Đình Bảng Môn, xã Hoằng Lộc, huyện Hoàng Hóa. Từ lâu đình Bảng Môn luôn được xem là niềm tự hào của người dân bởi đây là một biểu tượng trường tồn của sự tôn vinh học vấn, khoa bảng, đỗ đạt của làng, khoa bảng điển hình ở Việt Nam. Theo các tư liệu văn tự, khế ước, gia phả, sắc phong hiện lưu tại làng, trong số hơn 600 vị tiến sĩ qua các thời kỳ, có tới 12 vị đỗ đại khoa vinh danh từ khoa thi năm Hồng Đức thứ 12 (1481) đến khoa thi cuối cùng thời Nguyễn (1919) và làng có tới 7 vị tiến sĩ được ghi tên ở văn bia Quốc Tử Giám.
Theo truyền thuyết, đình có từ TK XV nhưng dấu vết các hiện vật còn lại không chứng minh được điều đó, mà cho thấy đây là dấu tích của các đề tài chạm khắc thuộc TK XVII đến TK XIX. Theo thần phả, lúc đầu đình Bảng Môn vốn là nơi thờ thành hoàng làng, đại tướng quân Nguyễn Tuyên, làm quan dưới triều Lý. Tương truyền Nguyễn Tuyên, người làng Bột Thái, là một vị thần giáng tế cứu dân, xung quân, làm tướng, giúp vua, dẹp giặc tan, ông quay về trời. Nơi ông hóa thân biến thành một gò mối, dân làng lập đền thờ ông và xem ông như là một vị thần hoàng làng. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, vào TK XV khi nho học chiếm ưu thế, sự học của các nho sinh ở làng Bột Thái đã làm hiển danh đất trạng, ngôi đền được chuyển tên và bao chứa các giá trị mới của Nho giáo: đình Bảng Môn.
Từ một truyền thuyết lịch sử (vị đại tướng quân Nguyễn Tuyên), pha trộn với tín ngưỡng dân gian từ xa xưa (Gò Mối và vị Thần Hoàng làng), một làng cổ ven bờ sông Mã với nhiều ngã giao thông, từ đò ngang (bến Trầm và bến Từ Quang) nối các khu chợ phía nam bên tả ngạn sông Mã là chợ Môi, chợ Còng và đặc biệt nơi đây là kết điểm giao thương với các các chợ miền tây sông Mã theo đò dọc (chợ Du, chợ Chuộc, chợ Vồm, chợ Giàng...). Người dân làng Bột Thái nhanh chóng là thương lái giúp thông thương hàng hóa của xứ Thanh với các tỉnh Bắc Bộ. Việc phát triển thương mại và việc mở mang học vấn ở làng Bột Thái xem ra có nhiều tác động qua lại thuận chiều, khác hẳn với tinh thần cổ hủ Nho giáo đương thời. Việc buôn bán ở Bột Thái là việc của người nông dân kiêm việc nhân lúc nông nhàn, nhờ lợi thế có giao thông thủy, bộ thuận lợi, lại được mở mang cổ súy bởi các nho sinh đỗ đạt, quan chức trong làng mà vùng đất này từ rất sớm đã trở thành một tụ điểm thương mại (chợ Quan hay chợ Quăng có từ TK XV).
Di tích đình Bảng Môn hàm chưa rất nhiều điều quý giá. Quần thể kiến trúc còn lại hiện nay bao gồm 2 dãy nhà: tòa tiền đường nằm phía ngoài và tòa hậu cung nằm dọc phía bên trong, tạo thành bố cục kiến trúc kiểu chữ đinh.
Nhà hậu cung gồm một nhà ống muống còn khá nguyên trạng, có niên đại thuộc TK XVII).
Nhà tiền đường: có niên đại Bảo Đại 8 (1933 - ghi ở thượng lương nhà tiền đường), Khải Định Mậu Ngọ niên (1918 - thượng lương hậu cung); cho thấy đó là dấu vết của những lần xây dựng hoặc trùng tu khác nhau.
Đình Bảng Môn được kiến trúc khung mái kết cấu bằng gỗ, nên qua hơn 400 năm, đã qua nhiều lần trùng tu, kết quả là nhiều lớp văn hóa đan xen trên các phần kiến trúc của di tích. Các di vật văn hóa tại đình Bảng Môn hiện còn có giá trị hết sức đặc biệt, cần được bảo tồn và nghiên cứu đầy đủ.
Nhà hậu cung là một kiến trúc độc lập mang đậm giá trị của nghệ thuật kiến trúc TK XVII. Có thể nhà tiền đường xưa kia là loại nhà tiền tế, kết dinh vào đốc nhà hậu cung, nhưng tại đây, người ta đã tháo bỏ nếp nhà ngang, thay bằng một nhà ngang lớn hơn nhiều (nếp nhà ngang 5 gian như hiện có).
Điểm đặc trưng của kiến trúc nhà hậu cung là: tính nguyên gốc còn khá nguyên trạng mang phong cách nghệ thuật kiến trúc TKXVII. Kiến trúc hậu cung hoàn toàn kết cấu bằng chất liệu gỗ, duy nhất tường hậu là gạch mới xây. Phần lớn đều được chạm khắc phủ kín, đặc biệt bề mặt cửa ra vào, các bộ vì bao gồm xà ngang, giá chiêng, chồng rường, rường nách...
Trên thượng lương của tòa tiền đường có ghi niên đại trùng tu: Bảo Đại bát niên tuế thứ Quý Dậu tam nguyệt cát nhật trọng tu đại cát vượng, như vậy, công trình này được sửa chữa vào năm Bảo Đại 8 (1933), còn tòa hậu cung được trùng tu sau đó 15 năm: Khải Định Mậu Ngọ niên cửu nguyệt thất nhật trọng tu đại cát (năm Mậu Ngọ niên hiệu Khải Định, 1918 - thượng lương nhà Hậu cung).
Nhà tiền đường có kiến trúc bề thế, chiều dài 15,4m, rộng 8,6m, gồm 5 gian, 4 hàng chân cột, kết cấu vì kèo kiểu giá chiêng, chồng rường, kẻ bẩy. Tổng thể là một khối mộc thô, khỏe khoắn, không chú trọng đến trang trí mà chú trọng đến mối liên kết chắc chắn của bộ khung gỗ chịu lực, kiểu phong cách các đình làng xứ Thanh.
Nhà hậu cung là một kiến trúc thấp, bé hơn so với tiền đường. Kết cấu là một nhà dọc, có chiều dài 10m, rộng 4,4m, gồm 3 gian, 4 bộ vì nóc, 2 hàng chân cột, chỉ có cột cái, không có cột quân. Chiều cao từ mái giọt gianh xuống nền đất là 1,6m, chiều cao từ nền đất lên thượng lương là 3,1m. Các gian có độ rộng không đều nhau, gian giữa 2,6m, gian đầu 2,6m, gian trong cùng 3,1m. Hậu cung là nơi đặt thần vị, hiện gian trong cùng còn một ngôi mộ đá nằm dưới nền đất, kết cấu bộ vì cơ bản giống nhau kiểu giá chiêng, chồng rường, bẩy hiên.
Không gian nội thất được phân chia bằng cách tạo ra các cửa kiểu chấn song con tiện phân chia trong nhà và ngoài hiên. Gian đầu hậu cung được thưng lại bằng 6 cánh cửa gỗ, 4 cửa giữa kiểu bức bàn, 2 cửa bên kiểu thượng song hạ bản, gian cuối ngăn cách gian giữa bằng hệ thống cửa chấn song con tiện làm mới về sau, trong cùng hậu cung xây kín lại bằng tường đốc.
Phong cách chạm khắc gỗ ở đình Bảng Môn còn lại hiện nay là những hiện vật mỹ thuật hiếm thấy, phản ánh những mạch nối với mỹ thuật dân gian vùng đồng bằng sông Hồng ở TK XVII-XVIII.
Tấm phù điêu gỗ ở mặt cửa ra vào nhà hậu cung
Có thể nhận thấy khá rõ ràng hai yếu tố về kỹ thuật và nội dung chạm khắc trên mảng trang trí ở mặt cửa ra vào nhà hậu cung có một sự phóng túng, nhẹ nhàng và đậm nét dân gian. Trước hết, kỹ thuật khắc gỗ ở đây chưa biểu đạt về khối mạnh mẽ như ở đền Lý Thường Kiệt (TK XIX), nhưng đa dạng trong phối hợp giữa chạm khắc nét, diễn hình khối âm và khối dương, chạm bong và chạm lộng, tạo ra nhiều lớp, nhiều tầng, khối và ánh sáng trở nên linh hoạt, một cảm giác lao xao của sóng nước, chuyển động của mây mưa... Tính nhịp điệu được khai thác triệt để nhờ có sự phân phối tài tình về mật độ mau thưa, mập thanh, nông sâu và ánh sáng đậm nhạt do diễn hình, nét, khối mà tạo ra. Bức chạm nổi ở mặt cửa ra vào tạo ấn tượng kỳ thú cho khách hành hương, một cảm giác thư thái bởi sự sống động, nhịp nhàng, cân bằng, tạo sự hưng phấn do hình thức hồn nhiên trong phong cách và nội dung trữ tình hiếm có ở Thanh Hóa (chỉ có ở chùa Hoa Long, đền Trần Khát Chân và di tích đình Bảng Môn).
Tổng thể mảng trang trí mặt cửa ra vào hậu cung là một bức chạm khắc hình bán nguyệt. Bên trên nóc là một hình người khắc chân dung đến phần thắt lưng, đặt trong khám nhỏ, mặt người to hơn thân (8cm), bên dưới là hình hoa văn tạo nên hình một con thú đang phủ phục. Đây là một cách yểm linh thần ở các vị trí thiêng của người xưa. Tiếp đến là một ô hình chữ nhật có khoét thủng 4 hàng răng lược chia hai phần đăng đối, kiểu như vẩy hình quạt lông chim phượng. Bên dưới là ô chạm khắc các hình rồng với nhiều dáng khác nhau, uốn lượn trong mây mưa, vần vũ, hòa trong hoa lá, chim thú. Thỉnh thoảng có mặt rồng lớn nhô cao, còn đa số là hình rồng bé như rắn, lươn, miệng con nào cũng lè lưỡi ở mép, trông thật ngộ nghĩnh. Chính tâm có khắc hình quỷ sứ, mặt người, thân thú, dáng ngây ngô. Phía góc phải có chạm khắc hai hình người. Một người ôm con sư tử, dáng trần khỏe mạnh, con sư tử đang cúi đầu vùng vẫy. Một người phía ngoài nhỏ hơn đang cưỡi trên một con ngựa, dáng ngựa đang ghìm cương, đầu ngẩng cao chúc mõm xuống rất oai phong. Bên trái cửa bức chạm diễn tả một võ sĩ đang chinh phục con hổ dữ. Dưới góc đáy hoa vân xoắn tròn nhiều đao mác có hình con ếch ôm sát bờ mặt xà ngạch cửa trên; hình xoắn dài 25 - 45cm, mũi nhọn sắc, gốc có hình chun 3 nếp chạy ngang hai phía. Nền tầng thấp là các dải vân như nhành lá mềm mại xen lẫn với các đao mác hình tia chớp, nổi lên là mặt các hình rồng lớn và các rồng bé, hình thú vật dưới nước, dày đặc khung diềm cạnh đáy chạm nổi. Đặc điểm thân rồng ở đây ngửa bụng nên hình vân đốt như thân cây trúc, vây rồng từng khóm lớn, mềm mại như cây rong nước. Nhiều cành hoa hình mũi mác xoắn, ngắn. Toàn bộ bức chạm cho thấy một sự hồn nhiên, tươi tắn, nhẹ nhàng trong giai điệu tiết tấu sôi động của ánh sáng đọng trên nét, hình, khối.
Tổng thể của bức chạm tạo ra một sự quây quần, đông đúc, một hình ảnh chỉ sự tạo hóa, sinh sôi, gợi mở về sự diệu kỳ, huyền bí của vũ trụ. Phải chăng đó cũng tựa như một thứ bùa yểm của người xưa?
Di vật điêu khắc bên trong nhà hậu cung
Ngược lại với phong cách chạm khắc mặt ngoài cửa ra vào, phía trong là các mảng chạm khắc được bố trí khá dày đặc nhưng ở một thể thống nhất, đậm yếu tố Nho giáo và thần tiên. Phong cách chạm khắc tinh tế, khúc triết, nhẹ nhàng, sâu sắc làm cho không gian hậu cung trở nên trang nghiêm, đề cao học vấn và linh thiêng.
Vì nóc số 2: kiểu chồng rường, giá chiêng, phân tầng rất rõ, diềm phủ ở cuối cùng (đồng thời là quá giang của vì kèo) gồm có 30 cánh sen được xếp thành 30 chữ Hán, chạm thủng trên nền thẳng ốp vào quá giang, tiếp đến là cánh hoa cúc vuông mặt như một diềm che; tầng 2 trang trí rồng, chia 4 cặp rồng chầu về tâm, gồm 2 rồng lớn chạm ở xà ngang, 2 rồng bé chạm ở rường nóc, 2 chim phượng ở hai bên đấu kê, 2 rồng thân dây xoắn dáng sa xuống trên 2 trụ trốn... Tầng 3: chạm nổi bám theo giá chiêng 2 rồng ở 2 bên, hình tượng hoa cúc bên cột trốn, một chữ thọ được khắc khéo léo nằm dưới rường bụng lợn.
Vì nóc số 3: đề tài rồng chầu, đao lửa, vân mây tượng trưng cho nguồn nước, tiêu biểu hình tượng sóc chầu mặt trời ở giữa tâm, chạm khắc lân và thằn lằn ở 2 xà của câu đầu.
Vì nóc số 4: các đấu kê rường có 40 cánh hoa cúc chia làm 2 tầng để đỡ các con rường cụt, kết thúc con rường thứ nhất, cả vì biến thể thành hình con lân.
Các bức chạm khắc trong các quá giang vì số 2, 3, 4 đều có chung một phong cách. Môtíp chính là hình các tiên nữ cưỡi rồng bay, mềm mại, duyên dáng, phần áo dài biến điệu hình đuôi cá. Tiên nữ ngồi trên lưng rồng hình yên ngựa, kiểu rồng phổ biến thời Trần. Bức chạm gợi yếu tố văn hóa biển một cách rõ nét.
Tại các quá giang đều chạm hình đôi rồng chầu vào tâm là hình chim phượng, tượng trưng cho nguồn sáng (mặt trời), một cách biểu hiện khá phổ biến ở TK XVII. Phong cách rồng ở đây ít gặp lại ở các kiến trúc sau này ở Thanh Hóa. Thân rồng được diễn tả hai phần, lưng có vẩy như cá, bụng chia nhiều đốt như thân rết, vây chia từng khóm 3 - 5 gân vạch, mập, dài, mềm mại như rong rêu. Tại giữa quá giang có hình tiên nữ cưỡi rồng, hai rồng chầu hai bên, 12 cánh bay xòe hai bên như những tia chớp. Tại các trụ trốn, rường nóc đều chạm khắc hình rồng có cùng phong cách trên. Các đấu kê trang trí hình chim phượng đầu ngóc lên, các cánh biến thành các tia lửa vút cao.
Những di vật bên trong nhà hậu cung là những mảng chạm khắc gỗ tinh tế, lối chạm khắc được sắp đặt trên nền cấu kiện kiến trúc, nhưng rất chặt chẽ về nội dung lựa chọn tùy theo vị trí kiến trúc mà chọn biểu tượng trang trí cụ thể. Các hình tượng rồng, nghê, chim hạc, chim công, tùng, trúc, cúc, mai được sử dụng kết hợp với các bảng chữ Hán có nội dung tôn vinh công nghiệp của thành hoàng làng và đề cao học vấn. Phong cách chạm khắc các vật linh không cùng loại với bức chạm khắc gỗ ở cửa ra vào. Điều này lý giải về sự cẩn trọng của người xưa. Nếu nghệ thuật ở bức chạm ở cửa ra vào hết sức phóng khoáng, hồn hậu, dân dã mang đậm yếu tố tín ngưỡng dân gian, có mục đích tạo ra sự cảnh giới, nhắc nhở khách ra vào; thì ngược lại phong cách trong trí trong nội thất nhà hậu cung rất tinh tế, đường nét sắc sảo, gãy góc mang tính bác học và sự uyên thâm.
Đồ thờ và di vật khác
Mặt trước sân hiện còn nhiều bia ký, trong đó có tấm Đường Bột Kiều bi có niên đại thời Nguyễn được tạo tác khá tinh xảo. Tại gian sau cùng của hậu cung có khám thờ kín cao 2,7m, rộng 1,9 m, trong khám còn lưu các vật dụng, mũ áo, xiêm y của tướng quân Nguyễn Tuyên (nhân thần lịch sử và cũng là thành hoàng làng).
Ngai thờ bằng gỗ ở gian thứ nhất hậu cung tạc kiểu chân quỳ dạ cá. Hình 2 rồng chầu ở giữa diềm đáy tầng 1, các góc chân quỳ là hình rồng cuộn, tầng 2, 3 là hoa văn dây cúc, tầng 4 mỗi mặt chia ba khung hình chữ nhật. Khung giữa khắc hình tròn tạo ra từ hai hình thiếu âm, thiếu dương của dịch học, có 4 hạt tròn điểm 4 góc, 5 ngọn đao mác bốc lên quanh mặt trời. Hai hình rồng ở hai khung bên, tạo ra từ hình hoa văn khá trừu tượng, kiểu các đao xoắn, tạo nên hình rồng có dáng con lân đang bước, chân cao, đuôi xoắn gồm 5 dải tua, mũi nhọn, chạy ngược chiều mặt trời.
Ngai thờ bằng gỗ đặt ở gian thứ 2 hậu cung được chạm khắc tinh tế, đặc biệt phần bệ là một khối vuông chia làm 3 tầng, tầng đáy hình hoa sen dẹo hai phía; tầng 2 hình hai rồng chầu mặt nhật ở chính tâm, chú ý các đao mác có nét mạnh mẽ chạy ngang gờ mặt trên gợi dáng dấp mặt hổ phù; tầng 3 trên cùng khắc một hình rồng thân mập uốn 3 khúc, vây lưng rộng như nheo cờ.
Tại gian thứ 2 của hậu cung có một bài vị, cao 50cm, rộng 35cm, được tạc trên một tấm gỗ vàng tâm mỏng 1,5cm. Bố cục bài vị là hình khắc thủng 2 linh thú trong một bố cục khá chặt chẽ, nhưng gợi cảm thiêng liêng. Đó là hình một con lân dáng ngồi xổm, hai chân trước chống thẳng, hai chân sau xếp ngang. Một con hạc thân mảnh mai nhưng có cái đầu to với bộ lông mao dài, rộng, có gân sống và hai hàng đuôi nheo kiểu vây rồng chạy ra phía sau.
Hương án lớn (cao 2,4m, rộng 2,2m) đặt gian chính giữa nhà tiền đường, chạm khắc tinh tế, bố cục theo dạng 4 chân thẳng, tầng dưới cùng cách mặt đất 35cm, tạo ra một lớp tua rua như kiểu lọng che. Hương án hình khối chữ nhật, đều đặn, phần trên cùng được tạo loe miệng rộng theo mỗi chiều thêm 15cm. Trang trí chia nhiều ô, ngang, dọc, nhưng vẫn giữ được tổng thể với hai trụ đứng mỗi chiều và trên cùng đặt bệ thờ. Họa tiết chủ yếu là hoa cúc mãn khai, hoa sen cánh dẹo được tạo hình chi tiết, khắc thủng cho mềm khối, phủ kín hương án như gấm thêu.
Phong cách chạm khắc đồ thờ ở đình Bảng Môn thuộc niên đại TK XVII-XVIII (có thể cùng niên đại với nhóm hương án ở chùa Bút Tháp).
Bên ngoài đình Bảng Môn, chính hướng đông nam 800m, có một giếng nước cổ, xây bằng gạch nung, hình vuông, mỗi cạnh 1,8m. Tương truyền dân làng theo vị tướng quân Nguyễn Tuyên đi chinh phạt phương nam đã bắt chước cách làm giếng cời của người Chăm.
Đình Bảng Môn là một di tích quý hiếm trên hai bình diện di vật văn hóa và các giá trị văn hóa phi vật thể. Đây là một di sản đặc biệt, minh chứng quá trình tiếp thu và cải biến các giá trị văn hóa Nho giáo, Đạo giáo vào trong một không gian văn hóa bán nông nghiệp và thương nghiệp ở làng Bột Thái, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.