Website đang trong giai đoạn xây dựng và chạy thử nghiệm rất mong sự đóng góp của quý bạn đọc gần xa.
Skip portletPortlet Menu
Cở chữ: 02:58 PM,03/09/2009
Chùa Ông Mẹt, chùa Ấp Sóc được xếp hạng Di tích Văn hóa

Thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã từng bước lập hồ sơ các di tích trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét công nhận. Ngày 3/3/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 834/QĐ - BVHTTDL và Quyết định số 835/QĐ - BVHTTDL công nhận chùa Ông Mẹt và chùa Ấp Sóc là di tích cấp Quốc gia.

 

Lễ trao bằng di tích


     Trà Vinh gồm cộng đồng dân cư các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa…Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa độc đáo riêng. Đồng bào các dân tộc lại có truyền thống đoàn kết đấu tranh vẻ vang, oai hùng, đặc biệt là trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trải qua quá trình lịch sử, ông cha ta đã để lại trên mảnh đất Trà Vinh nhiều di tích lịch sử văn hóa. Theo số liệu kiểm kê thì toàn tỉnh có khoảng 100 di tích cần liệt hạng để bảo tồn phát huy phục vụ cho việc tham quan, nghiên cứu, học tập. Thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã từng bước lập hồ sơ các di tích trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét công nhận. Ngày 3/3/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 834/QĐ - BVHTTDL và Quyết định số 835/QĐ - BVHTTDL công nhận chùa Ông Mẹt và chùa Ấp Sóc là di tích cấp Quốc gia. Tính đến nay Trà Vinh đã được công nhận 8 di tích gia cấp Quốc và 4 di tích cấp Tỉnh.

      Di tích chùa Bod hi sà la ra ja còn goị là chùa Ông Mẹt tọa lạc ở số 50/1 Lê Lợi, khóm 2, phường 1, thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.

 

Chùa Ông Mẹt.


    Hiện tại, chưa tìm được tư liệu nào xác định chính xác chùa được xây dựng vào năm nào. Tuy nhiên, theo lời truyền kể thì chùa được tạo dựng đầu tiên vào khoảng năm 642 tại khu vực gần sân vận động tỉnh bây giờ. Đến khoảng năm 711, chùa mới được dời về vị trí hiện nay. Trải qua thời gian, ngôi chùa nhiều lần được trùng tu sửa chữa nhưng ngôi chính điện và thư viện hai công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX vẫn giữ được kiểu dáng kiến trúc.

     Chính điện hình chữ nhật được xây theo hướng đông tây, mặt quay về hướng đông trên nền cao tam cấp. Cấp một xây bằng đá cao 1,35m có hàng rào bao quanh. Trên đầu các cột rào trang trí đầu thần bốn mặt Bhramma. Cấp hai xây bằng gạch đại cao 1,13m và cấp ba cấp trên cùng cũng bằng gạch đại cao 0,7m. Ở bốn góc phía trong rào là các tháp dạng Kốte là loại hòm ngày xưa được đục đẽo từ thân cây to. Phía trước hướng đông và phía sau hướng tây là cửa ra vào. Bên trong chính điện ở hướng tây là một bệ thờ lớn. Trung tâm bệ thờ đặt tượng Preas chi rất to ngồi thiền trên tòa sen cùng nhiều tượng khác như: Phật đắc đạo, Phật khất thực, Phật thuyết pháp, Phật niết bàn….Theo nhà nghiên cứu Thái Chợt, sở dĩ Preas chi lớn hơn các tượng Phật khác là vì các bậc tiền bối có ý tưởng khi phật tử nhìn vào họ có cảm giác như Phật đang tồn tại trên thế gian. Khung sườn chịu lực của chính điện như cột, kèo, đòn tay…đều làm bằng gỗ quý. Trên mỗi đầu cột và xiên ngang chạm khắc hoa văn, sơn son thếp vàng. La-phông cũng làm bằng gỗ tốt, chạm khắc công phu, sắc xảo đề tài bánh xe luân hồi, hoa hướng dương, hoa sen là những hình tượng gắn liền với Phật giáo. Trên bốn bức tường vẽ các tranh theo chủ đề phân kỳ sự tích Đức Phật từ lúc còn là hoàng nhi đến khi trở thành hoàng tử rồi xuất cung trốn vào rừng tu đắc đạo thành Phật và nhập niết bàn. Trước bệ thờ Phật là hai pháp tọa dành cho các vị cao tăng thuyết pháp khi chùa tổ chức đại lễ. Cặp pháp tọa này thiết kế theo hình tượng Reach sây (sư tử vua) bằng gỗ quý rất đẹp, có niên đại trên 100 năm tuổi.

     Hành lang bao quanh chính điện trên các đầu cột đều trang trí  tượng Key no, riêng cột ở các góc thì trang trí tượng Krud, tất cả trông rất khỏe khoắn, oai vệ, chống đỡ mái một cách nhẹ nhàng, vừa tăng thêm vẻ đẹp cho chùa vừa mang tính tôn nghiêm nơi thờ tự.

     Mái chùa lợp ngói và thiết kế theo kiểu có nhiều cấp, nếp mái. Mái trên cùng dốc hơn các mái kia. Giữa các cấp mái có rèm che mưa, che nắng làm bằng gỗ, chạm khắc hoa văn. Trên các bờ dãy giáp mí của mái là các con rồng (Phu chông) nằm xoãi dài. Nếu nhìn toàn cảnh từ trên xống ta sẽ thấy một bầy rồng đang tắm nắng. Đầu hồi ở phía trước chạm hình Krud hai tay cầm hai cây đao chéo nhau đỡ thần Âysô. Phía dưới là Riahu đỡ chân Krud. Đầu hồi phía sau chạm khắc hình Wisnu đứng thẳng mình, chân đặt trên hình tượng mặt trời.

     Thư viện lực và sàn đều làm bằng gỗ quý. Năm 1916, để tránh mối mọt từ lòng đất, nhà chùa cho được làm theo kiểu nhà sàn, là loại hình kiến trúc hiện nay rất hiếm. Khung sườn chịu xây gạch dưới các chân cột để bảo vệ lâu dài hơn. Ở các đầu cột và xiên bên trong được chạm khắc hoa văn và sơn son thếp vàng. Đầu hồi ở phía tây chạm khắc hoa hướng dương, đầu hồi ở phía đông là hai sư tử cầm dù che mâm để kinh sách.

     Thư viện được chia làm ba gian: Gian chính dùng để trưng bày sách, hai gian hai bên dùng để đọc. Gian giữa có bức bình phong làm bằng gỗ, chạm khắc công phu, tỉ mĩ đây cũng là tác phẩm mỹ thuật độc đáo. Thư viện cũng quay mặt về hướng đông, hai đầu có cầu thang lên xuống. Tính đến nay ngôi thư viện này đã có trên thế kỷ.

     Chùa ông Mẹt được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật.

     Di tích chùa Bod hi cu là ma ni còn gọi là chùa Ất hoặc chùa Ấp Sóc thuộc ấp Sóc, xã Huyền Hội, huyện Càng Long. Đây là ngôi chùa giàu truyền thống cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

 

Chùa Ấp Sóc.


     Ngay từ những ngày hừng hực khí thế tổng khởi nghĩa cướp chính quyền tháng 8/1945, thì bà con phật tử chùa ấp Sóc đã tham gia nổi dậỵ cướp chính quyền. Khi thực dân Pháp quay lại, dưới sự trụ trì của sư cả Thạch Kim, chùa trở thành cơ sở nuôi chứa cán bộ cách mạng.

     Những năm 1949-1954, nhiều hầm bí mật được đào trong khuôn viên chùa. Với sự che chỡ của các nhà sư, nơi đây là địa điểm an toàn để cán bộ ta nương náo. Ở đây chẳng những an toàn về địa thế mà cả về lòng dân, là cơ sở tin cậy của Đảng của cách mạng. Từ các vị sư sãi đến bà con phật tử đều tận tâm tận lực nuôi chứa, bảo vệ cán bộ trong đó có vai trò rất quan trọng của sư cả Thạch Yên.

     Trong thời gian trụ trì từ 1948-1954, sư cả Thạch Yên đã nuôi chứa bảo vệ  nhiều cán bộ cách mạng như: Nguyễn Đáng (Năm Trung) - Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long, Hồ Nam (Năm Đạt) - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long, Ma ha Sơn Thông - Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội khóa VII, Phạm Hồng Phước (Chín Phước), Phạm Thành Thưởng (Tư Hồng), Phạm Văn Xuyên - Nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh cùng nhiều đồng chí cán bộ cấp huyện, xã.

     Đồng bào Khmer sùng tín đạo Phật, nhưng sư cả đã làm một căn gác kín đáo trên nóc chính điện (la-phông) để cán bộ ta ăn, ở, ẩn tránh địch. Việc làm này đối với một nhà sư là hết sức khó khăn, phải nhiều đêm trăn trở, suy nghỉ. Nhưng với lòng yêu quê hương đất nước, lòng căm thù giặc, bất chấp nguy hiểm sư cả đã quyết định và thuyết phục các vị sư trong chùa đồng tình ủng hộ. Vì vậy, căn gác bí mật này trong một thời gian dài đã nuôi chứa, chở che cán bộ cách mạng an toàn.

     Sang giai đoạn chống Mỹ cứu nước, nhà chùa tiếp tục là nơi nuôi chứa cán bộ và đóng góp nhiều của cải vật chất cho cách mạng. Năm 1959, sư cả Thạch Yên hoàn tục sư cả Thạch Niện thay thế trụ trì chùa và tiếp tục sự nghiệp của sư cả Yên. Sư cả đã vận động và con phật tử của chùa cùng tham gia nhiều cuộc đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, đòi tự do tôn giáo tự do tín ngưỡng, chống bắt lính, chống luật 10/59 của Ngô Đình Diệm. Tiêu biểu cho phong trào đấu tranh này là cuộc biểu tình kéo về tề xã Huyền Hội năm 1962.

     Với tinh thần “Tất cả cho kháng chiến, tất cả để chiến thắng”, “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” nhà chùa đã vận động bà con phật tử đóng góp nhiều lúa gạo, tiền bạc nuôi quân kháng chiến. Riêng nhà chùa đã hiến hàng chục cây dầu dùng đóng quan tài để chôn cất cán bộ chiến khi hy sinh, cùng nhiều dụng cụ bằng đồng cho công trường chế tạo vũ khí đánh giặc.

     Khi nói đến chùa Ấp Sóc nhiều người vẫn không quên được trận đánh ngày 19/11/1966 gắn liền với cái tên lục Bông, lục Chuông. Địch biết lục Bông, lục Chuông trước khi vào chùa tu có quen biết một số cán bộ kháng chiến nên chúng tìm cách dụ dỗ, mua chuộc. Tên Trưởng ty Chiêu hồi mời hai vị sư về Trà Vinh tiếp đãi ân cần và hứa sẽ thưởng nhiều tiền bạc nếu hai nhà sư cung cấp thông tin cộng tác với chúng. Hai vị sư bên ngoài tỏ ra đồng ý nhưng khi về trình bày lại cho đồng chí Sáu Phước - Bí thư, đồng chí Ba Tỏ - Xã đội trưởng xã Huyền Hội bấy giờ biết sự việc và tìm cách đối phó.

     Sau khi nắm được thông tin từ hai vị sư, khoảng 17 giờ ngày 19/11/1966, bọn địch với hơn 70 tên biệt kích đặc biệt toàn là quân chiêu hồi tập trung tại Bình phú rồi kéo vào Huyền Hội để tiêu diệt “Cộng sản” do lục Bông, lục Chuông dẫn đường. Chúng giao cho hai vị sư mỗi người một trái lựu đạn để hộ thân. Đến Lưu Tư - Ấp Sóc, chúng bảo hai vị sư đi trước để dò mìn. Hai vị sư đã bật hộp quẹt làm tín hiệu phát lệnh để quân ta tấn công. Trận đánh diễn ra nhanh chóng, ta đã tiêu diệt và làm bị thương phần lớn quân địch, thu nhiều súng đạn trong đó có một khẩu đại liên 60. Đây là khẩu đại liên đầu tiên mà huyện Càng Long có được.

     Nhắc đến chùa Ấp Sóc trong kháng chiến thì nhiều người còn nhớ tiếng trống, tiếng chuông của chùa chính là tín hiệu báo tin hết sức hiệu quả để ta lẫn tránh địch.

     Thắng lợi lịch sử ngày 30/4/1975, chùa Ấp Sóc đã đóng góp một phần vào công cuộc giải phóng đất nước, và xứng đáng trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia. 

TƯỜNG ĐOAN

In bài

Trà Vinh cùng cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch cụ thể hóa chuong trình phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
An Phú Tân - xã văn hóa đầu tiên của huyện Cầu kè
Tuổi trẻ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trách nhiệm vì cộng đồng
Kế hoạch phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2013
Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch tỉnh Trà Vinh đánh giá kết quả hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm, kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2012
Hiệu quả thiết thực trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh niên qua hoạt động về nguồn
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh qua 6 năm thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
Thành phố Trà Vinh "Tiền đề phát triển"
Hiệu quả từ phát động phong trào thi đua yêu nước của Công đoàn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh
<<  <  1  2  3  4  5  ...  >>  >>