Lịch sử huyện Sa Pa  (01/08/2012 )

Thời phong kiến, địa phận Sa Pa ngày nay thuộc Châu Thuỷ Vĩ, phủ Quy Hoá, tỉnh Hưng Hoá. Đến thời Minh Mạng - nhà Nguyễn, Châu Thuỷ Vĩ được chia thành nhiều tổng, địa phận Sa Pa được tách ra lập tổng Hướng Vinh bao gồm 15 làng.

abc

Nhà thờ Sa Pa trước năm 1990

Sau khi chiếm được Sa Pa vào năm 1887, thực dân Pháp thực hiện mở mang khu vực Hùng Hồ - Sa Pa xưa thành nơi nghỉ mát. Họ đưa một số chủ thầu người Pháp như Hautefeuille, Lapiques, Anvaro cùng với lực lượng công binh Pháp và công nhân người Việt khai thác vật liệu xây dựng, đá, gỗ, cát… Huy động hàng ngàn thợ từ miền xuôi, hàng vạn lượt người dân địa phương đi phu và tù nhân ở nhà tù Sa Pa tham gia xây dựng.

Từ khi tỉnh Lào Cai được thành lập (12/7/1907), khu Sa Pa được hình thành gồm 2 xã Bình Lư và Hướng Vinh. Những năm thập kỷ 30 của thế kỷ XX, Sa Pa đổi thành hạt, bao gồm 37 làng, một phố với 1020 hộ dân.

Đến năm 1915, đã có hai nhà nghỉ mát đầu tiên làm bằng gỗ do nhà chủ thầu Hautefeuille xây dựng. Sau đó là ba khách sạn lớn: Metropon, Pansipan, Hotel Đuy xang và hàng trăm biệt thự khác cũng được dựng lên phục vụ cho việc nghỉ dưỡng của người Pháp.

Khi khu nghỉ mát hình thành, cơ sở hạ tầng cũng được người Pháp xây dựng. Năm 1925 xây dựng trạm thuỷ điện Cát Cát, năm 1930 rải nhựa đường nội thị và đường Lao Cai - Sa Pa, hệ thống cung cấp nước sạch được xây dựng phục vụ khu vực thị trấn. Đồng thời hình thành khu dân cư Thị trấn Sa Pa. Ngoài người Việt còn có người Hoa, người Pháp, sau đó hình thành các tên phố như: Phố Khách, An Nam, Xuân Viên.

Đến năm 1943 Sa Pa đã có khoảng 200 biệt thự và nhà do người Pháp xây dựng, các vườn hoa, sân chơi, đồn điền cũng như các điểm du lịch như: Hang đá, Thác bạc, Cầu mây… (Tuy nhiên các biệt thự nghỉ mát, khách sạn và công sở đó không còn đến ngày nay vì hầu hết các công trình đó đã bị phá huỷ theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến năm 1947 và cuộc chiến tranh biên giới năm 1979).

Ngày 9/3/1944, Thống sứ Bắc Kỳ đã ra Nghị định thành lập Châu Sa Pa bao gồm 2 xã Mường Hoa, Hướng Vinh và khối phố Xuân Viên (Thị trấn ngày nay).

Năm 1948 Sa Pa được chia thành 3 xã: Sa Pa Chung, Mường Bo và Kinh Hoá (Sau còn gọi là Móng Và). Hoà bình lập lại, Sa Pa sắp xếp lại đơn vị hành chính chia thành 17 xã và một thị trấn. Mười tám đơn vị hành chính đó được giữ ổn định cho đến ngày nay .

Năm 1954 hoà bình được lập lại ở Miền Bắc, Sa Pa trở thành điểm nghỉ dưỡng của tất cả các tầng lớp nhân dân lao động. Nhưng Sa Pa chỉ thực sự mở cửa trở lại với khách du lịch quốc tế từ năm 1992.

Trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân Sa Pa luôn kề vai sát cánh với quân dân cả nước chống giặc ngoại xâm, thành tích đó đã được nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” năm 1998. Ngày nay mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Sa Pa sẽ vượt qua những thách thức để từng bước bứt lên, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Một số hình ảnh về Sa Pa những năm đầu thế kỷ

  

Chợ Sa Pa đầu thế kỷ 20

Cầu mây 1960

Sa Pa năm 1936

Sa Pa năm 1935

Sa Pa năm 1927

Sa Pa năm 1916


 


(Theo Lịch sử Đảng Bộ huyện)