Đi chợ Lạng Sơn
Khuê Việt Trường
(TBKTSG Online) - Dù đến Lạng Sơn với mục đích gì, đi chơi hay công việc, hầu như chẳng ai bỏ qua việc mua sắm tại các chợ ở vùng đất biên giới này; đến nỗi có người bảo "Đến Lạng Sơn mà chưa đi chợ thì vẫn chưa biết Lạng Sơn". Trong bảng hướng dẫn du lịch của Lạng Sơn cũng nhấn mạnh đến cái thú đi mua sắm hàng hóa như là thế mạnh du lịch của thành phố này. Lý do đơn giản: Lạng Sơn nằm sát biên giới và hàng hóa Trung Quốc tràn ngập với giá rẻ bất ngờ.
|
Chợ đêm Kỳ Lừa ở Lạng Sơn. Ảnh: TL |
Ba chợ được giới thiệu trong cẩm nang du lịch Lạng Sơn là chợ Đông Kinh, chợ đêm Kỳ Lừa và chợ biên giới Tân Thanh. Có đến các chợ này rồi mới thấy nếu túi hết tiền thì thôi, còn ma lực mua sắm luôn hút hồn đàn ông lẫn đàn bà khi đặt chân đến những nơi bày bán đủ mọi thứ trên thế gian này và người mua cứ việc trả giá thoải mái để có thể mua những món hàng giá rẻ không thể nào ngờ được. Chính vì thế mà nguồn thu của người dân Lạng Sơn trông vào việc buôn bán hàng hóa cho khách du lịch rất lớn. Điểm lạ là khi khách đi tiếp tục qua thành phố Bằng Tường của Trung Quốc bên kia cửa khẩu Hữu Nghị sẽ thấy cùng loại hàng hóa đó được bán cao giá hơn nhiều.
Có nhiều đoàn du lịch khi đi Lạng Sơn đã mang thêm một chiếc xe chỉ dùng để chở hàng hóa mua về. Vì thế, đến Lạng Sơn theo các tour du lịch, nhưng việc tham quan động Tam Thanh, phong cảnh biên giới chỉ là phụ, đi chợ mới là mục đích chính.
Chợ Đông Kinh nằm ngay trung tâm thành phố, nơi này luôn có những con vịt quay còn nóng hổi xẻ ra bán tại chợ, bán đủ thứ trên đời và khách mua tha hồ trả giá, chẳng lo phiền lòng người bán vì họ luôn nói thách rất cao. Có nhiều món hàng bạn chỉ đến đây mới thấy và tất cả đều được sản xuất từ Trung Quốc. Hàng điện máy có giá “bèo” đến bất ngờ; từ chiếc radio, điện thoại, quạt máy đủ loại, tivi nhỏ… đến những thứ rất lẩm cẩm mà nhiều khi khách mua không biết mua để làm gì?!
Những người bán hàng ở đây đã quen nói thách và khách đi mua hàng luôn cần tham khảo, học hỏi cách trả giá từ những người đi trước. Nhiều du khách đã được dặn dò trước khi đến Lạng Sơn là nên mua thứ gì và thứ gì không nên mua; nhưng đôi khi do giá hàng hóa rẻ quá làm cho túi tiền người ta cạn lúc nào không biết! Hàng quần áo thì chao ơi, không thiếu thứ gì, dù cho bà bán thách một chiếc áo khoác tới 400 ngàn, bạn trả giá chừng 180 ngàn là có một chiếc áo khoác giả da rất đẹp. Một chiếc mền mỏng chỉ có giá chừng 35.000 đồng...
Nhiều người mua được hàng rẻ, về khách sạn đem khoe bạn bè lại bị bất ngờ vì bạn mình mua còn rẻ hơn. Có những thứ như cục sạc pin điện thoại, chuột quang, dao cạo râu, quẹt Zippo... khi người bán hàng hô giá 20 - 30 ngàn, khách đã thấy khó trả giá, nhưng cứ mạnh dạn trả giá thấp hơn, vẫn có thể mua được khiến đôi khi người mua hoang mang, thật giả khó lường.
Cũng nằm ngay trong lòng phố nhưng không lớn như chợ Đông Kinh, chợ đêm Kỳ Lừa có khá nhiều khách sạn bao quanh cho nên vẫn thu hút du khách; thường là sau khi ăn tối lại dạo vòng vào chợ ngắm nhìn và mua thêm hàng dù đã mua đầy túi xách khi dạo chợ Đông Kinh. Đặc tính ở chợ đêm Kỳ Lừa là hàng hóa bán dọc theo hai dãy nhà, bán ngang hai bên đường trong nhà dân, dù gọi là chợ đêm nhưng vẫn hoạt động hàng ngày từ sáng tới tối, chủ hàng nào mệt thì chỉ việc trùm bạt lên đi về nghỉ. Trước cửa chợ là hàng chục quán ăn với món ăn nổi danh là gà luộc, có măng chua... khuyến mãi cho khách.
Điểm dễ chịu ở chợ đêm Kỳ Lừa là những người bán hàng ít mời chào khách và không níu kéo. Ở đây hàng điện máy ít, nhưng ngược lại quần áo và mùng mền và đồ gia dụng rất nhiều. Đi chợ nghe giá quen, trả giá thoải mái và rốt cuộc cũng mua được dăm thứ gì đó mà đôi khi chẳng biết đem về làm gì.
Nhưng có thể nói, tâm điểm thu hút khách du lịch là ai cũng nao nức muốn đến chợ Tân Thanh. Đây là một khu chợ sát biên giới Trung Quốc, cách thành phố Lạng Sơn 30 cây số, quy mô khá đồ sộ với nhà lồng bày bán đủ mọi thứ trên đời. Đặc biệt là trong chợ người Việt, người Hoa cùng bày hàng ra bán. Có thể nói là muốn mua thứ gì chợ này cũng có, thậm chí đến mấy thứ dùng trong sinh hoạt tình dục cũng được bày bán công khai luôn. Cách tiếp thị cuả các cửa hàng buôn bán ở đây là dùng loa rao hàng, có cửa hàng bán áo khoác da ghi giá 1,2 triệu, "hiện" đang giảm giá 60%, nghĩa là giá bán khoảng 480 ngàn đồng, nhưng khách trả 140 ngàn cũng bán.
Tuy nhiên, khách đi chợ Tân Thanh cần biết rằng đây là một "mê hồn trận". Ở chợ này, người bán hét giá trên trời, thậm chí gấp 5 lần giá thực nhưng họ coi mặt khách rất giỏi, người biết trả giá sát họ bán ngay, còn người có vẻ rụt rè, đôi khi trả hớ nhưng họ vẫn kỳ kèo chưa bán ngay để khách trả thêm nữa! Rất nhiều người mua xong, về mới biết đã mua mắc hơn chợ Đông Kinh hay chợ Kỳ Lừa.