Làng nghề Đồng Kỵ lâm vào khủng hoảng

Ông Dương Văn Lạc, Trưởng thôn Đồng Kỵ cho biết, hiện có tới 20% doanh nghiệp tuy chưa tuyên bố phá sản nhưng đã phải sang nhượng, bán ngầm hết đất cát, nhà cửa, và tài sản trong nhà.

Về Đồng Kỵ những ngày này, không khó khăn lắm để có thể nhận ra không khí ảm đạm của làng từng được vinh danh vì có hơn 400 doanh nhân là giám đốc, phó giám đốc, với gần 200 công ty với những biển hiệu san sát trên con đường chính của làng.  

Vào thời hoàng kim, nhà cao tầng, cả trăm xe tải và xe ôtô con láng cóng được người làng xây dựng và mua sắm. Làng Đồng Kỵ đã xuất hiện nhiều tỷ phú: Người ít thì vài ba tỷ, nhưng cũng có "đại gia" có quy mô vốn nhiều chục tỷ cho tới cả trăm tỷ đồng.

Thời thịnh vượng đã biến làng thành phố

Trong cơn say làm giàu, những người dân có chút máu mê làm ăn cho đến những ông chủ lớn ở Đồng Kỵ không phải ai cũng ý thức được rằng, hiểm họa đã manh nha từ việc không lường hết những biến động của thị trường nguyên liệu gỗ. Lợi nhuận, vốn liếng, vay mượn đều dồn vào gom gỗ nguyên liệu cả.

Vốn liếng đổ dồn cả vào gom gỗ nguyên liệu

Giờ hầu hết số gỗ thu gom đều giảm giá khủng khiếp: gỗ trắc loại đẹp năm 2007 giá cao nhất lên tới 600 triệu/m3, giờ sụt xuống còn 250 triệu/m3; loại gỗ trắc tầm tầm lúc cao giá là 250 triệu/m3, giờ còn 140 triệu/m3; gỗ gụ lúc cao là 18 triệu/m3, giờ còn 13 triệu/m3…  

Không còn những đoàn xe tải rầm rập từ sớm tinh mơ chất đầy sản phẩm gỗ cao cấp của làng thẳng tiến về hướng biên giới Trung Quốc. Không ai ở Đồng Kỵ có thể tiên đoán được tại sao thị trường chủ lực Trung Quốc, mua tới 70% sản phẩm, lại "lạnh" nhanh thế.

Người chơi nhiều hơn người làm

Một số khác thì làm cầm chừng

Bà Dương Thị Tám, chủ cửa hàng Tuấn Thu, đã phải tiến hành sản xuất, trưng sản phẩm để bán nhằm tháo vốn, thay vì bày bán nguyên liệu gỗ như trước đây.

Thế nhưng, mặc dù vậy, khách mua nội địa cũng không còn nhộn nhịp như trước. Chị Dương Thị Hoa, Cơ sở đồ gỗ Hoa Hồng cho biết, khách đến mua hàng đã giảm tới hơn 50% và phần lớn chỉ đến để xem hàng.

Khách mua thưa thớt

Khi thị trường đồ gỗ vẫn “đóng băng” thì chuyện phá sản, sang nhượng, gạt nợ bằng xe pháo, nhà cửa tất xảy ra. Ông Dương Văn Lạc, Trưởng thôn Đồng Kỵ cho biết, hiện có tới 20% doanh nghiệp tuy chưa tuyên bố phá sản nhưng đã phải sang nhượng, bán ngầm hết đất cát, nhà cửa, và tài sản trong nhà.

Chị Dương Thị Hoa kể, có người đã bán hết, nhưng vẫn còn thiếu nợ tới cả chục tỷ đồng. Trong con hoạn nạn, mới đây, ở Đồng Kỵ đã xảy ra việc xiết nợ đêm. Cá biệt, cuối năm trước có người đã phải tự tử vì số nợ quá lớn!./.