Đi thăm Lăng Gia Long (Thiên Thọ Lăng)

Hai trụ biểu lăng Gia Long

Lịch sử xây dựng lăng Gia Long rất phức tạp, vì ở đây không phải chỉ có lăng Gia Long, mà lại có cả một quần thể lăng tẩm của nhiều thành viên trong gia đình và dòng họ của nhà vua. Quần thể lăng ấy nằm rải rác trên một địa bàn rộng lớn thuộc thôn Định Môn. Tất cả các lăng tẩm ấy đã được xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau và trước sau cách nhau gần 2 thế kỷ (thế kỷ XVII-XIX).

Riêng Thiên Thọ Lăng, tức là lăng của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, việc xây dựng cũng không diễn ra trong một thời điểm đơn giản, mà lại kéo dài trong nhiều năm dưới 3 đời vua từ Gia Long tới Thiệu Trị.

Công tác kiến trúc bắt đầu từ ngày 11-5-1814 với 547 người lính lấy trong 3 đơn vị quân đội tại Kinh đô Huế. Sau đó, triều đình mới huy động nhiều thợ giỏi ở các địa phương về làm. Sau khi tìm được cuộc đất tốt và trong khi thi công, nhà vua thường đến giám sát việc làm tại chỗ. Vua đã phong cho vùng núi đó là Thiên Thọ Sơn, gồm 42 ngọn núi đồi cao thấp được đặt 42 tên riêng.

  • Điện Minh Thành nói riêng và khu vực tẩm nói chung được xây dựng năm 1815.
  • Công tác xây lăng tẩm kéo dài trong 6 năm, từ năm 1814 đến 1820. Ngoài ra còn có một số bộ phận kiến trúc được thực hiện sau đó nữa.
  • Tấm bia “Thánh đức thần công” ở bên trái lăng do vua Minh Mạng viết xong ngày 10-8-1820 và dựng ngày 18-9-1820. Hai hàng tượng văn võ quan viên và voi ngựa bằng đá ở bái đình mãi đến tháng 4-1833 mới hoàn tất.
  • Hai cánh cửa ở “bửu thành môn” lúc đầu làm bằng gỗ. Đến thời Thiệu Trị, vua này mới bảo Bộ Công làm hai cánh cửa bằng đồng để thay thế (1845).

So sánh 7 khu lăng vua Nguyễn ở Huế, lăng Gia Long ở vào vị trí xa xôi cách trở nhất đối với trung tâm của cố đô, nhưng đây lại là khu lăng hoành tráng nhất về cảnh trí thiên nhiên. Đứng giữa cảnh trí ấy nhìn ra chung quanh, người ta dễ có cảm tưởng mình trở nên nhỏ bé giữa vùng núi đồi trùng điệp. Các nhà kiến trúc bấy giờ đã điều khiển được thiên nhiên, bắt phong cảnh chung quanh phải phục tùng ý đồ của con người. Họ đã đưa vào thiên nhiên những công trình kiến trúc tuy khiêm tốn nhưng thích hợp, vừa phải, bằng một nghệ thuật pha trộn nhuần nhuyễn giữa kiến trúc và thiên nhiên. Đó là nghệ thuật kiến trúc truyền thống của dân tộc Việt Nam đã từng được nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật ca ngợi.

Đơn giản nhất là trong khu mộ táng thi hài của vua và hoàng hậu. Hai nấm mồ bằng đá nằm song song, cách nhau chỉ một gang tay có cùng khuôn khổ và kích thước, bên trên đều có hai mái chảy xuôi trông như những mái nhà mà thời gian đã nhuộm đen thành màu than đá. Không một nét chạm trổ, chẳng một màu sơn thếp tất cả chỉ là những tấm đá thanh phẳng lì, trơ trụi, tạo ra giữa chốn hoang liêu này một không khí tĩnh mịch và uy nghiêm. Nhưng hai ngôi mộ nằm sát bên nhau biểu hiện biết bao tình cảm cao đẹp thủy chung giữa vua và hoàng hậu đã từng vào sinh ra tử với nhau trong suốt cuộc đời chinh chiến. Đó là một điểm độc đáo của lăng Gia Long mà người ta không tìm thấy ở lăng vua nào khác.

Điện Minh Thành, công trình kiến trúc chính trong khu vực tẩm, nơi thờ vua và hoàng hậu, cũng chẳng có gì hoa mỹ, rườm rà. Sườn điện chạm trổ đơn sơ nhưng chắc khỏe. Các panô trang trí trong nội thất đều chạm trổ hình chữ “thọ” ở giữa và dây lá cách điệu ở chung quanh. Có một điều đáng chú ý là tất cả những con rồng ở các bậc sân, bậc thềm ở lăng Gia Long đều được đắp bằng vôi gạch chứ không chạm bằng đá như ở các lăng về sau.

Tấm bia “Thánh đức thần công” ở lăng Gia Long tuy không lớn lắm, nhưng là một tấm bia đẹp, được khắc chữ và hình ảnh trang trí chung quanh thật uyển chuyển, công phu.

Các công trình kiến trúc thành quách và cung điện dưới thời Gia Long nói chung và kiến trúc lăng Gia Long nói riêng đã chứng tỏ ông vua đầu triều Nguyễn chẳng những có tài về chinh chiến và tổ chức lại đất nước, mà cón có tài về nghệ thuật nữa.

Mới đây, một nhà bỉnh bút của UNESCO đã nhận xét rằng: “Le tombeau de Gia Long, entouré d’un immense parc naturel, donne une impression de force et de sérénité” (Lăng Gia Long ở giữa một khu vườn thiên nhiên, bao la, gợi lên một ấn tượng hùng tráng và thanh thản).

Theo Bùi Đẹp | link

Quá trình xây dựng lăng diễn ra trong 6 năm (1814-1820), bắt đầu từ thời điểm bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu (chính phi của vua Gia Long) qua đời vào ngày 21-2-1814. Nhà vua đã sai các quan trong Khâm Thiên Giám đi chọn đất để mai táng vợ mình. Về sau phát triển thành một khu lăng mộ rộng lớn với chu vi đến 11.234,40m (tài liệu của L. Cadière), gồm những lăng sau:

  • - Lăng Quang Hưng của bà Thái Tông Hiếu Triết Hoàng hậu, vợ thứ hai của chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1620-1687), thân mẫu của chúa Nguyễn Phúc Thái (Trăn).
  • - Lăng Vĩnh Mậu của bà Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng hậu, vợ chúa Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Thái (Trăn) (1650-1725).
  • - Lăng Trường Phong của Túc Tông Hiếu Ninh Hoàng đế Nguyễn Phúc Thụ (Chú) (1697-1738).
  • - Lăng Thoại Thánh của bà Hưng Tổ Hiếu Khương Hoàng hậu (1738-1811), vợ thứ hai của Nguyễn Phúc Côn (Luân) và là thân mẫu của vua Gia Long.
  • - Lăng Hoàng Cô của Thái Trưởng Công chúa Long Thành, chị ruột vua Gia Long.
  • - Lăng Thiên Thọ của vua Gia Long và vợ ông.
  • - Lăng Thiên Thọ Hữu của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, vợ thứ hai của vua Gia Long, mẹ vua Minh Mạng.

Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi núi lớn nhỏ có tên gọi riêng, trong đó Đại Thiên Thọ là ngọn lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và được dùng để gọi tên chung cho cả quần sơn này: Thiên Thọ Sơn. Tất cả đều được quy hoạch trong khu vực quan phòng rộng hơn 28 km2, tạo thành một cảnh quan hùng tráng chạy dài từ chân dãy Trường Sơn đến bờ Tả Trạch – một hợp lưu của Hương Giang. Đích thân vua Gia Long đã thám sát, duyệt định vị trí, quy hoạch và chỉ đạo công tác thiết kế cũng như giám sát tiến độ thi công. Sử cũ cho hay, thầy Địa lý Lê Duy Thanh (con trai nhà bác học Lê Quý Đôn) là người tìm được thế đất này, nơi mà theo ông “đã tập trung được mọi ảnh hưởng tốt lành tỏa ra từ nhiều núi đồi bao quanh”, nơi mà “ảnh hưởng tốt lành sẽ còn mãi mãi trong suốt 10 ngàn năm” (theo L. Cadière).

Cũng vì quá sâu sát với công trình xây cất “ngôi nhà vĩnh cửu” của mình mà có lần suýt nữa, Gia Long đã thiệt mạng trong một tai nạn ở công trường. Một trận gió làm sập ngôi nhà mà vua đang trú ngụ, vua Gia Long tuy đã ẩn trong một cái hố nhưng vẫn bị thương ở trán, mí mắt và bị dập chân do một thanh xà rơi trúng. Hai hoàng tử thứ bảy và thứ tám là Tấn và Phổ bị trọng thương, nhiều người khác bị chết. Gia Long không trừng phạt các quan lại thi công, ngược lại đã cấp thuốc men để chạy chữa cho họ, cấp phát 500 quan tiền và 500 tiêu chuẩn gạo cho dân làng Định Môn, gần nơi xây dựng lăng.

Lăng tẩm nhà vua nằm trên một quả đồi bằng phẳng rộng lớn. Trước có ngọn Đại Thiên Thọ án ngữ, sau có 7 ngọn núi làm hậu chẩm. Bên trái và bên phải, mỗi bên có 14 ngọn núi là “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”. Tổng thể lăng chia làm 3 khu vực:

  1. Phần chính giữa là khu lăng mộ của vua và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Qua khỏi sân chầu với các hàng tượng đá uy nghiêm và 7 cấp sân tế là Bửu Thành ở đỉnh đồi. Bên trong Bửu Thành có hai ngôi mộ đá, dạng thạch thất, được song táng theo quan niệm “Càn Khôn hiệp đức” – một hình ảnh đẹp của hạnh phúc và thủy chung.
  2. Bên phải khu lăng là khu vực tẩm điện với điện Minh Thành là trung tâm. Điện Minh Thành được dùng để thờ Hoàng đế và Hoàng hậu thứ nhất. Minh Thành nghĩa là “sự hoàn thiện rực rỡ”. Cũng có một cách giải thích khác là “hoàn thành vào ngày mai”, bởi người ta cho rằng: “Sườn của điện này chưa có sơn son thếp vàng và chạm khắc còn đơn giản” (theo L. Cadière). Bên trong điện Minh Thành, ngày trước có thờ nhiều kỷ vật gắn bó với cuộc đời chinh chiến của vua Gia Long như cân đai, mũ, yên ngựa.
  3. Bên trái khu lăng là Bi Đình, nay chỉ còn một tấm bia lớn ghi bài văn bia “Thánh đức thần công” của vua Minh Mạng ca ngợi vua cha, được chạm khắc tinh tế và sắc sảo.

Men theo các lối đi giữa những đám cỏ và hoa rừng, du khách thả bước dưới bóng thông tươi mát để sang thăm các lăng phụ cận. Đáng lưu ý nhất là lăng Thiên Thọ Hữu của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, nằm trong một vị thế u tịch mà sâu lắng. Điện Gia Thành ở đó cũng là một công trình kiến trúc được xây dựng theo mô thức của điện Minh Thành, dùng để thờ người phụ nữ đã sinh ra vị vua có tài nhất của triều Nguyễn – vua Minh Mạng.

Đến thăm lăng Gia Long, du khách có thể đi thuyền theo sông Hương khoảng 18km rồi cập bến lăng; hay đi đường bộ chừng 16km rồi qua bến đò Kim Ngọc, đi thêm vài cây số đường rừng thì bắt gặp hai Trụ biểu uy nghi nằm ngoài cùng. Trước đây, đó là những cột báo hiệu, nhắc nhở mọi người phải kính cẩn khi đi qua khu vực này và có đến 85 cột như vậy trong quần thể lăng Gia Long. Năm 1859 còn 42 cột và hiện nay du khách chỉ trông thấy 2 cột. Mới hay, thời gian và sự thờ ơ của con người có sức tàn phá kinh khủng. Ngày nay, chỉ còn rừng thông xanh làm đương biên cho khu lăng, bởi quanh lăng không có La thành.

Theo gợi ý của L. Cadière từ hơn 60 năm trước đây, du khách nên viếng lăng Gia Long vào buổi chiều. Đó là thời khắc có thể ngắm cảnh hoàng hôn đang đến từ phía bên kia các hồ nước. Lấp lánh trong nắng vàng là những bóng thông xào xạc, vi vu đang soi bóng xuống mặt hồ gợn sóng. Chính lúc ấy, du khách mới cảm nhận hết vẻ đẹp hùng tráng và kỳ vĩ của khu lăng này. Phong cảnh xinh tươi hòa với nét uy nghi của đồi núi xa xa. Sự khắc khổ tĩnh lặng của cái chết hòa với sự sinh động, nét tuyệt mỹ của thiên nhiên chung quanh. Vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn yên nghỉ trong sự tĩnh lặng tuyệt vời của vũ trụ.

Lăng Gia Long là một bức tranh trác tuyệt về sự phối trí giữa thiên nhiên và kiến trúc, trong đó, thiên nhiên là yếu tố chính tạo nên nét hùng vĩ của cảnh quan. Đến thăm lăng, du khách được thả mình trong một không gian tĩnh lặng nhưng đầy chất thơ để suy ngẫm về những thành bại của cuộc đời mình cũng như vinh nhục của ông vua đầu triều Nguyễn.

Bài viết của Trần Đức Anh Sơn

LĂNG GIA LONG
Một công trình kiến trúc đặc sắc
Trần Mạnh Linh

lang_gia_long-hue

Vào năm 1814, sau khi Thừa Thiên cao Hoàng hậu – vợ chính của Vua Gia Long mất, Vua Gia Long liền bàn với các đình thần về việc làm một cái hiệp lăng để chôt cất di hài của người vợ yêu quý đã cùng ông lặn lội trên chiến trường vào sinh ra tử trong suốt 1/4 thế kỷ và cũng là nơi sẽ chôn di hài của mình sau này. Với quan niệm “Sinh ký tử quy” của hầu hết người Á Đông, Vua Gia Long cũng rất quan tâm tới nơi an nghỉ cuối cùng của mình. Vì vậy nhà Vua đã đặc cách cử vị đại thần của mình là Lê Duy Thanh (con trai của nhà bác học Lê Quý Đôn), là một người rất giỏi và am hiểu về địa lý thời bấy giờ phụ trách việc tầm long điểm huyệt. Đồng thời bổ nhiệm 2 quan là Tống Phúc Lương và Phạm Như Đăng làm nhiệm vụ điều khiển và trông coi việc xây lăng.

Nhận nhiệm vụ Vua giao Lê Duy Thanh đã cùng nhiều thầy địa lý giỏi khác lặn lội đi khắp vùng núi non sông nước của Thừa Thiên – Huế. Cuối cùng đã tìm được ra cuộc đất lý tưởng tại làng Định Môn thuộc huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm bên tả ngạn sông Hương, cách kinh thành khoảng 16km về phía Tây. Sau khi tìm được cuộc đất này Lê Duy Thanh đã cho bốc dịch tới 7 lần để hỏi xem khí đất cát hung. Rồi lại khiến hoàng tử thứ 4 bốc dịch một lần nữa được quẻ Lôi Địa Dự, động hoà lục nhị lời chiêm rằng: “Giới vu thạch, bất chung nhận, trinh cát” (Vững như thạch, không cần chờ đến ngày, chính bền, tốt). Vì vậy bèn trình lên Vua Gia Long đề nghị chọn cuộc đất đó xây dựng lăng.

Xét dưới góc độ địa lý thì đây là cuộc đất rất đẹp, Long nhập thủ từ phương Cấn đến, tả có Thanh Long, hữu có Bạch Hổ bao bọc, trước mặt có một hồ lớn làm minh đường với phương thuỷ tụ là Khôn sơn. Phía bên kia hồ lại có ngọn núi đại thiên thọ làm tiền án, thuỷ lai từ phương Tốn Tị tới minh đường rồi uốn lượn mà chảy tiêu ở thuỷ khẩu Tuất phương.

Theo phép bát diệu trường sinh thuỷ pháp thì Cấn long nhập thủ, Long sinh sẽ là Văn Khúc thuỷ tinh. Đặt Long tinh Văn Khúc vào hữu hậu sơn nghịch chuyển tới phương minh đường thuỷ tụ Khôn ra sao Vũ Khúc kim tinh là cát tinh quý cách, lại có long thuỷ tương sinh là tốt.

Đứng tại huyệt mặt hướng về phía trước (minh đường) thấy thuỷ chảy tiêu về phía Bắc 6 sơn Tân Tuất càn Hợi Nhâm Tý nên đối cung là Nam tức Hoả cuộc thuỷ long Bính can quản cục. Bính dương hoả Trường sinh tại Dần, thuỷ lai từ phương Tốn Tị chảy vào minh đường là lấy Lộc thuỷ (Lâm quan, Đế vượng) rồi cho tiêu thoát ra phương Tuất là phương Mộ khố hợp thuỷ pháp chính ứng câu ca “Ất Bính giao nhi xu Tuất”.

Với cuộc đất này các nhà địa lý xưa đã chọn đặt lăng toạ Quý 癸 hướng Đinh 丁, phân kim Canh Tý 庚 子, Canh Ngọ 庚午nhằm thu toàn bộ cát khí hào 5 của quẻ Đại Quá. Lại đạt được chọn toạ hướng toàn trên bát can tứ duy nhằm tránh sát của địa chi gây ra, bởi thế mới nói là phân kim lập hướng toàn theo chính châm lại bảo là phùng châm phân kim vậy. Quả là phép lựa chọn tài tình, đáng để giới chuyên môn suy nghĩ.

Đi sâu hơn xem xét tính âm dương quy dịch lý của huyệt này thì quẻ chủ quản huyệt vị là quẻ Trạch thuỷ Khốn động hào 6 biến thành quẻ Thiên thuỷ Tụng.

Quẻ Khốn lời soán nói:“Khốn, hanh, trinh đại nhân cát, vô cữu, hữu ngôn bất tín” (Khôn hanh thông, chính bền, đại nhân tốt không lỗi, có nói cũng khó tin). Nghĩa là cuộc đất này rất tốt đẹp hanh thông, lại phát lâu dài (chính bền). Nhưng vì khí lực quá mạnh, long nhập hùng cường nên chỉ phù hợp với những bậc đại nhân, những người đức cao trí lớn, như những bậc quân vương đại thần tài đức song toàn (đại nhân cát). Cuộc đất này không dành cho những kẻ tiểu nhân, thiển đức, những kẻ giá áo túi cơm. Những đối tượng ấy dù có đặt vào huyệt này cũng không có phúc để hưởng mà còn chiêu thêm hoạ của sự khốn cùng. Thế đủ biết sự hanh thông chính bền của quẻ Khốn, cái cát của nó thật lớn lắm thay. Nhưng ở đời phàm những gì quá hanh thông chính bền thì không phải ai cũng biết và ai cũng được hưởng vậy, cũng như vua chúa không phải ai cũng được diện kiến long nhan (biết mặt) nên mới bảo long Khốn hanh trinh đại nhân cát mà “hữu ngôn bất tín” (không phải ai cũng biết mà nói ra cũng không phải ai cũng tin). Chỉ có bậc trí giả dư thừa, những bậc đại nhân quân tử mới biết được mà thôi.

Đọc lời tượng của quẻ Khốn lại ghi rằng: “Khốn, quân tử dĩ trí mệnh toại chí”. Nghĩa là cuộc đất của quẻ Khốn này thật tốt đẹp, người quân tử lấy đây mà trút bỏ tính mệnh (hạ táng) để thoả chí hướng của mình (giúp cho con cháu đời sau được phát triển lâu bền, cha truyền con nối, dòng giống vương triều của mình được tồn hữu thiên thu). Vậy thì cuộc đất này há chẳng phải là cuộc đất mà các bậc quân vương trọng thần đang tìm kiếm sao.

Tuy nhiên quẻ Khốn có hào 6 động biến thành quẻ Tụng. Lời soán của quẻ Tụng nói rằng: “Tụng hữu phu trất dịch, trung cát, chung hung, lợi kiến đại nhân, bất lợi thiệp đại xuyên”. Thoán truyện viết rằng: Tụng trên cứng, dưới hiểm, hiểm mà mạnh tất sinh kiện cáo. “Tụng hữu phu trất địch, trung cát” nghĩa là cương đến mà đắc trung vậy. “Chung hung” như đừng để tranh chấp trở thành lâu dài mà phải “lợi kiến đại nhân” tức là chuộng điều trung chính vậy, bởi nếu không sẽ “bất lợi thiệp đại xuyên” sẽ sa vào vực thẳm. Lời tượng của quẻ Tụng lại tiến thêm một bước nữa đưa ra lời khuyên: “Thiên dữ thuỷ vi hành. Tụng, quân tử dĩ tác sự mưu thuỷ” (Trời với đất đi trái ngược nhau là quẻ Tụng, người quân tử lấy đấy mà hễ làm việc gì phải mưu tính ngay từ đầu). Điều đó có nghĩa là cuộc đất này tuy rất tốt đẹp, vận khí lâu dài nhưng vì động hào 6 (động hào không phải là do cuộc đất mà do âm phúc của mỗi cá nhân của người được an táng tại đó biến đổi không qua trạng thái thời gian tức năm sinh của Gia Long mà thành) – nên nhất định những đời sau sẽ có biến cố. “Thiên dĩ thuỷ vi hành” Thuỷ ở đây phải hiểu là đất. Trời đất tuy luôn nằm trong một thể thống nhất với nhau mà lại là hai mặt mâu thuẫn trái ngược nhau. Anh em con cháu tuy cùng một tổ tông, cha mẹ nhưng lại là hai cá nhân độc lập không phải lúc nào cũng hoà thuận theo nhau. Tượng của quẻ Tụng nói trời đất đi trái ngược nhau là sự tiên đoán thần kỳ của địa lý rằng con cháu đời sau của nhà vua (người đặt táng tại cuộc đất này) sẽ phát sinh sự cố, có sự tranh giành địa vị vương triều mà khởi loạn đao binh. Người ta thường nói: “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời” nghĩa là phải có một cuộc huynh đệ tương tàn cuối cùng thì trời thắng thế giữ vững ngôi vị của mình. Vì vậy, với sự tiên đoán trước một cách tài tình này mà Dịch đưa ra lời khuyên “Quân tử dĩ tác sự mưu thuỷ” người quân tử – Tức đấng quân vương hiểu biết, lấy đấy mà suy ngẫm hễ làm điều gì phải mưu tính ngay từ đầu.

Điểm lại lịch sử 13 triều vua nhà Nguyễn ta mới thấy hết cái đạo quán thông trời đất của Dịch lý – Âm phần. Quả là trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Khi tìm hiểu lịch sử vương triều của vua Tự Đức với nạn “giặc chày vôi” gây binh biến cho kinh thành. Tự Đức đã phải bắt giam anh mình là Hồng Bảo vào ngục và sau tự vẫn chết trong ngục do mưu đồ cướp ngôi làm phản.

Cuối cùng trở lại với lời tiên đoán bất di bất dịch như sấm dội trên cao của Soán từ quẻ Tụng, hết sức đơn giản ngắn gọn mà như định mệnh không thể thay đổi được của triều đại nhà Nguyễn “Tụng hữu phu trất dịch, trung cát, chung hung” (Thành thật mà bị bế tắc, cuối cùng hung). Càng ngẫm ta càng cảm được cái phi thường của Dịch. Thành thật mà bị bế tắc, nếu đi sâu vào nghiên cứu tất cả các đời vua kể từ đời thứ 3 sau Gia Long và Minh Mạng mới thấy hết được chữ thành thật mà bị bế tắc, đó là bài “Khiêm cung ký” dài gần 5000 chữ của Vua Tự Đức. Cái chết thương tâm của Vua Tự Đức ở nhà ngục Thừa Thiên, rồi cái án lưu đày viễn xứ của nhà Vua trẻ Ái quốc Hàm Nghi, Thành thái, Duy Tân và cuối cùng là sự cáo chung của một triều đại phong kiến vương quyền kéo dài hơn 140 năm. Tất cả đều như một bức hoạ đồ minh triết lời tiên tri của quẻ Dịch “Tụng hữu phu trất dịch, chung hung”.

Ly kỳ những vị thạch quan ở Lăng Gia Long

Từng lâm cảnh đầu rơi với thịt nát xương tan, người ta đồn rằng đây là những vị thần trấn yểm, bảo vệ giấc ngủ và gìn giữ kho báu mà triều thần an táng cùng Vua Gia Long dưới lòng cổ mộ!

Hoàng cung thiên thu của Vua Gia Long cách Lăng Sọ – nơi an táng sọ Chúa Nguyễn Phúc Luân (phụ thân Vua Gia Long) gần 7km. Nằm bên này sông Hương, đường vào nhỏ hẹp, khó đi, xe ôtô không thể vào được, Lăng Gia Long nằm giữa núi Thiên Thọ, kiến trúc hùng tráng mang dáng dấp của vị võ vương.

Tại nơi an nghỉ ngàn đời của vị vua sáng lập triều Nguyễn này, bên cạnh chiếc sập gụ hàng trăm năm tuổi, chiếc lu sứ có tuổi đời trăm năm với “lý lịch” ly kỳ cùng những chuyện đậm tính huyền linh của bậc vua chúa ngày trước, điều khiến chúng tôi đặc biệt ấn tượng khi viếng “cung điện bất tử” của Vua Gia Long là hình ảnh các vị thạch quan đứng chầu trước lối vào huyền cung (mộ vua). Từng lâm cảnh đầu rơi với thịt nát xương tan, người ta đồn rằng đây là những vị thần trấn yểm, bảo vệ giấc ngủ và gìn giữ kho báu mà triều thần an táng cùng Vua Gia Long dưới lòng cổ mộ!

Từ bên này sông Hương (Huế), để qua đến bờ bên kia và từ đó phải đi thêm hơn 5km nữa mới đến được Lăng Gia Long, chúng tôi không có cách nào khác là phải lên đò vượt sông. Lúc đò chẻ nước, thấy nhóm học sinh đùa giỡn ầm ĩ, người lái đò tên Minh đã nghiêm mặt bảo phải giữ im lặng. Hỏi cớ sự, người lái đò “3 đời chèo chống” cho biết hơn trăm năm trước, triều đình Vua Minh Mạng đã ban lệnh những ai đi đò qua sông gần khu vực lăng tẩm của vua chúa và các bà hoàng triều Nguyễn phải giữ im lặng tránh kinh động giấc ngủ ngàn thu của các bậc tiên đế. Lật lại ghi chép của Nội các triều Nguyễn, mới thấy tâm tình kia của người lái đò không phải “chuyện nhảm”.

Tháng 3/1839, Vua Minh Mạng (người kế vị Vua Gia Long) ban đạo dụ rằng: “Trong số các tôn lăng của hoàng triều, có nhiều lăng nằm gần bờ sông, tuy nhiên những người công của nhà nước, hay các thuyền thường trên sông khi ngang qua trước các tôn lăng này tự tiện hát hò hoặc gây huyên náo bất kính, điều này trái ngược với lòng tôn kính mà phải tuân thủ đối với những nơi tôn nghiêm này”. Sau chỉ dụ ấy của vua, tương truyền người dân khi đi đò gần các khu vực tôn lăng đã luôn giữ im lặng và điều ấy đã được những người chèo đò sang sông Hương giữ thành nếp, thật là một mỹ tục lạ!

Đò cập bến, từ đây chúng tôi đi hơn 5km nữa mới đến khu vực Lăng Gia Long. Nơi an nghỉ của vị vua đầu triều Nguyễn đẹp như tranh vẽ, đường vào rợp bóng thông xanh. Lăng Gia Long là quần thể kiến trúc với nhiều đền đài, lăng tẩm của các thành viên quan trọng trong hoàng tộc, nhưng chính nhất là tẩm (mộ) vua và bà Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu (chính hậu Vua Gia Long), Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu (thứ hậu Vua Gia Long), Lăng Thoại Thánh (thân mẫu Vua Gia Long)…

Tại điện Minh Thành – nơi thờ tự Vua Gia Long và chính hậu, chúng tôi được ông Hồ Trúc Sánh, một trong những người trông coi lăng vua bật mí nhiều chuyện ly kỳ liên quan đến quá trình xây dựng Lăng Gia Long. Chuyện rằng lúc còn tại vị, Vua Gia Long đã ban lệnh cho triều thần kiếm tìm nơi để xây lăng mộ cho mình. Người được giao trọng trách là ông Lê Duy Thanh, nhà phong thủy học danh tiếng là con trai của đại sử gia Bắc Hà Lê Quý Đôn.

Sau 7 lần bốc quẻ, câu trả lời vẫn là núi Thọ Sơn, ngọn núi biểu thị đủ ngũ hành, địa thế có đủ các điều kiện theo ý muốn của đấng quân vương vốn dĩ quy tụ cả thảy những dòng mạch phước đức chạy từ vô số ngọn núi rồi tề tựu lại, tạo nên huyệt đất mà dòng phước đức sẽ vĩnh tồn cả vạn năm. Ấy thế nhưng buồn làm sao, sau 143 năm trị vì với 13 đời vua, triều Nguyễn đã bị sang trang trước dòng chảy cuồn cuộn của thời cuộc!

Những bí ẩn trong việc an táng Vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu như áo quan đặt thi thể vua và hoàng hậu bằng thứ gỗ gì, tử thi được ngậm ngọc gì để thân xác được tươi lâu, rồi chuyện số phận của những người hầu đào đường hầm bí mật để đặt tử cung (áo quan) của vua và hoàng hậu ra sao, họ tình nguyện hiến thân cùng chết với đấng quân vương hay bị ép phải chết…, những bí ẩn này cùng lý lịch ly kỳ của các báu vật trăm năm có từ thời Vua Gia Long còn tồn tại đến nay chúng tôi sẽ trở lại vào một dịp khác.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung nhấn sâu vào những vị thạch quan hầu vua vĩnh viễn vốn dĩ rất bí hiểm, được nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan muốn biết rõ được đúc từ chất kết dính hay tạc từ đá nguyên khối? Nếu là đá nguyên khối thì lấy ở đâu? Và có hay không chuyện ẩn trong những tượng thạch quan kia là những viên ngọc, thoi vàng quý hiếm thuộc loại bậc nhất?!

Dưới khu vực tẩm Vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu là sân chầu – nơi có tượng đá voi ngựa và những tượng quan văn võ đứng chầu hơn 2 thế kỷ qua. Thời gian và bao biến cố lịch sử chừng như hiện rõ trên gương mặt của những vị thạch quan nơi đây với nhiều vết nứt và thâm đen. Trong bài viết hướng dẫn viếng thăm lăng vào năm 1923, một nhà truyền giáo người Pháp ghi chú rất rõ những người, thú trên sân chầu này: “Sân chầu lăng rất rộng, 49 (m) chiều ngang trước mặt và 23 (m) chiều dọc, kéo sâu vào bên trong, được lát gạch vuông màu xám sắt, có 2 con voi bằng đá cao 1,76m, 2 con ngựa đóng yên cương cao 1,15m và 10 tượng quan cao 1,55m, tượng các quan văn hoặc quan võ hộ giá mang gươm đứng hầu, họ đứng vĩnh viễn để chầu đấng tiên đế”.

Từ ghi chép của ông L.Cadière thuộc Hội Truyền giáo hải ngoại Paris, hậu thế mới biết hành trình của những khối đá vô tri vô giác trở thành tượng quan đứng chầu vua. Tiền thân của Lăng Gia Long không có những tượng này. Đến tháng 7/1831, Vua Minh Mạng ban chỉ dụ tạc tượng. Theo lệnh vua, những người thợ vẽ được phái vào Quảng Nam và ra Thanh Hóa tuyển chọn loại đá cẩm thạch tại địa phương, sau đó tuyển những điêu khắc gia có tay nghề cao tiến hành công việc đẽo tượng. Thông tin này cho thấy các tượng thạch quan được tạc từ đá nguyên khối chứ không phải đúc bằng bột đá có chất kết dính đặc biệt như có người lầm nghĩ.

Ông Hồ Trúc Sánh bật mí: Trước đây đã có đoàn chuyên gia đến khảo sát, nghiên cứu tượng và phát hiện ẩn sau màu xám đen kia là màu trắng, điều đó chứng tỏ tượng voi ngựa và các quan nguyên thủy bằng đá trắng, nhưng theo thời gian lớp vỏ ngoài tượng đá chuyển màu. Cũng theo chia sẻ của ông Sánh, sau gần 3 năm đẽo tạc, các pho tượng được đặt để tại sân chầu vào tháng 3 và tháng 4/1833.

Hôm đứng giữa sân chầu trước mộ Vua Gia Long cùng chính hậu, chúng tôi nhận thấy tượng voi ngựa và các quan được phân thành 2 dãy, mỗi dãy có 1 ngựa 1 voi cùng 5 thạch quan (gồm 2 quan văn và 3 quan võ). Tính từ lúc được yên vị đến nay, các vị quan này đã đứng chầu vua gần 200 năm. Sau khi các pho tượng đá được hoàn thành, Vua Minh Mạng đã đích thân đến xem và tỏ ra rất hài lòng, do đó cho ban thưởng trọng hậu những người thợ. Năm năm sau (1838), trong lúc thi hành nhiệm vụ thanh tra, quan đô sát thời bấy giờ là Nguyễn Đình Tuấn phát hiện 1 con ngựa đá trước sân chầu bị vỡ một mảnh dây cương nên đã báo vua.

Qua quá trình thẩm tra theo lệnh thiên tử, Bộ Lễ được người lính hộ lăng là Tôn Thất Chữ khai khi thấy ở các tượng đá có nhiều mảnh vỡ đã dùng hồ gắn lại. Để sự việc được rõ ràng, khách quan, ngay sau đó một quan đại thần khác là Phạm Bạch Như đến kiểm tra và cũng có ý kiến giống tấu trình của Bộ Lễ. Trên cơ sở đó, Vua Minh Mạng đã phạt đốc công đẽo tượng là Lê Phúc Trư 60 trượng vì không kiểm soát kỹ để báo cáo tình trạng của các pho tượng. Vua cũng phạt lính hộ lăng Tôn Thất Chữ 40 roi mây vì tội biết mà không báo…

Lẽ dĩ nhiên, sau hình phạt ấy, Vua Minh Mạng đã ban chỉ dụ cho sửa lại những pho tượng bị hư hại. Điều khiến chúng tôi thắc mắc là theo ghi chép của tiền nhân chỉ có vài tượng bị hư hỏng nhẹ, nhưng thực tế mà chúng tôi quan sát thì hầu hết các tượng, nhất là tượng thạch quan cả văn lẫn võ đều có nhiều vết sẹo khắp toàn thân. Hay nói chính xác hơn là những vết hàn trám dù rất khéo tay nhưng vẫn để lộ đường nét.

Về điều này, ông Sánh, người làm công việc của lính hộ lăng Tôn Thất Chữ ngày nào cho biết. Khi Pháp đánh chiếm kinh thành Huế, nhiều tượng bị trúng pháo đã sứt đầu mẻ trán nhưng tình trạng thiệt hại của tượng không đáng kể. Bi kịch ập đến vào thời chống Mỹ, vùng đất khu vực Lăng Gia Long bị Mỹ oanh tạc nặng nề, trên trời chúng dội bom, phía dưới liên tục pháo kích. Những cuộc bố ráp liên tục ấy đã khiến nhiều công trình bị hư hại hoàn toàn, và các pho tượng đá, nhất là tượng các thạch quan bị sứt mẻ, rơi đầu thảm hại. Các tượng hiện tại đều đã được các chuyên gia phục hồi!

Cũng theo “lính hộ lăng” Hồ Trúc Sánh, từng xảy ra bi kịch các tượng quan, thú bằng đá bị kẻ xấu đập phá để xem có ẩn chứa vàng ngọc gì không. Ông Sánh nói, nghe các cụ xưa kể lại ngày trước, khu vực lăng vua là nơi bất khả xâm phạm, ai cả gan quấy nhiễu, xâm nhập sẽ khó thoát khỏi tội chết. Và khu vực tẩm Vua Gia Long cùng chính hậu, kể cả khu vực sân chầu có rất nhiều vật quý như đồ khí tự bằng vàng bạc, cành vàng lá ngọc dùng trang trí tẩm, ngoài ra còn có kiếm báu, súng trận, đai ngọc… vốn từng gắn bó với Vua Gia Long được các triều vua sau cho trưng thờ ở đây để hậu thế khi đến thăm biết hàm ơn, ghi nhớ chiến công lẫy lừng của vị tiên vương lập quốc.

Điều này được thể hiện qua tâm sự của Vua Minh Mạng với 2 quan đại thần Nguyễn Hữu Thận và Phạm Đăng Hưng: “Cái nón, cái áo giáp đi trận và cái đai của Hoàng đế thân phụ trẫm đã để lại cho trẫm đều là những vật mà ngài đã dùng trong suốt thời chinh chiến để đem lại hòa bình ổn định cho sơn hà xã tắc. Khi trẫm nhìn lại những vật ấy hình như trẫm đang nhìn thấy lại chính con người của Hoàng Khảo trẫm vậy”.

Trời về chiều, gió thổi xào xạc, các vị thạch quan vẫn giữ nghiêm nét mặt, lặng lẽ đứng chầu vua một cách kính cẩn, an nhiên, không gian lúc này nhuốm sắc màu liêu trai đến lạ. Chẳng biết các vị thạch quan này có sức mạnh vô hình nào hay không mà các bậc cao niên trong vùng cho biết sau những cơn lốc của đất nước một thời binh biến, khu vực tẩm của Vua Gia Long và chính hậu hết bị kẻ thù đến kẻ gian dòm ngó nhưng mọi dã tâm “khui” cổ mộ để kiếm đồ tùy táng được đồn đãi có hàng ngàn báu vật vốn là đồ ngự dụng (vua dùng) và đồ tặng tế của các đại thần, hoàng thân quốc thích… đều bị thất bại.

Mà không chỉ thất bại, lắm kẻ vì dám kinh động mả mồ của vua bỗng dưng thổ huyết chết đau chết đớn. Chuyện nghe có vẻ hoang đường nhưng cứ cho là thật đi thì có mất mát gì?! Ít ra những đồn đãi nhân gian ấy cũng khiến lắm kẻ tà tâm bới mộ tìm báu vật ở mộ vua biết sợ mà chùn tay, không dám manh động!

Theo ANTG | Huyền Sơn – Thành Dũng

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out / Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out / Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out / Change )

Google+ photo

You are commenting using your Google+ account. Log Out / Change )

Connecting to %s

Follow

Get every new post delivered to your Inbox.

%d bloggers like this: