|
Năm 1995, một dự án nâng cấp, tôn tạo thành cổ Sơn Tây được thực hiện. Cổng thành phía bắc được xây lại, phù điêu được đắp mới, súng thần công được gắn. Nhưng dư luận bất bình về việc, cổng thành phía bắc trước đây có một cây đa đẹp nhất khu thành cổ với vẻ cổ kính đã bị chặt bỏ không thương tiếc, để xây một cổng thành mới không phù hợp với không gian cổ xưa được tạo nên bởi tường thành đá ong và rừng cây cổ thụ. Năm 2003, dự án trùng tu lần 2 thành cổ Sơn Tây được khởi công, ngân sách đầu tư 48 tỉ đồng. Ngay sau đó, hơn 100m thành cổ phía tây bị san phẳng, thay vào đó là một bức tường đá ong mới tinh cao tới 5m. Đến lần trùng tu thứ 3 từ năm 2010 đến nay, đã có tới 654m thành (hơn 50% chu vi thành cổ) được xây mới.
Ngày 5.3.2011, khi tới thăm thành cổ Sơn Tây, chúng tôi ngỡ ngàng vì bức tường thành mới cao khoảng 1,5m bằng đá ong màu vàng tươi chạy dài hắt bóng xuống hào nước quanh thành. Trên lớp thành cổ mới xây, những người thợ đang xếp đặt và đẽo gọt từng tảng đá ong còn tươi vừa mang về từ vùng đất đá ong Thạch Thất. Vậy là sau lần trùng tu thứ 3 này, có thể Sơn Tây sẽ hoàn tất việc xây mới một di tích lịch sử.
Trên bảo tạm dừng nhưng dưới cứ làm
Thành cổ đá ong duy nhất Việt Nam Thành cổ Sơn Tây – được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1882) – là khu thành cổ duy nhất được xây bằng đá ong của Việt Nam có tổng diện tích 16 ha với các kiến trúc độc đáo như: tường thành bằng đá ong, 4 cổng thành xây bằng gạch cổ, kỳ đài, đoan môn, vọng cung… Thành cổ Sơn Tây hình tứ giác có chu vi 326 trượng (khoảng 1.306,8m), tường thành cao 1 trượng 1 thước (khoảng 4,4m), có 4 cổng: Tây, Bắc, Đông, Nam. Chu vi hào nước bao quanh thành là 448 trượng (khoảng 1.792m), rộng 7 trượng (26,8m), sâu 1 trượng (4m). Thành cổ Sơn Tây được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1994. |
Được biết, dự án cải tạo, chỉnh trang tường thành cổ Sơn Tây đã được Bộ VH-TT-DL thỏa thuận tại Công văn số 1699/BVHTTDL-DSVH ngày 21.5.2010 với các lưu ý sau: “Tu bổ, bảo tồn nguyên trạng các góc tường thành cũ và không xây phục hồi tường thành mới mà chỉ tái định vị, lắp đặt các viên gạch đá ong gốc bị bong, lở trên các đoạn tường thành này. Đối với các đoạn tường thành bị mất hoàn toàn thì trồng cây thành hàng rào”.
Sau khi phát lộ thí điểm 117,5m móng tường thành, chính quyền thị xã Sơn Tây đã có Văn bản số 952 ngày 7.10.2010 xin phép Cục Di sản văn hóa cho tu bổ đoạn tường thành đã phát lộ với chiều cao 1,3 – 1,5m. Đề nghị này của thị xã Sơn Tây không được Cục Di sản văn hóa phúc đáp, nhưng chính quyền thị xã vẫn cho triển khai việc xây mới đoạn tường thành nói trên bằng đá ong cao 1,5m. Sau khi dư luận lên tiếng về việc làm vi phạm theo kiểu phá hoại di tích này, ngày 19.11.2010, Cục Di sản văn hóa đã có công văn yêu cầu thị xã Sơn Tây dừng ngay việc thi công và tiếp tục thăm dò việc phát lộ móng tường thành cũ.
Tại cuộc họp ngày 28.12.2010 kết luận về phương án bảo tồn thành cổ Sơn Tây, các nhà khoa học và cơ quan chức năng của Bộ VH-TT-DL đã yêu cầu: “Dừng xếp đá ong có chiều cao 1,5m lên tường thành và cần tiếp tục sưu tầm thêm tư liệu, hình ảnh và phim lịch sử về di tích thành Sơn Tây để làm rõ giá trị lịch sử, kiến trúc trên nguyên tắc chung là phục hồi tường thành phải trên cơ sở tư liệu; việc xếp thêm một số lớp đá ong chỉ là nhằm chống sạt lở đất tường thành, tạo sự hài hòa với hiện trạng di tích”. Nhưng đến nay, chẳng những không dừng lại việc thi công, thị xã Sơn Tây còn tiếp tục hoàn thành 654m thành bằng đá ong mới cao từ 1,3 – 1,5m.
Ngày 28.2.2011, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Quang Sơn, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, cho biết: “Khi báo chí phản ánh vấn đề trên, Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã về làm việc và yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng lại. Sau đó, tại cuộc họp làm việc với các cơ quan chức năng của Bộ VH-TT-DL, chủ đầu tư đã xin rút kinh nghiệm về việc làm trước một số đoạn thành cổ mà chưa được phép thỏa thuận…”. Tuy nhiên, cho đến thời điểm tháng 3 này, thành cổ Sơn Tây vẫn tiếp tục được xây mới.
Để làm rõ vấn đề này, thiết nghĩ cơ quan chức năng của Bộ VH-TT-DL cần vào cuộc thanh tra, kiểm tra ngay và có biện pháp xử lý kịp thời, không để một di tích lịch sử quốc gia bị xâm hại có hệ thống.
Việt Chiến
(theo thanhnien)