VĂN HÓA - GIÁO DỤC
Cập nhật 21:18 | 05/12/2012 (GMT+7)
.

Di tích nhà tù Sơn La: “Địa ngục trần gian” vùng Tây Bắc

25/07/2008
Nhà tù Côn Đảo với hàng trăm chuồng cọp và dãy nhà giam được mệnh danh là “địa ngục trần gian” có một không hai ở nước Nam. Tuy nhiên, nhà tù Sơn La cũng từng là nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhiều chiến sỹ Cộng sản, bởi sự tra tấn của muỗi độc và vi trùng sốt rét…

      “Địa ngục trần gian”
      Theo lời kể của chị Nguyễn Hồng Phương - người đã gắn bó với công việc thuyết minh của nhà tù Sơn La từ nhiều năm nay, vào những năm đầu thế kỷ XX, cùng với việc thiết lập bộ máy cai trị hà khắc tại vùng Tây Bắc, thực dân Pháp đã cho xây dựng nhà tù Sơn La trên đồi Khau Cả với diện tích 500m2. Nhà tù được xây bịt kín bằng gạch và đá khá kiên cố, mái lợp bằng tôn. Vào mùa Hè, khi có gió Lào tràn sang, mỗi phòng giam là một cái lò nung; ngược lại vào mùa Đông với gió miền biên ải, mỗi phòng giam không khác gì một ngăn tủ lạnh, khiến nơi đây luôn là nỗi khiếp đảm đối với bất kể tù nhân nào. Vào năm 1930, khi phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân lên đến đỉnh điểm, để có chỗ giam giữ những “tù nhân nguy hiểm”, thực dân Pháp tiếp tục mở rộng diện tích nhà tù Sơn La lên gấp 3 lần, gồm 5 nhà giam chính với 4 tháp canh. Ngoài ra bọn chúng bí mật xây dựng hệ thống xà lim ngầm nằm sâu trong lòng đất với 5 phòng giam cá nhân và 2 phòng giam tập thể. Chừng đó vẫn chưa đủ giam giữ những tù nhân chuyển từ dưới xuôi lên, năm 1941, một lần nữa Thống sứ Bắc Kỳ tiếp tục ra lệnh xây thêm nhà giam mới với diện tích 4.000m2 ở ngay sát bên cạnh nhà tù Sơn La. 
      Với các tù nhân, chế độ tù đày khắc nghiệt, tra tấn dã man chưa thấm vào đâu so với nỗi ấm ảnh về bệnh sốt rét. Trong một bức thư tuyệt mật của Công sứ Sơn La lúc bấy giờ là Xanhpulốp gửi cho Thống xứ Bắc Kỳ có đoạn: “…nếu như ở Hỏa Lò là những hạng hung hăng khó trị nhất, thì lên đến Sơn La, chỉ trong vòng 6 tháng, vi trùng sốt rét sẽ làm cho chúng suy nhược và trở nên hiền hòa”. Hơn thế, với hình thức giam cầm, kiểm soát chặt, các tường thành được bịt kín, xây cách âm nên mọi thông tin của chính những tù nhân trong tù cũng không thể truyền cho nhau. Đã thế bọn chúng còn dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ dân chúng, ai lấy được đầu một tù nhân Cộng sản trốn thoát sẽ được thưởng 20 đồng bạc trắng và 5 tạ muối… Do đó, tù nhân khi đã bị nhốt vào nơi này coi như không có cơ may trốn thoát.
      Nơi rèn luyện ý chí người Cộng sản
      Với quyết tâm biến chốn tù đày thành nơi rèn luyện ý chí của người Cộng sản, vào cuối năm 1935, Hội đồng thống nhất đã được bí mật thành lập ngay trong tù. Sau 4 năm hoạt động tích cực, cuối cùng Chi bộ lâm thời nhà tù Sơn La do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư đã ra đời. Gắn với những tên tuổi của nhiều đảng viên cộng sản trung kiên như: Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Cơ Thạch, Văn Tiến Dũng, Tô Hiệu…, tổ chức hoạt động bí mật này đã rất khôn khéo trong việc lãnh đạo các tù nhân ở nhà tù Sơn La đấu tranh đúng lúc, đúng thời điểm. Ngay khi mới ra đời, Chi bộ Nhà tù Sơn La đã bắt được liên lạc với bên ngoài thông qua hộp thư “Cây đa bản Hẹo”. Sau đó, để tuyên truyền, cảm hóa những binh lính và vợ con họ, Chi bộ đã bí mật ra ấn phẩm Suối reo, xuất bản đều đặn hàng tháng ngay trong tù. Đặc biệt, với sự kết nối mật thiết, Chi bộ đã phá tan nhiều âm mưu tội ác của địch, trong đó có vụ phá tan kế hoạch xây dựng nhà giam mới, bằng cách vận động các tù nhân thực hiện lãn công, làm ẩu, làm sai quy trình kỹ thuật… Hoạt động cho tới tháng 3.1945, khi Nhật hất cẳng Pháp, Giám ngục Lơphông cho di chuyển toàn bộ tù nhân ở nhà tù Sơn La sang nhà tù Nghĩa Lộ. Giữa đường hay tin các tù nhân nhà tù Nghĩa Lộ đã nổi dậy phá ngục thành công, bọn lính áp giải đoàn tù hoang mang cực độ, Khi đó, Chi bộ đã cảm hóa, thuyết phục được họ và tổ chức cho 200 tù nhân là Đảng viên cốt cán nhanh chóng tỏa về các địa phương lãnh đạo phong trào cách mạng để rồi sau đó góp phần làm nên thành công vang dội của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8.1945…
      Trở ra từ các buồng giam dưới lòng đất - nơi duy nhất còn lưu giữ được các phòng giam tù nhân của nhà tù - là một bãi gạch đá tan hoang. Nơi đây, trước kia là một dãy nhà với nhiều phòng giam tập thể được xây rất kiên cố. Sở dĩ ngày nay nó chỉ còn là một đống đổ nát là do đã trải qua 2 lần ném bom của thực dân Pháp (1952) và đế quốc Mỹ (1965), hòng xóa mọi dấu vết tội ác chúng đã gây ra. Đến nay, trừ một phần nhà tù và chòi tháp canh được phục chế, nhà tù vẫn được để nguyên trạng, do không tìm được hồ sơ thiết kế, bản vẽ chi tiết...
      Thăm nhà tù Sơn La vào một ngày tháng 7, đứng bên cột tường đá đổ vỡ nham nhở, những tội ác mà thực dân Pháp đã từng gây ra tại nơi này như được tái hiện. Và cũng từng trang, từng trang lịch sử hào hùng kể về lòng dũng cảm, ý chí kiên cường của các chí sỹ yêu nước như: Tô Hiệu, Lò Văn Giá… đang mở ra.

Mai Hương
Xem tin theo ngày:
GIÁO DỤC
08:35 20/11/2012
Xã hội học tập được xây dựng từ những năm 1950, là một xã hội mà mỗi công dân đều công bằng về học tập (giáo dục) và hưởng thụ những thành quả của văn hóa. Theo Thứ trưởng Bộ GD - ĐT, Ts Nguyễn Thị Nghĩa, hỗ trợ đắc lực cho quá trình học tập của mỗi người rất cần sự tham gia của người thầy - linh hồn của giáo dục.
Quay trở lại đầu trang