Trong cụm di tích chùa Bảo Tháp – Đền Thái sư Lê Văn Thịnh (Bắc Ninh) lưu giữ một tác phẩm nghệ thuật tác tạo đá vô cùng kỳ dị: tượng rồng trong tư thế “miệng cắn thân, chân xé mình”.
Mô-tip điêu khắc này chưa từng thấy trong các di tích ở Việt Nam cũng như trên thế giới, được xem là cứ liệu lịch sử liên quan đến những oan khiên mà Thái sư Lê Văn Thịnh đã phải chịu trong nghi án “Hóa hổ hại vua” tại hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) năm 1096.
Nằm trên quần thể bao gồm chùa Bảo tháp, Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh được xây dựng vào thời Hậu Lê, tọa lạc ở sườn nam của núi Thiên Thai, thuộc xóm Chùa, thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh). Đây là một trong 4 di tích được UBND tỉnh Bắc Ninh tu bổ tôn tạo và gắn biển Kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Huyền bí tượng rồng
Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là pho tượng rồng độc đáo chưa từng thấy trong các di tích ở Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử và gần như chưa từng xuất hiện trong khu vực Đông Nam Á. Xung quanh pho tượng kỳ dị này còn tồn tại nhiều điều bí ẩn chưa được giải mã.
Đến thăm di tích, chiêm ngưỡng tượng rồng vào một ngày mưa phùn cuối năm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, rờn rợn trước một kiệt tác hết sức kỳ dị. Tượng rồng là khối sa thạch tạc thú lớn, có vảy rồng, nặng khoảng 3 tấn, cao 72cm, rộng 137cm, trong tư thế nằm cuộn khúc, đầu chầu phục, miệng ngoạm thân, như một loài “thuỷ quái”.
Đầu rồng lớn, không râu, không bờm, hơi gục xuống, đôi mắt lồi ra ngoài, trợn tròn, hai tai nổi lên hai bên đầu nhưng tai phải thì kín đặc còn tai trái lại trống rỗng, hai mang phình ra như dáng dấp của một con mãng xà lớn đang tột đỉnh giận giữ. Thân rồng tựa trăn và rắn uốn mình thành hình tròn, miệng há rộng, những chiếc răng nanh dài nhọn hoắt cắm phập vào thân mình. Hai chân trước gân guốc, dang rộng, mỗi chân xòe ra 5 móng vuốt sắc nhọn bấu chặt lấy thân như đang cào xé chính mình. Pho tượng thể hiện một trạng thái sống động, đau đớn, quằn quại, bi thương, phẫn uất đến cùng cực.
Ông Nguyễn Đức Đam – Thủ từ đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh cho chúng tôi biết, núi Thiên Thai vốn rất linh thiêng, mỗi khi có hiện tượng lở núi là người dân ở làng Bảo Tháp lại gặp tai họa, thường là dịch bệnh, mất mùa, chết người. Bởi vậy, mỗi khi núi lở, người dân phải đắp ngay lại thì mới bình yên. Năm 1991, pho tượng được phát lộ trong khi trẻ nhỏ trong làng chơi đánh bi, đánh đáo trước cửa chùa, bỗng phát hiện giữa đám đất đá ở lối lên ngay sát Tam Quan có một phiến đá vảy rồng. Tò mò, lũ trẻ lấy tay xoa hết lớp đất bên trên làm phiến đá lộ dần ra bằng bàn tay rồi bằng cả miệng chậu… hiện lên đầu rồng. Dân làng đào sâu xuống cả mét đã lộ ra toàn bộ thân tượng kỳ vĩ, sau nhiều ngày bàn bạc, họ đã quyết định đưa tượng lên xây miếu thờ ngay cạnh Đền Thái sư Lê Văn Thịnh.
Không ít người cho rằng, pho tượng này mang nhiều đặc điểm và hình dáng của rắn chứ không phải rồng. Họ lý giải rồng là biểu trưng cho các bậc đế vương, thường mang cốt cách cao sang, thiêng liêng và thuần hậu chứ không mấy khi dữ tợn, đặc biệt là thần thái có thể khiến người đời mới thoạt nhìn đã khiếp đảm như pho tượng này. Chỉ có rắn mới biểu lộ được hết vẻ phẫn uất, dữ tợn đến cùng cực. Vì vậy nhiều ý kiến cho rằng tượng này là hiện thân của Thái sư Lê Văn Thịnh, do một số người dân tạc lên sau khi ông mất để thể hiện nỗi đau đớn xuyên thế kỷ khi ông bị vu oan “Hóa hổ giết vua”. Cũng có người cho rằng, căn cứ vào bên tai lành, tai điếc của cụ rồng thì đây là hiện thân của vua Lý Nhân Tông biểu hiện cho sự ân hận của vua vì đã nghe lời xiểm nịnh, hại trung thần, cũng là thầy của mình.
Ông Lê Viết Nga – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh nhận định, thông qua pho có thể nhận thấy những dụng ý của nhà điêu khắc được gửi gắm khéo léo qua từng đường nét chạm trổ. Bức tượng đầy ẩn ý, đầy tâm sự, ai oán, khác hẳn với những tượng rồng thường thấy dưới thời nhà Lý, nhà Trần… Rõ ràng nó có liên quan đến những oan khiên, trái ngang mà Thái sư Lê Văn Thịnh đã phải chịu lúc đương thời.
Tháng 4/2010, đợt khai quật đền thờ Thái sư đã phát lộ hai mảnh thân rồng và một mảnh sấu đá. Các chuyên gia đã tìm cách ghép những mảnh thấy sau này vào pho tượng cũ nhưng chưa xác định vị trí ăn nhập. Nhiều chuyên gia khảo cổ học cho rằng những mảnh tượng mới được phát hiện không thuộc về pho tượng được tìm thấy năm 1991. Pho tượng năm 1991 mang tính hoàn chỉnh cao, hai bên thân tượng tuy có vết cắt nhưng rất cân xứng và rất ngọt, không thể là vết đứt gãy theo thời gian, có thể người thực hiện đã chủ ý khuôn pho tượng như vậy. Cũng có giả thiết cho rằng đó là những mảnh của một trong nhiều pho tượng rồng khác trong đó pho đang thờ là trung tâm.
Thái Sư Lê Văn Thịnh – án oan “Hóa hổ hại vua”
Thái sư Lê Văn Thịnh (1038-1096) là bậc kỳ tài, ông đỗ thủ khoa năm 1075 kỳ thi Minh kinh bác học thời Lý Nhân Tông – được tôn vinh Trạng nguyên. Ông làm quan tới chức Thái sư với nhiều công lao to lớn. Năm 1096, ông bị ghép tội mưu phản nên đã bị đi đày đi xứ Thao Giang.
Khu di tích chùa Bảo Tháp và Đền Thái sư Lê Văn Thịnh xưa kia chính là ngôi nhà nơi Thái sư đã từng sinh ra và lớn lên, sau bị triều đình phá hủy để xây cất thành chùa. Chính vì tượng rồng được tìm thấy trong khuôn viên nơi từng là nhà riêng của Thái sư Lê Văn Thịnh nên nhiều người cho rằng, tượng chính là nơi gửi gắm những tâm sự về nỗi oan khiên, trái ngang mà Thái sư Lê Văn Thịnh đã phải chịu trong vụ án “Hóa hổ giết vua” trên hồ Dâm Đàm đời vua Lý Nhân Tông.
Tương truyền, tháng 3/1096 nhà vua ngự trên thuyền nhỏ ra hồ Dâm Đàm để xem ngư dân đánh cá. Bỗng nhiên mây mù nổi lên, bất thần một chiếc thuyền nhỏ lao vun vút đến. Hoảng sợ, nhà vua liền lấy giáo ném vào chỗ ấy. Ngay lập tức mây mù tan, vua thấy trong thuyền là con hổ vằn vện rõ to đang nhe răng giơ vuốt gầm gừ. Giữa lúc mọi người đang hoảng sợ thì Mạc Thận – vốn quen với việc đánh bắt cá đã bình tĩnh, quăng lưới trùm lên mình hổ. Sau khi hổ bị sa bẫy, mọi người nhận ra con hổ chính là Thái sư Lê Văn Thịnh. Tức giận, nhà vua ra lệnh trói Thái sư và giải về triều cùm giam cho tới chết. Sau đó, nghĩ tới công lao cũ của vị thái sư, vua đã tha tội chết, chỉ đày lên miền rừng thuộc thượng lưu sông Nhị. Không biết ông sống bao nhiêu năm trong cảnh oan khiên nơi “rừng thiêng nước độc”, khi sức tàn lực kiệt, ông được đưa về quê nhà. Nhưng khi về gần đến nhà, ông đã trút hơi thở cuối cùng bên dòng sông Dâu lịch sử. Nhân dân làng Đình Tổ trọng tài đức của ông, đã chôn cất chu đáo và tôn ông làm thành hoàng làng. Bên cạnh đó, có nhiều làng cũng tôn ông làm thành hoàng làng như: Bảo Tháp, Yên Việt, Hương Vinh, Đông Cao, Hiệp Sơn, Tri Nhị, Địch Trung, Vân Xá, Huề Đông, Cứu Sơn.
Để tưởng nhớ công ơn của Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, hàng năm, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội vào ngày 7 tháng Giêng (âm lịch). Ngoài ra, vào các ngày từ mồng 5-7/2 (âm lịch) hàng năm diễn ra lễ hội “Thập đình”, là lễ hội của 10 làng cùng tôn Trạng Nguyên Lê Văn Thịnh làm thành hoàng làng.
Sau biến động của nghìn năm lịch sử, những bí ẩn về vụ án hồ Dâm Đàn chưa hoàn toàn được giả mã, nhưng sự quằn quại, bi thương của pho tượng rồng vẫn hiển hiện rõ nét như một minh chứng về sự vò xé tâm can của một con người uyên bác, trung nghĩa mắc hàm oan.
Minh An