
Được đăng bởi : Mytour.vn
Đền còn có tên gọi là đền thờ thần Vệ quốc vì bên cạnh việc thờ Mẫu Thượng Ngàn, đền còn thờ các vị có công với nước chống giặc Nguyên - Mông (thế kỷ 13), đó là một số tướng người dân tộc ở địa phương.
Thời phong kiến, Chư thần Đông Cuông được bốn đời vua phong sắc về công lao bảo vệ đất nước, che chở nhân dân và xã Đông Cuông được đặc cách chuẩn y cho phụng thờ các vị chư thần tại đền.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đền Đông Cuông chịu nhiều sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên và chiến tranh. Sau nhiều năm tôn tạo, tu bổ, đền Đông Cuông toạ lạc khang trang trên nền cũ. Kiến trúc đền Đông Cuông mang dáng dấp kiến trúc đền chùa thời Lý Trần với mái ngói cong và hình lưỡng long chầu nhật.
Các cột đền làm bằng gỗ tứ thiết được sơn son thếp vàng hình rồng cuốn trang nghiêm. Trên các đầu dư, đầu bẩy, xà ngang, cốn nách, câu đầu... được trạm khắc tỷ mỷ hình tứ linh và hoa lá. Các bức trạm khắc tinh vi đạt trình độ cao cả về kỹ thuật phục chế và mỹ thuật.
Lễ mổ trâu tế mẫu diễn ra trong khoảng 3 canh giờ với sự tham gia của hàng ngàn người dân trong vùng và du khách thập phương. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng không thể thiếu để chuẩn bị cho 2 lễ hội chính của đền đó là lễ rước mẫu qua sông và lễ dâng hương tế mẫu được tổ chức tại miếu Ghềnh Nhai diễn ra lúc trời sáng.
Vào khoảng 8 giờ 30 phút sáng ngày Mão, lễ rước mẫu qua sông về miếu Ghềnh Nhai được thực hiện tuần tự theo đúng nghi thức. Trang trọng và linh thiêng, tượng mẫu được rước từ cung cấm ra tới bờ sông Hồng rồi chở bằng bè nứa qua sông. Tượng mẫu được rước trở về đền và kết thúc bằng lễ dâng hương tế mẫu của hàng ngàn du khách thập phương.
Sau lễ khai mạc nhân dân mọi miền đất nước lại tiếp tục về dâng hương tế mẫu cho đến hết tháng Giêng và tháng Hai năm âm lịch.
Bình luận