Đền Quát
Đền Quát được xây dựng vào cuối thời Trần, trên chính quê hương của danh tướng Yết Kiêu. Ông tên thật là Phạm Hữu Thế (1242-1301), quê quán ấp Hạ Bì, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng (thuộc xã Yết Kiêu - Gia Lộc, tỉnh Hải Dương ngày nay). Ông là người có công giúp Nhà Trần chống giặc Nguyên Mông vào thế kỷ XIII với biệt tài thuỷ chiến.
Đền Quát toạ lạc ở đầu làng, nằm trên gò đất cao trải bằng phẳng và rộng rãi. Xung quanh đều có hồ, bao bọc ba mặt. Trước cửa đền là con sông Đĩnh Đào, dòng sông chảy tới đây uốn khúc tạo thành hình cánh cung.
Đền được xây dựng thành hai khu: khu đền chính và khu bãi bơi. Khu đền chính thiết kế kiểu chữ nhị, chủ yếu xây bằng gạch cậy, lợp ngói mũi, có các cột, xà, hoành, dui. Bên trong có lưu giữ những hiện vật có giá trị sâu sắc về lịch sử văn hóa như: câu đối, đại tự, cửa võng, cuốn thư... được trạm khắc hoa văn tinh sảo. Có các di vật cổ như hai ông phỗng đá, hai con voi đá... mà người dân nơi đây vẫn còn lưu truyền những câu chuyện truyền thuyết kì bí. Ngoài ra hàng năm, cứ 10 đến 20 tháng giêng người dân tổ chức lễ hội Đền Quát. Trong ngày hội, các nghi lễ được tổ chức trang trọng cùng với nhiều trò chơi dân gian: Lễ cáo yết (nghi lễ mở cửa đền); Lễ mộc dục (thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa của nhân dân bản xã với Đức thánh); Lễ rước bộ; Lễ tưởng niệm danh tướng Yết Kiêu; Tổ chức thi cỗ dâng Thánh (có 7 mâm cỗ hộp do các nghệ nhân làng Hạ Bì thực hiện); Hội Bơi chải...
Trải qua hơn 600 năm, qua các thời đại vương triều, đền Quát đã được nhân dân nhiều lần tu sửa tôn tạo. Từ thời Nguyễn Thiện Trị: 1841-1847; thời Tự Đức 1848-1883; thời Đồng Khánh 1884-1885 và thời Khải Định 1916-1925 được tu sửa. Sau này, cũng có những đợt tu bổ khác.
Tuy nhiên, theo suốt dòng chảy của thời gian cũng như sự tàn phá của chiến tranh thì ngôi đền đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Hàng chục sắc phong quan trọng của những thế kỷ trước đều bị thực dân Pháp cướp đi hoặc đốt phá trong trận càn ngày 14-6-1948. Những năm tiếp theo do sự càn quét của đế quốc Mĩ và lũ lụt các hạng mục công trình của đền bị xuống cấp trầm trọng.
Năm 2008, Bộ Văn hóa- Thể Thao& Du Lịch kết hợp với UBND tỉnh Hải Dương đã có dự án trùng tu lại đền Quát với kinh phí dự toán hơn 31 tỷ đồng. Các hạng mục công trình sẽ được tu bổ và xây mới trong dự án này như: Nhà Trung Từ (mặt bằng chữ đinh, 5 gian), và Hậu Cung, Nhà Tiền Bái (5 gian, mặt bằng chữ nhất), 2 nhà Giải Vũ, cổng Nghi Môn... Quy hoạch tổng thể khu di tích để phục vụ khách tham quan, chiêm bái vị tướng tài ba của dân tộc.
Đỗ Huyền Anh |