www.vhttdlvinhphuc.vn

 
  Trang chủ   Góp ý - Liên hệ   Sơ đồ website   Thư viện ảnh   Ca khúc  
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch *Số 2 đường Hai Bà Trưng *phường Đống Đa *TP Vĩnh Yên *tỉnh Vĩnh Phúc  *ĐT:0211.3862.505 *Fax: 3847.773 *Email: sovhttdl@vinhphuc.gov.vn
 
Văn hoá dân gian
Tìm kiếm
 

LIÊN KẾT WEBSITE
Đối tác
Công ty cổ phần Mạng Trực Tuyến META Công ty TNHH Mặt Trời Vàng Du lịch Đà Nẵng
Số người truy cập
Bạn là người thứ: 314265
Đang truy cập: 21
Văn hóa dân gian
Nghề gốm Hương Canh - những thăng trầm và triển vọng mới (11/04/2008 18:44)

Làng gốm Hương Canh thuộc huyện Bìnn Xuyên đã hình thành cách đây gần ba trăm năm. Trải qua bao bước thăng trầm, có lúc rất thịnh vượng nhưng cũng đã có khi làng nghề tưởng như bị quên lãng... Thời gian gần đây, do nhu cầu tnị trường chú ý hơn đến đồ gốm có cá tính, sáng tạo mới (vừa hiện đại vừa cổ điển) do vậy, làng gốm theo đó mà dần phục hồi và đang có bước phát triển. 


Đình Hương canh chứng kiến những thăng trầm của nghề Gốm cổ truyền



Những thăng trầm và hy vọng mới.

Khi mới ra đời, làng nghề chủ yếu sản xuất các loạị đồ dùng có chức năng bảo quản lương thực, thực phẩm của gia đình. Sản phẩm làm ra chủ yếu là các loạii chum, vại đựng thóc, ngô, gạo, đỗ... Rồi tiếp đến người ta làm chum đựng nước, làm tương, ủ rượu, nồi đất, ấm pha trà, tiểu sành... Tất cả đều là những thứ đồ đựng hết sức thô sơ, đơn giản cả về kiều dáng và hoa văn nên giá thành cũng rất thấp. Dần dần, do nhu cầu xây dựng các công trình nhà ở, người ta chuyển sang làm thêm cả ngói lợp nhà. Có thời, ngói Hương Canh được rất nhiều nơi ưa chuộng. Ngói có màu đẹp, lợp nhà lại mát, độ bền tương đối cao…Nhưng rồi một thời gian sau, việc sản xuất ngói cũng bị mai một do cuộc sống hiện đại, nhiều loại vật liệu mới ra đời,người ta không có nhu cầu dùng nhiều đến ngói đất nung nữa.Thế là làng nghề gốm Hương Canh không còn hối hả, nhộn nhịp như trước. Sản xuất cầm chừng, người bán thì vẫn nhiều nhưng kẻ mua thưa thớt.
Khoảng những năm 1990, có nhiều người thợ làm nghề gốm ở Hương Canh đã chuyển hẳn sang làm nghề khác, chẳng còn mấy ai mặn mà tới nghề cũ nữa (dù đôi khi người ta cũng thấy tiếc nuối). May thay, vẫn còn sót một vài người tâm huyết với nghề tổ. Họ mày mò, tìm cách khôi phục lại màu gốm cổ quê hương, làm ra các sản phẩm xinh xắn, ngộ nghĩnh nhưng chưa đựơc mấy ai chú ý. Vài năm sau vẫn có một số thợ gốm duy trì lò nung song hiệu quả kinh tế dường như rất thấp. Cũng đúng lúc  đó, các cơ quan, ban ngành của địa phương quan tâm tới việc phục dựng, phát triển các làng nghề truyền thống, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các gia đình trong làng còn tiếc nuối nghề xưa mạnh dạn sản xuất mặt hàng gốm mới. Từ đó, đồ gốm của làng đã được cải tiến lên một bước. Sản phẩm làm ra không chỉ là những dụng cụ gốm thô sơ mà đã có sự tìm tòi, sáng tạo, làm nên những sản phẩm gốm mỹ nghệ rất đa đạng, phong phú. Một số tác phẩm gốm đẹp mắt được nhiều khách hàng ưa chuộng như con rồng thời Lý, cô gái vuốt tóc, cùng nhiều hình thù các con vật trông rất ngộ nghĩnh... Các sản phẩm này được tạo nên hoàn toàn từ nguyên liệu đất gốm thô sơ như trước kia đã từng tạo nên các loại nồi, chum vại…, không phụ thuộc nhiều ở chất men tráng như gốm của Bát Tràng mà chỉ nhờ vào lượng nhiệt nung trong lò tạo ra. Dù các sản phẩm ra lò không mềm mại, mượt mà như gốm của Bát Tràng, Giang Tây nhưng lại có cái mộc mạc, giản dị và rất cá tính. Chính sự gân guốc, hoang sơ như đồ vật cổ của gốm mỹ nghệ Hương Canh đã tạo nên nét riêng biệt vô cùng hấp dẫn.

Bước đầu tìm được thị trường xuất khẩu Nghệ nhân gốm Hương Canh bên các sản phẩm độc đáo, hấp dẫn

Dù đã có một số loại sảm phẩm mới đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng nhưng làng gốm Hương Canh vẫn chỉ có 4 xưởng gốm còn tồn tại,chủ lò chủ yếu nhận những hợp đồng nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao. Nguyên nhân là do người thợ gốm vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, trong khi đất làm gốm thì ngày càng ít đi, cơ sở sản xuất bị thu hẹp, người sản xuất chưa có chuyên môn về tạo hình, thiết kế….
Làng gốm Hương Canh duy chỉ có Ông Nguyễn Thanh (con rể của nghệ nhân Giang Văn Tụng) - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Nhạn (khu Lò Cang, TT Hương Canh)đã tìm được hướng đi mới cho gốm cổ. Công ty này chủ yếu sản xuất mặt hàng gốm mỹ thuật, vẫn giữ nguyên màu men sành mộc mạc nhưng kiểu dáng được cách điệu bắt mắt, rất phù hợp để trang trí nội thất, tạo không gian ấm cúng. Những sản phẩm ấn tượng, độc đáo đều do anh Nguyễn Văn Giang (con trai ông Thanh, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật công nghiệp) thiết kế. Các sản phẩm như: Lọ cắm hoa cách điệu hình thiếu nữ dân tộc, bình trang trí vẽ hình chim lạc, trống đồng, bình đựng rượu kiểu dáng mới lạ... được nhiều nơi trên thế giới như: Anh, Pháp, Thụy Sĩ...ưa chuộng. Lò gốm của gia đình đã ký được hợp đồng 3 năm (2007- 2010) với Công ty thương mại Kunho, Hàn Quốc (văn phòng đại diện đặt tại Văn Giang, Hưng Yên) tạo bước chuyển mình cho làng gốm. Kunho đặt hàng mỗi tháng  trên 8.000 chậu gốm để bàn. Yêu cầu của đối tác nước ngoài là sản phẩm phải được làm hoàn toàn bằng tay và có màu sành đặc trưng của Hương Canh.

Từ sự phát triển trên, Trung tâm Khuyến công tỉnh Vĩnh Phúc nhận thấy hướng đi phù hợp cho làng nghề truyền thống và đã hỗ trợ Công ty TNHH Thanh Nhạn 50% tổng kinh phí đầu tư trang thiết bị, công cụ sản xuất. Do đó 05 xưởng gốm trong làng sẽ được khôi phục, 3 lò nung được xây mới, hơn 30 thợ thủ công đã bỏ nghề đã quay lại làm gốm. Sẵn có kinh nghiệm, những người thợ làm gốm Hương Canh kịp thời bắt nhịp với công nghệ sản xuất gốm hiện đại để sản xuất các loại sản phẩm mới phục vụ xuất khẩu. Họ không chỉ nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật mà đã chuyển tải được ý tưởng của người thiết kế vào từng sản phẩm. Tuy nhiên số thợ làm gốm theo công nghệ mới còn hạn chế, một phần do tâm lý lo ngại việc thất thế của sản phẩm như đã từng xảy ra trước kia, phần nữa do hạn chế trong tiếp cận công nghệ mới của đội ngũ thợ thủ công vốn quen lao động thủ công. Thực tế, có rất nhiều hợp đồng từ nước ngoài với số lượng lớn mà công ty gốm Thanh Nhạn phải từ chối vì không đủ nhân lực và mặt bằng sản xuất.  Qua tìm hiểu, chúng tôi được ông Dương Văn Đá (Phụ trách khuyến nông UBND TT Hương Canh) cho biết,  UBND tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng cụm công nghiệp làng nghề trên diện tích 6ha tại Hương Canh. Các xưởng gốm sẽ được chuyển về đây, quy trình sản xuất sẽ chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Một tương lai đầy triển vọng đã hé mở đón làng nghề gốm truyền thống Hương Canh khi gốm mỹ thuật bắt đầu lên ngôi và tìm được thị trường xuất khẩu. Hy vọng các sản phẩm gốm Hương Canh không chỉ là vật trang trí được ưa chuộng tại xứ sở kim chi và các nước Châu Âu mà màu sành mang đậm hồn Việt sẽ còn được nhiều đất nước khác trên thế giới biết tới và ưa chuộng, đem lại sự phát triển phồn thịnh cho nhân dân làng nghề. 


Hoàng Thái

Tháp Bình Sơn
Link bai viet
Tây Thiên Đền Hai Bà Trưng
Tìm hiểu văn hoá
Công nghiệp Doanh nghiệp trẻ
  Trang chủ   Góp ý - Liên hệ   Sơ đồ website   Thư viện ảnh   Ca khúc  
Trang thông tin điện tử Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc
Cơ quan chủ quản: Sở văn hóa,Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc
Địa chỉ: Số 2 đường Hai Bà Trưng - phường Đống Đa - TP Vĩnh Yên - tỉnh Vĩnh Phúc
ĐT:0211.3862.505 * Fax:0211.3847.773 * Email: sovhttdl@vinhphuc.gov.vn * Tổng biên tập: Trần Văn Quang
Giấy phép số: 13/GP-TTĐT ngày: 31/01/2013 của Cục Quản lý Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử