PHỤC CHÂN ĐƯỜNG
CẦN PHỤC CHÂN
NGUYỄN VĂN HỢI
(Tân Yên- Bắc Giang)
1.LĂNG GIÁP ĐĂNG LUÂN
Cứ ám ảnh mãi với cái tên Lăng Phục Chân Đường - một trong năm địa danh lấy và rước lửa cho lễ hội Cầu Vồng huyện Tân Yên, chúng tôi tìm về xã Việt Lập vào một ngày đầu hạ. Những địa danh làng Vườn làng Um Ngò... nghe có vẻ dân dã, chân quê làm vậy. Nhưng thực ra nơi đây lại là một vùng địa linh nhân kiệt có tiếng. Những nhân vật võ tướng thời Lê-Mạc trên đất này: Thái bảo Giáp Trinh Tường, Anh liệt tướng quân Giáp Trung Hoà; Thần vũ tứ vệ quân Giáp Trinh Phúc; Anh liệt tướng quân, đô chỉ huy sứ Giáp Phúc Thành; Tráng tiết tướng quân, trung uý, thiết kỵ uý Giáp trinh Khánh; Tự trung quân, văn hàn Giáp Trung Liêm; Thị đông cung, nhiêu chí hầu Giáp Đình Liên…đã một thời rạng danh truyền thống thượng võ của đất Cầu Vồng.
Theo tỉnh lộ 398 xuôi từ Cao Thượng về Bắc Giang đến đoạn km số 10, rẽ về bên trái không đầy cây số, qua một cánh rừng bạch đàn, đã thấy một công trình kiến trúc cổ kính, uy nghiêm. Đó chính là khu di tích vẫn quen gọi với cái tên Lăng Phục Chân đường, thuộc thôn Ngọc Trai, xã Việt Lập, huyện Tân Yên, Bắc Giang. Nơi thờ Giáp Đăng Luân (14/1/1675 - 6/1/1737) Tham đốc thượng trụ quốc, Lập quận công, thời hậu Lê.
Cả khu di tích rộng 2600 m2, có bố cục mặt bằng hình chữ nhật. Chia làm hai phần: Phục Chân Đường và Tiêu dao Am.Toàn bộ được bao bọc bởi tường xây gạch cổ, xen các khối đá xanh thẫm. Tường dày 0,50m, cao 1,80m. Có lẽ vì thế mà gọi là Lăng.(Theo từ điển, lăng là gò cao, mả vua, hoặc mả có xây thành chung xung quanh).
Phục Chân Đường trước đây có ba toà nhà lớn, mỗi nhà 5 gian, làm theo lối chồng diêm, chữ tam, kề nhau, gồm: tiền đường, trung đường và chính đường. Tiền đường là ngôi nhà để các linh vật đá, linh nhân đá. Hai con nghê đá ngồi uy nghiêm hai bên hồi. Bốn viên thị thư được tạo dáng gần bằng người thật túc trực hai hàng. Đáng tiếc là cách đây vài chục năm, người ta đã dỡ đi mất ngôi Tiền Đường, nên Phục Chân Đường bây giờ chỉ còn lại hai nhà: Trung Đường và Chính đường. Toàn bộ nội thất của Tiền Đường trước đây, nay dồn cả vào Trung Đường, lại còn đắp thêm bệ và tượng thờ Giáp Quận Công ở đây nữa, thành ra Trung Đường bây giờ qủa là chật chội. Di vật quan trọng ở Trung Đường là hai bia đá, cùng khắc vào năm 1729, (Trước khi Ngài mất 8 năm). Bia số 1 (bên trái) khắc vào cuối hạ, bia số 2 (bên phải) khắc vào giữa thu. Nét chữ to, đẹp, rõ. Ngôi chính đường, có khám và bệ thờ đặt đồ thờ, Ngai, bài vị. Hai bên khám có đủ long truỳ, chấp kích uy nghi. Đáng chú ý nhất ở đây là bài vị, và bức hoành phi. Bài vị ghi “Tiền đặc tiến, Phụ quốc thượng tướng quân, Phong tặng Tham đốc thượng trụ quốc, Lập quận công, Giáp tướng công đại vương. Thần vị”. Theo đó Giáp Đăng Luân, trước được đặc tiến “Phụ quốc thượng tướng quân” và sau đó được phong tặng “Tham đốc, thượng trụ quốc, Lập quận công”. Như vậy theo quan chế triều Lê, ngài được xếp vào hàng Tòng Nhị Phẩm. Bức hoành phi lớn, treo giữa từ đường, ca ngợi đức độ của Ngài với hàng đại tự: “Đức hinh sơn”. Nghĩa là Đức thơm lừng núi sông. Điều này gợi ta nghĩ đến văn bia “Đức hinh sơn ngưỡng từ bi ký” của dòng họ Giáp, tại thôn Đông La xã Quế Nham, viết vào năm 1724: “Lập nghĩa hầu Giáp Đăng Luân …luôn lấy khiêm nhường để răn bản thân, giầu có không xa xỉ kiêu ngạo, đem hết sức mình để làm việc chung, lấy điều hiền thảo dạy bảo con cháu, lấy điều khoan với dân, được người đời truyền tụng, và là niềm tự hào của dòng họ. Đã cấp cho bản xã 10 mẫu ruộng, 100 lượng bạc dòng, 500 quan tiền sử…” và câu chuyện tương truyền trong dân gian, chính Lập Quận Công là người giúp dân xây dựng cầu Kim Tràng xưa, nên cầu có tên Cầu Quận.
Quả thật một con người, khi còn trẻ đã hy sinh tất cả bản thân vì sự nghiệp “Trung Quân ái Quốc”, đến khi về già lại công đức tất cả của cải cho nhân dân làng xã như vậy, thì dẫu có ca ngợi “Đức thơm lừng sông núi” cũng không có gì là quá đáng.
Phia sau Phục Chân Đường là khu mộ. Trên cổng vào khu mộ khắc ba chữ Hán với cái tên thật gợi cảm: Tiêu Dao Am, (Am của một người thong thả chơi xa). Tôi chợt nhớ đến một câu Kiều “Đã đem mình bỏ am mây / Tuổi này gửi với cỏ cây cũng vừa”. Mộ Ngài (theo lời các cụ ở đây kể) đổ mui luyện dài, trong quan, ngoài quách, đều bằng đá xanh. Quanh mộ lại có thêm một lớp tường thấp như là tường hoa quây vuông và quây cả lối đi về đến cổng. Cách đây hơn chục năm, kẻ gian tưởng rằng dưới mộ có nhiều của nả lắm đã vào đào trộm. Nhưng chỉ đào được đến lớp đá xanh thì phải bó tay không cậy nổi. Bây giờ nhân dân đã lầp thêm một lớp đất dầy trên mộ.
Đến Tiêu Dao Am, Phục Chân Đường ta còn được chiêm ngưỡng các di vật đá. Nhìn từ sân Phục Chân Đường vào, ta thấy các di vật bằng đá được bài trí cân đối, hài hoà, theo một trục thẳng, các di vật được đặt đối nhau từng đôi một theo trục cổng chính. Hai con chồn nghểnh đầu bên giả sơn. Đôi chó đá ngồi canh bên cổng. Hai con sấu rạp mình phủ phục, ngoái cổ nghểnh đầu chầu trước cửa. Hai con nghê đá ngồi uy nghiêm hai bên hồi. Bốn viên thị thư túc trực hai hàng ở trung đường. Hai nữ quan gần cửa được tạo dáng gần giống nhau. Đội mũ trùm đầu xuống gáy gọn gàng. Mình mặc áo giáp ngắn, cổ tròn, có nẹp nổi với hai đinh đồng, cúc bạc, gắn dọc từ cổ xuống đến đai lưng, cây côn dựng hơi chéo sát sườn, một tay đặt hờ trên chỏm, còn tay kia nắm nhẹ ngang côn. Đáng lưu ý ở đây có hai linh thú rất lạ được bày đặt đối diện nhau, nằm phủ phục trên bãi cỏ. Thú có cái đầu tròn, mặt như thể cúi xuống, dấu kín vào hai chân trước, lưng cong kéo vồng xuống mông, hai chân trước xoài rộng ra hai bên... Tất cả đã tạo nên một quần thể di vật đá được chạm khắc tinh tế, điêu luyện, mang phong cách đặc trưng thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII).
Chúng tôi về đây càng thấy cái tên “Lăng Phục Chân Đường” nghe ra không được ổn lắm. Các cụ sở tại chỉ cho chúng tôi xem bản công nhận di tích của UBND tỉnh Hà Bắc tháng 1 năm 1988 (treo tại nhà thờ) thì tên “Lăng Phục Chân Đường” là cái tên do ai đó tự ý viết đè lên, khi đã xoá bỏ tên “Lăng tổ họ Giáp” vì theo thiển ý của họ khu di tích này là của cả các họ trong làng, chứ không phải của riêng họ Giáp.Từ đó khu di tích có cái tên “lăng Phục Chân Đường”, mà khi gọi lên người ta cứ nghĩ là ở đây có cái Lăng tên là Phục Chân Đường hoặc khu di tích: Lăng và Phục Chân Đường (nhà Phục Chân)... nghe có vẻ khá lủng củng. Cho nên trộm nghĩ cứ gọi “Lăng Giáp Đăng Luân”, thì rõ ràng và đơn giản. (Cũng như Lăng Gia Long, Lăng Minh mạng, Lăng Khải Định…).
2. BẢN DI CHÚC ĐÁ.
Bia đá thứ nhất ở bên trái tượng thờ, không phải là bia ghi thân thế, sự nghiệp, công đức Giáp Đăng Luân như có người lầm tưởng (mặc dù câu đầu có ghi danh tính, quê quán, chức vụ của Ngài) mà thực chất đó là một bản di chúc của Giáp Đăng Luân. Toàn văn như sau:
Giáp Đăng Luân, người xã Chuế Dương, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang (xưa - ND), từng giữ các chức vụ: Phó thủ hiệu, thị hầu, thị tuyển đội kiểm tri, thị nội thư, tả hộ phiên, thị cận, tư lễ giám, thái giám, Lập nghĩa hầu. Nay tuổi cao, không biết rằng mình còn được hưởng thọ bao lâu nữa, nên viết trước ra đây những việc này, để lại cho mai sau.
Ta nhân khi đã hồi triều, thong thả nhàn hạ, có mua một khu đất, tên gọi Ngọc Trai ở xã Chuế Dương, giáp giới với các xã: Nghĩa Vũ, Kim Chàng, Bảo Lộc Sơn.Vừa kín đáo, gần gũi gia sơn lại vừa đông vui sầm uất.
Những ngày nhàn dỗi, ta lên ngắm cảnh nơi đây, mà thấy vui vẻ trong lòng. Bèn chặt tre làm hàng rào, giẫy cỏ, chuyện trò với mọi người làm vườn, có ngày còn giữ họ lại chơi ở Phục Chân Đường. Thêm nữa, còn trao đổi cách trồng lúa, trồng cây ngũ cốc, trồng rau, quả…theo từng chất đất cho thích hợp ở đây.
Ta lựa chọn những người cẩn thận, thật thà, trung hậu giao phó cho việc trông nom giữ gìn, Để khi ta trăm tuổi về già, giũ sạch bụi trần du chơi nơi tiên cảnh.
Tuy rằng ta không có con để nối dõi… nhưng ta vẫn vui nơi thôn dã, truyền giao lại cho ngành thứ, và căn dặn phải hết sức gìn giữ, định kỳ tu sửa, sao cho nhà cửa, mồ mả đươc yên lành lâu dài nơi đây. Vì thế, khắc vào đá những lời này, để dùng mãi mãi.
Vườn Ngọc Trai, thành một khu thống nhất, trong cũng như ngoài. Xung quanh được bao bọc bởi những cây mới trồng, đang lên tốt, làm ranh giới. Bên trong vườn đã thành ruộng, và có các cây gỗ tạp lâu năm giữ lại.Tất cả được giao cho người nhà, thân thuộc đệ tử làm ruộng tế điền. Ngoài ra, có những người tình nguyện đến ở, thì đối chiếu danh sách, xem xét, rồi cấp đất cho họ canh tác lập nghiệp. Hàng năm phải góp lễ cúng tế, và được hưởng lộc. Đồng thời mọi người phải đóng góp tiền của để kịp thời tu bổ nhà thờ Phục Chân, chi phí nhiều hay ít, thường xuyên hay đột xuất, đều giao cho trưởng họ dự tính, chi tiêu cho kịp thời.
Nếu có quan chức nào đến, nói là được lấy đất, thì phải cảnh giác, xem xét thật kỹ tờ sức (tờ lệnh cả trên- ND), xem thật giả, tà chính. Hoặc có người sau này, muốn đi nơi khác, đòi phân chia ruộng đất, thì cố gắng giữ lại. Mọi người bình đẳng như nhau, không được tranh chiếm cho riêng mình. Ví như ai có tư tưởng cố tình bán đất, phải kịp thời phát hiện. Giải quyết có tình với người mua, và kíp báo cho quan tư xử lý.
Những điều trên đây đã khắc vào đá, mọi người cần phải nghiêm chỉnh thi hành.
Riêng đất ở nơi có tên gọi Cây Cau, trên có ao, đã trồng cây bao quanh đang lên mầm, hứa cho người em: Giáp Đăng Huyễn, nay tuy chưa có ở đây, cần giữ gìn thật tốt, sau này giao lại.
Phạm Đăng Trù, Tân Mão khoa thí trung thư toán, thị nội thư tuyển, tiến công thứ lang, huyện thừa huyện Thanh Lan. Vâng lời viết.
Buổi sáng tốt ngày, tháng 6, năm kỷ dậu, triều vua Vĩnh Khánh, năm đầu (6/1729).
(Văn bia cho ta rõ thêm rằng: cách đây 300 năm nơi đây thuộc huyên Yên Dũng, và địa danh Kim Chàng chứ không phải là Kim Tràng).
2. VÀ BẢN ĐOAN ƯỚC ĐÁ.
Bia đá thứ hai ở bên phải tượng thờ, tuy không đề tên ở trên, nhưng trong văn bia có đến ba tên: Đẳng Ước, Hội Ước và Đoan Ước. Toàn văn như sau:
Chúng tôi, những người ở và trông giữ vườn Ngọc Trai gồm có: Giáp đăng Quế, Giáp Văn sâm, Ngô Huy Táo, Sái Công Hằng, Vũ Đức Huy, Nguyễn Công Hoạt, Nguyễn Công Hoàn, Nguyễn Lâm, Trịnh Hữu Nghiã, Nguyễn Công Trọng, Hoàng Văn Tài, Vũ Văn Minh, Giáp Văn Mai, Ngô kế Thế, Nguyễn Đức Tuấn, Lương Văn Chiến, Giáp Văn Chuyên cùng bình đẳng đoan ước với nhau, và khắc vào bia những điêù sau đây:
Giáp Tôn Công muốn rằng sau khi Ngài đi xa, mồ mả, nhà cửa, vườn tược vẫn được lâu dài mãi mãi. Nên Ngài đã gọi những người trong vườn Ngọc Trai giao cho trông giữ, chọn đệ tử thân tín giao cho nhà cửa, phân chia đất đai để cày ruộng, làm vườn, trồng cây lâu năm. Lại cấp cho 300 quan tiền để làm vốn sinh cơ lập nghiệp trên đất này. Vì thế chúng tôi, những người ở trong vườn Ngọc Trai này, cùng nhau nói rằng: Chúng ta là những người may mắn, hạnh phúc được sinh sống trên mảnh đất này, đó đã như là trời định không bao giờ thay đổi. Ngày ngày ngước nhìn, thấy những sự việc ở đây mà yên lòng, xem cơ ngơi ở đây mà sung sướng. Tôn Công thật như cha mẹ đã sinh ra chúng ta. Ân huệ Tôn Công rộng như biển, cao như núi, không lấy gì báo đáp được. Cho nên đầu xuân năm mới, cùng nhau tề tựu tại viên đình, sửa một lễ cầu phúc cho Tôn công, đến giờ ngọ thì thụ lộc. Mồng một, ngày rằm hàng tháng, cũng có rượu thịt để kính cụ. Và cùng nhau bàn bạc làm bia đoan ước.
Tôn Công rất lấy làm hài lòng về việc này. Có lời khen ngợi mọi người đã chủ động, vất vả cùng nhau khắc hội ước, lại có những điều khoản phụ khắc vào bên trái. Những điều ước đó như sau:
Hàng năm vào đầu xuân, ngày mười ba tháng giêng, mọi người tập trung tại viên đình, sửa một mâm lễ, có thịt, rượu, bánh… cầu phúc. Tiệc xong tổ chức ca hát cho vui vẻ.
Vào ngày mừng thọ Tôn Công, tiết đầu sắm sửa bánh chuẩn, rượu ngon, sử dụng tiền 10 quan. gạo xôi 36 bát, đến trưa tổ chức thụ lộc. Các tiết sau sửa lễ có gà, rượu ngon và gạo xôi 10 bát.
Đến khi quan trăm tuổi về già, bốn mùa hương khói theo đúng nghi lễ, không được bao giờ quên. Con, con, cháu, cháu nối tiếp lâu dài đời này qua đời khác.
Kỵ nhật Tôn Công cúng thịt ngon, rượu chuẩn, sử dụng tiền 3 quan, gạo xôi một bát.
Tiếp theo vào mồng một, ngày rằm hàng tháng, buổi sáng đốt hương, rượu, nước, cúng oản quả. Mỗi ngày sử dụng tiền một quan, gạo xôi một bát.
Ruộng tế điền, chiếu theo danh sách để thu. Cứ mười phần thì thu hai phần, để vào một kho, dùng vào việc tu sửa am và nhà thờ.
Mỗi người ở trong vườn này, phải ghi danh tính vào bia, con cháu cùng nhau nối tiếp, không người nào được quên ơn, phụ nghĩa.
Trên đây là những điều ước, mọi người phải tuân thủ, không ai được vi phạm, vượt qua.
CÁC ĐIỀU PHỤ ƯỚC (kê)
Người trong Vườn phải giúp đỡ nhau, giữ gìn, lựa chọ chỗ ở. Người trong làng cùng được ăn lộc của Quan. Phải lấy quê quán, danh tính ghi vào hộ tịch, không một ai được tự ý che dấu.
Cùng nhau ở đây, nên mọi người càng phải giữ gìn hoà thuận. Không được tranh giành, sống thật thà ngay thẳng, cần cù để sinh cơ lập nghiệp. không được du đãng trộm cắp, hoặc ngấm ngầm chứa chấp gian manh. Bản vườn phát giác, lập tức xem xét tâu trình, không che dấu bất cứ trường hợp nào.
Đầu năm cấp cho các hộ thiếu vay để sinh sống làm ăn. Cứ 10 quan, cả năm thu 2 quan. Tiền ấy giữ cho bản vườn chi phí sử dụng.
Mọi ngươi nhất trí lấy những điều đoan ước này làm căn cứ để nhất nhất tuân theo. Nếu ai làm trái sẽ trình lên quan trên trừng trị. Không tha thứ bất cứ một hành vi nào phạm ước.
Buổi sáng tốt ngày, tháng bẩy, năm kỷ dậu, năm đầu Hoàng triều Vĩnh Khánh vạn vạn tuế.
4. PHỤC CHÂN ĐƯỜNG CẦN “PHỤC CHÂN”
Đến với Phục Chân Đường, chúng tôi cứ ngẫm nghĩ, băn khoăn một điều: không hiểu tại làm sao Lập Nghĩa Hầu Giáp Đăng Luân lại đặt tên cho ngôi nhà -mà sau này là nhà thờ của mình- cái tên “Phục Chân”. (Phục Chân có thể hiểu là trở về sự thật, trở về bản chất, bản ngã.). Cũng đã trao đổi mãi mà chưa rõ.Tôi chợt nghĩ đến cái chức quan Thị, quan Thái Giám của Ngài và những tục lệ của thời xưa. Phần đông các vị quan Thái Giám, vì nhiều lý do khác nhau, mà đặc tiến bằng con đường “tự nguyện yêm cát” (tự nguyện cắt hoạn).Thời phong kiến hành ví ấy, hành vi dám hy sinh tất cả -cả hạnh phúc bản thân mình- cho vua, được xem là một hành vi đạo đức cao cả, nằm trong “cương” thứ nhất trong “tam cương” của người quân tử. Tức là mối quan hệ “vua-tôi”, “vua tử, thần tử” cơ mà!. Ở nước ta có những hoạn quan nổi tiếng vô cùng như Lý Thường Kiệt tướng quốc thời Lý, Hoàng Ngũ Phúc một công thần lớn thời Lê, Lê Văn Duyệt khai quốc công thần thời Nguyễn…Một quan hoạn không chỉ bản thân mình được tiến thân, mà còn đem lại lợi lộc khá nhiều cho làng xã, dòng họ. Cả thôn làng, dòng họ có người đặc tiến được miền thuế, miễn phu, miễn lính. Có một tục lệ là trước khi hoạn, người hoạn phải viết một “tự nguyện yêm cát thư” (thư tự nguyện cắt hoạn), thư ấy được triều đình đồng ý phê chuẩn, mới thực hiên. Khi hoạn xong, âm hành của họ sẽ được dùng những kỹ thuật riêng để bảo tồn và coi như một của quí, giữ gìn rất cẩn thận. Trước hết được tẩm vôi và hút hết những dịch còn trong đó ra, sau đó dùng vải hay giấy bản lau sạch rồi đem ướp hương liệu để cho dầu thấm vào, sấy khô. Cuối cùng đặt vào một cái bao bằng lụa, cất trong hộp gỗ, hàn kín lại, để ngoài hai chữ “Bảo cụ”( của quý). Người ta chọn ngày lành tháng tốt cung kính đưa chiếc hộp bảo cụ đến từ đường, cung kính treo chiếc hộp đó trên xà nhà. Sau đó mỗi năm, họ lại rút cái hộp đó lên cao thêm một chút, ý chúc tụng cho người bị yêm hoạn phục vụ trong triều đình được thăng quan tiến chức. Bảo cụ phải được giữ gìn như báu vật của dòng họ và sinh mạng của hoạn quan. Với hai lý do, thứ nhất mỗi khi được thăng thưởng thái giám đều phải trình cho thượng quan xem của quí để chứng minh rằng quả thực mình đã được tĩnh thân. Lý do thứ hai, khi người đó chết đi, lúc khâm liệm người ta sẽ hạ phần thân thể bị cắt còn đang treo trên xà nhà xuống, cho dính lại chỗ cũ. Còn tờ “tự nguyện yêm cát thư” sẽ được đốt trước linh sàng, để người chết được khôi phục nguyên trạng, nếu có đầu thai kiếp sau thì cũng được toàn vẹn thân thể. Không biết rằng tục lệ đó có liên quan gì đến cái tên Phục Chân ở đây không? Thôi thì mạo muội trước anh linh Ngài, có gì không phải cúi xin Ngài lượng thứ cho kẻ chỉ vì tò mò thôi, chứ không hề dám phạm thượng một chút nào.
Đến với lăng Giáp Đăng Luân, ngắm nhìn những di vật quý đã “trơ gan cùng tuế nguyệt” suốt 300 năm qua, chúng tôi vô cùng khâm phục và biết ơn tấm lòng và công lao của bà con nơi đây. Quả là các dòng họ đã thực hiên rất tốt đoan ước của mình, làm cho Lăng Giáp Đăng Luân trở thành một trong những di tích được giữ gìn tốt nhất trong khu vực, để bây giờ chúng ta được chiêm ngưỡng một di tích gần như nguyên gốc, để bây giờ chúng ta có được một điểm lấy và rước lửa cho lẽ hội Cầu Vồng... Chắc anh linh Giáp Đăng Luân tiêu dao, mỗi lần về thăm cũng vui vẻ, ngậm cười nơi tiên cảnh.
Nhưng bởi thời gian, bởi kẻ gian, và cũng bởi nhân tình thế thái…mà nay khu di tích đã có phần xuống cấp. Cổng vào đã mất từ lâu, sân trước không có, tường ranh giới ngoài cũng không… khiến những linh thú, giả sơn, đều nằm trên bãi cỏ. Có con đã nằm sát bờ ruộng. Đặc biệt việc ngôi nhà tiền đường mất, đã khiến cho Phục Chân Đường từ chữ kiểu nhà chữ “tam” xuống kiểu nhà chữ “nhị”. Trung Đường trở nên quá chật chội, tượng thờ che lấp mất khám thờ, bệ thờ, ngai thờ, bài vị.
Một điều rất đáng quan tâm nữa là nhận thức của bà con nơi đây về chủ quyền quản lý di tích cũng chưa đúng và chưa được thống nhất, chuyện “của anh” “của tôi” giữa các dòng họ… đã xảy ra, cần sớm giải quyết. Nên chăng cần phổ cập bản di chúc và đoan ước để mọi người nhớ lại những gì tổ tiên đã dặn dò hậu thế mà cùng nhau thực hiện.
Tôi trộm nghĩ: chính “Phục Chân Đường” cũng đang cần “phục chân” để xứng tầm với vị thế của di tích này.
N.V.H
1