Toàn Thắng một đô thị và tiểu cảng nổi tiếng thời trung đại |
![]() |
![]() |
![]() |
Thứ năm, 26 Tháng 4 2012 03:48 | |||||||
Toàn Thắng một đô thị và tiểu cảng nổi tiếng thời trung đại Xã Toàn Thắng ( huyện Tiên Lãng) nằm dọc theo sông Văn Úc, là vùng đất màu mỡ gần với cửa biển Đại Bàng ( nay là cửa Văn Úc). Xét về điều kiện tự nhiên, đây là khu vực lý tưởng cho việc xây dựng thương cảng, trung tâm buôn bán trao đổi hàng hóa từ thời xưa. Khảo sát thực địa cho thấy mảnh gốm cổ nằm rải rác trong các thôn xóm Cẩm Khê, Minh Thị và Đốc Hậu, xã Toàn Thắng, khu phố Lồ thuộc xã Quang Phục, nhưng tập trung hơn cả là ở khu chợ Minh Thị cổ. Hiện vật mà nhân dân thu thập được gồm nhiều loại hình khác nhau, mỗi loại lại gồm nhiều kiểu như bát đĩa, cốc chén, bình lọ, bát hương… Bát chiếm khối lượng lớn với nhiều kiểu dáng, kích thước; có loại bát chỉ to hơn chén lớn chút ít, có loại to như bát ăn cơm ngày nay. Đáng chú ý là loại bát có chân đế to cao, dưới trôn bôi son màu nâu đỏ, tráng đen trắng, vẽ hoa lam và loại bát có chân đế rất cao, phần chủ yếu khá dài, hình trục đặc, phần cuối cùng của chân đế choãi rộng hình tròn để giữ cho bát khỏi đổ. Loại bát này thường thấy ở lò gốm Chu Đậu, xã Thái Tân ( tỉnh Hải Dương). Đĩa cũng có số lượng lớn, gồm nhiều kiểu dáng, nhất là loại đĩa to với đường kính miệng 15 – 20 cm, men trắng và hoa lam. Ngoài ra còn thấy các loại lọ, lon, chum, vại sành nâu hay da lươn với số lượng nhiều. Tuyệt đại bộ phận các đồ gốm nằm trong khu di chỉ này được làm bằng đất sét, cao lanh có màu trắng xám nhạt và tráng men với nhiều sắc độ khác nhau như trắng, trắng xanh, xanh ngọc, xanh lam, vàng da cam, nâu, nâu sẫm…Men gốm có khi tương đối trong, có khi đục hoặc rạn. Có thứ gốm được tráng một loại men ( phần lớn) và cũng có một số đồ gồm tráng hai loại men khác nhau. Đặc biệt, tại đây tìm được một bình cổ cao, hình nậm rượu, men rượu, men màu, rạn, trang trí tích “ ngư ông đắc lợi” quen thuộc của lò gốm Bát Tràng, thế kỷ 18, và một số mảnh gốm sứ Trung Quốc thời Minh ( thế kỷ 17). Hoa văn trang trí khá phong phú và đa dạng, bao gồm các loại hoa sen, hoa cúc, cỏ cây hoa lá… tạo thành các bố cục, các mảnh trang trí ngang dọc khá sinh động. Giữa đáy và cạnh một số di vật được ghi chữ Hán bằng men xanh như trung, chính, phúc, đại… Nói gốm Toàn Thắng, không có nghĩa là đồ gốm được sản xuất ở Toàn Thắng mà chỉ đề cập đến sự có mặt của nó ở địa phương. Cho đến nay, chúng tôi chưa tìm thấy dấu vết sản xuất trong khu vực này. Nhưng có điều thú vị là nhân dân đào được khá nhiều di vật lành và dường như trùng lặp với truyền ngôn ở địa phương; tại thôn Cẩm Khê, người ta tìm thấy một chiếc tàu bằng gỗ bị vùi sâu dưới lòng đất. Phải chăng những hiện vật nguyên vẹn nằm ở đó đây trong vùng là hàng hóa phân tán của thương thuyền mắc nạn xưa?
Tại chùa Minh Phúc, thôn Minh Thị, còn lưu lại tấm bia đá “ Hậu Phật bi ký” khắc năm Sùng Khang thứ 7 ( 1572) thời nhà Mạc, ghi việc Hoàng thái hậu họ Vũ mua 5 mẫu đất giá 120 lạng bạc làm ruộng tam bảo và dựng chợ. Ngày đó, chợ Minh Thị rất sầm uất, dân chúng giàu nhanh, là một cơ sở kinh tế quan trọng. Bia ( Minh Phúc Tự) dựng năm 1669 ghi rõ dân làng bị quan dịch nặng nề phải nhờ vợ chồng thương gia Đoàn Tiến Đạt – Lê Thị Dung giúp 60 quan tiền, 2 sào ruộng. Một bia dựng trước đó hai năm cũng cho biết nhân dân thôn chợ phải lo cung cấp tiền của cho lãi binh, quan lại tuần du đạo phương Bắc. Đặc biệt, trong chùa còn pho tượng A –di –đà bằng đá, lớn bằng người thực, ngồi trên tòa sen,mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ 16 ( thời Mạc) điển hình ở nước ta. Pho tượng A –di –đà này được thể hiện tỉ mỉ từ cụm tóc xoắn ốc, dải áo, móng tay đến khối hình, vẻ mặt, thuần hậu Việt Nam hơn các pho tượng A –di- đà nổi tiếng ở chùa Bút Tháp ( Bắc Ninh). Việc phát hiện và xác định niên đại cụ thể về pho tượng chùa Minh Thị là tiêu chí quan trọng để nghiên cứu nghệ thuật tạo hình Phật giáo. Bên cạnh tượng A-di-đà và một số bia đá thời Mạc, chùa còn bảo lưu được cây tháp bằng đất nung chín tầng cùng niên đại. Tháp hình tứ giác, các tầng cách nhau bởi cái mái đao cong. Bốn mặt mỗi tầng tháp đắp nổi hình rồng đơn, tượng Phật không được phủ men, hình thức thể hiện tương tự như các chân đèn gốm thời Mạc được phát hiện ở chùa Thầy ( Hà Tây), trổ một cửa hình vòm cuốn giống như ở tháp Bình Sơn ( Phú Thọ) thu nhỏ. Trong lòng tháp đắp nổi hàng ngàn chữ Hán ghi tên chùa và tên tín chủ, tín thí cúng dâng tam bảo, hinhg thức này chỉ xuất hiện dưới triều Mạc. Tiếc rằng ngôi tháp cổ tám tầng, chỉ còn lại tầng thứ ba, tính từ dưới lên.
Theo bia “ Hoàng Đồ củng cố” dựng năm 1511 cùng với khu chợ Minh Thị ( Toàn Thắng), ở huyện Tiên Lãng đã xuất hiện các dãy phố cổ Lồ, Khách, Đường Thung…hình thành một trung tâm buôn bán thịnh đạt mang hình bóng của một đô thị, thương cảng cổ.Cùng với sự phát hiện hàng loạt các di vật, phế vật mang phong cách nhà Mạc ( thế kỷ 16) và các thế kỷ tiếp theo, là các truyền ngôn ở địa phương giải thích về sự hình thành tên phố, tên làng giúp chúng ta hình dung về một thời “ vang bóng” của mảnh đất lịch sử này. Phố Khách là nơi cư trú, buôn bán của người Trung Quốc xuống phương Nam khi giặc Mông xâm lược nước Tống. Phố Lồ là phố của các thương nhân phương Tây mở cửa hiệu giao dịch, bán và mua hàng hóa và là trạm dừng chân, chuẩn bị cho các chuyến đi trên đại dương mênh mông hay mới từ biển cả đến để làm quen với con người và sản vật nước Nam… Cùng với các hải cảng lớn đương thời ở nước ta như Phố Hiến ( Hưng Yên), Hội An ( Quảng Nam)…, đô thị và tiểu cảng cổ ở Tiên Lãng đã góp phần đưa sản phẩm hàng hóa của nước ta đến với bạn bè thế giới, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữ các dân tộc. Mọi nhận định, đánh giá về vùng đất này ngay bây giờ , e quá sớm và thiếu cẩn trọng. Nhưng từ kết quả nghiên cứu thực địa chúng tôi nêu lên một số vấn đề và đưa ra vài nhận định mang tính dự báo khoa học bước đầu đối với một di chỉ khảo cổ học còn ẩn chứa nhiều giá trị về lịch sử, khoa học và kinh tế của thành phố Hải Phòng. Nguồn: Du lịch Văn hóa Hải Phòng
LBL_NEWERNAME
LBL_OLDERNAME
|