác nhận danh từ "Việt Nam" với hàm nghĩa chỉ tên gọi Quốc gia/dân tộc Việt Nam đã xuất hiện trước năm 1804. Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng độc giả bảo vật Quốc gia này của tỉnh.
Bia Thủy Môn Đình là bảo vật Quốc gia đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn hiện đang lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
Bia do ông Nguyễn Đình Lộc - một viên quan triều Lê hưng công tạo dựng tại đình Thủy Môn (xứ Đồng Đăng, châu Văn Uyên) vào năm Cảnh Trị thứ 8 (1670), đời vua Lê Huyền Tông. Dòng họ Nguyễn Đình của ông vốn là một trong bảy dòng họ thổ ty nổi tiếng nhất của Xứ Lạng – thường gọi là “thất tộc thổ ty". Theo gia phả và sự tích các thổ ty, gốc gác của dòng họ Nguyễn Đình ở huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, tỉnh Nghệ An. Ông tổ Nguyễn Công Thắng - do có công theo Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn lập nhiều công trạng nên sau chiến thắng quân Minh, được Lê Thái Tổ phong tước, cử lên trấn giữ biên ải Lạng Sơn, lấy vùng đất Uyên Cốt (tổng Uyên Cốt, - xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng ngày nay) làm quê quán. Đời nối đời, con cháu dòng họ Nguyễn Đình đã kế tục nhau trấn giữ, bảo vệ cửa ải biên cương đất nước. Đến đời Nguyễn Đình Lộc, mới ngoài 20 tuổi đã được phong chức Đô Tổng Binh sứ Ty, Bắc quân Đô đốc phủ, hữu Đô đốc, Thao quận công - làm nhiệm vụ trông coi, trấn giữ vùng biên giới Lạng Sơn và tiếp đón các sứ thần của hai nước Việt Nam, Trung Quốc. Đây là một trọng trách hết sức lớn lao đối với một người trẻ tuổi. Đình Thủy Môn chính là nơi làm việc của các phiên thần họ Nguyễn.
Khi làm việc ở đây, ông nhận thấy nhân dân bản xứ chưa thực sự đoàn kết, còn tranh giành kìm hãm nhau, nha lại tự tung tự tác, mỗi người một phách... Với trọng trách được giao, ông đã hết sức khuyên giải mọi người, bắt tay vào giải quyết mâu thuẫn, ổn định tình hình, đưa mọi việc vào phép tắc. Từ đó, mâu thuẫn được giải quyết, phong tục dần ổn định, thế sự cải đổi theo chiều hướng tốt đẹp. Sau này, khi mọi việc yên ổn, ông hưng công lập bia ghi lại những việc đã làm để truyền cho đời sau, nhắc nhở con cháu biết đoàn kết, gìn giữ phát huy truyền thống dòng họ để chung tay bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
Khi đình Thủy Môn bị hư hỏng trở thành phế tích, tấm bia này vẫn nằm ở địa điểm cũ của ngôi đình nhưng đã bị đổ, rời khỏi phần đế bia. Năm 1971, một chuyên viên Bộ Ngoại giao ở Hà Nội đi công tác từ Nam Ninh (Trung Quốc) về qua đây có nhìn thấy tấm bia và biết được nội dung của tấm bia, trong đó có hai chữ "Việt Nam".
Tháng 4 năm 1991, ông Nguyễn Phúc Giác Hải có bài viết "Tên gọi Việt Nam có từ bao giờ?" đăng trên tạp chí Người đại biểu Nhân dân công bố quá trình nghiên cứu lịch sử tên gọi "Việt Nam". Theo đó, tên gọi "Việt Nam" xuất hiện sớm nhất vào thế kỷ XVI chứ không phải đến thời Nguyễn (năm 1804) mới có. Ông đã chứng minh nhận định của mình bằng thư tịch cổ, các di vật có sự xuất hiện của hai chữ "Việt Nam" từ năm 1804 trở về trước. Lúc này, đồng chí chuyên viên Bộ Ngoại giao kể trên liền cung cấp cho ông thông tin về tấm bia có hai chữ "Việt Nam" tại Đồng Đăng, tạo tác năm 1670. Ngay sau đó, ông Nguyễn Phúc Giác Hải đã cùng ông Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học), ông Hoàng Giáp (Viện Nghiên cứu Hán - Nôm) lên Đồng Đăng tìm lại tấm bia. Bia được được phát hiện trong một bụi cây tại sườn đồi Phja Mạt - phía bên phải Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn lên Đồng Đăng (thuộc khu Vườn Sái, Thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), cách đường Quốc lộ 1A cũ khoảng 50m (1).
Sau khi dập, dịch nội dung tấm bia, nhận thấy tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của di vật (có chữ "Việt Nam" ở ngay phần đầu của tấm bia) - được sự đồng ý Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, tháng 5 năm 1991, Bảo tàng Tổng hợp Lạng Sơn (nay là Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn) đã đưa bia về Bảo tàng để gìn giữ, phục vụ nghiên cứu, trưng bày. Tại địa điểm tìm được tấm bia đã dựng phiên bản của tấm bia này để phục vụ tham quan, nghiên cứu. Điểm di tích này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn xếp hạng di tích Lịch sử Văn hóa cấp Tỉnh tháng 10 năm 2002 theo quyết định số 41/2002/QĐ-UB.
Hai chữ "Việt Nam" trên bia Thủy Môn Đình
Bia Thủy Môn đình được làm từ đá núi, chế tác công phu - mang đặc trưng điển hình của nghệ thuật tạo hình thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII). Bia có kích thước khá lớn: cao 130cm, rộng 84cm, dày 23 cm. Trán bia hình bán nguyệt, phần chính giữa mặt trước trang trí chạm nổi hình mặt trời, có các đao mác tỏa xung quanh. Thân bia dẹt, hình khối hộp chữ nhật. Bia có chân mộng hình chữ nhật (dài 60 cm, rộng 20 cm, dày 17 cm) liền với thân dùng để lắp khớp vào đế bia.
Mặt trước bia, phần trên của thân bia ghi tên bia viết bằng chữ Hán, theo kiểu đại tự, bố trí theo chiều ngang: "Thể tồn bi ký" (Bia gìn giữ bảo tồn truyền thống tộc họ). Hai bên dòng chữ này là hình đôi chim phượng trong tư thế nhìn nghiêng đang sải cánh, hình dáng, kích thước giống hệt nhau chầu vào.
Dọc hai bên thân bia có đôi câu đối với nội dung:
Phiên âm: "An trấn Thủy Môn đình đình tiền thủy lục
Tỏa thược Thiên Nam giới giới hạn thiên thư"
(Dịch nghĩa: Gìn giữ đình Thủy Môn
trước đình đường quanh suối lượn
Khóa chặt ải Nam Quan
quan ải phân định sách trời)
Ngay dưới đôi câu đối này trang trí chạm nổi hình đôi hạc (cao 40cm) trong tư thế chân dứng thẳng, đầu ngẩng cao, mỏ ngậm cành sen đứng trên lưng rùa, đối xứng nhau - tượng trưng cho sự trường tồn, bền vững. Lòng bia khắc bài ký (chữ Hán) với chủ đề chính là "Liên kết để tồn tại". Nguyễn Đình Lộc đã ghi lại những việc đã làm đúng đắn, tốt đẹp của mình để đoàn kết các tầng lớp nhân dân chung tay chung sức bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Ngoài ra, lòng bia còn ghi tên, chức vị của ông cùng vợ và các con và thời gian tạo dựng bia (lạc khoản). Chữ viết trên bia theo kiểu chữ Chân, nét mảnh, khắc hơi nông, chia làm 25 cột/dòng. Bài ký trong văn bia được viết theo lối tự sự, hành văn khúc chiết, hào sảng; ngôn ngữ chọn lọc, súc tích, giàu hình ảnh, vần điệu. Nội dung chứa đựng giá trị nhân văn cao cả, thấm đẫm tư duy, đạo lý truyền thống, có sức lay động lòng người. Sát chân bia trang trí một băng hoa văn cúc dây mềm mại.
Bia Thủy Môn Đình hiện đang lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn
Mặt sau của bia tạo tác khá đơn giản, chỉ có chữ mà không có hình trang trí. Chính giữa thân bia khắc chữ Hán viết theo lối đại tự, bố trí theo chiều dọc: "Thủy Môn Đình" (Đình Thủy Môn). Bên cạnh ghi tên những người công đức dựng bia.
Hai mặt bên của tấm bia có các hình trang trí chạm nổi: bên trái là hình rồng chầu, bên phải là hình hổ phục, đều được bố cục trong một khung bo hình chữ nhật. Hai linh vật này đều được tạc ở tư thế động, có đuôi hướng lên trên, dáng vẻ uy nghi, dũng mãnh. Xung quanh điểm xuyết hình mây dạng đao lửa.
Bia Thủy Môn Đình là một trong số những tấm bia thể khối được tạo tác đẹp nhất của Lạng Sơn hiện còn. Điều làm nên giá trị đặc biệt của tấm bia chính là nội dung văn bia chứa đựng thông tin, tư liệu vô cùng quý giá về tên gọi, chủ quyền lãnh thổ của đất nước ở nơi địa đầu Tổ quốc. Theo các nhà nghiên cứu, bia Thủy Môn Đình là một trong số rất ít những di vật ở nước ta có hai chữ "Việt Nam" với ý nghĩa như danh xưng của đất nước từ trước năm 1804 hiện còn.
Trong văn bia có câu: "Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan". (Có nghĩa là: Đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam, là ải quan trấn giữ phương Bắc).
Hai chữ "Việt Nam" trong tấm bia này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng chứng minh tên nước Việt Nam đã có từ sớm, chứ không phải như một số tài liệu cho rằng, tên nước Việt Nam mới xuất hiện từ thời nhà Nguyễn - sau khi vua Gia Long (Nguyễn Ánh) lên ngôi năm 1802, thống nhất đất nước mới đổi Quốc hiệu là Việt Nam vào năm 1804. Hơn nữa, hai chữ này lại xuất hiện ở ngay phần đầu của tấm bia được dựng bởi Bắc quân Đô đốc xứ Lạng Sơn, thể hiện rõ ý nghĩa về danh xưng/ tên gọi "Việt Nam". Văn bia còn nêu rõ vị thế trọng yếu của vùng đất Lạng Sơn. Thời Hậu Lê, Nguyễn Trãi từng xác định, Lạng Sơn "là phên dậu thứ ba về phương Bắc" của nước ta (Dư địa chí) nhưng đây là lần đầu tiên có một tấm bia gần biên giới chỉ rõ vùng đất này là nơi cửa ngõ, yết hầu, là ải quan trấn giữ phương Bắc của nước Việt Nam. Điều này, các sách chính sử trước đó chưa từng ghi chép (2). Ở đây, ta như bắt gặp âm hưởng hào hùng của bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” khi Nguyễn Đình Lộc khẳng định chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc bằng vế đối “Khóa chặt ải Nam Quan, quan ải phân định sách trời”.
Bia Thủy Môn Đình dựng ở nơi cửa ngõ của đất nước (chỉ cách cửa khẩu Hữu Nghị ngày nay 2 km), là bằng chứng hùng hồn khẳng định tinh thần, trách nhiệm và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước của hững con người sống ở nơi địa đầu Tổ quốc; góp phần quan trọng trong việc xác định nguồn gốc và tên gọi của Tổ quốc ta trong diễn trình phát triển của lịch sử. Đây cũng là tư liệu quý, giúp cho việc nghiên cứu lịch sử, hệ thống quản lý hành chính ở nước ta nói chung và Lạng Sơn nói riêng dưới thời quân chủ chuyên chế; vai trò của các dòng họ thổ ty trong sự nghiệp bảo vệ biên cương đất nước. Thật không quá khi một số người đã ví bia Thủy Môn đình như một bản hùng ca của đất nước.
Đáp ứng đủ các tiêu chí của một bảo vật Quốc gia theo quy định của luật Di sản Văn hóa - bia Thủy Môn đình đã được Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn lập hồ sơ khoa học, trình các cấp có thẩm quyền đề nghị công nhận bảo vật Quốc gia. Ngày 14/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 53/QĐ-Ttg công nhận bảo vật quốc gia đợt 3 đối với 12 hiện vật và nhóm hiện vật – trong đó có bia Thủy Môn đình. Đây là bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn, một trong 79 bảo vật quốc gia (tính đến nay) của đất nước. Bia Thủy Môn đình xứng đáng là niềm tự hào lớn của di sản văn hóa Xứ Lạng và dân tộc./.
Bài và ảnh: Chu Quế Ngân
Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn