Phải chăng do những người đi làm trầm, đãi vàng đang thất nghiệp quay qua’’ đi trầm đất’’ đào mồ cuốc mã vua chúa để lấy vàng và vật qúy? Công an thành phố Huế cho biết phần lớn bọn thủ phạm này là những người từng đi trầm, đãi vàng. Nhưng không phải chỉ có bọn này, đặc biệt những tên đầu sỏ không phải là người nghèo, không phải là những người không có công ăn việc làm. Mà là những người ‘’ có sáng kiến, muốn làm giàu bằng chính di sản của ông bà mình để lại”.
Tôi sực nhớ hôm đi quan sát lăng Quang Hưng và lăng Vĩnh mậu trong khu vực lăng Gia Long bị đào bới trước tết Canh Ngọ, gặp anh Huế - (hồi kháng chiến cùng ở cơ quan Tuyên huấn Thành ủy với tôi), hiện nay anh là một trong ba người giữ lăng Gia Long, tôi hỏi:” Vì sao dân Đình Môn lại đi đào lăng tệ hại đến như thế nầy?”. Anh Huế nhanh nhảu nói:” Có chi lạ đâu, hồi 1975 mình mới về cứ gọi vua chúa là thằng nọ thằng kia, Gia Long, Minh Mạng là những tên bán nước.. . cho nêm dân chúng họ đâm ghét và đào lăng kiếm vàng tiêu chớ họ đâu thấy làm điều ấy là vi phạm di tích ở tù như chơi. Trách họ mà cũng phải tự trách mình nữa chớ!” Đúng. Suốt 15 năm qua, tôi đã quá thấm thía chuyện này.
Nghe lăng mộ bị đào người ta không lo, người ta lo không bắt được thủ phạm. Bắt được thủ phạm người ta sợ không lấy được báu vật. Lấy được những báu vật rồi người ta lại lo làm sao quản lý cho tốt, làm sao trưng bày cho nhân dân thấy mà tự hào với bàn tay lao động khéo léo, tinh xảo của cha ông xưa.
Biết thế cho nên tôi thử ‘’ mạo hiểm’’ tìm xem tận mắt mình một báu vật xem sao
Từ ngày có tin bắt được bọn tội phạm đào lăng mộ thì cũng có tin đồn đại’’ Nhà nước lấy lại được nhiều vàng bạc, châu báu lắm”. Người thì nói vài ký lô, người nói mươi ký, người nói hàng mất chục ký. Tôi không dá tin vào những lời đồn đại ấy mà đã vào Đại Nội gặp Ban Giám đốc Công ty quản lý di tích nơi cất giữ báu vật. Tôi bắt đầu lo khi được đồng chí Giám đốc cho biết:” Những báu vật ấy do Ngân hàng tỉnh Bình Trị Thiên (nay là Thừa Thiên Huế) cất giữ’’. Trước khi đến Ngân hàng, tôi đã đến Tòa án Tỉnh, tòa án thành phố Huế, ban trị sự Nguyễn Phước tộc, ban trị sự phủ Tuy Lý Vương.. .Biết tôi là CTV của LĐCN, các cơ quan giúp đỡ tôi rất tận tình. Số vật báu thu được ở bọn tội phạm đào lăng mộ bà Từ Dũ (6 tên), được các cơ quan thống kê gần giống nhau.
DANH SÁCH BÁU VẬT
Sau một vài lần lui tới Ngân hàng tỉnh Thừa Thiên Huế tại số 6 Hòang Hoa Thám, tôi được gặp đồng N.K.P. Nghe tôi yêu cầu muốn xem tận mắt những báu vật (cụ thể của lăng bà Từ Dũ), đồng chí P bảo tôi: “ Những báu vật đó đã đem nộp cho Trung ương”. Tôi xin” Nếu thế thì cho tôi xem biên bản bàn giao!” Đồng chí P, hơi do dự” Biên bản .. . e rằng chia tỉnh không tìm được ngay”. Thế là tôi đã đợi một thời gian. Cho đến sáng ngày 21.3.1990, tôi được gặp đồng chí Lê Văn Ưu, người quản lý vàng bạc phạm pháp của ngân hàng tỉnh. Thừa lệnh Phó giám đốc P, đ/c Ưu cho tôi xem danh sách những báu vật mà bọn tội phạm đã đào được ở lăng bà Từ Dũ là:” Một vòng xuyến kim lọai màu vàng, một vòng xuyết kim lọai bằng vàng ở giữa có khắc 4 chữ Hán (?), một vòng treo tay kim lọai màu vàng có đính 11 hạt trắng lóng lánh (có lẽ là kim cương); sáu chiếc nhẫn bằng vàng trên có đính một tr ắng lóng lánh; ba hộp kim lọai màu vàng; một miếng kim lọai màu vàng trên có nhiều hạt li ti màu trắng; sau có bản lề; một vòng treo tay kim lọai màu vàng; chín mươi ba hạt kim lọai màu vàng gồm ba lọai hình tròn hạt cườm; một đọan kim lọai màu vàng được uốn cong, có hai nhánh nhỏ; bảy chiếc cúc cài áo kim lọai màu vàng; 23 hạt bằng đá đủ màu đeo hình khuy nút; bảy mặt đá màu xanh, hình chữ nhật, trên mặt đá có hình chim phượng, sáu mặt đá màu xanh hình tơ (?) trên mặt khắc hình chim phượng; ba mặt đá màu xanh hình vũm trên khắc hình con phượng; vòng đeo tay bằng đá, trong có hai vòng màu xanh, một vòng ắ1ng. Tất cả là 18 hiện vật”
MỘT CÁCH XỬ LÝ LẠ KỲ
Tất cả số báu vật do công an thành phố Huế bắt được, vào ngày 18.5.1983 và cũng được đưa vào niêm phong tại ngân hàng BTT vào năm 1983. Hội đồng niêm phong có chữ ký của các vị: Nguyễn Văn Nhĩ (Công ty quản lý di tích Huế), Lê Minh Huê (Công an TP Huế), Anh Tuyết (Viện kiểm sát TP Huế).. . Đọc qua hồ sơ tôi rất yên tâm là các cơ quan và ngân hàng BTT làm việc rất chặc chẽ và nghiêm túc.
Vụ án được tòa án Bình Trị Thiên xử sơ thẩm, và tòa án nhân dân tối cao Đà Nẵng xử phúc thẩm. Tòa sơ thẩm quyết định đem sung công một số báu vật nói trên nhưng tòa phúc thẩm tại Đà Nẵng (Ông Hãn Vi Định ngồi đầu tòa, hội thẩm có Nguyễn Trọng và Hùynh Mạo) lại quyết định “ Cải án sơ thẩm về vụ Hòang Văn Hùynh giữ tất cả các di vật vàng bạc châu báu đăng ký gởi tại Ngân hàng BTT theo phiếu gởi 785 gồm 19 khoản (chứ không phải 18), có danh sách kèm theo. Nay đem vào sung công qũy nhà nước”
NHỮNG BÁU VẬT ĐÃ BỊ ‘’HÀNH QUYẾT”
Thực hiện quyết định của tòa án tối cao, ngày 26.12.1988, Ngân hàng BTT cùng với các vị Trần Văn Lương (đại diện tòa án BTT), bà Nguyễn Thị Thu Dung (Sở tài chính), Hòang Thị Như Ân (Viện kiểm sát tỉnh BTT), Lê Duy Lâm (Công an TP Huế), (không có đại diện cơ quan văn hóa) tổ chức Hội đồng hóa nghiệm để sung số báu vật nêu trên vào công qũy.
Nghe giải thích về việc hóa nghiệm này, tôi bàng hòang. Sau cuộc hóa nghiệm này, tất cả những báu vật trên đã hiện ra trước mắt những nhà nội chính và tài chính ‘’ duy vật chất’’ một số lượng tài sản như sau:
Vàng: 13 lượng 9 chỉ 5 phân
Bạc: 0,010 kg
Ngọc:1980 ca-ra
Tất cả số vật chất này đưa qua công ty vàng bạc bán được 23.325.122đồng (thời giá lúc đó 2.300.700đ/lương). Số vòng ngọc bị rỗ, có cái bán 4.000đồng, có cái chỉ bán được 2.000 đồng (tương đương một lon bia của khách sạn du lịch). Lấy số tròn là 23.300.000 đồng. Đọc được sự sững sốt của tôi, đ/c Ưu giải thích thêm:” Không phải tất cả những báu vật trên đều bị Ngân hàng hóa nghiệm. Một số đã bị bọn tội phạm đem đi hóa nghiệm làm ra khâu trước. Ngân hàng chỉ thu lại bằng vàng chứ không phải bằng báu vật. Hơn nữa muốn nhập vô Ngân hàng Nhà nước trước hết phải hóa nghiệm ra vàng rồi mới nộp được”
Thế là tất cả những báu vật mà Công ty Quản lý di tích giờ này cứ tưởng đang được cất giữ rất bảo đảo ở Ngân hàng tỉnh nhà thì ra chúng đã bị hóa nghiệm từ cuối năm 1988
Đ/c Ưu cho biết số tiền trên đã được trích theo chế độ đã được ban hành để thưởng cho đơn vị đã phát hiện và tóm cổ bọn tội phạm. Số còn lại theo quyết định 242 của tỉnh nộp 50% vào ngân sách tỉnh.
Việc hóa nghiệm vừa nói gây ra nhiều điều thiệt hại:
1.Dưới cái nhìn đơn thuần kinh tế: Nếu giữ nguyên những báu vật ấy trao cho mọi người biết đó là những báu vật của bà Hòang thái hậu có thế lực nhât của triều Nguyễn là bà Từ Dũ, lại lấy được dưới mộ bà, theo cái giá của những người chơi đồ cổ, chắc cũng đến hai trăm ba mươi triệu, một cái vòng ngọc, ít nhất cũng bán được 100.000 đồng chứ không phải chỉ bằng môt tô bún hoặc lon bia xuất khẩu. Nói như thế cho hết lý, chứ nỡ nào lại đem di sản văn hóa của cha ông đi bán đấu giá!
2 Dưới con mắt của người làm văn hóa thì đó là một thiệt hại không thể nào bù đắp được. Những báu vật ấy góp phần biểu thị cho nền văn hóa vật chất của dân tộc ta thế kỷ XIX. Đó là những báu vật vô giá
3 Dưới con mắt của ngươi lao động (trí óc và chân tay), đó là một sự xúc phạm thô bạo. Tài năng của người nghệ sĩ, của người thợ làm nên tác phẩm để đời không được tôn trọng bằng vàng!
Có cách nào để sửa chữa sự sai lầm này? Câu trả lời xin nhường lại cho các cấp thẩm quyền.
Nguyễn Đắc Xuân
Báo Lao Động số ra ngày 29.4.1990