Cứ sau hai mùa lúa khắp làng, khắp xóm lúc nào cũng rộn tiếng thoi đưa; đàn bà con gái thì ngồi dệt vải, nam giới thì mắc kẹo, đậu; người già, trẻ nhỏ thì quay ống, có khi đến khuya mới chịu nghỉ tay”. Có lẽ vì bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó của người Hồi Quan mà từ xa xưa đã có câu: “Hồi Quan là đất cửi canh/ Đến xâm xẩm tối sắm sanh chơi bời”.
Giữ gìn nghề truyền thống
Từ xa xưa, người Hồi Quan, Tương Giang (thị xã Từ Sơn) đã có tục con gái đến tuổi trưởng thành, ai cũng đều phải biết được các công đoạn từ lúc có con sợi, mộc, cho đến khi là ra vuông vải bông khổ hẹp, hay tấm lụa tơ tằm để đem đi bán ở các chợ phiên quanh vùng. Trước Cách mạng Tháng Tám, hầu như nhà nào cũng có một khung cửi, nhà nhiều có tới 5-6 khung và phải thuê thợ đến làm. Sản phẩm chính của làng nghề này là vải khổ hẹp (40cm), vải màn, đũi, vải dày, vải màu kẻ đổ dọc, vải tơ tằm, vải lụa tơ ươm và có thời kỳ dệt cả gạc y tế hay còn gọi là “vải nhà thương”.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ở Miền Bắc, làng nghề vẫn được duy trì và đem lại nguồn thu nhập đáng kể là động lực giúp người dân Hồi Quan đánh đuổi giặc xâm lược. Sau năm 1954, khi Miền Bắc hoàn toàn giải phóng nghề dệt được mở rộng với các khung dệt khổ rộng, và kỹ thuật dệt cũng được cải tiến từ khung 3 tăng (giật dây), đến khung đạp chân, dệt được các mặt hàng như vải diềm bâu, vải phin mộc và phin màu kẻ sọc.
Bà Ngô Thị Thư, một trong những người có thâm niên gần 60 năm gắn bó với nghề cho biết: “Tôi bắt đầu biết dệt từ năm mười ba tuổi. Ngày đó, phải dệt bằng máy đạp chân, nhà nào ít cũng có vài ba khung cửi, nhà nhiều có tới năm sáu khung. Cứ sau hai mùa lúa khắp làng, khắp xóm lúc nào cũng rộn tiếng thoi đưa; đàn bà con gái thì ngồi dệt vải, nam giới thì mắc kẹo, đậu; người già, trẻ nhỏ thì quay ống, có khi đến khuya mới chịu nghỉ tay”. Có lẽ vì bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó của người Hồi Quan mà từ xa xưa đã có câu: “Hồi Quan là đất cửi canh/ Đến xâm xẩm tối sắm sanh chơi bời”.
Năng động phát triển thích ứng với thị trường
Những năm cuối của thế kỉ XX, tình hình kinh tế-xã hội thế giới và trong nước có nhiều biến động, nhưng nhờ sư năng động, nhạy bén người dân Hồi Quan mở thêm nghề dệt mành tăm xuất khẩu (chủ yếu xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu). Đến nay, nghề dệt mành tăm vẫn được duy trì và phát triển góp phần nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Doanh nghiệp tư nhân Hữu Ân là một trong những cơ sở có quy mô sản xuất mành tăm lớn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động với mức lương trung bình từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Trên bước đường phát triển và hội nhập, người dân Hồi Quan vẫn duy trì nghề dệt của cha ông để lại như bảo tồn một nét đẹp văn hóa của mảnh đất Tiêu Tương huyền thoại.
Hiện nay, toàn thôn có khoảng 1.200 hộ (4.300 nhân khẩu) thì hơn 60% làm nghề dệt, may trong đó có 10% là các hộ sản xuất lớn với hơn 900 khung dệt bán thủ công và gần 200 khung dệt máy công nghiệp ở các doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động có mức lương bình quân từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Những sản phẩm của làng nghề ngày càng đa dạng, xuất hiện thêm các loại vải mới như: vải màn sô tẩy thành gạc y tế, khăn trẻ sơ sinh; vải khổ rộng, sợi xe cung cấp cho nhà máy sản xuất giày dép, khăn mặt…
Một trong những cơ sở dệt lớn trong thôn là Doanh nghiệp tư nhân Phú Nham, với 50 khung dệt tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động có mức lương trung bình từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng.
Trong những năm gần đây, nghề dệt còn gắn liền với may mặc các mặt hàng như: quần áo mùa hè, khẩu trang, khăn, găng tay… Hiện nay, toàn thôn có hơn 100 hộ làm nghề may mặc, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 400 lao động địa phương với mức lương trung bình từ 2 đến 2, 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Ngô Phú Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Tương Giang cho biết: “Những năm gần đây, nghề dệt đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nghề dệt tuy là nghề phụ được làm khi nông nhàn nhưng lại đem lại thu nhập chính cho người dân. Trong năm 2009, nghề dệt đã góp khoảng 90 tỷ đồng vào giá trị sản xuất toàn xã”. Để phát triển hơn nữa nghề dệt, UBND xã Tương Giang đã có quy hoạch 8,23 ha khu công nghiệp làng nghề, hiện nay đã có 6 doanh nghiệp đi vào hoạt động với diện tích gần 2 ha.
Rời Hồi Quan, tiếng thoi rộn rã vang lên từ những nếp nhà cổ kính, những mái ngói rêu phong như muốn níu chân chúng tôi ở lại. Dòng sông Tiêu Tương thơ mộng một thời giờ đã thành đồng, thành ruộng nhưng dường như dòng sông huyền thoại ấy vẫn đang chảy trong sâu thẳm lòng đất mẹ như mạch nguồn chảy mãi.
Bài, ảnh: Phương Mai