Ai từng đọc lịch sử nước nhà thì không thể không biết đến thành Cổ Loa, Thục Phán An Dương Vương. Và ai đã từng đọc các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết Việt Nam thì không thể không biết đến truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy. Tôi đến Cổ Loa vào một ngày nắng đẹp, với một chút tò mò lẫn khao khát được quay trở lại với nguồn cội lịch sử đã tồn tại hàng ngàn năm. Bao quanh giếng Ngọc là một hồ nước khá lớn, đây cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ phong phú vào những dịp lễ hội Qua cầu Chương Dương, theo quốc lộ 1A cũ đến cây số 10 là cầu Đuống. Qua cầu là thị trấn Yên Viên, rẽ trái vào quốc lộ 3, đi 5km đến ngã ba rẽ phải, đi tiếp 2km nữa là vào khu di tích Cổ Loa. Dù chỉ cách trung tâm thủ đô không xa, nhưng khi đặt chân lên mảnh đất cố đô trong tôi vẫn có cảm giác thật sự khác lạ. Không gian thoáng đãng, không khí trong lành. Cổ Loa trước mắt như hiện thân cho hình ảnh của một làng quê Bắc bộ, với những bến nước sân đình, cây đa cổ thụ bởi hơi thở của cuộc sống hiện đại với những nét văn hóa “lai căng” dường như chưa xâm lấn vào cuộc sống nơi đây. Cổ Loa là kinh đô của nhà nước phong kiến Âu Lạc, dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và của nhà nước Vạn Xuân dưới thời Ngô Quyền thế kỷ 10 sau Công nguyên. Đây là thủ đô thứ hai của Việt Nam sau Phong Châu (tỉnh Phú Thọ hiện nay), là thủ đô thời các vua Hùng. Theo các tài liệu khảo cổ học, xa xưa nơi đây là rừng rậm, do biến đổi của thiên nhiên nên tất cả đã chìm vào lòng đất, hiện chỉ còn dấu tích những dải than bùn lớn, những cây cổ thụ... kéo dài qua nhiều địa phương từ Đài Bi qua Cầu Cả, Đại Đà, Hội Phụ đến Lỗi Khê. Khu di tích Cổ Loa nằm trên địa phận 3 xã Cổ Loa, Dục Tú và Việt Hùng thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội), cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 17km về phía bắc. Cổng tam quan vào đình Cổ Loa Khác với các di tích lịch sử khác, Cổ Loa là một quần thể di tích có diện tích trải rộng trên một địa bản rộng lớn. Thành Cổ Loa theo tương truyền gồm chín vòng xoáy trôn ốc, nhưng căn cứ trên dấu tích hiện còn, các nhà khoa học thấy thành có ba vòng, trong đó vòng thành nội rất có thể được làm về sau, dưới thời Ngô Quyền. Chu vi vòng ngoài thành là 8km, vòng giữa 6,5km, vòng trong 1,6km, diện tích trung tâm lên tới 2km². Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao từ 4 m-5m, có chỗ cao 8 m-12 m. Chân lũy rộng 20m-30m, mặt lũy rộng 6m-12m. Khối lượng đất đào đắp ước tính 2,2 triệu m3. Từ vòng trong - trung tâm của khu di tích Cổ Loa - tôi men theo các con đường làng để “xoáy” trở ra đến vòng ngoài. Trải qua hàng ngàn năm với những thắng trầm của lịch sử, với những sự thay đổi của thiên nhiên tạo hóa, những bờ tường kiên cố ngày xưa, nay chỉ còn những gò đất cao trung bình khoảng 2m, tuy nhiên theo lời các cụ bô lão trong làng thì muốn đi được hết được cả ba vòng tường thành phải mất gần nửa ngày trời. Cụm di tích Cổ Loa hiện nay thuộc vòng trong, bao gồm chủ yếu các đình, đền thờ, tiêu biểu như đền thờ Thục Phán An Dương Vương (đền Thượng), giếng Ngọc, am Bà Chúa và dinh Ngự triều di quy. Qua cổng làng, cũng là cổng thành trong, là tới đình làng Cổ Loa. Theo truyền thuyết thì đó là nền cũ của điện ngự triều, nơi bá quan triều hội ngày xưa nên trong đình còn tấm hoành phi "Ngự triều di quy”. Tiền sảnh “Ngự triều di quy”, nơi thờ các quan văn võ nước Âu Lạc Ban thờ bá quan văn võ Bên trong “Ngự triều di quy" còn có rất nhiều di tích khảo cổ niên đại hàng nghìn năm, đặc biệt là những mũi tên bằng đồng từ thời An Dương Vương. Những mũi tên này được khai quật tại di chỉ Cầu Vực, Cổ Loa có niên đại 2.000-2.500 năm Cạnh đình là am Bà Chúa - miếu thờ công chúa Mỵ Châu, nằm nép dưới gốc đa già cổ thụ. Miếu am bé bỏng như cuộc đời ngắn ngủi của nàng công chúa đáng thương với "trái tim lầm chỗ để lên đầu". Trong am có một tảng đá hình người cụt đầu, ai cũng bảo đó là tượng Mỵ Châu. Tượng bà chúa Mỵ Châu là một hòn đá tự nhiên có hình dáng người cụt đầu. Huyền thoại kể rằng: sau khi Mỵ Châu hóa thành hòn đá to trôi dạt về bãi Đường Cấm, ở phía đông thành Cổ Loa, dân trong thành đem võng ra cáng về đến gốc đa thì đứt võng, hòn đá rơi xuống, bèn lập am thờ ngay tại chỗ. Qua am Mỵ Châu tới đền Thượng, tức đền An Dương Vương, tương truyền dựng trên nền nội cung ngày trước. Ðền này mới được làm lại hồi đầu thế kỷ 20, có đôi rồng đá ở bậc tam cấp cửa đền là di vật đời Trần hoặc Lê Sơ. Trong đền có tượng An Dương Vương bằng đồng mới đúc cùng dịp làm lại đền. Trước đền là giếng Ngọc, tương truyền là nơi Trọng Thủy tự tử vì hối hận. Nước giếng này mà đem rửa ngọc trai thì ngọc sáng bội phần! Trong quần thể khu di tích lịch sử Cổ Loa, đền Thượng (đền Thục Phán An Dương Vương) là điểm tham quan đáng chú ý nhất. Đền được xây dựng năm 1687 đời vua Lê Hi Tông, đứng trên một quả đồi xưa có cung thất của vua. Cổng tam quan hiện lên một cách oai nghiêm sừng sững Dù đã có niên đại hàng trăm năm, song trên mình rồng không có một chút rêu phong Trước cửa đền có đôi rồng đá uốn khúc, tay vuốt râu, được chạm trổ tinh xảo, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê. Qua cửa tam quan, bước vào trong đền những hàng cây xanh hai bên đền là một không gian thoáng đãng, trong lành khiến ai cũng cảm thấy tâm hồn sảng khoái, thanh thản. Những cây đa cổ thụ xanh rờn bao quanh khu đền Bước vào bên trong ngôi đền là một không gian khá rộng với lần lượt những ban thờ của các vị bá quan văn võ, tứ trụ triều đình, thần Kim Quy và bàn thờ của Thục Phán An Dương Vương. Sự tĩnh mịch của ngôi đền, khác xa với sự ồn ào náo nhiệt ở bên ngoài Ban thờ thần Kim Quy, trên bàn thờ là chiếc nỏ thần, thứ vũ khí bí mật làm khiếp sợ kẻ thù Đá kè chân thành, gốm rải rìa thành, hào nước quanh co, ụ lũy phức tạp, hỏa hồi chắc chắn và nhất là địa hình hiểm trở ngoằn ngoèo. Cổ Loa ngày nay không chỉ đã trở thành một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm,mà nó còn là một điểm đến lý tưởng cho các du khách thập phương muốn khám phá những giá trị văn hóa,những hình ảnh quen thuộc của một làng quê Bắc Bộ thanh bình. Hằng năm vào ngày 6 tháng giêng âm lịch, cư dân Cổ Loa tổ chức một lễ hội trang trọng để tưởng nhớ những người đã có công xây thành, nhất là để ghi ơn An Dương Vương, người khai sinh ra nhà nước phong kiến Âu Lạc. Bài, ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Điểm đến (Thư viện) > Hà Nội >