Nhiều di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc bị xâm phạm một cách tùy tiện bằng những hành động thiếu ý thức như sơn lại tượng gỗ cổ và họa tiết kiến trúc nghệ thuật cổ xưa.
|
Các hoạ tiết trong đình Đông Đạo đã bị sơn lại bằng sơn hoá học. |
Biết sai vẫn làm
Chùa Tiền Môn thuộc thôn Hùng Vỹ, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, được xây dựng khoảng đầu thế kỷ XVIII, mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh với quy mô hai tòa: tiền đường 5 gian, thượng điện 3 gian.
Chùa Tiền Môn có hệ thống 37 tượng gỗ phong phú, đạt đến trình độ cao về nghệ thuật. Mỗi pho một kích thước, dáng vẻ khác nhau gắn với nội dung và sự tích của từng vị. Không có tư liệu tuyệt đối chính xác về niên đại xây dựng nhưng qua nghệ thuật tạc tượng của chùa, các nhà nghiên cứu văn hóa đoán định rằng chùa Tiền Môn được xây dựng vào thời Hậu Lê (cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18).
Các pho tượng trong chùa được tạc rất đẹp, công phu, chủ yếu là tượng gỗ. Dáng dấp và phong cách tượng thể hiện bàn tay khéo léo tài hoa của các nghệ nhân, được sơn thếp đẹp, bố trí hài hòa, tạo cảm giác uy nghiêm mà ấm cúng, thiêng liêng mà gần gũi.
Nhờ những giá trị đó, ngày 12 - 12 - 1994, chùa Tiền Môn đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định công nhận là Di tích văn hoá- lịch sử cấp quốc gia. Thế nhưng hiện nay, toàn bộ những bức tượng gỗ cổ kính này đã được sơn lại bằng sơn ta, mất hoàn toàn nước sơn cổ hài hòa ban đầu và những đường nét tinh tế cũng bị che phủ.
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Bá Hiệp - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Văn thời điểm tu bổ, sửa chữa chùa Tiền Môn, cho biết: "Trừ đại bái ra thì chùa Tiền Môn đã được sửa chữa, xây dựng lại hoàn toàn vì thượng điện bị xuống cấp nặng nề, có nguy cơ đổ sụp.
Sau khi sửa chữa lại chùa, chúng tôi nhận thấy hệ thống tượng trông cũ kỹ nên quyết định sơn sửa lại toàn bộ. Các tượng đất bị mối xông chúng tôi phải diệt sạch mối rồi cho sơn lại như tượng gỗ. Biết là sơn sửa như vậy sẽ làm mất đi giá trị lịch sử, nghệ thuật nhưng vì thấy nhôm nhoam quá nên chúng tôi làm lại cho đẹp. Sở Văn hóa Thông tin tỉnh cũng đã phê bình chúng tôi về sự việc này".
|
Hệ thống tượng trong chùa Tiền Môn đã được sơn lại. |
Sơn lại cho đẹp
Cùng chung số phận với chùa Tiền Môn là Di tích lịch sử cấp quốc gia đình Đông Đạo (tên cũ là đình Lộ Đông) thuộc phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là ngôi đình thờ Bạch Hạc Cao Quan Đại Vương (Thổ Lệnh và Thạch Khanh) sống vào thời Hậu Lý Nam Đế.
Đình có kiến trúc bề thế với mặt bằng hình chữ “Nhất” 5 gian 2 dĩ với tổng diện tích sử dụng lên tới 285m2, được khởi dựng vào thời Hậu Lê. Tại đình còn lưu giữ rất nhiều các mảng chạm khắc, trang trí rất đặc sắc cũng như kết cấu, vật liệu kiến trúc tiêu biểu cho kiến trúc đình làng Bắc bộ thuộc giai đoạn cuối thời Lê đầu thời Nguyễn.
Ngày 5-1-1993, đình Đông Đạo được nhận bằng Di tích văn hoá - lịch sử cấp tỉnh. Đến ngày 12-2-1995, sau hai năm, đình Đông Đạo lại được Bộ Văn hoá Thông tin trao bằng công nhận Di tích văn hoá - lịch sử cấp quốc gia.
Khi chúng tôi có mặt tại đình Đông Đạo thì toàn bộ cột dầm xà phần gỗ, gồm 46 cột, 32 xà dọc, 22 xà ngang, 4 kèo góc, 4 câu đầu, 18 cột đội, 6 thượng lương, 50 bậu đỡ xà, 18 xà bảy, 8 kẻ hiên, 8 đầu dư, 4 vì đều đã được sơn lại bằng sơn hóa học màu vàng và đỏ trông rất chói mắt.
Cụ Phùng Tăng Bính - phó Ban quản lý di tích đình Đông Đạo, thủ từ đình - cho biết, năm 2008, ông Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm - đã ký một hợp đồng kinh tế với ông Nguyễn Gia Dưỡng trú trên địa bàn phường về việc sửa chữa đình Đông Đạo với tổng số tiền gần 66 triệu đồng.
Công việc sửa chữa này cũng không được báo cáo lên các cơ quan quản lý có thẩm quyền nên sau khi việc sơn lại đình hoàn thiện, bà Nguyễn Thị Diện - Trưởng ban quản lý di tích tỉnh Vĩnh Phúc - đã xuống tận nơi phê bình Ban quản lý di tích đình.
Trao đổi về sự việc này, bà Diện vẫn chưa hết bức xúc: "Tôi chưa thấy ở đâu lại tùy tiện sơn lại di tích quốc gia bằng sơn hóa học như thế. Về nguyên tắc đã là di tích được xếp hạng thì không được sơn, nếu hỏng thì phải phục chế nguyên bản. Việc phục chế cũng phải rất cẩn trọng và công phu với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân lâu năm trong nghề. Các họa tiết kiến trúc trong đình Đông Đạo chưa hề hỏng mà UBND phường lại sơn cho đẹp, tiêu tốn một số tiền không nhỏ. Như thế thì không thể chấp nhận nổi". (Còn nữa)