|
Chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: TG |
Hành trình đi tìm dấu ấn
Bắc Giang có một kho mộc bản khác tại chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên) với hơn 2000 bản khắc cũng khá độc đáo nhưng nội dung hoàn toàn không trùng lặp với mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm. |
Chỉ vài năm gần đây người ta mới nhắc nhiều đến chùa Vĩnh Nghiêm và kho mộc bản độc đáo - nhờ vậy mà ngôi chùa cổ kính này cũng có dịp được ''vua biết mặt, chúa biết tên".
Chùa Vĩnh Nghiêm còn gọi chùa Đức La, toạ lạc tại ngã ba Phượng Nhỡn thuộc xã Trí Yên. Đây từng là trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam thời Trần (thế kỷ 13-14), nơi đào tạo tăng đồ của cả nước và cũng là nơi tu hành của 3 nhân vật sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử gồm: Điều Ngự Giác Hoàng - vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa thiền sư Đồng Kiên Cương và Huyền Quang đại sư Lý Đạo Tái.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là căn cứ quan trọng để các nhà nghiên cứu khẳng định sự khác biệt, độc đáo của dòng Thiền Trúc Lâm so với những dòng Thiền khác trên thế giới. Ông Ngô Văn Trụ - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang - cho biết: Khác với kho mộc bản kinh Phật khác, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm mang tư tưởng nhập thế của Trần Nhân Tông. Nhấn mạnh yếu tố tu tại tâm, bởi các cụ xưa thường nói "thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ 3 tu chùa". Nó nhập thế phù hợp với tư tưởng, tín ngưỡng của người Việt, thể hiện tư tưởng của Vua Trần Nhân Tông, mang giá trị bản sắc rất cao cũng như giá trị mỹ thuật của người Việt xưa.
Ông Trụ cho biết thêm: không phải sau khi mộc bản triều Nguyễn và tư liệu Hán Nôm trên 82 văn bia tiến sĩ tại Quốc Tử Giám được công nhận là Di sản văn hóa tư liệu thế giới thì Bắc Giang mới quan tâm đến vấn đề bảo tồn, gìn giữ kho mộc bản kinh Phật này. Từ năm 1936, 1937, khi biên soạn sách Bắc Giang địa chí, Nhật Nham Trịnh Như Tấu đã khảo sát, đánh giá và có những thông tin về kho mộc bản này khá chi tiết.
Năm 1964, chùa Vĩnh Nghiêm được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia, trong đó kho mộc bản được nhiều nhà chuyên môn đánh giá cao về giá trị. Năm 1994, Bảo tàng tỉnh Hà Bắc (nay là Bảo tàng tỉnh Bắc Giang) đã kiểm kê, nghiên cứu về kho mộc bản. Những năm sau đó, ngành văn hóa tỉnh Bắc Giang và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa của cả nước tiếp tục quan tâm, tập trung công sức, trí tuệ nghiên cứu về kho mộc bản.
Năm 2003, trong chương trình bảo tồn lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, một trong những nội dung quan trọng là việc kiểm kê, in dập toàn bộ kho mộc bản, phiên âm, dịch nghĩa một số tác phẩm tiêu biểu. Bảo tàng tỉnh Bắc Giang biên tập, xuất bản, phát hành tập sách chuyên khảo Chốn tổ Vĩnh Nghiêm, trong đó giới thiệu khá kỹ về kho mộc bản.
Năm 2009, ngành Văn hóa tỉnh Bắc Giang đã khảo sát đánh giá thực trạng kho mộc bản, kiểm kê, vệ sinh, phân loại, mã hóa, xây dựng hồ sơ hoàn chỉnh và sắp xếp thành các bộ kinh cho hợp lý và khoa học, đồng thời tiến hành in dập ra giấy dó, dịch thuật và đóng quyển, chụp ảnh, quay video, lược thuật, mã hóa (kí hiệu bảo tàng) toàn bộ kho mộc bản để tiện cho việc quản lý, bảo quản, sử dụng...
|
Kho mộc bản. |
|
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: TG |
|
Trang bìa mộc bản. |
Độc nhất vô nhị
Với số lượng hơn 3.000 mộc bản, khắc ngược (âm bản) trên gỗ thị bằng chữ Hán, Nôm thuộc nhiều thời gian khác nhau từ thế kỷ 17- 19, trong đó hầu hết là kinh, sách, luật giới nhà Phật và một số trước tác (thơ, phú, nhật ký...) của một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm, với các bộ kinh tiêu biểu như: Yên Tử nhật trình, Di Đà kinh, Sa di ni giới kinh, Kính tín lục, Đại thừa chỉ quán... mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được xem là "độc nhất vô nhị".
Ông Phạm Cao Phong- Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam đồng thời là trưởng đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp toàn thể lần thứ 5 của Uỷ ban Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Thái Lan - cho biết, chương trình "Ký ức thế giới" của UNESCO ra đời từ năm 1993. Mục đích để ghi nhận các di sản thuộc dạng tư liệu trên thế giới, đó có thể là cuốn sách, bộ phim, bức ảnh, giọng nói (băng ghi âm) hay bút tích...
Để được UNESCO công nhận thì di sản phải là tư liệu duy nhất, xác thực, độc đáo, có sự tác động, lan tỏa rộng và đang đứng trước nguy cơ mai một. Khó khăn lớn nhất là phải chứng minh mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đáp ứng đầy đủ những tiêu chí của ban tổ chức, thứ nữa phải trả lời được các phản biện trực tiếp từ các thành viên trong hội đồng và lần này đã chứng minh một cách đầy thuyết phục và thành công.
Theo ông Phong, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có tính độc đáo bởi trong 9 cuốn sách thì chỉ có 2 cuốn là kinh Phật còn lại là luận giải của các Thiền sư và những kiến thức liên quan đến y thuật chữa bệnh, tác phẩm văn học... Trong đó tiêu biểu là cuốn Thiền tông bản hạnh. Sách này được khắc làm 4 lần, lần đầu chưa xác định được niên đại, các lần sau vào năm 1745, 1805, 1932, sách tập hợp một số tác phẩm thơ chữ Nôm thời Trần- Lê như: bản kể về lịch sử Phật giáo phái Trúc Lâm Yên Tử; Thiền tịch phú; Cư trần lạc đạo; Giáo tử phú; Thiếu thất phú...
Đặc biệt mộc bản này được Hội thảo bảo tồn di sản chữ Nôm (The Vietnammese Nôm Preservation Foundation, USA) lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode (kí hiệu NomNaTongLight.ttf) và được cài đặt vào máy tính trên toàn thế giới. Dòng Thiền Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông là người sáng lập, mang những dấu ấn riêng của người Việt. Sự khác biệt nữa ở mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm so với mộc bản của Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc là chúng ta dùng cả chữ Hán và chữ Nôm, trong khi mộc bản các nước chỉ dùng chữ Hán...
Ngoài kinh, sách, luật giới còn có mộc bản để in ấn sớ, điệp. Đại đức Thích Thanh Vịnh - Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm - cho hay, sớ Phúc Thọ để cầu xin chư Phật, Bồ tát ban sự bình yên, khỏe mạnh; sớ Tiếp Linh để cúng vong hồn người đã chết; sớ Triệu Linh được xem như là "chứng minh thư" của người cõi âm. Trong đó sớ Tiếp Linh và Triệu Linh thì các tông phái ở Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung quốc, Nhật Bản... đều không có mà chỉ có tại Trúc Lâm Yên Tử... Đó là sự độc đáo mà không nơi nào có.
Như vậy, sau mộc bản triều Nguyễn, 82 bia đá tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc tử giám (Hà Nội), mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản thứ ba của Việt Nam được công nhận là di sản tư liệu trong chương trình "Ký ức thế giới". Đây là sự ghi nhận, tôn vinh những giá trị độc đáo của kho mộc bản và là cơ hội để Việt Nam quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch trong tương lai. Đồng thời có thể xem là bước đệm quan trọng để kho mộc bản này vượt ra tầm khu vực hướng tới một danh hiệu cao nhất của nhân loại.
Kim Sa