trường mầm non quốc tế mam non quan 5 mam non binh thanh Thiết kế web Hải Phòng, Thiết kế website Hải Phòng, thiet ke web hai phong, thiet ke website hai phongthiet ke web hai phong| thiet ke website hai phong||thiết kế website hải phòng||thiết kế web hải phòng

BẾN THẢO TÂN NƠI GHI DẤU HOÀNG ĐẾ MẠC TOÀN TỬ TRẬN
Thứ sáu, 28 Tháng 10 2011 02:05

BẾN THẢO TÂN

NƠI GHI DẤU HOÀNG ĐẾ MẠC TOÀN TỬ TRẬN

Ngày 27 tháng Giêng năm Quý Tỵ 1593

___________

 

Hoàng Văn Chòi

( 85 tuổi, bậc cao niên của Chi họ Hoàng xã Hiệp An, Kinh Môn, hải Dương)

Lịch sử Việt Nam xác nhận Vương triều Mạc bắt đầu từ sự kiện Thái sư, Nhân quốc công, An Hưng vương Mạc Đăng Dung lên ngôi Hoàng đế, ngày 15 tháng Sáu năm Đinh Hợi 1527, niên hiệu là Minh Đức, tồn tại gần 66 năm tại Thăng Long và gần 90 năm cát cứ ở Cao Bằng. Vương triều Mạc thời kỳ Thăng Long với nhiều biến cố, từ buổi mạt kỳ, hưng thịnh đến suy vong. Bến Thảo Tân – nơi ghi dấu Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn tử trận ngày 27 tháng Giêng năm Quý Tỵ 1593, kết thúc gần 66 năm trị vì của Vương triều Mạc tại Thăng Long.

Vậy bến Thảo Tân ở đâu? Tại sao Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn lại bị tử hình tại nơi đó? Dấu tích bến Thảo Tân ngày nay.

1. Về bến Thảo Tân

Theo Hợp biên thế phả họ Mạc và các tài liệu lịch sử có giá trị khác cho biết, Mạc Toàn là con trai trưởng của Hoàng đế Mạc Mậu Hợp, được vua cha truyền ngôi vào ngày 26 tháng 11 năm Nhâm Thìn 1592 tại huyện Kim Thành, niên hiệu là Vũ An. Ngài là vị hoàng đế có gương mặt sáng ngời, văn võ song toàn, là vị vua anh dũng quật cường, hiên ngang xông pha trận mạc, khí phách hào hùng, lại được tôi luyện trong một môi trường đặc biệt để kế vị ngai vàng. Song thời vận xã hội khi ngài lên ngôi vua cũng là lúc khí vận nhà Mạc đã bị suy vy, kiệt lực. Tháng 11 năm Nhâm Thìn 1592 khi nghe tin vua cha bị thua trận ở Yên Dũng, Bắc Giang, ngài vội đem quân đến tiếp ứng và đã giáp công một trận ác liệt với quân Trịnh Tùng tại Kim Thành. Biết thế lực không chống đỡ nổi, ngài cùng 3 em là Mạc Cảnh Huân, Mạc Cảnh Thuần và Mạc Ngọc Dung rút tàn quân chạy về huyện Đông Triều nhưng vẫn không tránh được sự truy sát của địch. Hoàng đế Mạc Toàn và nhiều thân vương bị quân Trịnh Tùng giết hại tại bến Thảo Tân ngày 27 tháng Giêng năm Quý Tỵ 1593.

Theo kể lại của các cụ cao niên thì bến Thảo Tân là một bến nhỏ của sông Phú Thái ngày nay, thuộc xã An Phụ, là khu giáp ranh giữa thôn Cổ Tân của huyện Kinh Môn với xã Phúc Thành của huyện Kim Thành. Khu vực này có nhiều cây cối, cỏ hoang mọc um tùm, ít người để ý tới. Bến Thảo Tân mới được mở và được sử dụng khi lực lượng của vua Mạc Mậu Hợp rút chạy từ sông Nhị Hà về huyện Kim Thành tránh sự tấn công của quân đội Lê Trịnh. Do địa hình huyện Kinh Môn bấy giờ xung quanh là sông nước bao bọc, núi non hiểm trở, đi lại rất khó khăn chủ yếu bằng đường sông. Việc mở bến Thảo Tân để lực lượng quân đội của Mạc Mậu Hợp dựa vào thế trận vừa phòng ngự vững chắc, chủ động tấn công lại vừa dễ dàng rút lui, ẩn náu. Sông Kim Thành cũng là tuyến đường giao thông quan trọng để di chuyển lực lượng từ huyện Kim Thành sang đại bản doanh là khu vực hang động trong dãy núi đá vôi xã Phạm Mệnh. Từ Bến Thảo Tân, theo sông Cầu Ba, qua bến Chùa Hang, ra sông Đá Bạc là con đường ngắn nhất, thuận lợi nhất lúc bấy giờ.

 

Ảnh 1: Đình Huề Trì - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia xếp hạng năm 1974,

nơi thờ Thành hoàng làng là hai nữ tướng Thiện Nhân, Thiện Khánh.

 

Các cụ cao niên còn kể rằng, chính bà Thiện Nhân, Thiện Khánh là hai nữ tướng của bà Lê Chân trong cuộc kháng chiến chống quân nhà Hán do Trưng Trắc, Trưng Nhị lãnh đạo, đã kiên cường chống giặc và anh dũng hy sinh tại khu vực làng Huề Trì, xã An Phụ. Làng Huề Trì cách bến Thảo Tân chưa đầy 1 km. Hiện nay, làng Huề Trì có đình Huề Trì thờ Thành hoàng làng là hai vị nữ tướng Thiện Nhân, Thiện Khánh, đã được Nhà nước cấp bằng công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1974. Chùa Hang cũng là một bến nhỏ của sông Cầu Ba. Bến Chùa Hang như một vịnh nhỏ, nằm lọt vào trong và bị che khuất bởi hai đầu ngọn núi Cao, trông như hai gọng kìm, phía tây là dãy núi An Phụ chắn ngang, tạo ra thế vững chắc, kín đáo, dễ bề giấu quân, ẩn náu, cất giữ lương thảo. Bến Chùa Hang chính là nơi diễn ra những trận chiến đấu ác liệt giữa quân của Mạc Mậu Hợp với quân Trịnh Tùng đầu năm Nhâm Thìn 1592.

 

Ảnh 2: Bến Chùa Hang xưa nay là  nghĩa trang Chùa Hang  xã Hiệp An, Kinh Môn, Hải Dương. 

Ngày nay, do quá trình biến đối của tự nhiên, các dãy núi An Phụ, núi Cao, núi đá vôi Phạm Mệnh, sông Phú Thái, sông Đá Vách, sông Cầu Ba vẫn còn nhưng lòng sông bị bồi đắp nên hẹp lại, dòng chảy bị thay đổi theo. Nhiều chỗ bây giờ là khu dân cư đông đúc, nhà máy cửa hàng mọc lên rất nhiều. Bến Thảo Tân xưa bây giờ là cánh đồng phì nhiêu của thôn Cổ Tân, xã An Phụ, không được lưu trong các bản đồ địa chính mà được chỉ lưu truyền qua truyện kể mà thôi.

2. Tại sao Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn lại bị tử hình tại Bến Thảo Tân?

Đầu năm Nhâm Thìn 1592, khi quân đội của Trịnh Tùng ngày càng lớn mạnh, lực lượng quân đội Mạc Mậu Hợp ngày càng giảm sút nghiêm trọng và yếu đi nhiều. Thời cơ đã đến, Trịnh Tùng tổng chỉ huy bằng nhiều mũi tiến công cả đường bộ và đường thủy, buộc Mạc Mậu Hợp cùng toàn bộ các thân vương nhà Mạc phải rút chạy từ sông Nhị Hà về huyện Kim Thành, dựa vào thế sông núi hiểm trở để phòng ngự. Nhưng trước sức mạnh tấn công của quân đội Trịnh Tùng, Mạc Mậu Hợp liền phong cho con trưởng là Mạc Toàn lên làm vua, tự mình xuống làm tướng để thống suất quân đội chiến đấu chống giặc. Sau những trận chiến ác liệt tại bến Thảo Tân, bến Chùa Hang, khu hang động Kính Chủ,... quân của nhà Mạc thua to, bị tổn thất nặng nề, Mạc Mậu Hợp rút quân chạy về Yên Dũng, Bắc Giang để tiếp tục chống giặc.

 Mạc Toàn lên ngôi vua ngày 26 tháng giêng năm Nhâm Thìn 1592 trong lúc thế cùng lực kiệt, lực lượng bị tiêu hao khá lớn. Thân vương nhà Mạc đi theo lúc này chỉ còn lại ông bà ngoại và các em Mạc Cảnh Thuần, Mạc Cảnh Huân và Mạc Ngọc Dung. Là người đa mưu túc kế, với phương châm diệt họa phải diệt tận căn, Trịnh Tùng tiếp tục huy động tổng lực tấn công tiêu diệt lực lượng quân đội Mạc Toàn. Sau những trận chiến đấu ác liệt, Mạc Toàn dã bị bắt và bị chém đầu tại bến Thảo Tân ngày 27 tháng Giêng năm Quý Tỵ 1593. Thân vương nhà Mạc còn lại rút chạy tản mạn khắp nơi, mai danh ẩn tích, đổi họ cải tên để tránh sự truy sát của tập đoàn Lê Trịnh.

 

Ảnh 3: Ngôi mộ Tổ của chi họ Hoàng xã Hiệp An, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương

 chính là nơi yên nghỉ của Cảnh tông Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn.

Có thể thấy rằng, việc Trịnh Tùng chém đầu Hoàng đế Mạc Toàn tại bến Thảo Tân là nhằm những mục đích trọng yếu sau đây:

Một là, bến Thảo Tân thuộc sông Phú Thái, là nơi giao thủy với sông Đá Bạc, sông Kinh Thầy thông sang Tây Đô thuộc Thanh Hóa (đại bản doanh của tập đoàn Lê Trịnh) và xuống Dương Kinh, Đồ Sơn của TP Hải Phòng (là thành lũy thứ hai của nhà Mạc sau Thăng Long). Việc hành hình Mạc Toàn tại bến Thảo Tân nhằm khẳng định uy lực chiến thắng của Trịnh Tùng trước một vương triều được coi là "ngụy", là kẻ thù không đội trời chung với triều Lê nên càng tăng thêm thanh thế cho Trịnh Tùng nói riêng, cho tập đoàn Lê Trịnh nói chung. Đồng thời đây là tổn thất vô cùng to lớn, tác động đến tư tưởng, uy hiếp tinh thần và tính mạng cho các thân vương, con cháu họ Mạc trước sự tàn sát, trả thù dã man của quân Trịnh.

Hai là, bến Thảo Tân nằm trong khu vực thế trận đặc biệt, sông nước bao bọc, núi non hiểm trở, dễ phòng ngự, khó bị phản công. Trịnh Tùng chọn địa điểm này hành quyết Mạc Toàn để phòng những bất trắc có thể xảy ra. Nếu lực lượng nhà Mạc với tinh thần quyết chiến hoặc có lực lượng tiếp ứng, có thể phản công thì Trịnh Tùng dễ dàng rút chạy bằng đường sông và dựa vào các hang động của các dãy núi đá vôi Phạm Mệnh để phòng ngự.

Ba là, bến Thảo Tân cách Nghi Dương (Dương Kinh) không xa. Ngoài việc chém đầu Mạc Toàn tại bến Thảo Tân để uy hiếp Dương Kinh, Trịnh Tùng còn gửi đến Nghi Dương một tín hiệu dữ, là đòn đánh phủ đầu, không xa nữa Dương Kinh cũng sẽ bị tiêu diệt. Bến Thảo Tân còn là nơi Trịnh Tùng củng cố lực lượng, làm bàn đạp chuẩn bị tiến đánh Dương Kinh, sào huyệt cuối cùng của nhà Mạc. Điều đó đã xảy ra đúng như vậy, không lâu sau Dương Kinh đã bị quân Trịnh Tùng tàn phá, truy diệt vô cùng tàn nhẫn.

Bốn là, bến Thảo Tân rất gần với huyện Thủy Đường (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng ngày nay). Thủy Đường lại là nơi có nhiều con cháu trong họ Mạc rút chạy đến ẩn náu, mai danh ẩn tích, sang tên đổi họ sau khi Mạc Toàn bị tử trận. Trịnh Tùng hành quyết Mạc Toàn tại bến Thảo Tân còn nhằm đánh vào tận gốc rễ tư tưởng phù Mạc diệt Lê trong tàn dư của thân vương, con cháu họ Mạc. Từ đó Trịnh Tùng dễ bề thao túng, bình định ở các nơi khác, các lực lượng khác nếu có ý định chống đối nhà Lê.

Tóm lại, việc Trịnh Tùng chọn bến Thảo Tân để tử hình Hoàng đế Mạc Toàn đã được tính toán rất kỹ lưỡng và đạt được nhiều mục đích lớn, vừa tạo thêm thanh thế, sức mạnh cho Trịnh Tùng, vừa là tác nhân làm nhanh chóng tan rã quân nhà Mạc, báo hiệu chấm dứt gần 66 năm trị vì tại Thăng Long của vương Triều Mạc trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

3. Dấu tích bến Thảo Tân ngày nay

Ngày nay, trước sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt của đời sống xã hội, các yếu tố, điều kiện tự nhiên cũng bị biến đổi theo thời gian. Lòng sông bị hẹp lại và chuyển dịch ra xa, đường giao thông được mở thêm mới và rộng hơn nhiều; nhiều cây cầu được xây kiên cố bắc qua sông; ruộng đất được quy hoạch, nhà cửa mọc lên san sát tạo thành những làng mới, thôn mới; nhà máy, cửa hàng, trường học, công trình công cộng được xây mới; các hang động được trùng tu, tôn tạo trở thành thắng cảnh và được khai thác phục vụ khách tham quan du lịch; không còn cảnh đìu hiu sông nước, núi non hiểm trở như xưa nữa.

 

Ảnh 4: Bến Thảo Tân xưa nay là những cánh đồng lúa xanh tốt, nơi đặt Trung tâm sản xuất

Lúa nếp cái hoa vàng, thôn Cổ Tân, xã An Phụ, Kinh Môn, Hải Dương.

 

Địa danh bến Thảo Tân xưa không được ghi cụ thể trong sử sách hoặc bản đồ địa chính, mà chỉ được lưu truyền trong các câu truyện của một số ít các cụ cao niên hoặc là dấu tích lịch sử mà thôi. Đó là việc tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng có rất nhiều con cháu họ Mạc, gốc Mạc (xã Trâm Khê, An Sơn, Lại Xuân,...) là do lực lượng nhà Mạc chạy đến, mai danh, đổi họ. Đó là việc ngày 11 tháng 11 năm Tân Dậu 1981, tại nghĩa trang Chùa Hang xã Hiệp An (nghĩa trang Chùa Hang xã Hiệp An chính là bãi bồi của bến Chùa Hang xưa), khi đào huyệt để chôn cất ông Nguyễn Văn Tư (thôn Tây Sơn), tổ đào huyệt do ông Nguyễn Văn Teo làm tổ trưởng đã tìm được nhiều đồ vật cổ như đĩa, bát, chén đựng trong một chiếc chum có niên đại thời Trần, trên một chiếc thuyền đã bị mục nát. Chiếc thuyền đó được xác định là của quân Trịnh Tùng sau chiến thắng vào cuối năm 1592, đầu năm 1593, đã tịch thu nhiều vàng bạc, châu báu của nhà Mạc, khi về đến bến Chùa Hang thì bị đắm. Hiện nay, chiếc chum và một số đĩa cổ đó vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương. Hoặc ngày 04 tháng Tư năm Giáp Tý 1984, tổ đào huyệt của xã do ông Hoàng Văn Hiếu làm tổ trưởng, khi đào huyệt chôn cất ông Nguyễn Văn Được (thôn Lưu Thượng I), đã tìm được một số lượng rất lớn bát, đĩa, chén cổ thời Trần, được xác định là những đồ vật của nhà Mạc bị quân Trịnh Tùng cướp trong trận chiến năm 1593. Hoặc ngày 15 tháng 5 năm Canh Ngọ 1990, khi đào huyệt chôn cất ông Nguyễn Văn Mạn (thôn Lưu Thượng I), đã phát hiện một chiếc thuyền đã bị mục nát. Chiếc thuyền đó được xác định là thuyền chiến của quân Mạc trong trận thủy chiến với quân Trịnh Tùng tại bến Chùa Hang năm Quý Tỵ 1593. Người ta cho rằng, tại nghĩa trang Chùa Hang hiện nay còn chứa nhiều đồ vật cổ quý hiếm do tàn dư của những cuộc chiến Lê - Mạc.

 

Ảnh 5: Nghĩa trang Chùa Hang hiện nay còn chứa nhiều đồ vật cổ quý hiếm

do tàn dư của những cuộc chiến Lê - Mạc.

 

Ngã ba sông Cầu Ba với sông Đá Bạc cùng là nơi giáp ranh với huyện Thủy Nguyên. Khu vực này có nhiều dãy núi đá vôi với nhiều hang động hiểm trở, là nơi lãnh tụ Mạc Đăng Tiết (1853-1912), hậu duệ gốc Mạc, chiêu mộ nghĩa quân khởi nghĩa đánh Pháp (1885-1890) ở vùng Hai Sông (sông Kinh Thầy và sông Kinh Môn), phạm vi hoạt động của nghĩa quân rộng lớn trên 3 tỉnh gồm: Huyện Kinh Môn, Kim Thành, Nam Sách, Chí Linh (Hải Dương); Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, Hải An (Hải Phòng) và Quảng Yên, Đông Triều, Uông Bí (Quảng Ninh). Thực dân Pháp cùng Tổng đốc Hải Dương Hoàng Cao Khải đã điều hàng ngàn quân chính quy, cùng với hàng ngàn dân binh bị ép buộc làm bia đỡ đạn, bằng nhiều âm mưu thủ đoạn thâm độc, tàn bạo bao vây tiêu diệt nghĩa quân, cắt đường tiếp tế lương thảo, thuốc cứu thương và vũ khí, đầu độc nguồn nước. Đặc biệt do sự đầu hàng Pháp của triều đình Tự Đức nên cuộc khởi nghĩa của Mạc Đăng Tiết cùng với phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy chống Pháp của Nguyễn Thiện Thuật ở Bắc kỳ đã thất bại. Sau này, Mạc Đăng Tiết được vua Hàm Nghi phong là Đề đốc Quân vụ tỉnh Hải Dương (tương đương chức Tỉnh đội trưởng ngày nay), nên thường gọi là Đốc Tít.

________________________

( Chuyên đề phục vụ Hội thảo khoa học "Những di sản văn hoá về Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương" )
Nguồn: mactoc.com


LBL_NEWERNAME
LBL_OLDERNAME