Theo các nhà khảo cổ học, và những sở cứ tài liệu thực tế từ Thạc sĩ khảo cổ Nguyễn Văn Anh, chùa Quỳnh Lâm (xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) có gốc tích chính chủ yếu thuộc thời Trần và thời Lê Trung hưng. Tuy nhiên, những vật chứng khảo cổ nơi ngôi chùa đã hàng trăm, thậm chí đến ngàn năm tuổi này chẳng còn lại bao nhiêu…
Góc khuôn viên nhà chùa trước gian chính điện Tam Bảo
Hành lang ngoài trời phía sau...
...góc vườn sát tường áp lưng gian Tam Bảo
Những trồi xanh căng tràn nhựa sống, có góp phần vực dậy một không gian kiến trúc Phật giáo đang dần mòn theo năm tháng?
Những trụ đá được khai quật không còn nguyên vẹn, bia đá cổ có dấu hiệu được “làm mới” kiểu “vôi vữa cho có dáng, có hình”? Những viên ngói lát mái chùa xưa, đến “đôi rồng” thời Trần đang mòn dần theo những thăng trầm lịch sử.
Bia đá cổ từ trục đường chính vào chùa phía bên trái
Chúng tôi về với chùa Quỳnh Lâm sáng thứ 7 cuối tuần vừa rồi. Cả đoàn tranh thủ thị sát một vòng khuôn viên trong và ngoài nhà chùa, trước khi dự Hội thảo khoa học “Bảo tồn và trùng tu Trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm” được tổ chức buổi chiều cùng ngày tại trụ sở UBND huyện Đông Triều.
"Đôi rồng" trong một phần kiến trúc xưa đã không còn nguyên vẹn
Im lìm hàng ngói xưa mặc nắng, gió, mưa...
Với cá nhân tôi, so với chuyến đi hồi tháng 8/2013, chùa Quỳnh Lâm nay đã thêm phần phai úa màu thời gian. Từ tháp Tổ, đến bờ tường gian chính điện, và một vài góc khảo cổ đã rêu phong phủ bám. Hàng ngói lợp mái chùa xưa, nằm im lìm phủ xác lá cây và màng nhện.
Một phần tòa tháp mất ngọn
Những rạn nứt trầm mặc cùng thời gian
Theo các nhà khoa học, những vật chứng thu được từ tích chùa xưa còn lại gạch nung và đá, không còn hiện vật nào bằng gỗ. Đó vừa là điều đáng tiếc cho một quần thể di tích lịch sử lớn trên địa bàn xã Đông Triều, vừa là thử thách không nhỏ đối với giới chức và các nhà khoa học trong việc xác định rõ niên đại, nhằm trùng tu lại chùa Quỳnh Lâm một các hiệu quả nhất.
Một góc khuôn viên ngoài phía bên phải nhà chùa rêu phong phủ kín
Trong bài tham luận của mình tại Hội thảo, thạc sĩ Nguyễn Văn Anh đã đưa ra mốc thời gian mà nhóm khảo cổ xác thực sẽ khôi phục lại chùa Quỳnh Lâm theo dấu tích những năm 1730-1740. Thời Lê Trung hưng được xem là mốc lịch sử phù hợp cả về cảnh quan cũng như phối cảnh kiến trúc có thể tái hiện.
Để phục hưng một quần thể di tích Phật giáo có bề dày lịch sử lâu đời không dễ dàng. Còn nhiều việc cần được khảo thực kỹ lưỡng. Chúng ta cùng chờ, và cùng mong đợi một hiện thực không xa: Chùa Quỳnh Lâm sớm được tái hiện để xứng với vai trò và vị trí lịch sử.
Thường Nguyên