Bước đi trên 539 bậc thang đá, trong màn sương khói quẩn quanh, lẩn khuất, càng lên cao tôi càng cảm nhận rõ hơn bầu không khí thâm u của núi rừng quyện với sự linh thiêng của nơi cội nguồn dân tộc.
Về nơi nguồn cội
“ Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”
Đến Đền Hùng vào những ngày này, du khách thập phương được sống trong không khí vui vẻ, hào hứng nhân dịp “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Thời gian này, con đường dẫn về phía chân núi Nghĩa Lĩnh được trang hoàng bằng cờ hoa trên khắp lối đi và cả những hội trại văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày sản vật, văn hóa ẩm thực của các huyện, xã trong tỉnh. Hội trại năm nay không khác nhiều so với mọi năm nhưng vui hơn, mới hơn với các làn điệu hát xoan mượt mà, đằm thắm, với những nét văn hóa dân gian vô cùng đặc sắc có từ thời Hùng Vương. Trong hội trại văn hóa của huyện Tân Sơn, đồng bào Mường tái hiện văn hóa cồng chiêng, dệt vải, bắn nỏ… Trên sân khấu liên hoan hát xoan và dân ca Phú Thọ, các đào xoan thướt tha trong những điệu múa mềm mại luyện tập chuẩn bị cho ngày chính hội.
Đi hết sân trung tâm tổ chức Lễ hội, tôi đến với cổng Đại Môn, bước lên bậc thang đầu tiên hướng về phía Đền Hạ, cảm nhận đầu tiên của tôi là sự tĩnh lặng, linh thiêng của núi rừng nơi đây. Không ồn ào, náo nhiệt, không tấp nập người qua lại, chen lấn, chỉ có âm thanh rỉ rả của côn trùng và tiếng lá cây xào xạc trong gió. Đa phần những người đến đây sớm đều là những cô, chị đi lễ trong bóng áo nâu với bó hương trên tay. Càng lên cao, tôi lại càng cảm nhận rõ hơn sự linh thiêng huyền ảo nơi đất Tổ, có lẽ là bởi những màn sương khói bảng lảng bay, lẩn khuất nơi núi rừng, không thể tan loãng trong không khí. Chính không gian ấy dường như đã dẫn những người hành hương trở lại với kí ức linh thiêng của cội nguồn dân tộc, để rồi có cảm giác tất cả đều lắng đọng trong tâm trí.
|
Cảnh tĩnh lặng tại Đền Trung, thuộc khu di tích Đền Hùng (Việt Trì – Phú Thọ) |
Leo thêm vài bậc thang, cổng đền Hạ đã dần hiện ra trước mắt, tôi bắt gặp một vài người dừng chân để nghỉ phía dưới bên cạnh lối đi. Trong bộ quần áo nâu và cầm chiếc nón phe phẩy, hai bà cụ đang thì thầm tâm sự như không muốn phá vỡ sự tĩnh lặng của nơi thành kính tôn nghiêm. Dừng chân ngồi cạnh, hỏi thăm tôi được hai bà chia sẻ: “Bá (bác) rủ nhau bắt xe khách từ Thanh Thủy (Phú Thọ) cách đây 30km đến đây từ sớm. Đi buổi sáng cho yên tĩnh, đỡ phải chen lấn, mệt ở đâu thì dừng nghỉ ở đấy, không khí lại thoải mái, vừa đi vừa ngắm cảnh”. Nói chuyện với tôi một vài câu, rồi hai bà quay lại câu chuyện họ đang bỏ dở, tiếp tục ngắm cảnh núi rừng và có lẽ là cả để chiêm nghiệm suy tư về một điều gì đó trên con đường hướng về cửa những ngôi Đền.
Đền Hạ trong trí nhớ tôi vẫn vậy, phía bên ngoài bao trùm một màu xanh của núi rừng với màn khói nghi ngút, u tịch phủ trắng như tơ nhện khiến ai cũng phải nín thở, rón rén từng bước nhẹ sợ phá vỡ không gian ấy. Vào trong, cảm nhận đầu tiên ập đến mùi hương trầm ngào ngạt, quện lẫn vào mùi hoa ngấm vào không khí và từng hơi thở. Cùng với đó là cảm giác như được sống ở một nơi khác tách biệt với cuộc sống bên ngoài nơi mọi suy nghĩ, ưu tư như đã trôi ra ngoài đi mất. Cảnh vật và con người đều tĩnh lặng chỉ có những tiếng rì rầm khấn vái và những làn khói bay lên thẳng đứng rồi vỡ tan, lững lờ treo trên mái.
Tiếp tục chuyến đi, từ sân trung tâm lễ hội lên đền Thượng, hệ thống hàng quán được quy hoạch gọn gàng, thức ăn chín để trong tủ kính, niêm yết giá công khai. Trong các điểm di tích, hệ thống hòm công đức, khay đựng tiền "giọt dầu" được đặt ở những nơi hợp lý, có người thu gom. Chính những hình ảnh đẹp này đã giúp người dự hội hiểu hơn giá trị, ý nghĩa của Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, bảo đảm cho mùa hội mới diễn ra trong trật tự, an toàn.
Tự hào con Lạc cháu Hồng
Đi hết 539 bậc thang để đến với Đền Thượng, tôi được có mặt trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh cao 175m, nơi ngày xưa theo truyền thuyết các Vua Hùng thường lên đây tiến hành các nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Từ đây, phóng tầm mắt dõi xung quanh có thể thấy bao quát cảnh vật xa xa phía dưới, những ngôi nhà mái ngói đỏ, nhà máy giấy Bãi Bằng và cả rừng đại ngàn âm u bồng bềnh trong mây sớm. Tất cả đều như có thể thu lại trong tâm trí để rồi lắng nghe và cảm nhận rõ hồn thiêng sông núi.
|
Du khách thập phương hành hương về nơi cội nguồn dân tộc |
Đền Hùng từ lâu đời trong tâm thức dân gian, đã trở thành nơi phát nguyên nguồn gốc, tạo nên sức mạnh của dân tộc, vượt qua những khó khăn trong thời kì giữ nước và dựng nước. Phát biểu tại Lễ đón bằng UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai hội Đền Hùng năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói: Từ nhiều đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các Vua Hùng là Quốc tổ có công dựng nước, là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam. Mọi người Việt Nam đều tự hào mang trong mình dòng máu “Con Lạc - cháu Hồng”. Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử hàng nghìn năm, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn được bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của cả dân tộc. Đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển.
Bởi vậy có thể thấy Hội đền Hùng hay giỗ tổ Hùng Vương là ngày hội quần tụ, ca ngợi sự hưng thịnh của nòi giống, là biểu tượng của tinh thần cộng đồng. Người đến hội mang theo lòng ngưỡng mộ sâu đậm về quê cha đất tổ, một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức người Việt Nam cho dù họ sống ở bất cứ phương trời nào.
Gần trưa, những tia nắng đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện trên cao, đằng sau những vòm lá. Đi xuống chân núi, tôi bắt gặp nhiều gia đình đang cùng nhau hành hương về đất Tổ, ánh lên trong mắt họ là niềm vui, hạnh phúc khi được trở về nơi cội nguồn dân tộc. Trong đó có những em bé vẫn đang ngủ say sưa trên lưng mẹ, một cảm giác yên bình, ấm áp lại trào dâng ùa về trong tôi.
Quang Tấn