Nhân dân tham gia trò chơi bắt vịt trong Hội đền
Hoàng Công Chất còn gọi Hoàng Công Thư (theo Minh đô sử), ông sinh năm Bính Tuất (1706), tại thôn Hoàng Xá, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Lớn lên trong bối cảnh xã hội rối ren, chúa Trịnh Giang sống chơi bời, thác loạn lại tin dùng hoạn quan Hoàng Công Phụ. Vốn sẵn mang trong mình khí phách của trai thời loạn, mùa hạ năm Kỷ Mùi (1739), Hoàng Công Chất đứng lên chiêu binh phất cờ đại nghĩa. Trong một thời gian rất ngắn, nghĩa quân do ông chỉ huy đã hoàn toàn làm chủ cả một vùng Sơn Nam Hạ (địa bàn các tỉnh
Nam Định, Thái Bình, và một phần tỉnh Ninh Bình ngày nay).
Năm 1739, Hoàng Công Chất và Nguyễn Hữu Cầu (tức Quận He) đi theo Nguyễn Cừ và Nguyễn Tuyển hoạt động ở vùng Sơn
Nam. Sau khi quân Nguyễn Cừ bị đánh bại, Hoàng Công Chất tụ tập lực lượng riêng tiếp tục hoạt động ở Sơn
Nam. Quân khởi nghĩa giỏi thủy chiến, thường ra vào nơi cỏ rậm, bùn lầy không để lại dấu tích. Năm 1740, chúa Trịnh cử các tướng Hoàng Công Kỳ, Phạm Trần Tông mang quân đánh Hoàng Công Chất, nhưng không thắng nổi. Năm 1743, Công Chất lại dành thắng lợi trong cuộc công thành và bao vây của thống lĩnh Trương Nhiêu. Quân triều đình buộc phải rút về. Cuối năm đó, chúa Trịnh Doanh sai sứ đi chiêu an, đòi Hoàng Công Chất phải về yết kiến. Hoàng Công Chất cự tuyệt, chiếm giữ phủ Khoái Châu (Hưng Yên). Trịnh Doanh bèn điều Đinh Văn Giai mang đại quân đi dẹp, quân khởi nghĩa thất bại nặng nề ở Đỗ Xá, nhưng vẫn giữ được Khoái Châu... Năm 1754, sau khi chém chết tướng giặc là Phạ Chảu Tin Tòng và dẹp tan đám thảo tặc, thể theo nguyện vọng của nhân dân, Hoàng Công Chất đóng bản doanh tại thành Tam Vạn do người Lự xây dựng trước đó (trong tiếng Thái gọi là Sam Mứn). Tương truyền tên gọi Tam Vạn là do trong thành có thể chứa 3 vạn quân (có thuyết lại nói rằng vì trong thành có 3 vạn cối giã gạo). Sau đó nhận thấy thành Tam Vạn ở địa thế bất lợi, không tốt cho phòng thủ, cũng như không thích hợp cho việc sử dụng các loại vũ khí mới, năm 1758 Hoàng Công Chất quyết định xây dựng tòa thành khác có tên là Chiềng Lề (nay gọi là Thành Bản Phủ). Thành Bản Phủ rộng 80 mẫu, tường đất cao 5 mét, mặt tường thành rộng 4 - 5 mét, có 4 cửa tiền - hậu - tả - hữu, xung quanh trồng tre và có hào nước bao bọc, trong thành đào 133 cái ao để lấy nước ăn và luyện tập thuỷ quân...
Nhà bia ghi công người anh hùng áo vải Hoàng Công Chất
và các tướng lĩnh
Hoàng Công Chất đánh tan quân giặc cướp, phát triển lực lượng ra khắp miền Tây Bắc, chia ruộng cho dân nghèo, lôi kéo những người cầm đầu ở các châu mường nên rất được lòng dân bản địa. Vì thế, dân gian vùng này còn truyền câu hát: “Dưới xuôi có vua/ Trên này có chúa/ Những miền từ Mường Puồn, châu Ét/ Từ Đà Bắc, chợ Bờ/ Lại phía trên từ chợ Xo, La trở xuống/ Tất cả đều quy phục chúa Mường Thanh/ ...Chúa thật lòng yêu dân/ Chúa xây dựng bản Mường/ Mọi người đều yên ổn...”.
Quân khởi nghĩa của Hoàng Công Chất ngoài người Kinh còn có cả người thiểu số. Người bản xứ gọi ông là “Then Chất” với ý tôn kính. Trong “Quám tổ Mường” (sử người Thái ở Tây Bắc) gọi ông là “vua Hoàng”. Các tướng dưới quyền Công Chất nổi danh có: Bun Xao, Cầm Phẳn, anh em Ngải, Khanh, cha con Cầm Tom, Cầm Phanh.
Kể từ năm 1994, khi đền thờ Hoàng Công Chất chính thức được công nhận xếp hạng di tích lịch sử; cứ mỗi độ Xuân sang đúng vào ngày mất của ông (25-2 âm lịch), các cơ quan quản lý văn hoá của tỉnh và huyện Điện Biên lại tưng bừng tổ chức lễ hội trong khuôn viên tòa thành Bản Phủ.
Lễ hội đền Hoàng Công Chất - thành Bản Phủ năm nay được tổ chức vào 2 ngày (28 đến 29-3 tức 24 đến 25-2 âm lịch) để tưởng nhớ công ơn người anh hùng áo vải Hoàng Công Chất đã cùng tướng Ngải, tướng Khanh lãnh đạo nghĩa quân đánh đuổi giặc Phẻ bảo vệ bản Mường cách đây 257 năm. Được biết, vào những năm lẻ, việc tổ chức lễ hội do UBND xã Noong Hẹt chủ trì. Năm nay, mặc dù quy mô tổ chức không lớn nhưng lễ hội vẫn giữ được nét trang nghiêm, mang đậm màu sắc dân tộc.
Các tế nữ đang thực hiện nghi thức tế lễ
Trong tiếng trống rộn ràng của lễ hội, đội tế nữ quan lần lượt dâng hương, dâng nến, dâng rượu... để tưởng nhớ vị anh hùng áo vải Hoàng Công Chất. Những nghi thức trong lễ hội đã được tinh giản nhưng vẫn đảm bảo không khí trang nghiêm, thành kính trong mỗi màn tế lễ.
Ngay sau phần lễ là không khí nhộn nhịp sôi động của phần hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Các trò chơi dân gian cùng với các tiết mục văn nghệ quần chúng thu hút sự tham gia, cổ vũ của đông đảo người dân và du khách thập phương. Trong trang phục rực rỡ sắc màu của các dân tộc, những diễn viên không chuyên từ các đội văn nghệ quần chúng đã thể hiện nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, mang đậm nét văn hóa địa phương. Những trò chơi dân gian như: kéo co, nhảy bao bố, bắt vịt... được nhiều người xem cổ vũ reo hò. Tham gia những trò chơi này, người chơi không chỉ thể hiện sức khỏe, sự khéo léo, kiên trì mà cả tinh thần đoàn kết đồng đội để có thể chiến thắng. Du khách và người tham dự lễ hội cùng hò reo, cổ vũ để người chơi thêm hưng phấn. Điều đó cũng tạo thêm sự hấp dẫn của các trò chơi trong lễ hội.
Những năm qua, di tích thành Bản Phủ - đền Hoàng Công Chất đã từng bước được giữ gìn, bảo vệ và tôn tạo, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử, văn hóa của du khách trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là địa chỉ du lịch của nhiều du khách khi tới tham quan Điện Biên.
Lễ hội đền Hoàng Công Chất - thành Bản Phủ được tổ chức hàng năm không chỉ là hoạt động tín ngưỡng mà còn là sự kiện văn hóa, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Qua việc tổ chức lễ hội cũng là dịp tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc; khơi dậy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, giữa miền ngược với miền xuôi cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
HOÀNG AN - ĐỨC NGUYÊN |