Nằm sát thị trấn Quốc Oai tỉnh Hà Tây, xã Ngọc Mỹ mang đậm nét dáng vẻ của một làng quê Việt Nam truyền thống. Người dân nơi đây đã sống với nghề làm ruộng từ bao đời nay và có lẽ, năm nào cũng vậy, những ngày mùa trở thành dịp đông vui náo nhiệt khắp làng trên, xóm dưới. Màu vàng của rơm, tiếng máy tuốt lúa, tiếng cười nói đùa vui tạo nên âm sắc riêng biệt của làng quê.
Mảnh đất Ngọc Mỹ từ lâu đã in dấu bao sáng tạo của tạo hóa và con người. Tạo hóa đã giúp cho những người nông dân lam lũ nơi đây có ý chí vươn lên để trở thành những người học rộng, tài cao, tạo nên trong họ niềm tự hào dân tộc, lòng tin và sự kính trọng đối với những thế hệ cha ông dựng nước. Vị vua Lý Bí và người tướng trung thành Phạm Tu đã được người dân lập bàn thờ coi là Thành hoàng làng từ hàng trăm năm nay. Vào mỗi dịp lễ hội, ngôi đình Ngọc Than – một tác phẩm kiến trúc mang đậm nét phong cách nhà Lê thế kỷ thứ 17 – lại trở nên rộn ràng trong sự thành kính của người dân. Cho đến nay, ngôi đình Ngọc Than vẫn giữ lại được rất nhiều hiện vật thể hiện sự sáng tạo của những người thợ điêu khắc đã làm nên vẻ đẹp riêng như: đầu rồng, tượng người có cánh, rồng bay phượng múa… Vẻ đẹp đó còn thấy rõ ở sự sắp đặt hài hoà trong thế đất với hai tháp bút và đài nghiên trước cổng đình, thể hiện lòng hiếu học của người dân nơi đây. Có lẽ chính vì vậy mà thời nhà Lê, nhà Nguyễn, vùng đất này đã có 100 cụ đỗ tú tài và tiến sĩ. Nơi đây còn có cụm đình, chùa Phú Mỹ là một di tích lịch sử nổi tiếng trong vùng. Với vẻ đẹp thuần tuý của một ngôi chùa cổ Việt Nam, chùa Phú Mỹ không chỉ biểu hiện niềm tin vào thế giới tâm linh nơi cửa Phật của người dân, mà còn là nơi lưu giữ những bức tượng Phật quý, thể hiện trình độ nghệ thuật của cha ông từ nhiều thế kỷ trước. Ngọc Mỹ ngày nay đã có một cuộc sống đủ đầy hơn trước, những giống lúa tốt được sự chăm chút của người nông dân đã tạo nên những bông lúa trĩu hạt, mang lại những vụ mùa bội thu. Trong cái vất vả, nóng nực của ngày hè, những khuôn mặt của người nông dân được mùa đều toát lên vẻ vui mừng, phấn khởi. Gia đình ông Nguyễn Duy Ba bao đời gắn bó với nghề nông, mặc dù nghề nông chưa thể mang lại cho ông sự giàu sang phú quý nhưng đã giúp ông nuôi những đứa con ăn học nên người. Nhờ thóc lúa của cha mẹ, các con ông đã có người học đại học, trung cấp và có công ăn việc làm ổn định. Để tạo thêm nguồn thu nhập, cũng như bao gia đình nông dân khác, ông Ba nuôi lợn và làm thêm nghề phụ. Ai cũng ước muốn có một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc, đối với những người nông dân như ông bà Ba, tuy không có nhà lầu, xe hơi nhưng họ thật sự hạnh phúc bởi có cuộc sống no đủ, an nhàn cùng cháu con. Người Ngọc Mỹ luôn tự hào, từ hàng trăm năm nay đã đóng góp rất nhiều người con ưu tú cho sự nghiệp giữ nước và dựng nước. Tại thôn Phú Mỹ còn lưu lại một ngôi nhà cổ đã gần 300 năm tuổi, đây là nhà thờ họ của dòng họ vị quan thanh liêm Nguyễn Quý Hiển. Ông làm quan dưới triều Lê, được phong đến chức Giám sát ngự chuyên giải quyết việc kiện tụng. Tài đức của ông đã được người dân kính trọng biểu đạt bằng đôi câu đối: Khi ông mất, vua Lê Hiển Tông rất thương tiếc và truy tặng ông chức: Mậu lâm tá lang Hàn lâm viện đãi chế. Ngôi nhà với những hiện vật quý hiếm thể hiện công lao tài đức của vị quan thanh liêm được con cháu truyền đời gìn giữ. Đất Hà Tây nổi tiếng trăm nghề và Ngọc Mỹ cũng là một vùng đất có nhiều nghề truyền thống được người dân gìn giữ, phát triển. Trong số những nghề phát triển mạnh ở nơi đây thì nghề mộc, làm đồ thủ công mỹ nghệ được nhiều hộ gia đình mở xưởng sản xuất. Mỗi xưởng sản xuất tuy không lớn, khoảng 10 – 15 công nhân, nhưng bù lại luôn có việc làm quanh năm. Xưởng của gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Ngọc Than sản xuất chủ yếu đồ thủ công mỹ nghệ đã có uy tín từ nhiều năm. Những mặt hàng như hoành phi, câu đối, tượng Phật… được đặt hàng quanh năm. Công việc luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ chính xác đến từng chi tiết, bởi vậy người thợ không thể làm cẩu thả, vội vàng. Những chữ Hán trên câu đối chỉ cần sai một nét là đã sang nghĩa khác không thể sử dụng được. Anh Tuấn cũng tham gia làm như bao thợ khác, vốn khéo tay, tỉ mỉ nên những công đoạn phức tạp trong khâu đúc tượng anh thường trực tiếp làm. Là một thanh niên trẻ, năng động anh đã không chỉ đầu tư mở rộng thêm thị trường mà còn không ngại ngần, hướng dẫn cho nhiều người trong xã học nghề để họ về mở xưởng sản xuất như mình. Hiện đã có khoảng 20 người thành nghề ra mở xưởng ở nhiều nơi. Với việc áp dụng máy móc kỹ thuật tinh xảo vào sản xuất, anh Tuấn đã giúp cho người thợ của mình không phải làm nhiều khâu phức tạp. Nhờ vậy, sản phẩm cũng được hoàn thiện nhanh hơn, có chất lượng chuẩn, đẹp và đồng đều hơn. Anh Tuấn đang mong ước có một xưởng sản xuất lớn hơn để có thể đưa ra thị trường nhiều sản phẩm, vật dụng trang trí phục vụ cho nhu cầu tâm linh cũng như sinh hoạt gia đình. Thế hệ trẻ ở Ngọc Mỹ nay đã khác xưa rất nhiều, những người như anh Tuấn đã không chỉ biết làm giàu cho chính mình mà còn làm cho quê hương phát triển và ngày càng khang trang hơn. Một nghề truyền thống ở nơi đây cũng đang rất phát triển đó là nghề làm nón, theo sử sách để lại, nghề làm nón ở Ngọc Mỹ đã được vài thế kỷ cùng với sự ra đời và phát triển của nhiều loại nón khác nhau. Để làm được một chiếc nón, người ta phải chia ra làm nhiều công đoạn khác nhau như làm khuôn, căng dây, tạo khấc cho xương nón, xâu dây cố định xương nón, căng khung quấn cạp nón hay còn gọi là sợi vòng cái. Cạp nón phải thật tròn, nón tròn hay méo chủ yếu dựa vào sợi vòng cái. Ở Ngọc Mỹ người ta chủ yếu làm các công đoạn sau của chiếc nón như làm lá, vào lá và khâu nón. Những chiếc lá cọ được là phẳng, cắt tỉa sao cho phù hợp với kích cỡ và được đắp lên khuôn nón rồi mới khâu lại. Trước đây, khi nước nhà mới bước vào đổi mới, nghề làm nón tưởng như đã chết hẳn nhưng rồi nó lại trở nên phát triển mạnh mẽ nhờ việc đưa hàng sang tiêu thụ ở Trung Quốc. Chiếc nón lá thân quen với người Việt Nam giờ đây đã được người Trung Quốc ưa thích. Song song với sự phát triển của nghề làm nón ở nơi đây chính là nghề làm chổi chít. Gia đình ông Xuân đã tổ chức, phối hợp với nhiều hộ lập các xưởng sản xuất nón, mũ, chổi… Từng là giám đốc một cơ quan của tỉnh, khi về nghỉ hưu, ông Xuân đã mạnh dạn đầu tư vào việc sản xuất và kinh doanh nón lá. Mới đầu cũng hết sức vất vả nhưng nhờ năng động, mạnh bạo tự tìm lấy bạn hàng Trung Quốc, ông Xuân đã mở ra một thị trường tiêu thụ rất lớn. Với mức đặt hàng của thị trường Trung Quốc, có lúc ông Xuân xuất tới hàng chục vạn chiếc nón, chiếc mũ một lúc. Có lẽ vì vậy mà đi đến đâu trong xã Ngọc Mỹ cũng đều thấy có người ngồi đan nón. Với hình thức mở nhiều đầu mối thu gom tại các xóm, nên gia đình ông Xuân có thể gom hàng rất nhanh theo kịp yêu cầu của khách hàng. Gần đây, nghề làm chổi chít cũng rất phát triển do nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Làm chổi nhanh và đơn giản hơn làm nón, có những chuyến ông Xuân xuất đi hơn 100 nghìn chiếc chổi. Làm nón, mũ, chổi giờ đây trở thành nghề của gần 70 % số hộ gia đình trong toàn xã. Nón lá, chổi chít Ngọc Mỹ đã vượt biên giới sang Trung Quốc, Đài Loan, Mã Lai, Nhật Bản… đó chính là sự khẳng định sức sống của nghề truyền thống. Những thế hệ đi trước đều rất tự hào bởi thế hệ hôm nay đã biết kế thừa truyền thống của cha ông, xây dựng quê hương trở thành một vùng đất giàu đẹp không chỉ bởi cảnh sắc, sự lao động cần cù mà còn bởi tài năng và trí tuệ. |
Trường Thành |
Filed under: Quê hương
Gửi phản hồi