Về thăm Làng cổ Đường Lâm - thị xã Sơn Tây, du khách không thể không ghé thăm ngôi đình Mông Phụ. Cùng với chùa Mía, đình Mông Phụ là một điểm sáng về văn hóa, một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật ở miền quê thuần Việt này.
Đình Mông Phụ được xây dựng từ bao giờ, vào năm nào và thờ ai là câu hỏi cho tới nay chưa có câu trả lời rõ ràng. Tuy vậy, theo nhiều nghiên cứu, thì đình Mông Phụ được xây dựng vào thời kỳ Hậu Lê1 và đầu thời nhà Nguyễn2. Năm 1858, thời Tự Đức, đình được sửa chữa lần thứ nhất, và đến nay vẫn giữ nguyên dạng kiến trúc, điêu khắc đầu thế kỷ XIX. Đình thờ Tản Viên Sơn Thánh - vị thần đứng đầu trong Tứ bất tử3 của người Việt - làm Thành hoàng làng, như một chỗ dựa tinh thần, một trung tâm hội tụ đoàn kết của cộng đồng để bảo vệ và xây dựng xóm làng. Đình được xây dựng ở vị trí đẹp nhất làng, trên một khu đất cao ráo, thoáng đãng, rộng khoảng 1.800 m2. Đình quay hướng tây nam, mang ý nghĩa đề cao đức Thành hoàng làng và hướng về cái đẹp, cái thiện trên nền tảng trí tuệ.
Đình được xây dựng theo kiểu chữ Công (I); gồm Nghi Môn4, Tả Mạc5, Hữu Mạc6 và Đại Đình7. Đáng quan tâm nhất là kiến trúc của tòa Đại Đình, được dựng theo kiểu “ba gian hai chái”, sáu hàng chân cột đặt trên một nền đất thấp, trên có sàn bằng ván gỗ; xung quanh chỉ có lan can gỗ kiểu chấn song nên rất thông thoáng. Bộ khung đình được trạm khắc chủ yếu là các họa tiết rồng, lân, cá chép, chim, hoa lá… đơn giản nhưng không kém phần sống động, gợi cảm. Mái đình to, bè, hơi võng nhẹ, bờ nóc hơi cong; được lợp bằng ngói mũi hài; trên các góc mái được trang trí bởi các con vật thuộc hàng “tứ linh” như rồng, lân… với những vân xoắn lớn. Nhìn chung, những họa tiết trang trí trên bộ mái đều gắn với vũ trụ; khiến cho mái đình, thân đình và dưới đất hợp thành một thể thống nhất, hòa hợp của thiên (trời) - địa (đất) - nhân (con người).
Hàng trăm năm nay, đình Mông Phụ là niềm tự hào của người dân nơi đây. Đứng trước ngôi đình này, chúng ta cảm thấy rõ ràng một dòng văn hóa xứ Đoài vẫn còn đang hiện hữu, như sự minh chứng của cái đẹp trường tồn trước thời gian. Đình đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Chú thích:
1. Thời Hậu Lê: còn gọi là thời Lê Trung Hưng (1533 - 1789).
2. Nhà Nguyễn:1802 - 1945 (bắt đầu khi Hoàng đế Gia Long lên ngôi năm 1802 sau khi đánh bại nhà Tây Sơn và sụp đổ hoàn toàn khi Hoàng đế Bảo Đạithoái vị vào năm 1945 – tổng cộng là 143 năm).
3. Tứ bất tử là tên gọi chung của bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam, đó là Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh Công chúa.
4. Nghi Môn: Cổng chính.
5. Tả Mạc: Nhà bên trái; Hữu mạc: Nhà bên phải.
6. Đại Đình: Tòa đình chính (đình lớn).
Kiều Tập - ĐTT Sơn Tây
Nguồn: TL LÍCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG ST