Hồ Thác Bà nằm trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên của tỉnh Yên Bái, cách Hà Nội 180 km về phía Tây. Cũng như hồ Hòa Bình, hồ Thác Bà được hình thành khi ngăn sông đắp đập xây thủy điện, chỉ khác dòng chặn là sông Chảy. Với diện tích 240 km2, trải dài 80 km, Thác Bà được công nhận là hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam.
Trước khi đắp đập làm hồ, ở đây từng tồn tại hai thác nước liên hoàn với dòng nước đổ mạnh và chảy xiết, được người dân địa phương gọi là “thác Ông” - “thác Bà”. Sau này khi hoàn thành năm 1971, để lưu danh hai thác đã bị vùi lấp, người ta đặt tên hồ là Thác Bà và Thác Ông được đặt cho tên một cây cầu gần đó.
Thác Bà là hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam với dung tích 2.900.000.000 m3 nước. Ảnh: wiki |
Để khám phá lòng hồ không có cách nào tuyệt hơn là đi thuyền dạo quanh các đảo. Tuy là nhân tạo nhưng hồ Thác Bà có tới hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ. Trời thu, con thuyền êm đềm trôi trong lòng hồ phẳng lặng, bao trùm là bầu không khí mát lành từ gió và làn nước xanh như ngọc bao quanh.
Tới hồ, đập thủy điện là nơi đầu tiên bạn nên dừng chân ghé lại. Ngắm công trình phát điện và chống lũ lụt, hạn hán cho đồng bằng Bắc Bộ cao sừng sững hàng trăm mét giữa núi rừng Tây Bắc, bạn mới thấy tự hào về bàn tay khối óc con người đào sông lấp bể.
Theo bậc đá lên phía trên đập, bạn sẽ đến đền Thác Bà tọa lạc trên núi Hoàng Thi. Từ đây, bạn có thể phóng ánh nhìn bao quát toàn đập thủy điện và thu vào tầm mắt cả một vùng trời nước mênh mông. Lan tỏa lúc này là cảm giác thanh thoát, nhẹ nhàng chốn cửa đền uy nghi, thanh tịnh.
Hồ Thác Bà còn được ví như Hạ Long Tây Bắc. Ảnh: wordpress |
Muốn có góc nhìn cao hơn nữa hãy leo lên núi Cao Biền, dài và lớn nhất ở đây. Đứng trên đỉnh núi với tầng mây vờn vũ nhìn xuống mặt hồ sương giăng khói tỏa, sẽ thấy bức tranh thủy mặc Thác Bà trở nên lung linh, huyền ảo.
Tiếp tục theo thuyền khám phá Thác Bà là các hang động nằm sâu trong dãy núi đá vôi. Trong đó nổi bật nhất là động Thủy Tiên với hệ thống nhũ đá như thần tiên, lạc cảnh. Nằm sâu trong lòng núi khoảng 100 m nhưng khi có ánh sáng chiếu xuống mặt hồ hắt vào, động lấp lánh như tái hiện truyền thuyết về 9 nàng tiên xuống chốn hồng trần.
Leo theo đường đá lên đỉnh động là điểm ngắm dòng sông Chảy lượn lờ như dải lụa mềm, uốn quanh triền núi. Xa xa là những bản làng trù phú với nương ruộng tốt tươi, thấp thoáng nếp nhà sàn của cư dân vùng thượng. Khung cảnh bình yên quá đỗi và tâm hồn du khách như được trở về với chốn thôn quê dân dã.
Cuộc sống bình dị, yên bình của những người dân sống quanh hồ. Ảnh: lavievulinh |
Hãy dành một đêm nghỉ lại Thác Bà, để có những phút giây chiêm ngưỡng nét đẹp hoang sơ cùng bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng người Tày, Nùng, Cao Lan, Dao… sống quanh đây. Nếu người Dao có lễ tết nhảy với những điệu múa dân gian uyển chuyển thì vào những đêm trăng sáng tháng 10 âm lịch, người Tày tưng bừng lễ hội mừng cốm mới với hương thơm lan tỏa khắp bản làng.
Hòa mình cùng cuộc sống của cư dân bản địa và thưởng thức văn hóa ẩm thực lòng hồ, với nhiều món ngon được chế biến từ các loài thủy sản đặc trưng của Thác Bà như ba ba, cá lăng, cá chiên, chắc chắn du khách sẽ vô cùng thích thú. Bằng không hãy cảm nhận đêm thu bằng cách nhâm nhi gà đồi nướng cùng vài chén rượu nồng.
Để rồi sáng sớm hôm sau, căng đầy lồng ngực là bầu không khí trong veo, ríu rít bên tai tiếng chim gọi bạn, hân hoan niềm vui chung của nam thanh nữ tú lên rẫy làm nương. Một ngày mới khởi đầu với những tia nắng nhạt, gió mát hiu hiu, thấp thoáng bóng dáng lom khom của những ông chài ven sông thả vó.
Với phong cảnh hữu tình, hồ Thác Bà là điểm dừng chân lý tưởng dành cho những ai yêu vẻ hoang sơ của núi rừng Tây Bắc.
Vy An
Vẻ đẹp hoang sơ của vịnh Lan Hạ
Vịnh Lan Hạ nằm phía nam của vịnh Hạ Long, bao quanh quần đảo Cát Bà của tỉnh Hải Phòng. Đến với Lan Hạ, du khách như được hòa mình với thiên nhiên của biển đảo với những bãi biển trong veo, chèo thuyền kayak hay chinh phục những núi đá cheo leo.