Nơi thờ cúng Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt thường được gọi là Lăng Ông, Lăng Quan Lớn Thượng, Lăng Ông Bà Chiểu. Nơi đây bao gồm cả lăng mộ lẫn miếu thờ Ngài, đã từng được coi là trung tâm hành hương thu hút đông đảo khách thiện tín, đã được chính phủ liệt vào hàng cổ tích và được mệnh danh là thắng cảnh tiêu biểu cho vùng Sài Gòn-Gia Định.
Lăng miếu Đức Thượng Công tọa lạc trong một khuôn viên rộng và đẹp. Tới đây khách vãng lai sẽ được chiêm ngắm những công trình kiến trúc, trang trí mĩ thuật phong phú và độc đáo.
I. VỊ TRÍ LĂNG ÔNG
Cổng tam quan Lăng Ông Bà Chiểu
Lăng Ông nay tọa lạc trên một khu đất rộng gần 2 mẫu Tây (18.502m2), nằm sát cạnh Hội Đồng xã Bình Hòa, phía Nam tòa hành chánh tỉnh Gia Định. Bắc giáp đại lộ Chi Lăng dài 100m, Nam giáp đường Châu Văn Tiếp dài 78m, Đông giáp đường Trịnh Hoài Đức dài 160m, Tây giáp đại lộ Lê Văn Duyệt dài 160m.
Thực ra khu lăng miếu ngày nay chỉ còn chiếm một lô đất nhỏ, sánh với toàn thể giải đất từ cầu Bông trở lên do vua Tự Đức đã cấp cho làng Bình Hòa năm 1860 để làm của hương hỏa mà lo việc thờ cúng Đức Thượng Công.
Giải đất hương hỏa kể trên rộng 161.589m2, xưa chung quanh là những con rạch nhỏ bao bọc. 30 năm trước, phía hữu lăng miếu có 3 hồ nước trồng sen làm tăng vẻ đẹp cho cả khu.
Khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông, làng Bình Hòa không còn được thu huê lợi của hơn 16 mẫu đất ấy để lo việc thờ cúng nữa. Người Pháp còn cho làm con đường chẻ đôi giải đất chạy từ cầu Bông tới tòa hành chánh tỉnh Gia Định ngày nay. Song tới ngày 23 tháng 3 năm 1882, người Pháp trao trả giải đất này lại cho xã Bình Hòa để lo việc thờ cúng Đức Thượng Công (2), nhưng xã Bình Hòa thâu huê lợi và sung vào qũy của xã. Hội Thượng Công Qúy Tế, thành lập năm 1914, đã đặt vấn đề khu đất hương hỏa phụng tự Đức Thượng Công với Hội đồng xã Bình Hòa, nhưng vẫn không đi tới đâu.
Ngày nay, giải đất hương hỏa vua Tự Đức cấp cho việc thờ cúng Đức Thượng Công đã bị dân chúng chiếm ngụ kín hết; trong đó có cả một số công sở, như: Ty Y Tế Gia Định, Trường Huấn Nghệ, Trụ sở Hội đồng tỉnh Gia Định, cơ sở Dân Vận Chiêu Hồi, truờng nữ trung học Lê Văn Duyệt.
Riêng 2 ngôi mộ của 2 cô hầu của Ngài Tả Quân nay vẫn còn tồn tại: một ở trong khu quân sự phía Tây lăng miếu, một ở bên kia đường Trịnh Hoài Đức, đối diện với cửa Đông lăng miếu. Ngày nay ít ai biết tới 2 ngôi mộ này, mặc dù cả 2 đều cũng được liệt hạng cổ tích.
II. KHUÔN VIÊN LĂNG ÔNG
Khắp vùng Sài Gòn-Gia Định, khó tìm thấy một nơi thờ cúng nào có khuôn viên rộng rãi và đẹp đẽ như tại Lăng Ông bà Chiểu.
Nếu đi vào Lăng Ông từ cửa Nam trên đường Châu Văn Tiếp, khách sẽ đi qua một sân xi măng rộng 312m2, có tường bao quanh cao 1m, và sẽ đứng trước Cổng Tam Quan nổi tiếng.
Cổng Tam Quan xây năm 1949, là một công trình kiến trúc rất mĩ thuật. Cổng lợp mái ngói âm dương, 2 tầng, có cột vuông chống đỡ, các cánh cửa hình chữ ‘song hỉ’ bằng sắt sơn màu đỏ. Chính giữa là 3 đại tự: Thượng Công Miếu (chữ nho). Kề bên phía trước là 6 cây thốt nốt cổ thụ rủ lá phủ lên mái Cổng Tam Quan tạo nên một đề tài mĩ thuật hấp dẫn các họa sĩ, các nhiếp ảnh gia. Từ lâu, Cổng Tam Quan đã trở thành hình ảnh tiêu biểu cho Sài Gòn-Gia Định.
Qua Cổng Tam Quan, khách bước vào Huê Viên bao quanh bởi bức tường xây năm 1948, dài 500m, cao 1m20. Sát tường trồng bông giấy, cắt xén bằng phẳng. Tường bao quanh này có 4 cửa ra vào: ngoài Cổng Tam Quan ở phía Nam, còn có cửa Đông, cửa Tây và cửa Bắc. Các cánh cửa hình chữ Thọ bằng sắt, sơn toàn màu đỏ. Trong Huê Viên, khách bước đi trên những lối đi tráng xi măng hay lát đá chạy giữa những bồn cỏ xanh tươi, mát mắt. Hai bên lối đi trồng nhiều loại cây cảnh. Giữa những bồn cỏ cũng trồng những cây cảnh đủ màu sắc, cắt tỉa theo hình tháp nhọn, hình tròn hoặc hình chim, thú; chính giữa trổ lên một trụ đèn mắc 3 ống đèn điện dài. Để bảo vệ nạn ‘hái lộc’ làm hư cây cảnh, hằng năm, tới Tết Nguyên đán, Ban quản trị phải trưng sẵn hàng trăm chậu hoa để dân chúng ‘hái lộc’. Ngoài ra, Huê Viên Lăng Ông còn có nhiều loại cây to lớn, tàn lá xum xuê che mát khắp nơi: Ngay phía trong Cổng Tam Quan là 2 bụi trúc và rải rắc khắp Huê Viên có những cây me Tây, phượng vĩ, thốt nốt, dương liễu, kim điệp, bằng lăng, dầu, gồi, giá tị, điệp, gỏi, dừa. Cũng ngay bên trong Cổng Tam Quan đặt 2 khẩu súng thần công, đầu súng hướng ra ngoài. Đây là kiểu thần công đời Gia Long, do hãng đúc Nguyễn Trí Độ tặng vào năm 1964 nhân kỉ niệm 50 năm thành lập Hội Thượng Công Qúy Tế.
Ngoài khu lăng mộ và khu miếu thờ ra, còn một số căn nhà phụ, như nhà gửi xe cạnh cửa Đông, Ty Bưu điện tại góc Đông Bắc (nay nhà vẫn còn, nhưng Bưu điện đã dời đi nơi khác), dẫy nhà trệt bỏ không nằm cạnh Ty Bưu điện dài 13m rộng 6m, và lầu kho xây cất lại vào năm 1961, gồm có 2 tầng: tầng trệt làm kho dụng cụ, tầng lầu làm rạp hát hoặc làm hội trường thuyết pháp và làm lễ tế chiến sĩ. Mặt tiền của tầng lầu được trang trí bằng những tấm cửa sắt uốn hình điểu, thú, hoa, lá và sơn toàn màu đỏ rất mĩ thuật. Tiếc rằng tầng lầu hơi cao, nên đứng từ dưới sân, khách vãng cảnh khó nhìn thấy rõ những nét mĩ thuật trang trí.
Trong khuôn viên còn có bàn thờ Hậu Thổ nằm sát cạnh phía Đông khu mộ phần Đức Thượng Công. Bàn thờ Hậu Thổ là một tấm liếp vuông mỗi cạnh 2m, cao 0m.50, trên tấm liếp là bàn thờ hình miếng khánh cao 0.m80 đắp nổi 2 đại tự Hậu Thổ (chữ nho). Cũng như người Trung Hoa, người Việt tin mỗi khu đất đều có vị Thổ Thẩn làm chủ. Muốn xây nhà cửa hay chôn cất, trước hết phải sắm sửa lễ vật dâng cúng để xin phép Thổ Thần. Nếu không, Thổ Thần sẽ nổi giận, như thế rất có hại cho thợ xây cũng như cho người vào ở trong nhà mới. Trường hợp chôn cất ông bà cha mẹ mà không xin phép Thổ Thần thì con cháu sẽ mất phần phúc đức của ông bà cha mẹ. Có lẽ đó là lí do có bàn thờ Thổ Thần trong khuôn viên Lăng Ông. Ngày nay, cứ mỗi lần cúng tế Đức Thượng Công, ban cúng tế không quên dâng lễ vật cho Thổ Thẩn, còn khách thiện tín hằng ngày vẫn nhang khói cho bàn thờ này.
Góc Tây Bắc khuôn viên còn được trang trí một cái đảnh (đỉnh) rất đẹp gọi là Đảnh Hòa Bình. Đảnh Hòa Bình xây dựng năm 1956, bằng xi măng, cao 0.m80, đặt trên cái bệ cao 1m, hướng ra đại lộ Chi Lăng-Lê Văn Duyệt. Những dòng chữ đắp nổi trên mặt đảnh nói lên mục đích của việc xây dựng : ‘Đảnh Kỷ Niệm Hòa Bình Năm Giáp Ngọ (1954) Do Đức Thượng Công Báo Trước Trong Linh Sám’. Đến năm 1966, Hội Thượng Công Qúy Tế xây thêm khải hoàn môn với mục đích trang trí cho Đảnh Hòa Bình. Khài hoàn môn kiến trúc với 4 cột xi măng vuông, trên đỉnh mỗi cột là một nụ sen, ở giữa có quả cầu.
III. LĂNG ÔNG
Khách vãng lai bình thường khi đứng trước mộ phần Đức Thượng Công sẽ chỉ thấy ngôi ‘mộ song hồn’ tương đối bề thế, nhưng cổ kính và ảm đạm. Nhưng với một người muốn nghiên cứu học hỏi thì nơi ngôi mộ cỏ vẻ ‘trầm mặc trơ gan cùng tuế nguyệt’ này chứa đựng một lịch sử với nghi án của nó; thêm vào còn có cả vấn đề phong thổ của khoa địa lí, vấn đề phong tục luật lệ và những giá trị trang trí mĩ thuật.
Theo học giả L.Cadière, Lăng dành riêng để gọi phần mộ các vua chúa, của bà vợ đầu tiên của vua hoặc của bà phi sinh ra hoàng thái tử (như trường hợp mẹ vua Minh Mạng). Mộ phần của các hoàng tử, công chúa, các phi tần thì gọi là Tẩm. Các nơi chôn cất khác chỉ gọi là Mộ (3). Nhưng có lẽ vừa vì lòng kính trọng, vừa vì ưa đơn giản mà dân miền Nam gọi mộ phần của một số công thần danh tiếng thời nhà Nguyễn trung hưng là Lăng, như: Lăng Phú Trung (Võ Di Nguy), Lăng Nguyễn Văn Học (?), Lăng Phú Thành (Trương Tấn Bửu), LăngTả dinh Lê Văn Phong, Lăng Cha Cả (giám mục Bá Đa Lộc), Lăng Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng (cha của Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức)…và Lăng Ông, tức là mộ phần Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt tại ngã ba Bà Chiểu.
A.NGHI VẤN VỀ SỰ XÁC THỰC NGÔI MỘ:
Sau cuộc khởi loạn năm 1833 của Lê Văn Khôi, ngôi mộ của Đức Thượng Công bị gia hình, có dư luận cho rằng thân tín của Đức Thượng Công đã lén lút di hài cốt Ngài đi nơi khác. Riêng ông Huỳnh Minh trong sách Gia Định Xưa Và Nay thì lại bảo hình hài chôn cất tại Lăng Ông Bà Chiểu làm bằng sáp, còn thi thể thật của Đức Thượng Công táng ở làng Long Hưng, Định Tường (4).
Theo thiển ý, một khi lịch sử đã ghi rõ ràng mộ phần Đức Thượng Công ở vị trí Lăng Ông hiện nay đã bị án phạt bạt phẳng ngang mặt đất và dựng trụ đá hài tội thì không thể nghi ngờ nhục thể Đức Thượng Công được an táng ở một nơi nào khác (5). Bởi vì như thế là làm trái lệnh nhà vua, tức là phạm tội khi quân. Tội khi quân không phải là tội nhỏ.
Vả lại ông Huỳnh Minh ra sách Gia Định Xưa Và Nay vào năm 1973 và các người ông tiếp xúc để hỏi về lịch sử ngôi mộ cũng chỉ là các bô lão ở thời điểm 1973. Đang khi đó, cách nay gần một thế kỉ, ông J.Silvestre đã viết: ‘Lê Văn Duyệt được chôn cất tại Bình Hòa Xã, gần Sài Gòn, nhưng có vài người kể rằng còn có những lễ an táng đã được cử hành ở 2 nơi khác: ở Ông Hổ, trên Rạch Gầm, nơi người ta nói là chỗ Duyệt sinh ra, và ở Giồng Ông Tố, trên Nhà Bè một ít. Trong 2 nơi chôn cất sau này người ta đã chôn hình tượng Đức Thượng Công bằng sáp. Năm 1880, tại Bình Hòa, chúng tôi đã phỏng vấn cụ Nguyễn Trọng Phương, 86 tuổi, người đã từ 10 năm phục dịch đặc biệt Tả quân Duyệt trong thành Sài Gòn khi xẩy ra cái chết của Ngài, cụ đã quả quyết rằng thi thể Quan Tổng Trấn chôn ở Bình Hòa, trong di tích kỉ niệm mà mọi người dân Sài Gòn đều biết. Người ta cũng an táng phu nhân Ngài (chính thất) ở đó; còn các ngôi mộ khác, cụ Phương chưa hề nghe nói tới (6). Trong một chú thích khác J.Silvestre còn viết thêm: ‘Thánh Giêng năm 1881, theo lời chúng tôi yêu cầu, một người bạn đã về Long Hưng (chợ Ông Hổ, trên Rạch Gầm) để tìm những phần mộ vinh dự của Lê Văn Duyệt. Ông Chánh và Phó Tổng An Bỉnh cũng dự vào việc này và họ đã hỏi một số bô lão còn giữ kỉ niệm về “Ông Thượng’. Đó là tiếng người ta quen gọi Ông Duyệt, nhưng chẳng ai biết có lễ an táng nào khác hơn là lễ an táng ở Bình Hòa. Ở đó, chỉ có mộ phần gia đình Đức Thượng Công mà thôi’ (7).
Vậy chắc chắn thi thể Đức Thượng Công đã an nghỉ tại mộ phần hiện nay ở Lăng Ông Bà Chiểu. Ngôi mộ này có ngay từ năm 1832 là năm Đức Thượng Công từ trần và được tái thiết từ khi vua Tự Đức cho phép trùng tu vào năm 1849. Năm 1937, chính quyền cho xây hàng rào bên ngoài lăng mộ.
Sau vụ án Lê Văn Khôi ít lâu, phu nhân Đức Thượng Công là Đỗ Thị Phận buồn rầu quá cũng qua đời và được an táng cạnh Đức Thượng Công, cho nên người ta gọi đây là Mộ Song Hồn.
B.VỊ TRÍ NGÔI MỘ
Người Việt cũng như người Trung Hoa thường tin vào khoa địa lí. Khi tìm nơi cư ngụ, địa điểm làm ăn hay vị trí chôn cất, người ta phải chọn cho được thế đất ‘đắc địa’ mới mong được an lành, thịnh vượng, nếu không sẽ gặp xui xẻo, tai ương, khánh kiệt.
Theo khoa này, vũ trụ chi phối mặt đất rất chặt chẽ. Các vì tinh tú, các chòm sao được mô phỏng lại trên mặt đất: núi là mô phỏng các chòm sao, ao hồ là các tinh vân, biển là ngân hà. Những vì tinh tú đó cùng với khí thiên nhiên tạo nên ảnh hưởng tuyệt đối nơi các thế đất. Nhà Việt Nam học L.Bezacier nói: ‘Khí thiên nhiên gồm có khí hút (hít vào) là khí phát sinh, là khí sống, và khí xông lên (thở ra) là khí suy vi, khí tàn phá các sự vật, khí giết các sinh vật’ (8). Những sinh vật nằm trong vùng sinh khí thì rất tốt, còn kẻ chết chôn ở chỗ đặc biệt trong vùng sinh khí sẽ gây ảnh hưởng tốt cho con cháu. Hai khí thiên nhiên này biểu hiện trên mặt đất bằng những chỗ lồi lõm. Người ta còn gọi hai thứ khí thiên nhiên ấy là Thanh Long và Bạch Hổ. Hễ nơi nào có Long thì cũng có Hổ và điều kiện vị trí địa lí tốt phải có sự kết hợp như sau: tả Thanh long hữu Bạch Hổ. Nơi thuận lợi ở gần con rồng là nơi có nhiều sinh khí, nhất là miệng rồng. Càng xa về phía cuối thân rồng, sinh khí càng bớt đi. Tuy nhiên, nơi thuận lợi để an táng không chỉ xác định do sự hiện diện của con rồng và con hổ mà còn phải căn cứ vào sự xem xét những chỗ lồi lõm, những điềm chỉ và ý nghĩa những điềm chỉ. Những thế đất phải tránh như: thế đất hình bàn tay giao nhau sẽ đem tới sự chết cho con đầu lòng, thế đất hình cồn cát vây quanh mộ phần sẽ đưa tới sự bất hòa trong gia đình. Ngược lại, nếu trước ngôi mộ có thế đất nhô lên như một cái ghế, người con trưởng sẽ làm quan, nếu trước ngôi mộ là một ngọn núi dốc thẳng có cây cối hình thù như một con cờ mở ra sẽ có người con theo binh nghiệp…Việc chọn vị trí xem ra như thế không phải dễ dàng và người ta tin rằng chỉ những thầy địa lí mới có thẩm quyền về vấn đề này (9).
Khi tìm hiểu về ngôi mộ ĐứcThượng Công, chúng tôi đã hỏi chuyện vài vị bô lão. Theo ông Nguyễn Kim Kỳ, Phó Hội trưởng Hội Thượng Công Qúy Tế thì trước đây khi phố phường chưa mọc lên nhiều, người ta có thể nhìn bao quát toàn vùng và thấy ngôi mộ Đức Thượng Công nằm trên một gò đất cao, thế đất thoai thoải dấn về phía cầu Bông. Ông Kỳ cho ngôi mộ nằm chỗ ‘đắc địa’. Đức Thượng Công là cựu Tổng trấn mà an táng ở vị trí tốt như thế sẽ có ảnh hưởng thuận lợi cho sự an lạc của dân chúng vùng Sài Gòn- Gia Định. Còn theo cụ Nguyễn Văn Cứng, cựu Hội trưởng Hội Thượng Công Qúy Tế thì lăng miếu Đức Thượng Công nằm trên gò đất hình lưng quy (rùa); đối với khoa địa lí, vị thế này nằm ngay vào long mạch hợp với địa linh nhân kiệt, tài lộc đời đời vĩnh tế!.
C.MỘ PHẦN
Một ngôi mộ Việt Nam xây theo lối cổ thường gồm 3 thành phần chính: bia mộ, tường vây chung quanh, và mộ.
1. BIA MỘ
a. Khái niệm:
Bia mộ là một trong 3 thành phần chính của một ngôi mộ cổ Việt Nam. Nhờ có tấm bia người ta phân biệt được mộ phần của ai.. Bia thường đặt ở cuối mộ và để ngoài trời, tuy nhiên bia mộ những nhân vật có danh vọng thường đặt trong một nhà nhỏ gọi là bi đình.
Bia mộ cổ ghi 3 hàng chữ nho: hàng bên phải, hàng chính giữa và hàng bên trái. Nhưng cũng có bia chỉ có hàng giữa hoặc chỉ có hàng giữa và hàng bên trái hoặc bên phải. Hàng giữa viết từ trên xuống, chữ nét lớn, đề tên và tước hiệu người chết. Hàng bên phải viết từ trên xuống, chữ nhỏ, cao hơn hoặc ngang với hàng giữa, đề ngày tháng. Hàng bên trái viết từ trên xuống, chữ nhỏ, thấp hơn 2 hàng kia, viết tên người lập bia.
Cũng có khi, hàng bên phải đề ngày sinh, hàng bên trái đề ngày chết, giống như cách viết bài vị. Ngày tháng đề trên bia là ngày lập bia, không bắt buộc trùng hợp với ngày lập mộ.
b. Bia mộ tại Lăng Ông do quan Phụ chính đại thần Hoàng Cao Khải lập năm 1894:
Bia mộ tại Lăng Ông không giống quy định chung trên đây vì nhiều lí do. Theo phần tiểu sử, sau khi mất tại Gia Định, Đức Thượng Công được an táng tạì Bình Hòa, nơi ngày nay gọi là Lăng Ông Bà Chiểu. Chắc chắn lúc đó người ta đã dựng mộ bia. Năm sau khi Ngài qua đời, xẩy ra vụ khởi loạn Lê Văn Khôi. Loạn quân cầm cự được 3 năm thì thành Phên An bị quân triều đình hạ. Triều đình xử vụ khởi loạn và Đức Thượng Công bị phạt liên lụy. Vua Minh Mạng ra lệnh cho Tổng đốc Gia Định san bằng mộ phần của Đức Thượng Công và dựng trụ đá hài tội. Như thế, cả mộ, cả bia Đức Thượng Công đã bị phá hủy sau khi Ngài qua đời được 3 năm.
Mãi tới năm Tự Đức thứ 2, vua mới sai quan địa phương bỏ trụ đá hài tội và cho hậu duệ Ngài được sửa sang mộ phần. Không có ai biết hậu duệ Đức Thượng Công có dựng lại bia mộ dịp tu sửa này hay không. Năm Tự Đức thứ 21 (1868), vua truy phục chức tước cho Ngài và chắc là mộ phần lại được tu sửa và có thể đã dựng bia dịp này vì Ngài đã được phục chức tước.
Ngày nay, khi tới viếng lăng mộ Đức Thượng Công, người ta thấy một tấm bia dựng trong một ngôi nhà nhỏ phía Nam ngôi mộ, trên đề Lê Công Bi Đình. Tấm bia này do quan Phụ chính đại thần Hoàng Cao Khải lập năm 1894, nhân dịp ông vào Gia Định để tiễn chân Toàn quyền Đông Dương De Lanessan về Pháp. Bia bằng đá, khắc chữ nho và dựng trong một cái đình đề là Lê Công Bi Đình. Cái đình để tấm bia này là một ngôi điện nhỏ, mở trống, nằm ngang trước phần mộ Đức Thượng Công và phu nhân Ngài.
1/ Bia: Tấm bia này bằng đá đen, hình chữ nhật, đỉnh tròn bán nguyệt, ngang 0m70, cao 1m60. Đế bia có 4 chân, cao 0m40, ngang 0m88.
Mặt trước: trên cùng trang trí lưỡng long triều nguyệt chạm sâu trong đá, chung quanh có vẩn mây và ở giữa chạm nổi 4 đại tự Lê Công Miếu Bi (chữ nho). Dưới đế chạm 2 bông sen. Chính văn bia bằng chữ nho, khắc sâu trong đá. Nội dung Hoàng Cao Khải nói tới động lực thúc đẩy và trường hợp ông dựng bia tưởng nhớ Đức Thượng Công, tiểu sử và sự nghiệp, uy danh bất diệt, ca ngợi chính quyền Pháp biết tôn trọng tín ngưỡng của người bản xứ, nhắc tới phu nhân của Đức Thượng Công và cụ Phan Công Lương Khê (Phan Thanh Giản) cũng được thờ chung ở đây. Kí tên: niên hiệu, chức tước Hoàng Cao Khải.
2/ Nhà để bia: Tức Lê Công Bi Đình
Lê Công Bi Đình
Nhà để bia nằm phía Nam mộ phần. Mỗi bề 3m80. Trên nóc trang trí đồ án lưỡng long triều nguyệt. Mái cong. Chung quanh trang trí bằng cách đắp nổi hình hoa lá, hình con dơi ngậm tiền. Mặt trước đề 4 đại tự Lê Công Bi Đình (chữ nho). Nền lát đá hoa, có bậc tam cấp bằng đá xanh. Hai mặt trước sau để trống.
Mặt sau của bia: là hình con lân chạm đá, chung quanh có mây.
Bia Hoàng Cao Khải khác một mộ bia thông thường rất nhiều. Có thể nói, Hoàng Cao Khải chủ ý dựng tại lăng miếu Đức Thượng Công một tấm bia để tuyên dương công trạng Ngài nhiều hơn là dựng một mộ bia đúng mẫu mực.
4 Phiên Âm LÊ CÔNG MIẾU BI
Sự hữu bất tương khai nhi tình vi chi chú viên giả, ý hảo chi tự nhiên dã, cảnh hữu bất cập tri nhi thần vi chi cách yên giả. Chánh khí chi hạo nhiên dã, dư ư Tả Quân Lê Công, sự hữu cảm yên, tuế Giáp Ngọ chi Xuân, qúy Đại Pháp Quốc, Tổng Thống Đông Dương Toàn Quyền Đại Thần, Đa La Đại Hiến phụng mạng hồi quốc, dư tống chi hành, tiết chú Gia Định.
Gia Định vi bản triều long hưng chi địa, tự thuộc qúy đại Pháp Quốc quản hạt, tam thập hữu dư niên, hĩ châu xa sở chí phong hội nhất tân giai đồ quảng tịch triền tứ nhật lệ, dục tầm cựu tích, kỉ ư bất khả biện thức, nhi Công chi miếu mạo khuy nhiên, độc tồn đống vũ sâm nghiêm, hương hỏa bí uất, kì mộ tắc thiết tứ chu hành giả, tị lộ chất chi, cư dân viết: Qúy đại Pháp quốc niệm Công công nhi biểu chi dã, y dị tai, Công chi huân danh, bưu bỉnh sự trạng hiển hách, giai tại Lục châu, khai thác chi thủy, hất kim tuế nguyệt dĩ lieu giang hà hữu dị, nhi phong thanh do tại, trở đậu bất thiêu vu thử kiến. Qúy đại quốc nhân hậu chi ý, cố vu kì hữu công giả, tuy cách thế dị sự do tưởng mộ nhi sung trọng chi dã.
Công tự Văn Duyệt, kỳ tiên Quảng Nghĩa nhân, tỉ Định Tường, niên thập thất khái nhiên hữu kì cổ trúc bạch chí tùng ngã Thế tổ Cao Hoàng Đế ư Gia Định chiến công thậm vĩ. Đại định hậu ưng phương thổ ủng tiết việt xử trí Xiêm Lạp, kinh lược Thanh Nghệ, lưỡng bình ác man, nhất trù tăng cừ, sở chí vô bất nhiếp phục, nhi tiền hậu phàm tái trấn Gia Định thủy chung kỉ nhị thập niên, kì di ái vưu thâm dĩ cửu. Công kí một, tinh anh chi sở bàn kết, giang sơn dữ vi a hộ, mỗi thiên âm dạ tịnh, kì mộ thoang hoặc văn nhân mã thanh, nhân giai kính nhi viễn chi, vị kì tự viết Công chi miếu, vị kì mộ viết Công chi lăng, tương dữ thi chú nhi hưởng tự chi phất thế.. Cổ kim lai anh hùng hào kiệt sinh đương lôi vũ thảo muội chi tế, phấn kì trí dũng lập đắc công nghiệp, tồn tắc vinh kì thân, một tắc thọ kì danh, tức thời sự biến thiên chi hậu nhi lưu phong dư liệt thượnh hữu hách hách nhiên tại nhơn giả. Cố như thủ phù, dư cửu văn anh phong túc sở, khâm ngưỡng. Kim nhật thân đổ kì trạng nhân dĩ tri qúy bảo hộ quốc chi ư bản quốc lễ tục vô biến, tín nghĩa hữu phù tương lai thăng bình đại cuộc hữu khả xác nhiên. Cứ vi thực tích giả thử tắc dư chi sổ thâm hỉ dã, nãi thỉnh ư qúy toàn quyền đại thần Sa Đại Hiến dĩ bi nhi chí chi. Đại thần hân nhiên tùng chi, viên lặc chư thạch dĩ thị bất san. Công phu nhân Đỗ thị, hậu Công nhi một, kim hợp tự yên. Phan Công Lương Khê, kinh lược Nam kì nhân, tư kì công diệc dĩ phối hưởng vu Công miếu vân.
Hoàng triều Thành Thái lục niên, thất nguyệt sơ nhất nhật. Phụ Chính Đại Thần, Thái Từ Thiếu Bảo, Võ Hiển Điện Đại Học Sĩ, Khâm Sai Bắc Kì Kinh Lược Đại Sứ Diên Mậu Tử Thái Xuyên Hoàng Cao Khải cung đề.
5/ Dịch nghĩa:
BIA DỰNG TẠI MIẾU THỜ ĐỨC LÊ THƯỢNG CÔNG
Việc có mà không nói ra làm sao hiểu được tình tiết bên trong, thiện ý tự nhiên mà có vậy. Hoàn cảnh mà không biết được thì đến thần thánh cũng đành xa cách. Chính khí thật là to lớn. Ngay như đối với Ngài Tả Quân Lê Công đây, tôi thấy có sự cảm kích.
Mùa Xuân năm Giáp Ngọ, ông Toàn quyền Đông Dương nhận lệnh về nước, tôi đi tiễn chân ông, nhân dịp được nghỉ chân ở Gia Định.
Gia Định là đất long hưng của bản triều, từ khi thuộc quyền cai trị của nước Pháp kể đã hơn 30 năm, xe thuyền kéo đến như gió hội về, bến đò, đường xá, chợ búa mở ra ngày một đẹp đẽ, dù có muốn tìm di tích cũ cũng không thể nhận ra được nữa; vậy mà chỉ có miếu của Ngài Thượng Công đây vẫn y nguyên tồn tại, trong miếu thì thờ phụng trang nghiêm, khói hương nghi ngút, ngoài mộ có hàng rào sắt chung quanh, khách qua đường kính cẩn tránh lối. Hỏi han thì cư dân nói rằng: Nước Pháp nhớ công của Ngài mà biểu dương. Ôi lạ lùng thay! Huân danh sự nghiệp của Công vẫn còn lẫy lừng, hiển hách, đều bởi từ ngày Ngài mở mang và gầy dựng ra một khu vực Lục tỉnh miền Nam đến nay, tháng ngày tuy đã trải qua, non sông từng đã thay đổi, song thanh danh của Ngài hãy còn lẫy lừng như xưa. Việc thờ tự Ngài vẫn còn đây mãi. Qúy quốc có ý nhân hậu đã nhớ đến công nghiệp của Ngài, tuy thời thế thay đổi, sự việc đã khác xưa, nhưng vì nghĩ công nghiệp của Ngài mà tôn sùng qúy trọng Ngài.
Công tên Văn Duyệt, gốc ở Quảng Ngãi. dời vào tỉnh Định Tường. Năm 17 tuổi, khảng khái, có chí lớn, sau theo vua Thế Tổ Cao Hoàng Đế ở tỉnh Gia Định, lập được nhiều chiến công rất lớn, đến khi thiên hạ đại định thì nhận mệnh vua mang cờ tiết việt xử trí việc Xiêm (Thái Lan), Lạp (Cao Miên); kinh lược Thanh, Nghệ; hai lần bình quân ác man; một lần dẹp loạn thầy sãi (sãi Kế, người Cao Miên nổi loạn ở miền Nam). Quân của Ngài đi đến đâu không ai không phục. Trước sau, Ngài làm Tổng trấn Gia Định đến 20 năm, được mọi rất thương mến. Khi Ngài mãn phần rồi, anh hồn của Ngài vẫn kết tụ nơi đây, núi sông cũng phù hộ. Thường khi đêm thanh vắng, trên mộ Ngài nghe tiếng người ngựa làm cho người ta phải kiêng sợ không dám đến gần, nên đã gọi nơi thờ Ngài là miếu, gọi mộ phần của Ngài là lăng, rồi kéo nhau tới cúng kiếng, phụng thờ.
Xưa nay, anh hùng hào kiệt sinh vào thời loạn lạc gió mưa sấm chớp, đem hết trí dũng lập công được công nghiệp, khi sống thì thân mình vinh hiển, khi chết để lại danh thơm. Dù sau này thời thế có đổi thay thì tiếng anh hùng vẫn còn hiển hách mãi.
Tôi đây được nghe tiếng của Ngài đã lâu nên có lòng ngưỡng mộ. Hôm nay thân hành xem xét tình trạng, nhân đó mà biết thêm rằng qúy quốc bảo hộ đối với phong tục, lễ phép nước ta không thay đổi, vẫn giữ tín nghĩa thủy chung để cho đại cuộc tương lai đuợc vững bền. Sự việc có thể xác minh, căn cứ câu chuyện là đúng thật nên tôi vui mừng xin ông Toàn Quyền Đại Thần Sa Đại Hiến cho phép dựng bia. Quan đại thần vui lòng nhận lời, vì thế cho khắc chữ vào đá để người đời sau không thêm bớt hoặc bỏ mất đi được.
Còn phu nhân của Ngài là Đỗ Thị, qua đời sau Ngài, nay cũng được thờ chung với Ngài. Ông Phan Công Lương Khê (Phan Thanh Giản) là quan Kinh Lược Nam Kì, cũng được tưởng nhớ công nghiệp mà thờ phối hưởng trong miếu này.
Niên hiệu Thành Thái thứ sáu, tháng Bảy ngày mồng một (01.8.1894).
Phụ Chíng Đại Thần, Thái Tử Thiếu Bảo, Võ Hiển Điện Đại Học Sĩ, Khâm Sai Bắc Kì Kinh Lược Đại Sứ, Diên Mậu Tử, Thái Xuyên Hoàng Cao Khải cung kính đề bia. (10).
2.TƯỜNG VÂY QUANH MỘ
Tường vây quanh ngôi mộ cũng là một phần của ngôi mộ cổ. Tường của những ngôi mộ thưòng có thể đắp bằng đất, đá ong hay hàng cây thấp. Tường vây quanh một ngôi mộ lớn thường xây bằng gạch, có hồ áo. Bức tường này xưa gọi là uynh thành. Nếu là tường kép thì bức tường phía trong gọi là uynh thành nội, bức tường bên ngoài gọi là uynh thành ngoại.
Về hình thù thì hoặc xây hình tròn gọi là viên thành, hoặc xây theo hình yên ngựa gọi là uynh thành kiều ngựa. Cũng có thể xây theo hình vuông hay hình chữ nhật thì gọi là uynh thành vuông hay khuông thành. Uynh thành của những ngôi mộ của các bậc đế vương cao 1m50 hay 1m80. Uynh thành của những ngôi mộ thường cao 0m40 tới 0m80, bề dầy khoảng 0m40. Trên mặt tường trang trí các đồ án mĩ thuật hoặc không trang trí gì cả.
Theo thói quen xưa, người Việt tự do chôn cất người thân trong khu đất mình làm chủ; tuy nhiên về diện tích khu mộ, nhất là nơi các bậc vua chúa, quan quyền thì luật lệ quy định rõ kích thước, không được vượt quá. Lí do là vì người Việt cho nơi chôn cất là nơi linh thiêng, diện tích mộ phần có liên hệ trực tiếp với địa vị xã hội của người chết khi còn tại thế. Nhà Việt Nam học L.Cadière cũng xác nhận luật Việt Nam xưa quy định kích thước mộ phần của các vị đế vương, các thân vương, các bà hoàng, các bà phi và các đại thần. Kích thước của mộ phần phải tương xứng với phẩm hàm chức tước của người đó khi còn tại thế. Theo L.Cadière, Bộ Lễ triều Tự Đức quy định kích thước mộ phần của của các vị Quận Công, Quốc Công như sau: Uynh thành ngoại cao bốn thước một tấc (1m64), dài bốn trượng năm thước (18m), rộng ba trượng sáu thước 14m40. Uynh thành nội cao ba thước sáu tấc (1m44), dài 2 trượng ba thước (9m20), rộng hai trượng ba tấc (8m12). Cũng theo luật này, trên bia mộ một vị Quốc Công và Quận Công đề là Tẩm, không có bái đình (nơi để vái lậy), không có bình phong tiền, chu vi mỗi bên 12 trượng (48m) (11).
Tường vây quanh mộ phần Đức Thượng Công thuộc loại tường đơn, không có uynh thành ngoại. Tường dài 14m50, rộng 12m, cao 1m50, dầy 0m80, màu xám đen ‘rêu phong’. Với kích thước này cho biết chắc chắn ngôi mộ là của một vị thuộc hàng tước Công, mặc dù không hoàn toàn chính xác như luật định của Bộ Lễ thời Tự Đức nêu trên.
Bức tường vây phía ngoài Bi Đình và phần mộ Đức Thượng Công mà chúng ta thấy ngày nay không có liên hệ chính thức với mộ phần vì 2 lí do: Thứ nhất bức tường bên ngoài đó chỉ được phép xây vào năm 1937, đang khi bức tường vây quanh mộ đã được xây đồng thời với ngôi mộ từ năm 1849 là năm vua Tự Đức cho phép hậu duệ Đức Thượng Công được tu tạo lai mộ phần của Ngài. Thứ hai là khi Viện Khảo Cổ cho phép xây bức tường phía ngoài với điều kiện là không được xây theo kiến trúc của bức tường chính thức của ngôi mộ để có thể dễ phân biệt biệt.Thêm vào đó, bức tường ngoài này lại hở ra 2 lối đi ăn thông vào sân trước của miếu thờ, chứ không khép kín thành hình vuông như bức tường bên trong. Mục đích của Hội Thượng Công Qúy Tế khi xin bức tường này là chỉ muốn làm một hàng rào để giữ sự biệt lập và làm tăng phần uy nghiêm cho ngôi mộ. Chính vì những lẽ trên mà ta thấy bức tường ngoài cùng này đuợc xây theo lối mới: trang trí bằng những trụ hình con triện (balustrades) Tây phương, cách quãng trổ lên những trụ đèn hình đèn lồng với những con nghê bằng sành màu xanh ớ các góc. Chính giữa phía Nam là một khung cửa xi măng cốt sắt đúc hình chữ thọ (chữ nho), luôn luôn khoá kín.
3. NGÔI MỘ ĐỨC THƯỢNG CÔNG
Mộ "Song Hồn"
Bá tánh quen gọi ngôi mộ của Đức Thượng Công là mộ ‘song hồn’ vì bên cạnh Mộ Ông có thêm Mộ Bà. Chắc chắn ngôi mộ đã được xây dựng từ khi vua Tự Đức cho phép trùng tu vào năm 1849. Đây là phần kiến trúc cổ kính nhất của toàn cảnh Lăng Ông Bà Chiểu.
Ngôi mộ song hồn này xây theo kiểu nấm trứng ngỗng nằm trên 2 tấm liếp. Tấm liếp dưới là một khối chữ nhật, cạnh Bắc Nam dài 4m50, cạnh Đông Tây dài 6m20, cao 0m40. Tấm liếp trên chia riêng thành 2 tấm cách nhau 0m50. Chiều dài mỗi tấm 4m, rộng 2m, cao 0m30.
Trên mỗi tấm liếp là một nấm mộ hìng trứng ngỗng dài 2m50, rộng 1m50, cao khoảng 0m60. Đầu phía Bắc cao hơn đầu phía Nam. Nhờ vậy, ta biết đầu quay hướng Bắc, chân ở hướng Nam. Theo lệ xưa, ‘nam tả nữ hữu’ thì từ vị trí cửa mộ, Ông nằm bên tả, Bà nằm bên hữu. Toàn thể mộ phần sơn màu đen xám làm tăng phần cổ kính và uy nghiêm.
4. NHỮNG PHẦN PHỤ THUỘC
a. Cửa mộ: Cửa mộ, rộng 4m, hai bên là hai cột trụ vuông, trên đầu cột đắp một nụ sen cao 0m90.
b. Bình phong: Mộ Đức Thượng Công có 2 bình phong: bình phong tiền và bình phong hậu.
Bình phong tiền: Nằm chắn phía ngoài cửa mộ sát bên bái đình, ngang 4m20. Mặt ngoài phù điêu hình con chim đậu trên cành cây la đà; phía dưới là con vật giống như con chó, chung quanh có mây nổi từng lớp. Mặt trong phù điêu một con hổ mẹ và một con hổ con, cũng có vẩn mây chung quanh.
Bình phong hậu: Là phần tường vây quanh mộ phần ở phía Bắc, xây cao lên thành một tấm bình phong hình miếng khánh. Chính giữa phù điêu mặt con hổ, chung quanh có vẩn mây.
c. Bái đình: Là nơi bá tánh đứng hành lễ nằm giữa cửa mộ, sát bên trong bình phong tiền. Bái đình là một cái sập cao 0m40, ghép bằng 6 tấm liếp xi măng cốt sắt, tô đá rửa, màu đỏ hung hung, dài 4m50, rộng 4m00.
d. Nữ tường: Là bức tường nằm bên ngoài bình phong tiền, xây hình thước thợ, cao 0m80, trang trí bằng những cột trụ hình vuông. Đặc biệt hai bên cửa vào bái đình được trang trí bằng hai con lân bằng đá tuyệt đẹp. Con lân đực ở phía tả, con lân cái ở phía hữu. Dấu hiệu nhận ra con lân cái là có một con lân con nhỏ xíu ở dưới bụng lân mẹ. Do chấp nhận điều này mà ta có thể biết Mộ Ông bên tả, Mộ Bà bên hữu theo lệ ‘nam tả nữ hữu’.
c. Những thứ linh tinh khác: Ngoài những phần phụ thuộc kể trên, khách vãng lai còn thấy một số những thứ linh tinh khác được dựng trong khu Lăng Mộ như 2 bàn đặt lễ vật ở trên đầu ngôi mộ song hồn, 2 kiểu đèn bằng đá theo kiểu Nhật Bản nằm hai bên Bi Đình, 4 giá xi măng cốt sắt khá cao dùng để treo nhang hương loại lớn hình xoắn trôn ốc vào những dịp lễ lớn, một cột cờ cao khoảng 10m dựng trước bái đình, 6 lư hương lớn bằng sành hoặc bằng sắt.
Trần Vinh
(1) Đây là bài 3, trích từ tập Sự Thờ Cúng Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt Tại Lăng Ông Bà Chiểu, thực hiện năm 1974, để tại thư viện Hội Nghiên Cứu Đông Dương trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Nội dung không thay đổi, nhưng nay có sắp xếp và nhuận sắc lại.
(2) Sở Trước Bạ Sài Gòn (Nam Kỳ thuộc Pháp) ngày 09 tháng 6 năm 1882. Tờ 79, hộc O, ngăn 1.
(3) L.Cadière. Croyances et Pratiques religieuses des Annamites. IDEO., Hà Nội,1944.Tr.137,138.
(4) Huỳnh Minh.Gia Định Xưa Và Nay. Tác giả xuất bản. Tr.43.
(5)Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Quyển I I. Trung Tâm Học Liệu. Sài Gòn, !971. Tr.215.
(6) J.Silvestre. Insurrection De Gia Định. Revue Indochinoise, tháng 7 và 8, 1915. Tr.21,22,23.
(7) J.Silvestre. Insurrection De Gia Định. Bđd. Chú thích số 1. Tr.22.
(8) L.Bezacier. L’Art Vietnamien. Editions De L’Union Francaise, Paris, 1955. Tr.40.
(9) Xin đọc G.Dumoutier. Le Rituel Funéraire Des Annamites. Hà Nội, 1904. Tr.96-136.
(10) Vũ Hiệp phiên âm. Tham chiếu bản dịch từ 1956 do cụ Nguyễn Văn Cứng (cựu hội trưởng Hội Thượng Công Qúy Tế) lưu giữ.
(11) L.Cadière. Croyances Et Pratiques Religieuses Des Annamites. Sđd. Tr.149.