.

Ngôi đền cổ bên ngã ba sông huyền thoại

Xuất bản: 10:23, Chủ Nhật, 16/09/2012, [GMT+7]
.

PTO- Với vị thế là vùng đất Tổ nên cũng không lạ khi nhiều địa danh và di tích trên mảnh đất Phú Thọ gắn liền với tích cổ thời xưa. Từ những địa danh Thậm Thình, Cổ Tích, Minh Nông, Bến Gót, Bạch Hạc gợi nhớ buổi đầu vua Hùng dựng nước đến những di tích như đền Hùng, đền Âu Cơ, đền Tam Giang, chùa Đại Bi… đều gắn với những tích xưa. Di tích đền Tam Giang, ngã ba Hạc càng trở nên linh thiêng, có giá trị tâm linh hơn khi đặt trong dòng chảy văn hóa lịch sử của dân tộc.

Ngôi đền cổ Tam Giang được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ VII. Đền Tam Giang nằm cạnh dòng sông Lô, trông ra là ngã ba Hạc - nơi hợp lưu của sông Lô, sông Hồng và sông Đà. Ngã ba sông ấy với dòng nước bên trong bên đục đã có bao truyền thuyết và huyền tích cũng như những vẫn thơ nổi tiếng về nơi tụ thủy linh thiêng này. Tương truyền vào buổi đầu dựng nước, Lạc Long Quân từ trên núi Nghĩa Lĩnh nhìn về phương Nam thấy ba con sông hợp lưu với bãi phù sa trù phú, có đàn hạc đậu trắng một vùng nên gọi đó là Bạch Hạc – nơi đất lành chim đậu, nơi lan tỏa vượng khí núi sông. Cũng bởi màu sắc huyền bí ấy mà ngã ba sông huyền thoại đã khơi gợi nguồn cảm hứng thi ca cho Nguyễn Bá Lân với tác phẩm nổi tiếng “Ngã ba Hạc phú” hay Quang Dũng – tác giả của những vần thơ hào hoa trong “Tây tiến” cũng xuất thần viết nên thi phẩm “Đêm Bạch Hạc”.

Đền Tam Giang được xây dựng theo hướng Tây Bắc nhìn ra cửa sông. Đền thờ đức thánh Hạc (Thổ Lệnh Đại Vương), đức thánh Bà (Quách A Nương), đức ông Sáu (Trần Nhật Duật). Đây là ba vị thần nhân có công cứu giúp dân, đánh giặc giữ nước, và khi thác, các thần đều phù hộ cho quốc thái dân an. Theo tích ghi lại trong đền Tam Giang, Thổ Lệnh Đại Vương cùng với người em là Thạch Khanh theo học Đạo Lão Thiền Sư trên núi Ba Vì. Sau này, hai người đi chữa bệnh giúp dân nghèo, phò vua, chống bão lụt, thống lĩnh thủy binh đánh giặc giữ nước. Khi mất, họ linh ứng giúp các tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm giữ nước. Thời Trần, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ II, Hưng Đạo Đại Vương được thần báo mộng là sẽ âm phù hộ quốc. Sau khi chiến thắng, Hưng Đạo Đại Vương đã phong thần là “Hộ quốc bảo dân Đại Vương”.

Đền Tam Giang còn thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật – một vị tướng có công thời Trần. Trong suốt gần 30 năm xây dựng và trấn giữ tuyến phòng thủ Tam Giang Bạch Hạc, ngài đã lập được nhiều chiến công hiển hách. Nhớ ơn của vị tướng quân này nên sau khi ông mất, người dân đã thờ ông trong đền Tam Giang. Và ngày nay, trước sân đền Tam Giang có tượng thờ Trần Nhật Duật. Bức tượng tạc hình ông đứng trên bệ đá, một tay tựa chuôi gươm, tay cầm sách, dõi mắt ra ngã ba sông như để trấn giữ vùng này. Đứng trên cầu Việt Trì phóng tầm mắt về phía đền có thể nhìn thấy tượng đài Trần Nhật Duật sừng sững oai phong.

Ngôi đền này còn thờ Quách A Nương, người có công chiêu binh mã, đóng thuyền, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống lại quân Hán xâm lược. Giống như các vị thần nhân kia, khi thác, bà cũng âm phù cứu nước, và được Đinh Bộ Lĩnh phong là “Quách A Nương, phúc sinh thượng đẳng phúc thần”.

Với kiến trúc độc đáo kiểu chữ “đinh”, đền gồm hai tòa tiền tế và hậu cung, các đường nét được chạm khắc tinh xảo đến mức hoàn mĩ, vì thế dù đền đã được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn toát lên vẻ cổ kính và linh thiêng. Trong đền còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về văn hóa và lịch sử như chuông đồng cổ từ thời vua Minh Mạng, các bài minh chuông như thác bản chuông Thông Thánh Quán đời vua Trần Minh Tông và Phụng Thái Thanh Từ thời vua Gia Long.

Dựa trên những tích xưa còn lưu lại, hàng năm vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, trước đền Tam Giang diễn ra hội bơi chải. Hội này không chỉ diễn lại tích thần Thổ Lệnh đưa tiễn Tản Viên khi ngài đến thăm Bạch Hạc mà còn mang ý nghĩa và giá trị tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp, đặc trưng của một nền văn minh lúa nước.

Những công trình kiến trúc lâu đời như đền Tam Giang hay địa danh ngã ba Hạc trên đất tổ đã toát lên không khí huyền thoại và lịch sử thiêng liêng của vùng đất địa linh này. Một di tích, một địa danh nhưng đã phần nào nói lên quá khứ hào hùng của lịch sử dân tộc, đã thấy được đời sống tinh thần của con người cách đây nhiều thế kỷ. Chính vì thế, quả không sai khi có người đã nói rằng: “Đến với Phú Thọ, người ta có thể tìm ra những lời giải đáp của quá khứ về văn hóa dân tộc đi từ cội nguồn, có thể xới lên nhiều tầng văn hóa chồng phủ lên nhau, trong đó có cả tầng nền móng để đi từ văn hóa Văn Lang tới văn hóa Đại Việt”.

Nguyễn Thị Huế

.
.
.
.
.