Những di tích đền thờ Nguyễn Bặc

Theo sách: "Đinh triều Nguyễn Công Hành khiển, sắc tặng Quang Lộc đại vương Ngọc phả" và truyền thuyết dân gian, thì lúc đầu Nguyễn Bặc rút quân về vùng "Tả Sơn Động" (tức làng Khê Đầu thượng, Khê Đầu hạ xã Ninh Xuân Huyện Hoa Lư ngày nay). Đinh Điền, Nguyễn Bặc đánh nhau với Lê Hoàn ở sông Đáy, sông Vân và từ vùng hữu ngạn sông Vân đến vùng "Tả Sơn Động". Ngày nay ở bên hữu ngạn sông Vân, tại xóm Nam thôn Phúc Am (nay là phường Phúc Thành, thị xã Ninh Bình) có đền Hiềm để ghi nhớ sự căm giận (hiềm khích) của Nguyễn Bặc đối với Lê Hoàn. Cánh đồng Cửa Lương là nơi để kho lương, đường Cửa Lại hay Cự Lại tương truyền là nơi Nguyễn Bặc đi đi, lại lại suy nghĩ, quyết tâm, "cự lại" Lê Hoàn. Ở đây có một cụm kiến trúc thờ "Đệ Tam Tản Viên Quý Minh đại vương", một vị tướng vủa vua Hùng là đền Hiềm (phường Phúc Thành thị xã Ninh Bình), đền Đô thôn Kỳ Vĩ và đền Dưỡng Khê, xã Ninh Nhất. Nhưng truyền thuyết dân gian lại nói là thờ Nguyễn Bặc. Một số nơi là thờ Cao Sơn đại vương, nhưng lại gắn với truyền thuyết Nguyễn Bặc. Đền Nột Lấm xã Ninh Xuân thờ "Đinh triều tả giám sát hay "Hành Khiển Quang Lộc đại vương" tương truyền là Nguyễn Bặc. Phủ Thành Hoàng hay đền Hành Khiển thôn Áng Ngữ, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư thờ "tả bộc xạ Hành Khiển Quang Lộc đại vương" cũng gắn liền với Nguyễn Bặc.

Có thể khi phải mai danh ẩn tích. con cháo Nguyễn Bặc phải thờ Nguyễn Bặc dưới hình thức thờ Quý Minh, Cao Sơn hay Hành Khiển Quang Lộc đại vương. Chỉ có những sắc phong thời Nguyễn mới ghi rõ "Định quốc công Nguyễn Bặc". Cũng có thể truyền thuyết về Nguyễn Bặc bị đồng hóa với truyền thuyết Quý Minh, Cao Sơn đại vương.

Theo truyền thuyết, Nguyễn Bặc bị hành quyết ở ven bờ hữu ngạn sông Chanh, nơi hành dinh của ông. Con cháu bí mật đưa xác ông về quê, chôn cất ông ở gò Con Cá, cánh đồng chùa thôn Vĩnh Ninh (nay thuộc xã Gia Lập, huyện Gia Viễn). Sau đó con cháu phát tán đi các nơi, mai danh ẩn tích đến thế lỷ XVII, ông Nguyễn Tài Nông từ Gia Miêu ngoại, huyện Tống Sơn (nay là làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) mới về xã Đại Hoàng huyện Gia Viễn (nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình) giữ mộ tổ Nguyễn Bặc. Đây là quê hương của Đinh Bộ Lĩnh và Nguyễn Bặc. Nhân dân địa phương có câu "Đại Hữu sinh vương, Điềm Giương sinh thánh" (Nghĩa là làng Đại Hữu sinh ra vua Đinh, làng Điềm Giương tức Điềm Giang, nói hiệp vần sinh ra thánh Nguyễn Minh Không). Làng Đại Hữu xưa là Đại Hoàng, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 có ba thôn: Văn Bòng, Văn Hà, Vĩnh Ninh. Ngày nay ở làng Văn Bòng có xóm Văn Bòng là dấu tích địa danh của sách Bông xưa. Ở thôn Vĩnh Ninh có nhà thờ Nguyễn Bặc tại thung Mã Tướng dưới chân núi Hồ cạnh núi Lỳ Lân, gần mộ phát tích của nhà Đinh.

Nhà thờ họ Nguyễn ở thôn Vĩnh Ninh do cụ Nguyễn Tài Nông dựng lên thờ ông tổ Nguyễn Bặc. Về sau, con cháu thờ phụ ông Nguyễn Tài Nông và các cụ tổ tiếp theo. Xưa kia nhà thờ rất bề thế, kiến trúc kiểu "tiền nhât - hậu Đinh". Tiền đường 5 gian bằng gỗ xoan, mít vì kèo kiểu thượng giường, hạ kẻ. Trung đường có 3 gian, hai vì kèo giữa theo kiểu kẻ truyền, hai vì kèo bên làm theo kiểu thượng giường hạ kẻ. Hai gian bên trung đường thờ ông Nguyễn Tài Nông và các ông tổ tiếp theo. Gian hậu cung thờ Nguyễn Bặc. Tiền đường đã bị thực dân Pháp đốt năm 1948, mới khôi phục lại.

Ngày nay ở trung đường còn có ba chữ lớn "khởi nghĩa đường" (nghĩa là: Khởi đầu dòng họ Nguyễn). Hàng năm cứ đến ngày giỗ Nguyễn Bặc vào 15/10 (âm lịch), con cháu ở các nơi như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Nam Định, Hà Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh.v.v... Đều về đây bì đây là nơi đất tổ. Còn các nơi khác chỉ giỗ các cụ thế tổ trực tiếp sinh ra chi họ mình.

Ở nhà thờ còn có đôi câu đối sơn son thiếp vàng lộng lẫy:

Vận dực Viêm Giao Cồ Việt Quốc

Thế truyền thang ấp thụ nguyên gia.

(Nghĩa là: Nước Đại Cồ Việt được dựng lên ở đất Viêm Giao

Họ Nguyễn truyền đời ở đất thang ấp (Đại Hữu)

Cũng vào thế kỷ XVII, một chi họ Nguyễn khác từ Gia Miêu (Thanh Hóa) ra làng Ngô Khê Hạ, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư ngày nay, tương truyền là nơi hành dinh của Nguyễn Bặc. Ở đây có 5 làng ở phía đông Kinh đô Hoa Lư xưa, ở hai bên đường Tiết Yết, dụng 5 ngôi đền thờ Nguyễn Bặc. Đó là đình Ngô Khê thượng, đình Ngô Khê hạ, đình Thanh Khê thượng, đình Thanh Khê hạ và đình Áng Ngũ. Các cụ già địa phương cho biết xua kia bốn làng Thanh, Ngô Khê thượng, hạ là một, sau vì mâu thuẫn mới phân xã, tách thôn. Hàng năm ngày giỗ Nguyễn Bặc được tiến hành trong ba ngày 13, 14, 15 tháng 10 (âm lịch). Dân bốn làng thay nhau mỗi làng giỗ chính một năm. Ngày 14 tháng 10 (âm lịch) người ta rước chân nhanh Nguyễn Bặc từ đền Con Cò ven sông Chanh thờ Nguyễn Bặc ở nơi hành quyết ông, về đình và tế trong ba ngày. Ngày 15 tháng 10 (âm lịch) là ngày giỗ chính.

Ba đình ở ba làng kia nay đã bị mất, chỉ còn đình Ngô Khê hạ. Xưa kia ở đình có bức hoành phi ghi bốn chữ lớn "Trung quán nhật nguyệt" (nghĩa là: Trong sáng như mặt trời mặt trăng) và đôi câu đối:

Trung tuấn Long Giang bình xứ Bắc

Danh tiêu Mã Lĩnh quán Cồ Nam.

(Nghĩa là: Lòng trung hiếu lừng lẫy sông Hoàng Long, dẹp yên quan xứ Bắc/ Danh tiếng nêu cao núi Mã yên, rạng rỡ trời Nam)

Qua các di tích thờ Nguyễn Bặc, chúng tôi thấy lúc đầu, vì phải che dấu, nhân dân ta thờ Nguyễn Bặc dưới hình thức Quý Minh, Cao Sơn.v.v... Dần dần thế lực của nhà tiền Lê Hoàn không còn nữa nhấy là vào thời Nguyễn, có lẽ các vua nhà Nguyễn biết Nguyễn Bặc là ông tổ của mình, nên đã phong sắc ghi rõ chức Định Quốc Công của ông. Dù thế nào chăng nữa Nguyễn Bặc vẫn sống mãi trong lòng dân.

Theo "Ninh Bình theo dòng lịch sử văn hóa"