Nguyễn Thị Ngọc Diễm

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm
Nguyễn Thị Ngọc Diễm
Vương phi chúa Trịnh
Thông tin chung
Phu quân Trịnh Doanh
Hậu duệ Trịnh Sâm
Tên đầy đủ Nguyễn Thị Ngọc Diễm
Tước hiệu Hoa Dung vương phi
Vương Thái phi
Thánh Từ Thái Tôn Thái Phi
Trịnh Quốc mẫu
Thụy hiệu Hoa Dung
Thân phụ Nguyễn Luân
Sinh 1721
làng Linh Đàm, xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội
Mất 1784
Thăng Long
An táng chân núi Mông Cù (còn có tên là Bút Sơn) ở làng Đa Bút, huyện Vĩnh Lộc, xứ Thanh Hóa

Nguyễn Thị Ngọc Diễm (chữ Hán: 阮氏玉琰, 1721-1784), là một vương phi của chúa Trịnh. Bà là vợ chúa Trịnh Doanh, mẹ Trịnh Sâm, bà nội của Trịnh KhảiTrịnh Cán.

Bà đã sống vào những năm cuối của chính quyền chúa Trịnh, chứng kiến sự phục hưng phát triển cúa chính quyền chúa qua tài năng của chồng là Trịnh Doanh, con là Trịnh Sâm; nhưng đồng thời cũng là những năm tháng suy tàn, sụp đổ của nhà chúa khi Trịnh Sâm lại bỏ bê nghiệp chúa, say mê yêu chiều Tuyên phi Đặng Thị Huệ, làm hại cơ đồ nhà Trịnh, và rồi nhà chúa cũng kết thúc cơ đồ khi Tây Sơn tiến quân ra Bắc.

Bà nổi tiếng là người uyên bác, có tư duy chiến lược xây dựng đất nước, là người lập ra Ngũ Quy, tuy có điểm đồng nhất với tư tưởng Tứ Bất của Bảng nhãn Lê Quý Đôn (người cùng thời với bà) là: Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất thành. Nhưng tư tưởng Ngũ Quy đầy đủ hơn, sâu sắc hơn. Cho đến giờ, trong công cuộc xây dựng đất nước, tư tưởng chiến lược của người xưa vẫn còn nhiều điều khả thủ, gợi ý cho cuộc sống hôm nay.

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Thân thế[sửa | sửa mã nguồn]

Bà Ngọc Diễm, hồi còn nhỏ có tên là Khương, quê ở làng Linh Đường, huyện Thanh Trì, phía Nam kinh thành Thăng Long.

Làng Linh Đường còn gọi là Linh Đàm, nằm bên một đầm nước lớn tương truyền có một loại cỏ thơm gọi là cỏ linh chi cho nên thành tên làng. Linh Đàm có nghĩa là đầm cỏ thơm, còn Linh Đường có nghĩa là hồ nước có cỏ linh chi. Ngoài ra, nơi đây còn có tên gọi là Liên Đàm, nghĩa là đầm sen, bởi đầm có nhiều hoa sen. Ngôi làng này xưa thuộc xã Linh Đàm, sau đổi thành xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.

Bà Diễm sinh ra và lớn lên tại ngôi làng cổ này và thuộc dòng họ Nguyễn Linh Đường, một dòng họ vẻ vang, uy thế.

Cha của bà là Nguyễn Luân (1686 - 1739), tự là Đình Anh, Đình Tư nên người ta thường gọi ông là Nguyễn Đình Tư.

Năm 23 tuổi thi Hương, ông đỗ giải Nguyên, năm sau trúng Tam trường rồi thi đỗ khoa Hoành từ sĩ vọng, lại đỗ Văn chức nội đình tiến triều (tương đương tiến sĩ). Là người có tài năng, đạo đức nên Nguyễn Đình Tư được chúa An vương Trịnh Cương coi trọng cho vào vương phủ giữ chức Tư giảng, làm thầy dạy học, giảng kinh sách cho công tử Trịnh Doanh.
Khi ấy con thứ 11 của vua Lê Dụ Tông là hoàng tử Lê Duy Thận (còn gọi là Duy Thìn, Duy Thần), cháu gọi bà phi họ Vũ vợ Trịnh Cương bằng cô đang được nuôi trong phủ chúa, vì thế hoàng tử cũng cùng nghe giảng sách với Trịnh Doanh. Sau này, hai học trò của Nguyễn Đình Tư, một người trở thành vua (Lê Ý Tông), một người làm chúa (Minh Đô Vương) khiến người đương thời kinh ngạc mà ca ngợi ông rằng: "Kẻ áo vải mà làm nên bậc thầy của cả vua lẫn chúa, xưa nay thực hiếm có".
Với công lao và tài trí, Nguyễn Đình Tư được triều đình phong cho nhiều tước vị cao: Tiền tả tư giảng, Bồi tụng, Thượng thư bộ Công, tước Nam quận công.
Ông còn là bạn tâm giao của nhiều danh sĩ nổi tiếng như Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ; Thượng thư, Tiến sĩ Nguyễn Công Cơ, Thượng thư Nguyễn Công Thái, Hoàng giáp Nguyễn Quý Ân, Đỗ Thế Giai...

Tư thất của ông là nơi mọi người thường đến thưởng hoa, ngâm thơ, bình văn xướng họa nên nhà ông được gọi là Nguyễn môn đào lý (vườn đào - tài trí, thơ văn - nhà họ Nguyễn). Nguyễn Đình Tư sinh được 6 người con, 3 trai 3 gái thì con trai đều được phong làm Quận công, con gái đều làm phu nhân đại thần; trong đó nổi tiếng nhất là bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm.

Xuất thân trong một gia đình danh giá, cha giữ chức lớn trong triều, lại là thầy học của vua Lê chúa Trịnh; các anh trai đều làm quan, chị em gái đều làm vợ quận công, tướng lĩnh. Kế thừa truyền thống dòng tộc, lại là người thông minh, ham học nên đến tuổi cập kê, Nguyễn Thị Ngọc Diễm trở thành một người tài sắc, mẫn tiệp nổi tiếng. Chúa Trịnh Doanh nghe tiếng đã làm lễ xin cưới bà làm vợ, đưa vào phủ chúa phong làm chính phi và đặt mỹ hiệu là Hoa Dung.

Làm vợ chúa Trịnh Doanh[sửa | sửa mã nguồn]

Ở địa vị cao sang nhưng chính phi Hoa Dung rất khiêm nhường nhân ái, sống khoan hòa, cần kiệm, độ lượng với mọi người; không chỉ vậy, bà còn là người am hiểu rộng nên được cả An vương Trịnh Doanh và quần thần rất nể trọng phẩm cách và học vấn. Biết được tài năng của bà nên chúa Trịnh thường hay gọi vào đàm đạo về quốc sự.

Mỗi khi đi kinh lý, chúa đều giao cho chính phi Hoa Dung trông coi công việc trong vương phủ. Qua những lần điều hành công việc đó mà tư duy, tầm nhìn và khả năng chính trị của bà ngày càng phát triển, vừa bao quát tính chuyện lâu dài, lại vừa thực tế để tìm ra những biện pháp đem lại lợi ích trong quản lý, chấn hưng đất nước, lập lại kỷ cương và bình ổn xã hội.

Trên cơ sở đó, bà đã đưa ra kế sách Ngũ Quy dâng lên chúa với nội dung cơ bản là:

  • Quy nông tắc ổn: Phát triển nông nghiệp, khi nghề nông phát đạt thì thế nước nhất định sẽ mạnh, xã hội ổn định.
  • Quy công tắc phú: Mở mang công nghiệp để đem lại sự giàu có cho đất nước.
  • Quy thương tắc hoạt: Thúc đẩy thương mại, mua bán trao đổi hàng hóa sẽ tạo sự linh hoạt, năng động trong xã hội.
  • Quy trí tắc hưng: Quan tâm tới giáo dục, nâng cao hiểu biết bằng học vấn, đào tạo nhân tài để sử dụng thì đất nước sẽ hưng thịnh.
  • Quy pháp tắc bình: Lấy pháp luật làm công cụ quản lý xã hội, giữ nghiêm phép nước thì xã hội bình yên.

Sử sách không ghi chép lại việc chúa Trịnh có đem kế sách Ngũ Quy của chính phi Hoa Dung ra thi hành trong thực tế hay không nhưng cho biết rằng, xã hội Đàng Ngoài thời chúa Trịnh Doanh chấp chính khá ổn định. Trịnh Doanh là người chăm chỉ trong công việc, ban hành nhiều quyết định hợp lòng người, được quần thần và dân chúng ủng hộ, ông rất chú ý tuyển chọn và sử dụng quan lại trên cơ sở coi trọng thực tài, mọi việc thưởng phạt công minh. Những điều đó chứng tỏ tư tưởng chính trị của chính phi Hoa Dung có ảnh hưởng ít nhiều tới các quyết sách của phủ chúa và việc xử lý chính sự đều không nằm ngoài khuôn khổ kế sách Ngũ quy mà bà đã đề xuất.

Vương thái phi nhà Trịnh[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi Trịnh Doanh mất (1767), trong thời gian đầu khi Trịnh Sâm lên nối nghiệp chúa, bà Hoa Dung rất quan tâm giúp đỡ con mình, Trịnh Sâm tôn bà là Vương Thái phi, còn vua Lê Hiển Tông ban Kim sách (sách vàng), một ân huệ chỉ dành cho những nhân vật đặc biệt cao quý và phong bà làm Quốc Thánh mẫu.

Bà có những ảnh hưởng nhất định đến việc cai trị của chúa lúc mới nắm quyền, bấy giờ: chúa Trịnh Sâm hăng hái làm việc, chán thói cẩu thả từ trước, mong có biến thông cổ vũ thực hành chính sự đổi mới (Đại Việt sử ký tục biên).

Sách Lịch triều hiến chương loại chí ca ngợi:

"...Chúa cho phép tắc các triều trước là nhỏ hẹp, nên việc chính thường tự quyết đoán, phần nhiều không theo lệ cũ, cầm giữ chính quyền, cất nhắc nhân tài, văn tự sửa sang ở trong, võ công chống chọi ở ngoài. Chính giáo lừng lẫy khắp nơi, bốn cõi yên ổn, công lao rực rỡ hơn các đời trước".

Năm Đinh Hợi (1767), tức là ngay sau khi lên ngôi chúa, Trịnh Sâm đã truy phong ông ngoại mình là Nguyễn Đình Tư tước Triệu Khánh công, Thượng đẳng phúc thần, sai lập hai ngôi từ đường thờ phụng. Còn bà Hoa Dung, trước đó đã bỏ tiền xây ngôi đền ở làng Huỳnh Cung, gần quê mình, đó là nơi đại danh sư Chu Văn An thời Trần dạy học thuở xưa. Ngôi đền này thờ cả hai nhà giáo Chu Văn An và Nguyễn Đình Tư.

Sử sách đánh giá chính sự thời Trịnh Sâm có nhiều tiến bộ tích cực nhưng về sau, vì ông quá say mê sắc đẹp của Tuyên phi Đặng Thị Huệ mà dần bỏ bê việc nước, rồi cho phế con trưởng lập con thứ, lấy Trịnh Cán (con của Tuyên phi) làm Thế tử.

Nhận thấy nguy cơ của sự bất ổn, bà Hoa Dung đã nhiều lần can ngăn nhưng không được Trịnh Sâm nghe theo, bà chán nản rời phủ chúa về sống ở quê Linh Đường, giúp làng sửa đình, chùa, cày cấy, dệt lụa, làm nhiều việc thiện cho dân.

Lúc chúa Trịnh Sâm ốm nặng sắp mất, bà về thăm nom, chăm sóc con với lòng thương cảm xót xa rồi khuyên không nên vì tình cảm cá nhân mà làm hỏng việc lớn, ngôi chúa với trách nhiệm nặng nề không thể trao cho một đứa trẻ yếu ớt thể trạng, ốm đau quặt quẹo được. Thế nhưng phe cánh của Đặng Thị Huệ quá lớn, Trịnh Sâm mất đi, quyền lực nằm cả trong tay Huy quận công Hoàng Đình Bảo nên Trịnh Cán vẫn được lập làm chúa.

Cuối đời[sửa | sửa mã nguồn]

Đúng như nhận định của bà, kể từ đó, các phe phái bắt đầu hình thành chống đối nhau, chính biến xảy ra khi kiêu binh nổi loạn giết Hoàng Đình Bảo thuộc phe Đặng Thị Huệ, phế Trịnh Cán rồi tôn Trịnh Khải lên làm chúa, Đặng Thị Huệ phải lẩn trốn.

Mặc dù việc Trịnh Khải lên ngôi chúa là hợp ý của mình, nhưng bà Hoa Dung không nỡ thấy cảnh nồi da xáo thịt bèn cho người đi tìm Đặng Thị Huệ và Trịnh Cán về cung, cho ăn uống, thay quần áo mặc.

Lên ngôi chúa, Trịnh Khải đã tôn phong bà là Thánh Từ Thái Tôn Thái Phi, nhưng không may một thời gian sau đó, bà lâm bệnh rồi mất vào ngày 28 tháng 7 năm Giáp Thìn (1784), thọ 65 tuổi vào thời điểm khi mà cơ nghiệp nhà chúa sắp tiêu vong trước cơn bão táp của phong trào Tây Sơn.

Linh cữu của bà được đưa về an táng tại chân núi Mông Cù (còn có tên là Bút Sơn) ở làng Đa Bút, huyện Vĩnh Lộc, xứ Thanh Hóa. Lăng Hoa Dung Nguyễn Thị Ngọc Diễm được xây bằng đá, dân gian trong vùng gọi là lăng bà Quốc mẫu hay lăng bà Trịnh. Việc chủ trì tế lễ khi khánh thành lăng do đại thần, Tiến sĩ Phan Huy Áng làm chủ tế; còn việc phụ trách, điều hành việc xây dựng lăng do con trai ông là quan Đốc đồng Thanh Hóa, Tiến sĩ Phan Huy Ích đảm nhiệm.

Khu lăng mộ[sửa | sửa mã nguồn]

Khu lăng mộ chính phi Hoa Dung được hoàn thành vào tháng 11 năm Giáp Thìn (1784). Trong tác phẩm Dụ Am thi văn tập của mình, Phan Huy Ích có bài thơ lại ghi việc làm lễ sơn lăng cho bà, có đoạn viết:

Tuổi già chăm lo yên xã tắc
Lập ra khuôn phép giúp ba triều
Linh Đường mưa máu âu trời xót
Núi Bút sương buông, buồn tịch liêu

Phía trước lăng mộ có dựng tượng 12 võ quan tạc bằng đá nguyên khối, đứng nghiêm trang, kính cẩn thành hai hàng. Đầu tượng đội mũ tròn, mình mặc giáp trụ dài có viền nhiều lớp, chân đi giày chiến kiểu hia cao đường bệ, một tay cầm kiếm, tay còn lại đặt trước ngực như nguyện bảo vệ sự yên giấc của bà Hoa Dung. Ngoài ra, còn hai bức tượng phỗng đá đầu to có ngắn, tóc búi quả đào, mắt lồi, mũi dô, miệng rộng với ý nghĩa là những người hầu cận.

Tượng được tạo tác trong tư thế quỳ chầu đợi lệnh, hai chân quặp ra phía sau, hai tay khoanh trước ngực. Cách lăng mộ không xa còn có ngôi miếu nhỏ thờ tự bà chính phi Hoa Dung, phía trước miếu có phiến đá đề dòng chữ Hán: Thiên tiên quốc thánh mẫu.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]