Những bí ẩn quanh biệt phủ tổng đốc ở Lạng Sơn

04/8/2011 14:27

Người ta truyền tai nhau bức tường rào biệt phủ của vị tổng đốc Vi Văn Định giấu nhiều vàng, giếng nước "thần" trong phủ chữa bách bệnh...

Đã gần 70 năm từ cái ngày Vi Văn Định rời quê hương chạy theo tiếng gọi của cách mạng. Đến nay, Bản Chu, xã Khuất Xá, Lộc Bình, Lạng Sơn cũng không còn bóng dáng con cháu của vị tổng đốc lừng lẫy này nữa. Thế nhưng, bên ngoài cánh cổng căn biệt thự hoang phế mà Vi Văn Định để lại, dân làng vẫn truyền tai nhau những điều bí mật đến bất ngờ...

Bức tường rào là nơi giấu… vàng

Bản Chu là môt ngôi làng khá cổ kính, đã là nơi mà nhiều người ở xứ Lạng và trong nước biết tới. Nhìn toàn cảnh Bản Chu thật là đẹp, bốn xung quanh có những rặng núi cao bao bọc nhiều lớp. Bản làng nằm men theo con sông Kỳ Cùng lững thững nước chảy, hai bên bờ cây cối xanh um.

Nhìn toàn cảnh Bản Chu như một pháo đài bất khả xâm phạm vừa là nhà ở, vừa là thành trì. Nét nhấn về kiến trúc của bản Chu chính là những gì còn sót lại của 3 cái cổng làng xây bằng gạch và cổng vào dinh của Tổng đốc Vi Văn Định. Cổng được xây dựng bằng gạch nung rất kiên cố, còn dấu vết của những cánh cổng bằng sắt dày. Kiến trúc của cổng rất đẹp, vừa cổ kính vừa mang sắc thái tín ngưỡng, những mái vòm cong có những nét điểm là hình rồng bay lên.

Dù Vi Văn Định đã trở thành người thiên cổ, căn biệt phủ của ông cũng đã bị tàn phá, hiện chỉ còn trơ lại bức tường rào. Thế nhưng, hàng trăm kẻ hám của ngày ngày vẫn nhăm nhe, rình mò hòng cậy nốt phần phế tích cuối cùng này để tìm vàng bạc.

Theo lời ông Nguyễn Hữu Hào, Trưởng phòng văn hóa huyện Lộc Bình, có một câu chuyện thật khiến người ta đinh ninh rằng, bức tường rào ngót trăm tuổi kia là nơi chôn giữ “kho báu”.
 

 

 

 

 

Những dấu tích của kiến trúc biệt phủ Vi Văn Định.

Ấy là khi Vi Văn Định rời đi, nơi đây trở thành chiến hào của bộ đội cụ Hồ. Căn biệt phủ lừng lững cao 4 tầng, rộng hàng nghìn m2 với những nét trạm trổ đẹp mê hồn cũng vì thế mà trở thành tiêu điểm của những trận bom mưa bão đạn.

Trong một lần đánh phá dữ dội, một phần của bức tường rào bị đổ, làm lộ ra những miếng bạc trắng và vàng ròng. Một số người dân trong làng đã nhanh tay “ỉm đi”, cất giữ làm của riêng. Thế nhưng, thông tin về bức tường mang trong mình kho báu cũng được người dân nơi đây rỉ tai nhau, chẳng mấy chốc dân trong làng, thậm chí cả các thôn xã bên cạnh đều rì rầm bàn tán.

Khi còn tại vị, dòng họ của tổng đốc Vi Văn Định nổi tiếng là giàu có. Bản thân ông cũng là vị tổng đốc trấn giữ 6 tỉnh phía Bắc, tiền nhiều không xuể vì thế ai cũng tin rằng, phần của cải bị lộ ra kia chỉ là một phần rất nhỏ của kho báu mà ông chôn giữ.

Ngay lập tức, căn biệt phủ ngày đêm bị đập phá, bới móc từng tấc đất để tìm vàng. Người ta thi nhau cậy những bức tường gạch được xây bằng đường, mật để tìm của quý. Không tìm được vàng, có kẻ còn vác cả gạch đá về để xây nhà cửa.

“Căn biệt thự huy hoàng không chỉ bị phá hủy bởi bom đạn, bị thời gian bào mòn mà còn bởi kẻ gian đập phá. Đến ngày nay, chỉ còn trơ lại hai bức tường rào. Nếu không “canh me” kỹ, có khi họ còn xới cả đất lên để đào vàng”, ông Hào thở dài cho hay.

Hiện hai bức tường rào này đã trở thành tường bếp của ông Hà Túc, Trần Oánh, là những hộ dân giáp ranh biệt phủ họ Vi. Hai hộ dân này coi bức tường như vật báu, nhưng cũng ngày đêm nơm nớp lo kẻ gian rình mò đập phá để tìm vàng.

Giếng trăm năm không cạn

Ngoài câu chuyện về căn biệt phủ chôn vàng, người dân nơi đây còn góp thêm câu chuyện làm giai thoại về vị tổng đốc lẫy lừng thêm phần kỳ thú, ấy là về cái giếng làng do chính tay Vi Văn Định đào và xây đắp.

Theo những người già trong làng và dấu tích còn ghi trên miệng, giếng này được đào năm 1910. Đến nay đã hơn 100 năm nhưng vẫn được coi là mạch nước quý cho người dân bản Chu.
 

"Giếng thần" nằm nép mình bên dòng sông Kỳ Cùng uốn lượn.

Dẫn chúng tôi đến bên giếng quý, ông Nông Văn Kê, Trưởng thôn bản Chu A khề khà: “Nếu Bản Chu được gọi là mảnh đất hình rồng thì giếng nước trên được đào ở đúng mắt rồng. Bởi thế, không như nhiều giếng khơi phải nối dây múc gầu khác, chỉ cần mở nút là nước tự chảy. Nước giếng ào ạt, tuôn chảy chẳng khác gì suối, đủ dùng cho cả mấy trăm hộ trong vùng. Cái giếng này cũng đã gắn với 3 đời nhà tôi đấy!

Dù bây giờ, người làng đã biết khoan giếng lấy nước sạch và nước giếng cũng không tuôn xối xả như xưa, nhưng cả bản này vẫn coi nước từ giếng này là nước quý”.

Theo lời ông Kê, người dân nơi đây tôn giếng này là “giếng thần”. Bởi, nằm nem nép bên con sông Kỳ Cùng, phù sa vẩn đục mà nước giếng vẫn trong vắt, ngọt lịm, người dân nơi đây còn tin rằng, nước trong “giếng thần” chữa được bách bệnh.

Số là trong làng có bà cụ mắc bệnh, phải lên viện tỉnh nằm. Nhưng chữa cả tháng trời mà bệnh tình không thuyên giảm. Bà cụ chắc mẩm là do không được uống nước giếng, uống cái thứ nước “tinh khiết, đóng chai” nhạt miệng nên càng làm bệnh thêm trầm trọng. Cụ nằng nặc đòi con cái về quê, mang cho cụ mấy lít nước giếng để dùng.

Chiều mẹ, mấy người con của cụ cũng vượt đoạn đường mấy chục cây số để tìm đến giếng thần mang lên cho mẹ yên tâm. Chỉ vài ngày sau đó, bệnh tình của cụ thuyên giảm hẳn và hơn một tuần đã xuất viện về nhà.
 

Ông Nông Văn Kê, trưởng thôn Chu A đang lấy nước từ "giếng thần".

Câu chuyện cứ thế truyền tai từ người này sang người khác, và hơn bao giờ hết, dân bản tin rằng thứ nước quý ấy có thể chữa được bệnh. Thậm chí, nhiều người dân bản khác cũng lặn lội đến xin nước “giếng thần” về chữa bệnh.

Theo lời ông Kê, có thể việc uống nước giếng và khỏi bệnh của bà cụ nọ là chuyện trùng hợp ngẫu nhiên. Ông chỉ tin rằng, đây là thứ nước giếng trong lành nhất, ngon ngọt nhất, chứ cũng không tin nó có khả năng chữa bách bệnh như người ta đồn đoán.

Theo: Bưu điện Việt Nam