Đăng Ký  |  Đăng Nhập
 
Tổng quan
 
   
 
Bộ máy tổ chức
 
   
 
Tin tức - Sự kiện
 
   
 
Cơ hội đầu tư
 
   
 
Thủ tục hành chính
 
   
 
Liên kết website
 
   
 
Thư viện Sách - Báo
 
   
 
Hệ thống CSDL
 
   
 
Doanh nghiệp tiêu biểu
 
   
 
Danh lam thắng cảnh
 
   

CHÙA ĐẬU

20/09/2011 12:00:00 SA
Danh lam thắng cảnh

Chùa Đậu nằm ở làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội. Cách trung tâm Hà Nội 24 km về phía nam. Từ Hà Nội, xuôi theo Quốc lộ 1A, qua thị trấn Thường Tín khoảng 2km có biển chỉ, rẽ phải 3km nữa là tới chùa.


Chùa Đậu còn có tên là Thành Đạo Tự, Pháp Vũ Tự, chùa Vua, chùa Bà. Nằm ở làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội.  Chùa được khởi dựng từ thế kỷ thứ III, xây cất lớn vào đời Lý và được trùng tu vào đời Lê (thế kỷ XVII - XVIII) theo cấu trúc hệ thống tứ pháp nhà Phật. 

 Chùa Đậu vốn thờ Tứ Pháp: vân, vũ, lôi, điện (tức là mây, mưa, sấm, chớp). Cuốn sách bằng đồng có từ thời Sĩ Nhiếp đầu thế kỷ thứ III (năm 200-210) hiện cất giữ tại chùa cho biết rõ sự tích Phật giáo là từ ấn Độ du nhập vào Việt Nam.

Cũng như nhiều di tích khác, chùa Đậu nằm ở bìa làng, nhìn ra cánh đồng mênh mông; ngay gần Tam quan (cách một con đường và vạt cỏ nhỏ) là một hồ rộng… tạo cho kiến trúc này có thể đối đãi âm dương, phần nào phản ánh được ước vọng cầu phúc tràn trề.
Mở đầu cho việc tiếp cận với chùa là một Tam quan kiêm Gác chuông hai tầng mái. Người ta cũng nghĩ cả Tam quan tượng trưng cho thái cực, mái trên nhẹ là dương, mái dưới nặng là âm; bốn phía mái là tứ tượng, tám mái lá là bát quá. Tất cả hội lại tạo nên một sức mạnh viên mãn đem tới hạnh phúc cho con người. Đặc biệt, ngay bậc lên Tam quan là đôi chồn đá nhỏ, một bóng dáng khá đẹp của nghệ thuật thời Trần (thế kỷ XIII – XIV). Rồi các mảng chạm bên trong và ngoài Tam quan với rồng chầu mặt trời, phượng, lân, ngựa và chữ cùng hoa cỏ.
Sau Tam quan là một sân rộng, hai bên sân dựng Tả Hữu vu đã khẳng định về yếu tố nhập vào chùa, để phần nào biến Pháp Vũ Phật trở về với tư cách của thần làm mưa. Chính giữa sân là một đường lát, khác hai bên, tạo nên một dũng đạo dẫn từ Tam quan vào Tiền đường. Lối chính giữa được bó bằng rồng đá với 500 năm tuổi. Thành bậc hai lối lên ở bên là rồng do mây hóa.
Chùa chính được bó vỉa bằng đá tảng, trước đây kết cấu theo kiểu nội công ngoại quốc, nền cao. Tiền đường là một tòa nhà mang nghệ thuật của giữa thế kỷ XVII. Kết cấu vì nóc và cốn đều theo kiểu chồng rường, trên bốn hàng chân với các đề tài được chạm trổ rất kỹ với nét chạm dứt khoát và mạnh. Đó là những con rồng với nhiều kiểu dáng, phượng vũ, lân và những vân soắn cùng đao mác. Đây là một kiểu kiến trúc khá hoàn chỉnh, giữ được khá nhiều nét chạm của thời khởi dựng.
Phần Thượng điện cũ đã bị phá trong chiến tranh chống Pháp. Hiện ở đó còn một bệ đá có nhiều nét chạm mang phong cách thế kỷ XVI, nhiều tượng phật cổ, trong am thờ là tượng Pháp Vũ với màu xám sẫm. Tượng này mới được làm lại vào giữa thế kỷ XX, song hầu như theo phong cách tạo tượng ở thế kỷ XVII, nên rất đẹp. Trong chùa chính còn có nhiều hiện vật quý, đó là những viên gạch rồng của thời Mạc (thế kỷ XVI), đánh dấu sự tu bổ trong thời kỳ này. Tiếp đó là những gạch hòm sớ lớn hơn mà trên mặt từng viên có hình hổ hoặc voi, ngựa, chim, thú… đầy chất ngộ nghĩnh, nhiều yếu tố dân gian của thế kỷ XVII.
Một thời chùa Đậu bị chức sắc trong làng chiếm dụng, độc quyền tế lễ, đồng thời làm nơi lui tới sinh hoạt tâm linh của vua chúa và cung tần mỹ nữ, nên các tượng Phật đã bị đưa sang thờ ở một kiến trúc khác (cùng khuôn viên) gọi là chùa Am (hay chùa Dân). Nơi đây còn lại những bệ, đài sen và cả một vài pho tượng rất đẹp có niên đại vào thế kỷ XVI - XVII.
Đặc biệt là tại tòa Tiền đường đã có một khánh gỗ lớn, đồng thời cũng là tấm bảng văn ghi niên hiệu Chính Hòa. Hiện vật này còn thấy rất hiếm trong di sản văn hóa ở nước ta. Tại tòa nhà hậu hiện có nhiều tượng Hậu thần rất đẹp, nhất là hai tượng đã sơn vào thân xác thực của hai nhà sư Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh tồn tại từ thế kỷ XVII tới nay. Hiện tượng này khá độc đáo khiến phần nào chúng ta như thoáng nhớ tới lối ướp xác thành tượng của các vị Đạt Ma - Tây Tạng.

                         
 
Hai di hài bó sơn ta của hai nhà sư Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh
(nguồn Internet)
 
 
Thi hài của hai vị thiền sư này có thể xem là những “quốc bảo”. Được phép của Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Văn hóa, tháng 5-1983 pho tượng nhà sư Vũ Khắc Minh được đưa về Viện Khảo cổ học và được tiến hành đo đạc nghiên cứu và chụp phim X quang tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội để xác định giá trị.
Tượng nhục thân nhà sư Vũ Khắc Minh nặng 7 kg, chiều cao ngồi 57 cm. Qua vết nứt rộng 2mm ở đầu và mặt thấy trong cùng là xương sọ, tiếp đến khoảng không rồi tới lớp bồi dày 2-4mm. Chất liệu bồi là đất gò mối tơi mịn trộn sơn sống, mùn cưa, giấy bản. Phủ ngoài chất bồi này là một lớp sơn ta mầu cánh dán dày 0,1 mm. Hiện nay, đôi chỗ trên tượng hiện ra những lá bạc mỏng phủ ngoài lớp sơn ta, còn ngoài cùng là một lượt quang dầu.
Theo truyền tụng dân gian, cách đây 300 năm, thiền sư đã ngồi thiền với chum nước trong am để uống. Người dặn lại với các phật tử, sau 100 ngày nếu không thấy tiếng mõ nữa thì hãy mở cửa am ra. Nếu thấy thiền sư ngồi im thì cứ để như thế và lấy sơn ta bả lên người và nếu thấy có mùi hôi thối thì dùng nước am xấp lên.
Chùa Đậu, một kiến trúc đặc biệt mang nhiều bản sắc dân tộc, đã đánh dấu một bước phát triển của tín ngưỡng dân dã, đồng thời là một kiến trúc lớn còn giữ được nhiều dấu vết nghệ thuật của nhiều giai đoạn lịch sử. 

 

 
Đơn vị hành chính
 
   
 
Tin mới nhất
 
   
 
Tìm kiếm
 
   
 
Những khúc tình ca
 
   
 
Ảnh đẹp quê hương
 
   
 
Các dịch vụ cộng đồng
 
   
 
Thông tin thời tiết
 
   

18oC

Độ ẩm: 56%

Tốc độ gió: 9km/h

Cập nhật lúc 21:00:00
ngày 2013-03-04

 
Tỉ giá ngoại tệ
 
   
 
  
ĐVT: tr.đ/chỉ
Loại Mua Bán
  
 
Số lần truy cập