Một góc làng cổ Kon K’Tu
Lưu dấu thời xưa
Đó là làng cổ Kon K’Tu, cách thành phố Kon Tum 11km về hướng đông, thuộc địa phận xã Đắk Rơ Ma (TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Khi những cơn gió hanh hao cuối mùa đông lùi vào những cánh rừng già, cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên chộn rộn đón một mùa xuân mới. Phóng tầm mắt đầy tự hào về phía làng Kon K’Tu, trưởng làng A Khẻo tự hào khoe với tôi rằng: "Kon K’Tu theo nghĩa của tiếng Banar, Êđê là làng không người, làng hoang, làng nguyên gốc. Từ xưa, cách đây khoảng gần 150 năm, làng này có trên 100 nóc nhà, bao quanh làng là một khu rừng sinh thái rộng lớn với hàng trăm loại gỗ quý. Hồi đó, dân trong làng chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt và hái lượm. Tuy cuộc sống vất vả nhưng cộng đồng dân cư trong làng thường xuyên tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc mình.
Cứ nghĩ cuộc sống sẽ êm đềm như thế trôi qua, bỗng dưng làng xảy ra một trận đại dịch đậu mùa, người dân trong làng chết gần hết, chỉ còn lại ba hộ gia đình”. Theo già làng Y Phương thì hồi đó, người dân trong làng cứ bị bệnh là tìm đến Bơ Jơu (thầy phù thủy, thầy cúng) để chữa chứ chẳng biết đến viên thuốc bao giờ. Người bệnh phải chuẩn bị đồ cúng gồm hai con gà, hai ché rượu cần, một cái thủ heo...lễ vật nhiều là thế nhưng vẫn ốm miết rồi chết. Như khoa học bây giờ chỉ ra thì có bệnh dịch mà không dùng thuốc chữa cũng có thể là nguyên nhân gây lây lan như thảm họa năm xưa. Sau trận đại dịch xảy ra, làng cổ Kon K’Tu như khuất chìm trong nỗi sợ hãi của nhiều người cho mãi đến năm 1920, làng Kon K’Tu mới được tái lập trở lại và phát triển như hiện nay. Làng Kon K’Tu hiện nay có khoảng gần 100 hộ dân, gần 600 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Banar, Êđê. Như già làng A Long kể với chúng tôi thì so với những giá trị nguyên gốc của các lễ hội văn hóa như: Cồng chiêng, nhà rông, lễ hội nước...thì Kon K’Tu là làng duy nhất ở xứ Kon Tum còn bảo tồn được đầy đủ nhất. Nhiều người Banar kiêu hãnh với Kon K’Tu không vì làng giàu có về vật chất mà làng vẫn giữ nguyên được những nét cổ kính, hùng vĩ và hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng.
Dòng sông Krông Blả (người Kinh gọi Đắk Bla)
ôm lấy làng cổ Kon K’Tu
Đứng ở Kon K’Tu phóng tầm mắt về hướng đông, đỉnh Kong Muk sừng sững hiện ra in bóng xuống dòng Krông BLả hiền hòa, dọc sang hướng bắc là cả một khu rừng sinh thái còn lưu giữ nhiều huyền thoại về thần chiêng, thần nước. Dọc theo bờ sông Krông Blả (hiện gọi là sông Đắk Bla, nhiều già làng không đồng ý cách gọi hiện đại hóa này) chừng 6km là bãi cát phẳng lỳ ôm lấy Kon K’Tu hiền hòa như một sự bao bọc kỳ bí. Như khẳng định thêm về sự bảo tồn của những giá trị văn hóa truyền thống, nghệ nhân A Xép bộc bạch: "Hiện nay, dân làng vẫn duy trì được đội cồng chiêng với 18 người, đội múa xoang với 30 người, diễn ra mỗi tháng hai đến ba lần. Làng vẫn giữ nguyên vẹn được lễ hội K’lang T’nglang (lễ hội bắt giọt nước). Đặc biệt, đến Kon K’Tu những ngày đầu xuân, sẽ có cơ hội khám phá nét văn hoá nguyên gốc của nhà dài, nhà sàn độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Mỗi ngôi nhà dài đến 14 sải tay, ở đó có từ bốn đến tám cái bếp với nhiều thế hệ sinh sống, hai đầu làm cửa ra vào và một cửa chính ở giữa. Trước khi dựng nhà sàn, nhà dài dân làng thường mở hội cúng thần rừng để cầu mong cho những ngôi nhà này bền chắc.
Một ngôi nhà dài truyền thống trong làng cổ Kon K’Tu.
Say lòng với K’lang T’nglang, chiêng, xoang...
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Nguyễn Tiến Tùng nói với tôi rằng, nếu đi tìm nét độc đáo trong lễ hội của dân tộc bản địa Tây Nguyên mỗi dịp xuân về mà không đến Kon K’Tu thì coi như chưa nghiên cứu được gì. Đặc biệt là lễ hội K’lang T’nglang. Nói như ông Tùng có vẻ hơi quá nhưng tận mắt chứng kiến lễ hội văn hóa ở Kon K’Tu thì quả là có sức cuốn hút kỳ lạ. Đầu tiên là lễ hội K’lang T’nglang. Lễ hội này được tổ chức vào đầu tháng Giêng hằng năm. Lễ hội diễn ra trang trọng, tập trung tất cả dân trong làng, họ cùng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu cho bà con trong làng khỏe mạnh, dân làng đoàn kết, đùm bọc, thương yêu lẫn nhau, không được ăn trộm ăn cắp của nhau. Trong lúc diễn ra lễ cầu, tất cả nắm chặt tay nhau như truyền đi một sức mạnh của tình đoàn kết. Thời gian chính thức của lễ hội kéo dài suốt hai ngày hai đêm (nhiều nơi làm méo mó rút xuống còn một ngày). Ngày đầu tiên chuẩn bị cây nêu, ngày hôm sau cúng tế Yàng (trời). Trong buổi cúng tế, già làng cùng những người uy tín trong làng cùng hợp âm khấn những câu linh thiêng như "Khấn ơ giàng, ơ thần núi, ơ thần nước về đây giúp chứng giám cái bụng của buôn làng, Khấn ơ dòng sông hãy chảy hiền hòa cho cuộc sống bình yên, Khấn ơ Yàng hãy giúp dân thương yêu nhau, Khấn ơ Yàng hãy khởi nguồn một mùa xuân trù phú đến bất tận cho buôn làng...”. Sau lễ hội cúng tế, dân làng mở tiệc mừng xuân, đó cũng chính là lúc buổi lễ hội chiêng "xông đất” đầu năm ngân lên. Chín chàng trai vận khố thổ cẩm, thân hình chắc nịch như ẩn chứa sức mạnh của thần núi, sự phóng khoáng của thần sông, sự hùng vĩ của thần núi đan xen cùng chín sơn nữa lúng liếng, yểu điệu trong những bộ váy thổ cẩm. Tiếng chiêng cất lên, họ cùng diễn các điệu múa, hát vang bài hát truyền thống của dân tộc mình như: Banar huyền thoại, Tiếng chiêng đại ngàn...
Thiếu nữ Kon K’Tu chuẩn bị chất liệu ủ rượu cần
cho đêm hội cồng chiêng.
Du khách đến Kon K’Tu đúng những ngày lễ hội sẽ được dân làng xem như người nhà và mời cùng họ uống rượu cần và say với những điệu múa chiêng. Tiếp sau lễ hội cồng chiêng là lễ hội múa xoang. Lễ hội này còn sót lại ở Kon Tum và được xem như "của hiếm” của Tây Nguyên. Trong lễ hội múa xoang các chàng trai, cô gái không mặc trang phục đi mượn của người thân hoặc của nhà văn hóa làng mà mặc chính những bộ thổ cẩm do tay mình dệt nên để thể hiện sự cần mẫn và nét tài hoa trong kỹ thuật thêu dệt của mình. Trước khi vào hội múa, họ thường nhấm nháp chút rượu cần để điệu múa được uyển chuyển và hấp dẫn hơn. Sau khi đắm say cùng những lễ hội văn hóa còn giữ những nét nguyên mẫu của dân tộc bản địa Tây Nguyên ở Kon T’Tu, khách tham quan còn có thêm cơ hội thả hồn bên dòng thác H’Lay, Thác Mập. Muốn tìm hiểu thêm về huyền thoại thần núi và những dấu tích còn sót lại ở khu rừng sinh thái phía sau làng, du khách có thể thuê (hoặc mượn) thuyền độc mộc của làng chèo lên phía thượng nguồn dòng Krông Blả để thưởng lãm hết vẻ huyền bí và hoàng sơ của Kon K’Tu khi xuân về.
Theo già làng A Xép thì từ khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể của nhân loại thì khách tham quan quốc tế và các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đến Kon K’Tu ngày càng nhiều hơn. Hiện, trung bình mỗi ngày Kon K’Tu đón từ 50 -60 khách du lịch nước ngoài và hàng trăm khách trong nước đến thăm quan. Đặc biệt, những ngày xuân, mỗi ngày Kon K’Tu đón vài trăm khách tới thăm.