Giác Ngộ Online

Tháp Báo Ân, ngọn tháp Phật giáo cao nhất Việt Nam

Ảnh: Quý Đoàn

Cùng với tháp Báo Ân vừa lập hai kỷ lục quốc gia, chùa Bằng hiện còn giữ được nhiều cổ vật quý.

Từ xa, ngọn bảo tháp hiện lên sừng sững uy nghi giữa vòm trời cao rộng biếc xanh, như một dấu chỉ thiêng liêng dẫn lối cho ta tìm về cõi Phật. Bỗng cảm thấy cõi Phật huyền nhiệm hóa ra cũng gần gũi cuộc sống nơi thế tục trần gian.

Tháp Báo Ân thể hiện tinh thần báo đáp “tứ trọng ân” của người đệ tử  Đức Phật, được Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm cùng chính quyền và nhân dân địa phương nhất tâm xây dựng, rồi hoàn thành vào ngày 3/1/2009, và là một trong những công trình “chào mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

Tháp Báo Ân là sự kế thừa ý nghĩa của tháp Báo Thiên thời Lý (một trong “An Nam tứ đại khí”, do Thiền sư Không Lộ đúc, nhưng nay không còn tìm thấy).

Nét đặc thù của tháp Báo Ân là được thiết trí theo hình tháp bát giác (theo giáo lý bát chính đạo). Tòa tháp cao 54,66 m, gồm 13 tầng. Trên mỗi tầng, đặt tám pho tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng, quay ra tám hướng. Như vậy, bên trong tòa bảo tháp, có tới 104 pho tượng đồng lớn, nhỏ.

Tầng một của tòa tháp được ốp đá xanh, đặt bốn tượng Thiên Vương lớn, bằng đá. Tám  trụ đá xung quanh, với đường kính 1 mét, chạm nổi hình long phượng tinh xảo.

Trên tám cửa ở tầng một của tháp Báo Ân, treo 8 pho sách được đúc bằng đồng, mỗi pho nặng 250 kg, chạm nổi thi phẩm của các bậc cao tăng đương đại, khiến cho tòa bảo tháp trở nên mềm mại, thanh thoát, chứ không chỉ trầm mặc, trang nghiêm.


Bảo tháp Báo Ân được coi là tòa tháp Phật giáo lập kỷ lục cao nhất Việt Nam năm 2007; sau đó, lại được công nhận kỷ lục thứ hai là tòa tháp có nhiều tượng đồng nhất Việt Nam năm 2010.
Khi những ấn tượng đối với ngọn bảo tháp còn chưa vơi đi, tôi lại bắt gặp một không gian đậm đà sắc màu Phật giáo, với 18 pho tượng La Hán đặt thẳng hàng, được chạm khắc sinh động, tinh tế.

Đến chùa Bằng vào một ngày cuối xuân, tôi được chiêm ngưỡng Quan Âm Viên cũng vừa mới hoàn thành. Đây là một không gian đặc biệt với 45 pho tượng khác nhau, thể hiện đức cứu khổ của Quan Thế Âm bồ tát, qua tinh hoa của nghệ thuật tạc tượng Việt Nam đương đại.


Trải bao thăng trầm, hưng phế

Chùa Bằng (còn gọi là chùa Bằng A, chùa Linh Tiên) là một ngôi chùa cổ nằm ven sông Tô Lịch, thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Chùa được xây dựng trên mảnh đất thiêng, kề bên đền thờ “Vạn thế sư biểu” Chu Văn An và miếu Thành hoàng làng Bằng Liệt.

Nằm trong quần thể danh thắng lịch sử - văn hóa ấy, chùa Bằng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Phật giáo nước ta. Lật tìm sử sách, chỉ có thể biết chùa được xây dựng trước năm 1617 - năm trùng tu ghi trên một tấm bia đang được chùa cất giữ.

Theo “Linh Tiên tự bi” (bia chùa Linh Tiên) khắc ngày 13/2/1654, ngay từ đầu chùa Bằng đã có tên chữ là Linh Tiên tự (cùng tên với chùa Tứ Kỳ) và là chùa của cả xã Bằng Liệt xưa, đến giữa thế kỷ XVIII bắt đầu nổi tiếng khắp vùng.

Năm Chính Hòa thứ 15 đời vua Lê Huy Tông (1694), sư sãi và phật tử chùa Bằng đã góp công xây chùa Quang Ân (nay là chùa Nội, làng Quang ở bên kia sông Tô Lịch) và năm Long Đức thứ 3 (1734), cũng như góp công làm cầu Quang Bình (còn gọi là cầu Quang) phía trước chùa để nhân dân thuận tiện qua lại.


Không phải ngẫu nhiên mà đầu thế kỷ XIX, trong bài minh trên chuông chùa, do vị đốc học trấn Nam Định Nguyễn Đăng Sổ soạn, có đoạn viết: "Chùa Linh Tiên của xã Bằng Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, đạo Sơn Nam là nơi danh lam phúc đức nổi tiếng trong rừng thiền một phương từ lâu".

Về quy mô, những người lớn tuổi của làng Bằng kể lại: Chùa Linh Tiên xưa rất rộng, có cái giếng tròn phía trước, nhưng đã bị lấp khi sông Tô Lịch được mở rộng vào những năm 1970. Chùa có cổng tam quan hai tầng nhìn ra sông, phía sau tam quan là tầng tầng lớp lớp tòa ngang dãy dọc của chùa.

Tiếc thay, trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều đình  chùa của xã Bằng Liệt đã bị phá huỷ. Những năm 1950, toà chính điện được nhân dân xã Bằng Liệt xây dựng lại khang trang hơn. Gần đây, vị sư trụ trì cũng đã cho xây lại cổng chùa trên nền cổng tam quan xưa, xây thêm nhà giảng kinh, tu sửa nhà thờ Tổ, nhà Mẫu, đào ao, tôn tạo nhiều tượng…, khiến ngôi chùa thêm vẻ thanh tịnh, trang nghiêm.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, khi hưng khi phế, nhiều khi không có sư trụ trì, chùa vẫn được nhân dân và phật tử địa phương trông nom. Nhờ vậy, đến nay, chùa Bằng còn lưu giữ được một số cổ vật quý.

 
Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, trụ trì chùa, cho biết: “Trong quá trình trùng tu, người ta đã phát hiện ra cách xây dựng của tiền nhân với hệ thống “móng treo” rất lạ. Bên trong lòng móng có hàng trăm viên gạch vồ của thế kỷ XV - XVI, những loại gạch được phát hiện ở Hoàng Thành; hiện nay rất ít công trình kiến trúc đền, chùa, miếu còn thấy loại gạch này”.


Kề  bên là nhà thờ Tổ được tạo dựng bằng gỗ lim với hệ thống sáu hàng cột lớn. Trong sân chùa đặt chiếc thống đá dùng ngâm gạo làm oản cúng Phật, có niên đại từ triều vua Lê Dụ Tông (1723). Trên gác chuông chùa hiện nay, đặt quả chuông lớn đúc tháng sáu năm Đinh Dậu - 1873. Đây là quả chuông to nhất vùng, được nhân dân ca ngợi qua câu: “Chuông Bằng, trống Lủ, mõ Định Công, cồng làng Sét”. Cùng với đó, chùa Bằng còn giữ được nhiều tấm bia đá cổ ghi dấu những bước phát triển trong lịch sử.

Xưa nay, chùa Bằng nổi tiếng là nơi tu tập chính pháp của tăng ni, phật tử, nơi học Phật pháp của nhiều vị cao tăng, trước khi các ngài đi trụ trì chùa khác. Vì vậy, hiện ở lại chùa chỉ còn ba thầy quản sóc mọi việc.

Chùa Bằng không có hội chùa như những chùa khác. Thay vào đó là những ngày lễ đặc biệt thu hút hàng nghìn tăng ni, phật tử và nhân dân khắp nơi tới tham gia. Hiện nay, chùa Bằng là trung tâm hoằng pháp phía bắc của Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hằng tháng, ở đây, đều có các ngày lễ cố định, quy tụ phật tử theo đạo tràng Pháp hoa từ khắp nơi về học hỏi Phật pháp.


Chiều tàn. Ánh nắng chênh chếch trong sân vườn, xuyên qua những vòm cây nhãn cổ thụ, dát lên thân cây mít hơn 300 năm tuổi một thứ ánh sáng vàng, mỏng manh như khói. Tiếng chuông chùa trên gác đổ như ru, khiến bước chân người lữ khách như muốn dừng lại, ngơi nghỉ. Ngước mắt nhìn ngọn bảo tháp uy linh, lòng cảm thấy thật bình an, nhẹ nhõm.

“Tiền khai sáng, hậu trùng tu”, không gian chùa cổ kính, uy nghiêm được đặt bên những công trình kiến trúc mới đầy giá trị nghệ thuật, quả thật là một sự tiếp nối đầy ý nghĩa, thể hiện sức mạnh trường cửu của ngôi chùa.




 

Nguyễn Thu Thủy; Ảnh: Quý Đoàn  (DVT.VN)




© 2008-2014  Bản quyền thuộc về Báo Giác Ngộ