LẠM BÀN VỀ QUỐC HIỆU TRÊN BIA MỘ CỔ NAM BỘ
PGS.TS PHẠM ĐỨC MẠNH[1] – NGUYỄN CHIẾN THẮNG[2]
Bia – Văn bia là đối tượng văn hóa vật thể được quan tâm đầu tiên trong các di sản lăng tẩm, bởi chúng chứa đựng thông tin trung thực về mộ chủ (họ tên, danh xưng, tên thụy, tên húy, quê quán, phẩm hàm, chức tước, niên sanh, niên tử, niên tạo, quyến thuộc .v.v…). Riêng về quốc hiệu – quốc tịch, học giả Leopold Cadière từng quan sát “Lăng mộ người Việt vùng phụ cận Huế” và ghi nhận rằng: “Dĩ nhiên, một người An Nam dân thường ngay cả khi có điều kiện xây lăng và dựng bia, cũng chẳng cần ghi quốc tịch của mình lên đó. Nhưng quan lại thì lưu tâm đến chi tiết này, ít nhất một trong số họ, thậm chí hạng thấp nhất. Quốc tịch bao giờ cũng được ghi hầu hết, trên đỉnh hàng giữa” “rất hiếm khi khắc tên tục trên bia mộ. Đối với đàn ông, người ta thay thế nó bằng chữ “Công” mà thôi”, còn đối với nữ “người ta đơn thuần sẽ bỏ tên tục”. Theo tác giả, không có quy tắc bắt buộc về việc phải ghi Quốc hiệu lên bia mộ và trong cùng thời cũng có nhiều cách ghi khác nhau nhưng các đại tự (hàng ngang từ phải sang trái) trên bia: 越 故 (Việt Cố), 南 故 (Nam Cố), 皇 越 (Hoàng Việt) là Quốc hiệu do Gia Long (1802-1820) đặt; 大 南(Đại Nam), 皇 朝 (Hoàng Triều), 大 南 皇 朝 (Đại Nam Hoàng Triều) là Quốc hiệu gắn với niên hiệu Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân (Leopold Cadière, 1997:171;162; 2004).
Ở Nam Bộ, cũng nhiều người bàn đến “Quốc hiệu” trên bia mộ chủ. Nhà nghiên cứu Hán Nôm Hải Đường là người đầu tiên góp công lớn “Bảo tồn mộ cổ ở Thành phố Hồ Chí Minh” và đoán định niên đại theo can chi (tiểu tự hàng dọc bên phải bia) qua hệ thống tư liệu của ông mà theo đó: “Việt Cổ” (nước Việt xưa) là tên chỉ nước ta trong khoảng thời gian trước 1802 khi Nguyễn Ánh chưa thống nhất đất nước, chưa lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long (Mộ Võ Thục Nhân quận 3; các mộ Nhụ nhân Thái Trinh Liệt lập chí: “Nhâm Tuất niên trọng xuân cát đán” = ngày lành tháng 2/1802; Thận nhân Hà Cần Ý lập chí: “Bính Dần trọng đông cát đán” = ngày lành tháng 11/1806 và mộ song táng Ông Tổ Thái và Bà họ Huỳnh lập chí: “Ất Mùi trọng thu nguyệt cát đán” = ngày lành tháng 8/1835 ở quận 11).
“Hoàng Việt” là Quốc hiệu thời Gia Long và Minh Mạng vì ghi rõ năm và niên hiệu vua trị vì thời điểm “lập thạch – lập chí” (tiểu tự hàng dọc bên trái bia) (Mộ Phạm Quang Triệt ở quận 2 lập chí: “Gia Long Kỷ mão niên nhuận nguyệt cốc đán” = 1818; Mộ Phan Tấn Huỳnh quận Phú Nhuận niên tử: “Minh Mạng đệ ngũ niên thập nhất nguyệt thập nhất nhật” = 11/11/1824). “Hoàng Nguyễn” là Quốc hiệu từ Minh Mạng (1820-1840) (Mộ Nhụ nhân Trinh Thuận và mộ Nhụ nhân Toàn Thục ở Quận 2 niên tạo “Nhâm Dần” = 1842).
“Đại Nam” là Quốc hiệu do Minh Mạng đặt từ 1820 trở về sau (Mộ đôi Công viên Tao Đàn, quận 1; Mộ song táng Bá thần Hồng công & Quân Tử Hồ Thị lập chí: “Quí Mùi niên quý xuân cát đán” = ngày lành tháng 3/1823; Mộ Tổ sĩ nhân họ Đào và mộ Đào Bá Tập niên tạo: “Nhâm Dần” = 1842; Mộ Phạm Duy Trinh lập chí: “Tuế thứ Tân Hợi mạnh hạ cát đán” = ngày lành tháng 4/1851; Mộ Nội tổ họ Phan lập chí: “Thời Kỷ mùi niên ngũ nguyệt cốc đán” = ngày lành tháng 5/1859; Mộ song táng Hồng Văn Khả & Bà họ Phó niên tử: “Bính Thìn niên chính nguyệt nhị thập nhất nhật” = 21/1/1916 và “Mậu Ngọ niên thập nhất nguyệt nhị thập lục nhật” = 26/11/1918; Mộ song táng Phan Thuần Nhất & Ngô Đại Nghiệp; Mộ Phan Quân Tề ở Quận 2; Mộ ấp Long Đại; Mộ song táng Ông họ Nguyễn và Bà họ Lê niên sinh: “Ất Hợi” = 1815, niên tử: “Đinh Mùi trọng đông” = tháng 11/1847 và niên sinh: “Quý Mão” = 1843, “ niên tử: “Mậu Thân manh xuân” = tháng 1/1908 ở quận 9; Mộ Lý Thị Ly niên sinh: “Đinh Hợi” = 1887 và Mộ Lý Chánh Từ niên sinh: “Quý Hợi” = 1863, niên tử: “Mậu Ngọ thập nhất nguyệt ngũ nhật” = 5/11/1918 ở quận Phú Nhuận; Mộ song táng Hàn Lâm Viện Thị độc Học sĩ họ Lê và bà họ Lương niên tạo: “Canh Tuất quý hạ cốc đán” = ngày lành tháng 6/1850 ở quận Tân Bình; Mộ Tiền hiền Tạ Huy lập chí: “Canh Dần niên nhị nguyệt cát nhật” = ngày lành tháng 2/1890 và mộ Chánh tổng An Điền Nguyễn Mỹ Bửu ở quận Thủ Đức; Mộ Nhụ nhân Trinh Thuận lập chí: “Tân Hợi niên quý nguyệt thanh minh cốc đán cát nhật” = ngày lành tiết thanh minh tháng 3/1851 ở quận Hóc Môn). “Hoàng Triều” là Quốc hiệu thời Tự Đức có ghi rõ năm và niên hiệu vua trị vì thời điểm “lập thạch – lập chí” (Mộ Trần Đôn Nhã, Quận 3: lập chí: “Tự Đức thập niên mạnh hạ cát nhật” = ngày lành tháng 4/1857). “Nam Việt” (Mộ vĩ nhân Nguyễn Văn Chí quận 6 ghi rõ niên tạo: “1863”) (Hải Đường, 2007:255-274).
Theo Lê Trung và Phạm Hữu Công (1998:291), bia mộ Tổng đốc Phạm Duy Trinh ở Quận 2 lập chí: “Tuế thứ Tân Hợi mạnh hạ cát đán” (cùng niên đại “ngày lành tháng 4/1851”) nhưng Quốc hiệu “Đại Nam” do Minh Mạng đặt từ 1838. Và chức “Tổng đốc” chỉ xuất hiện sau năm 1832 – năm Minh Mạng xóa bỏ Bắc Thành và Gia Định Thành để lập các tỉnh.
Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Hà (2011:468-478), “Việt Cố” là Quốc hiệu chỉ Đàng Trong vào thời các Chúa Nguyễn và thời Nguyễn Ánh xưng vương tồn tại từ 1702 (hoặc 1744) đến 1804 (hoặc 1806). “Hoàng Việt” có niên đại từ 1804 (hoặc 1806) đến trước tháng 1/1838. “Đại Nam” niên đại từ tháng 3/1838 đến 8/1945. Quan điểm này gần đây có người phản đối vì “các quan đại thần thời Nguyễn được sử sách ghi chép rõ” trên bia mộ đề Quốc hiệu “Việt Cố” nhưng niên đại lại thời Vua Nguyễn: Nguyễn Huỳnh Đức mất năm Kỷ Mão (1819) lập chí cùng năm ở Long An; Song thân Lê Văn Duyệt là cụ ông Lê Văn Toại (lập chí 1821) và cụ bà Nguyễn Thị Lập (lập chí năm Giáp Tuất=1814) ở Tiền Giang. Em gái ruột Thoại Ngọc Hầu – bà Nguyễn Thị Định (lập chí 1854) nhưng Quốc hiệu: “Hoàng Việt” (chứ không phải “Đại Nam”) (Lương Chánh Tòng, 2013:394-426).
Vì những ý kiến khác nhau như trên, lạm bàn về “Quốc hiệu” trên bia cổ mộ Nam Bộ cũng là điều cần thiết và cũng chỉ nên bàn khi đã có trong tay tập hợp thống kê chí ít cũng không bé hơn sưu tập bia mộ Tp. Hồ Chí Minh mà Hải Đường từng dày công chuyên khảo.
- A. KẾT QUẢ KHẢO CỨU
Tính đến nay (tháng 9/2013), qua khảo sát 386 di tích cổ mộ Nam Bộ của nhóm Nghiên cứu Lịch sử Văn hóa Nam Bộ (Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG-HCM), số bia còn đọc được nhiều hay ít chữ Hán Nôm không còn nhiều, chỉ có 136 bia (chiếm 35,2% tổng số mộ), chủ yếu tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh (76 bia), còn lại rải ra 6 tỉnh thành Nam Bộ (60 bia, trong đó: Đồng Nai có 16 bia; Long An = 3; Tiền Giang = 14; Vĩnh Long = 1; An Giang = 3; Kiên Giang = 18). Với tập hợp 136 bia này, chỉ bàn đến các “Quốc hiệu Việt” ghi trên bia, chúng tôi ghi nhận rất rõ ở 106 bia cổ rằng:
+ Quốc hiệu “Việt Cố” có trên 23 bia (chiếm 21,7%), với thông số niên đại có độ tin cậy cao nhất ghi nhận được trong khung niên biểu: từ 1766 đến 1845 từ thời Định Vương Dực Tông Nguyễn Phúc Thuần (1765-1775) đến thời Nguyễn Hiến Tổ (Miên Tông) Thiệu Trị (1841-1847). Cụ thể: 1766, 1780 (4 bia ở Cù Lao Phố – Biên Hòa, Đồng Nai); 1802, 1806, 1835 (1 bia ở quận 3 và 4 bia ở quận 11-Tp. Hồ Chí Minh); 1806, 1819 (2 bia: mộ mẹ Nguyễn Khắc Tuấn và mộ Nguyễn Huỳnh Đức ở Long An); 1814, 1821 (2 bia mộ song thân Lê Văn Duyệt ở Tiền Giang); 1854 (1 bia: mộ bà Nguyễn Thị Định – em gái Thoại Ngọc Hầu ở Vĩnh Long); 1845 (1 bia: mộ Tiên Giác Bửu Châu ở núi Bình San-Hà Tiên, Kiên Giang).
+ Quốc hiệu “Hoàng Việt” có trên 24 bia (chiếm 22,64%), với thông số niên đại có độ tin cậy cao nhất ghi nhận được trong khung niên biểu: từ 1752 đến 1877 từ thời Võ Vương Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) đến thời Nguyễn Dực Tông (Hồng Nhiệm) Tự Đức (1848-1883). Cụ thể: 1752, 1761, 1780, 1820 (4 bia ở núi Bình San-Hà Tiên, Kiên Giang); 1819, 1823 (2 bia: mộ quận 2-Tp. Hồ Chí Minh); 1824 (1 bia ở Long An); 1825-1830 (6 bia từ đời 3 đến đời 7 Phạm tộc ở Lăng Hoàng gia Gò Công, Tiền Giang); 1821, 1826, 1829 (3 bia ở Lăng tẩm Thoại Ngọc Hầu và 2 phu nhân ở Núi Sam, Châu Đốc, An Giang); 1814,1820,1825, 1877 (4 bia ở Biên Hòa-Đồng Nai).
+ Quốc hiệu “Đại Nam” có nhiều nhất – 51 bia (chiếm 48,11%), với thông số niên đại có độ tin cậy cao nhất ghi nhận được trong khung niên biểu: từ 1833 đến 1935 từ thời Nguyễn Thành Tổ (Phúc Đảm) Minh Mạng (1820-1840) đến thời Nguyễn Hoằng Tông (Bửu Đảo) Khải Định (1916-1925) và thời Nguyễn Bảo Đại (Vĩnh Thụy) (1926-1945). Cụ thể: 1833, 1873 (2 bia ở núi Bình San-Hà Tiên, Kiên Giang); 1842, 1851, 1858, 1859, 1856, 1862, 1864, 1893, 1899, 1890, 1913, 1916, 1918,1930, 1935 (các bia mộ quận 1, quận 2, quận 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Thủ Đức, Hóc Môn-Tp. Hồ Chí Minh); 1845, 1876 (2 bia ở Biên Hòa-Đồng Nai).
Các Quốc hiệu khác có rất ít trong khung niên biểu: từ 1842 đến 1894 từ thời Nguyễn Hiến Tổ (Miên Tông) Thiệu Trị (1841-1847) đến thời Nguyễn Thành Thái (Bửu Lân) Thành Thái (1889-1907). Ví như: Quốc hiệu: 皇 阮 (Hoàng Nguyễn) có trên 2 bia, với thông số niên đại có độ tin cậy cao nhất ghi nhận được là: 1842 (2 bia: mộ quận 2-Tp.HCM). Quốc hiệu: 皇 朝 (Hoàng Triều) có trên 3 bia, với thông số niên đại có độ tin cậy cao nhất ghi nhận được là: 1857, 1894 (1 bia mộ quận 3, 1 bia mộ Bình Thạnh-Tp.HCM, 1 bia đời 10-chi 3 Phạm tộc ở Lăng Hoàng Gia Gò Công-Tiền Giang). Quốc hiệu: 南 朝 (Nam Triều) có trên 1 bia đời 6-chi 2 Phạm tộc ở Lăng Hoàng Gia Gò Công-Tiền Giang. Quốc hiệu: 越 南 (Việt Nam) có trên 1 bia (1863 – bia quận 6-Tp.HCM và Quốc hiệu ; 南 越 (Nam Việt) có trên 1 bia “Thiên vương Thống chế Thần minh chính trực” ở Tân Phong-Biên Hòa, Đồng Nai.
- B. ĐÔI ĐIỀU NHẬN THỨC
Nhận thức khách quan từ các thông số này, chúng tôi xác thực các Quốc hiệu “Việt Cố” và “Hoàng Việt” xuất hiện sớm nhất trên bia cổ mộ Nam Bộ, từ giữa thế kỷ 18 – thời các Chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1775) và Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) và kéo dài đến nửa cuối thế kỷ 19 – thời các Vua Nguyễn Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883).
Quốc hiệu “Đại Nam” xuất hiện từ nửa đầu thế kỷ 19 (ít nhất từ năm 1833 với bia Mạc Tử Hoàng ở núi Bình San-Hà Tiên-Kiên Giang thời Vua Nguyễn Minh Mạng (1820-1840) với chữ “Mạc” có kèm theo bộ “ấp” Vua ban) và với các bia mộ đá ong của các cụ bà Nguyễn Viết (30/3/1854), Giang Thị (11/1856), Hồ Thị (1862), Nguyễn Thị Nghĩa (12/2/1862) và cụ ông Nguyễn Văn Kỳ (1864) ở Thủ Đức-Tp. Hồ Chí Minh và kéo dài đến nửa đầu thế kỷ 20 (ít nhất từ năm 1913-1918 với các bia mộ Trần Văn Lợi ở Thủ Đức, Hồng Văn Khả quận 2 và Lý Chánh Từ Tâm quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh) thời Vua Nguyễn Khải Định (1916-1925), riêng bia mộ Hồng Văn Khả còn ghi rõ số latinh: “1916” ngay dưới chữ: 大 (Đại); đến 2 tấm bia muộn nhất của cụ ông Nguyễn Văn Điền (1930) và cụ bà Cổ Thị Bé (26/1/1935) ở Thủ Đức-Tp. Hồ Chí Minh thời Vua Nguyễn Bảo Đại (1826-1945).
Quốc hiệu “Đại Nam” tồn tại đồng thời với các danh xưng: “Hoàng Nguyễn”, “Hoàng Triều”, “Nam Triều”, “Nam Việt”, “Việt Nam” ở Nam Bộ chí ít đến cuối thế kỷ 19, với bia mộ Tổng trấn Tả quân Lê Văn Duyệt (1763-1832) ở làng Bình Hòa (Gia Định) vốn bị Minh Mạng lệnh xiềng xích (1835), được phục danh thời Thiệu Trị (1841) và Tự Đức (1848), khắc lại văn bia Hoàng Cao Khải soạn năm Giáp Ngọ đời Thành Thái (1/7/1894).
Các Quốc hiệu hiện biết là xưa nhất Nam Bộ (“Việt Cố” và “Hoàng Việt”) chỉ xuất hiện trên các quần thể cổ mộ kiến tạo thuần hợp chất và kết hợp cốt đá ong-vữa hợp chất, ngoại trừ các quần thể được xây dựng “đặc cách” như Lăng Hoàng Gia Gò Công (Tiền Giang) (với gạch vồ khắc chữ: 皇 (Hoàng) ở các mộ Phạm Đăng Doanh (đời 3), Phạm Đăng Long & chánh thất Phan Thị Tánh – ông nội và song thân của Phạm Đăng Hưng (1764-1825); Mộ Phạm Đăng Hưng – cha Từ Dũ Thái Hậu Phạm Thị Hằng xây theo phong nghi Tam Công Tứ Trụ diện dành cỡ Quận Vương) và như quần thể lăng tẩm Mạc gia ở núi Bình San-Hà Tiên (Kiên Giang), với nhiều đá phiến sa thạch, đá tảng, đá xanh ngoại nhập lát nền sàn, thềm, bao thành, gắn trang trí rồng-phụng bằng mảnh bát chén sứ trong các mộ Mạc Cửu và Ỷ Đức Thái phu nhân, mộ Mạc Thiên Tích (1718-1780) và Hiếu Túc Thái phu nhân Nguyễn Thị, mộ Mạc Tử Hoàng, các mộ Từ Thục Cung nhân Hoàng Thị và Từ Thành Thục nhân Nguyễn Thị, mộ Cai đội Vũ Thế Danh và cả mộ tháp Tiên Giác Bửu Châu .v.v…
Các quần thể mộ kiến tạo bằng đá xanh xưa nhất chỉ ghi nhận từ Quốc hiệu “Đại Nam” khởi thủy từ năm 1851 đến năm 1918, với các tiêu bản bia Trinh Thuận Nhụ nhân ở Bà Điểm-Hóc Môn và Lý Chánh Từ Tâm ở Phú Nhuận (Tp. Hồ Chí Minh), các quần thể mộ kiến tạo bằng đá ong xưa nhất chỉ ghi nhận từ Quốc hiệu “Đại Nam” khởi thủy từ năm 1856 đến năm 1935, với các tiêu bản bia mộ của các cụ bà Nguyễn Viết, Giang Thị, Hồ Thị, Nguyễn Thị Nghĩa, Cổ Thị Bé và các cụ ông Nguyễn Văn Kỳ, Nguyễn Văn Điền, Trần Văn Lợi ở Thủ Đức-Tp. Hồ Chí Minh (Bảng I).
Với các Quốc hiệu ít xuất hiện ở mộ cổ Nam Bộ, theo nghiên cứu cũ của Nguyễn Bá Lăng ở bia mộ Tân Phong-Biên Hòa (Đồng Nai), “Nam Việt” là Quốc hiệu thường được dùng trong thời Chúa Nguyễn. Năm đầu Gia Long (1802) về sau gọi là “Việt Nam” (Nguyễn Bá Lăng, 1967:20). Nhưng một chuyên khảo đáng lưu tâm gần đây của PGS.TS Choi Byung Wook lại đưa ra quan điểm khác rằng: “Vào năm 1802, tên “Nam Việt” được lựa chọn theo một luận cứ: Triều đình chúng ta không chỉ sở hữu đất của An Nam (tên chính thức dưới triều Lê như là một đối sánh với triều đình Trung Hoa), mà đồng thời cả đất của Việt Thường (Đàng Trong). Nó không thể bị đem so sánh với cương thổ (nhỏ hẹp) của nhà Trần, nhà Lê. Quốc hiệu nên thay đổi từ “An Nam” thành “Nam Việt” (Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, 1889 – Tokyo: Keio Institute of Linhuistic Studies, 1962, 11:2a).
Tên “Nam Việt” bắt nguồn từ chữ “Nam” trong “An Nam” và “Việt” trong “Việt Thường” – tên cổ của Champa (Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, tập 33:14a).Triều đình Trung Hoa đưa ra Quốc hiệu “Việt Nam” như là hoán đổi vị trí của “Nam Việt” (Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, 1848 – Tokyo: The Institute of Cultural and Linhuistic Studies, Keio University, 1968, 1b-2a; Ch’ing Shih Kao Hsiao Chu, Taipei: Quo Shih Kuan, 1990:12103). Theo Woodside, “tên Việt tượng trưng cho phần lãnh thổ cũ của quốc gia, miền Trung và miền Bắc với tên gọi “Đại Việt” có từ thời Lê. Từ “Nam” chỉ những khu vực mới, vùng đất mới chiếm phía Nam, chưa bao giờ nằm dưới quyền kiểm soát của vương quốc Việt truyền thống” (Vietnam and the Chinese Model:120). Còn theo Choi Byung Wook, “mặc dù nhà Nguyễn thích Quốc hiệu là “Nam Việt” hơn nhưng họ nhận thấy rằng đổi thành “Việt Nam” không làm thay đổi ý nghĩa của Quốc hiệu. Quốc hiệu này vẫn chỉ ra rằng triều Nguyễn dựa vào cả An Nam và Việt Thường. Ngược lại, như Trịnh Hoài Đức – một vị quan nổi tiếng của thời này – phát biểu: “Quốc hiệu đã bị thay đổi này càng chính xác bởi vì nó cho thấy chúng ta sở hữu đất của Việt Thường trước và vùng An Nam được thêm vào sau đó” (Trịnh Hoài Đức, Cấn Trai Thi Tập, 1919 – Hong Kong: New Asia Research Institute, 1962:132).
Tuy nhiên, khi Gia Định nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của nhà Nguyễn, vương triều này sở hữu toàn bộ phần đất phía Nam (Nam phương), biên giới tới phía Đông giáp với Nam Hải, phía Tây được che chắn bởi biển cả. Tất cả sản vật thuộc lãnh thổ của chúng ta và toàn bộ phần đất từ bờ biển đến thung lũng thuộc vào lãnh thổ của chúng ta. Nếu tên gọi được đổi từ “Việt Nam” thành “Đại Nam” thì ý nghĩa sẽ rõ ràng hơn (Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, 1861 – Tokyo: Keio Institute of Linhuistic Studies, 1963, 190:1b-2a). Và quyết định này được Hoàng đế Minh Mạng đưa ra vào năm 1838 (Choi Byung Wook, 2011:208-210). Chúng tôi đồng tình với lập luận và niên đại này của các Quốc hiệu: “Nam Việt” (1802), “Việt Nam” và “Đại Nam” (1838).
Với các Quốc hiệu ngoại bang và chữ khác (ghi chính ở vị trí đại tự giữa bia trên cùng dành cho Quốc tịch) ở di tồn cổ mộ Nam Bộ (khoảng 9 tiêu bản), chúng tôi sẽ bàn vào dịp khác.
Điều cần nói thêm là còn rất nhiều bia mộ ở các quần thể di tích nghĩa trang lớn chưa được chúng tôi đề cập đến “Quốc hiệu”, lý do chính vì chúng bị tôn tạo “làm mới” không còn ghi nhận cốt đá nguyên thủy (điển hình các bia sơn nền vàng, tô chữ đen đỏ ở “Di tích Lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật” Quốc gia Thoại Ngọc Hầu (QĐ 10/7/1980) ở Núi Sam, Châu Đốc-An Giang; hay ở cả các bia mộ cement sơn chữ đỏ, thậm chí còn bỏ cả “Quốc hiệu” như trên bia mộ bà Mạc Thiên Tứ (Hiếu Túc Thái phu nhân Nguyễn Thị) và còn ghi sai cả niên tử Long Hồ Đại Tướng Hoàn Vũ Hầu (-1770) thành “1754” trong quần thể “Di tích Lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật” Quốc gia Đền thờ – Lăng Mạc Cửu (QĐ 6/12/1989) ở Núi Bình San, Hà Tiên-Kiên Giang .v.v…) (Trương Minh Đạt, 2008) . Chúng tôi sẽ còn kiểm chứng thực địa và khảo sử để phục hồi thông tin xác thực nhất của chúng trong mùa điền dã 2013-2014.
TÀI LIỆU DẪN
Choi Byung Wook, 2011. Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng, Nxb Thế Giới.
Hải Đường, 2007. Bảo tồn mộ cổ ở Thành phố Hồ Chí Minh – Nam Bộ Đất & Người, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh:255-274.
Leopold Cadière, 1997. Về văn hóa và tín ngưỡng truyền thống người Việt, NXB Văn hóa Thông tin (Đỗ Trinh Huệ dịch); 2004. Lăng mộ của người An nam trong vùng phụ cận Huế – Những người bạn Huế, Nxb Thuận Hóa.
Lê Trung – Phạm Hữu Công, 1998, Về hai tấm bia mộ thời Nguyễn tại Quận 2 – Góp phần tìm hiểu Lịch sử – văn hóa 300 năm Sài Gòn – Tp. Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh:284-304.
Lương Chánh Tòng, 2013. Lăng Triều Nguyễn ở Nam Bộ – Nam Bộ Đất & Người, Nxb ĐHQG, Tp. Hồ Chí Minh:394-426.
Nguyễn Bá Lăng, 1967. Việc cải táng mộ Thiên Vương Thống chế và ông Tiền Chi tại xã Tân Phong, quận Châu Thành Biên Hòa – Tạp chí Khảo cổ, bộ mới: số 1, Bộ Văn hóa Giáo dục, Khối Văn hóa, Sài Gòn 1967:19-21.
Trương Minh Đạt, 2008. Nghiên cứu Hà Tiên, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
Tóm tắt:
LẠM BÀN VỀ QUỐC HIỆU TRÊN BIA MỘ CỔ NAM BỘ
Ở bài viết này, các tác giả trình bày những nhận thức mới về kết quả nghiên cứu, khảo sát 136 cổ mộ còn văn bia trong tổng số 386 di tích cổ mộ tại Nam Bộ.
Với tập hợp các bia này, các tác giả tiếp tục nêu lên vấn đề “Quốc hiệu Việt” được ghi trên bia, theo các tư liệu mới nhất:
+ Quốc hiệu “Việt Cố” có trên 23 bia, nằm trong khung niên biểu: từ 1766 đến 1845.
+ Quốc hiệu “Hoàng Việt” có trên 24 bia, nằm trong khung niên biểu: từ 1752 đến 1877 .
+ Quốc hiệu “Đại Nam” có trên 51 bia, nằm trong khung niên biểu: từ 1833 đến 1935.
+ Các Quốc hiệu khác Hoàng Nguyễn, Hoàng Triều, Nam Triều, Việt Nam có rất ít, nằm trong khung niên biểu: từ 1842 đến 1894
Bài nghiên cứu bước đầu xác thực: các Quốc hiệu “Việt Cố” và “Hoàng Việt” xuất hiện sớm nhất trên bia cổ mộ Nam Bộ, từ giữa thế kỷ 18 kéo dài đến nửa cuối thế kỷ 19 xuất hiện phổ biến trên các quần thể cổ mộ kiến tạo thuần hợp chất và kết hợp cốt đá ong-vữa hợp chất. Quốc hiệu “Đại Nam” xuất hiện từ nửa đầu thế kỷ 19 và kéo dài đến nửa đầu thế kỷ 20.
Quốc hiệu “Đại Nam” tồn tại đồng thời với các danh xưng: “Hoàng Nguyễn”, “Hoàng Triều”, “Nam Triều”, “Nam Việt” ở Nam Bộ đến cuối thế kỷ 19.
Các quần thể mộ kiến tạo bằng đá xanh và đá ong xưa nhất chỉ ghi nhận từ Quốc hiệu “Đại Nam” khởi thủy từ năm 1851 đến năm 1935, với các tiêu bản bia mộ ở Bà Điểm-Hóc Môn, Thủ Đức và ở Phú Nhuận (Tp. Hồ Chí Minh).
SUMMARY
DISCUSS OF OFFICIAL NATIONAL NAMES IN ANCIENT TOMB EPITAPHS IN SOUTHERN PART OF VIETNAM
In this article, the authors present new perceptions on the research results through the survey was 136 ancient tomb epitaphs (with ancient monuments 386 tombs) in the Southern part of Vietnam.
The collection of epitaphs, the author continues to raise the issue of “official names” is written on the epitaph, according to the newest material:
The official name “Việt Cố” with over 23 epitaphs, in chronological frame: from 1766 to 1845. The official name “Hoàng Việt ” with over 24 epitaphs, in chronological frame: from 1752 to 1877. The official name “Đại Nam” with over 51 epitaphs, in chronological frame: from 1833 to 1935. The official other effect “Hoàng Nguyễn”, “Hoàng Triều”, “Nam Triều”, “Nam Việt” is very little, in chronological frame: from 1842 to 1894.
The study initially authentication: the official names “Việt Cố” and “Hoàng Việt” appeared on the earliest ancient tomb stele South, from the mid 18th century until the mid 19th century appeared on the popular ancient, compound-mortar tomb and reinforced laterite-compound. The official name “Đại Nam” appeared in the mid 19th century and until the mid 20th century. The official name “Đại Nam” appeared with the name “Hoàng Triều”, “Nam Triều”, “Nam Việt” in the South in the late 19th century.
The oldest tombs of green and lateritic stone build only official name recognition from “Đại Nam” beginning from 1851 to 1935, with the sites at Bà Điểm – Hóc Môn, Thủ Đức and Phú Nhuận districts (Hồ Chi Minh City).
Tôi không được xem chữ Hán trên bia mộ, cũng như không thấy tác giả bài viết gõ lại bằng chữ Hán nội dung các bia mộ trong chuyên khảo này; nhưng theo sở kiến, “Việt Cố” mà coi đó là “quốc hiệu” thì e rằng, với mấy cái bia như sau: 唐故工部员外郎杜君墓系铭并序 thì triều nhà Đường sẽ có quốc hiệu là “Đường Cố”; 魏故南秦刺史成君碑 thì nhà Nguỵ sẽ có quốc hiệu là “Nguỵ Cố”; 明故太子少保周文安公之墓 nhà Minh sẽ có quốc hiệu là “Minh Cố”
“Việt cố… công chi mộ” chỉ đơn thuần là “mộ của ông ABC quá cố, (người) nước Việt” thôi.
Bên cạnh đó, tôi không hiểu tác giả tự định nghĩa “quốc hiệu” là thế nào, để cho ra kết quả Hoàng Việt, Hoàng Nguyễn, Hoàng Triều, Nam Triều là “quốc hiệu”?