Chùa Kiến Sơ thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, nằm trong khu di tích Phù Đồng, cách trung tâm thành phố khoảng 15 km về phía đông bắc, Từ Hà Nội đi qua cầu Chương Dương, cầu Chui, cầu Đuống, rẽ tay phải, men theo bờ tả ngạn sông Đuống khoảng 5 km là đến chùa. Đây là ngôi chùa cổ danh tiếng có từ trước thế kỷ X ở nước ta.
Chùa được xây dựng rất sớm sau khi đạo Phật được truyền vào nước ta ở trung tâm Luy Lâu (làng Dâu – Bắc Ninh). Do Thiền sư Cảm Thành dựng trước năm 820. Đến năm 820, Thiền sư Vô Ngôn Thông từ Quảng Châu, Trung Quốc sang nước ta, được Thiền sư Cảm Thành tôn làm thầy, mời ở lại trụ trì chùa Kiến Sơ. Từ đấy, chùa trở thành trung tâm của Thiền phái Vô Ngôn Thông. Ở hai dãy tả hữu Tam bảo của chùa hiện nay có thờ tượng Thiền sư Vô Ngôn Thông, tượng Lý Công Uẩn và thân mẫu của ông.
Lý Công Uẩn thuở còn nhỏ đã đến tu và học kinh Phật ở chùa này. Tương Truyền được Thánh Gióng báo mộng sẽ làm vua qua việc truyền tụng bài thơ:
“Nhất bát công đức thủy
Tuỳ duyên hoá thế gian
Quang quang trùng chiếu chúc
Một ảnh nhật đăng san"
Bốn câu thơ chữ Hán báo mộng có nghĩa là: Triều Lý sẽ lên làm vua được 8 đời, đem lại hòa bình và thịnh vượng cho đất nước. Khi Lý Công Uẩn lên làm vua là Lý Thái Tổ (1010-1028), nhà vua thường thỉnh Thiền sư Đa Bảo (đời thứ 5 dòng Vô Ngôn Thông) vào cung thưa hỏi yếu chỉ Thiền và vua đã xuống chiếu trùng tu chùa. Chùa lúc bấy giờ có hơn một trăm tăng đồ.
Chùa có nhiều pho tượng có giá trị nghệ thuật trong đó có tượng Vô Ngôn Thông, Lý Công Uẩn và thân mẫu của ông cùng với tượng Khổng Tử và Lão Tử. Dọc hành lang có tượng 18 vị La Hán. Sau chùa có đắp các hang động miêu tả cảnh cực hình ở địa ngục. Chùa còn giữ chiếc khánh đá cổ bề ngang 2,3m, cao 0,60m, dày 0,17m.
Chùa đã được xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật quốc gia ngày 21-2-1975