15. Tư liệu Hán Nôm mới sưu tầm ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang (TBHNH 1997)

  (19/10/2007)

TƯ LIỆU HÁN NÔM MỚI SƯU TẦM

Ở HUYỆN TÂN YÊN TỈNH BẮC GIANG

LÂM GIANG

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Tháng 9 năm 1997, các cán bộ phòng Văn tịch Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiến hành đợt sưu tầm tư liệu Hán Nôm tại huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang. Huyện Tân Yên mới thành lập ngày 6 tháng 11 năm 1957. Trước đó, Tân Yên là phần đất phía nam của huyện Yên Thế, mà sử sách và dân gian thường gọi là miền Yên Thế Hạ.

Hồi trước Cách mạng tháng Tám, Trường Viễn đông Bác cổ Pháp đã tiến hành sưu tầm tư liệu Hán Nôm, đặc biệt cho làm thác bản văn bia ở hầu hết các huyện trong tỉnh Bắc Giang, trừ huyện Lục Ngạn (nay chia thành 3 huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động) và huyện Yên Thế (nay chia thành 2 huyện: Yên Thế, Tân Yên) là những huyện miền núi cao, dân cư thưa thớt, đình chùa miếu mạo không nhiều. Riêng huyện Yên Thế, nhất và vùng Yên Thế Hạ, dân cư cũng khá đông đúc, nhiều làng cổ, nhưng vẫn bị bỏ qua, có thể có người Pháp còn e đối với một vùng trung tâm cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám đứng đầu, kéo dài suốt từ năm 1884 đến năm 1913 chăng?

Như thế thì, tư liệu Hán Nôm, nhất là các thác bản văn bia ở huyện Yên Thế trước đây (Tân Yên và Yên Thế ngày nay) chưa được sưu tầm. Cũng chính vì vậy hiện ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm chưa có thác bản văn bia nào của huyện Yên Thế được lưu giữ. Và cũng chính vì vậy đợt sưu tầm lần này của các cán bộ phòng Văn tịch Viện Nghiên cứu Hán Nôm hết sức có ý nghĩa. Kết quả đoàn cán bộ đã sưu tầm, lập bản thống kê tình hình tư liệu Hán Nôm của 23 xã với 352 thôn, khảo sát trên 100 đình chùa, lăng tẩm, từ chỉ, văn chỉ v.v… Đáng tiếc, kết quả cụ thể thu được không bao nhiêu, chỉ ghì chép được 70 câu đối, 47 hoành phi. Số câu đối hoành phi nằm rải rác ở các xã, như sau:

1. Xã Song Vân: 3 đôi câu đối.

2. Xã Lam Cốt: 3 đôi câu đối.

3. Xã Ngọc Thiện: 2 đôi câu đối.

4. Xã Việt Ngọc: 8 đôi câu đối.

5. Xã Việt Lập: 3 đôi câu đối, 3 bức hoành phi.

6. Xã Quế Nham: 1 đôi câu đối, 3 bức hoành phi.

7. Xã Phúc Sơn: 14 đôi câu đối, 14 bức hoành phi.

8. Xã Đại Hóa: 5 đôi câu đối, 8 bức hoành phi.

9. Xã Nhã Nam: 9 đôi câu đối, 10 bức hoành phi.

10. Xã Tân Trung: 2 đôi câu đối, 1 bức hoành phi.

11. Xã Liên Sơn: 4 đôi câu đối, 1 bức hoành phi.

12. Xã Lam Giới: 2 đôi câu đối, 4 bức hoành phi.

13. Xã Hợp Đức: 4 đôi câu đối.

14. Xã Cao Thượng: 8 đôi câu đối, 14 bức hoành phi.

15. Xã Cao Xá: 2 đôi câu đối.

Những câu đối hoành phi trên đây, số được khắc trên gỗ sơn son, thếp vàng không nhiều, phần lớn được viết trên cột xây, hoặc chép lại trên vải đỏ… vì vậy dòng lạc khoản thường không có.

Về văn bia, số còn lại quá ít ỏi, có tới 70% số xã không còn bia, số xã còn bia cũng chỉ lác đác. (Xin xem bảng thống kê số bia hiện còn ở huyện Tân Yên, dưới đây)

Xem bảng thống kê thấy bia của huyện Tân Yên hiện có: 15 bia hậu Phật, 5 bia hậu thần, 8 cây hương, 6 bia lăng, 4 biển gỗ, bia gỗ, 1 bia gửi giỗ, 1 chuông.

1. Về bia hậu: Bia hậu thần, hậu Phật, gửi giỗ ở đây cũng giống như những bia ở các địa phương khác: Một người hoặc một nhóm người, cúng tiến tiền, ruộng vào đình, chùa… được dân bầu hậu, hưởng các tiết thờ cúng trong năm. Bia hậu hiện còn ở Tân Yên xuất hiện nhiều thời Tự Đức: 8 bia, số còn lại 3 bia đời Thành Thái, 3 bia đời Cảnh Hưng, 2 bia đời Chính Hòa, 2 bia đời Khải Định, 1 bia đời Thịnh Đức, 1 bia đời Duy Tân, 1 bia đời Gia Long, 1 bia đời Bảo Đại. Trong đó có 1 bia hậu Phật khắc cho Thái giám để tại tiền đường chùa thôn Đông La, xã Quế Nham, đây cũng là một ngôi chùa còn giữ được khá nguyên vẹn, ít thấy ở Tân Yên ngày nay. Bia dựng năm Vĩnh Hựu thứ 4 (1738) bài văn do Từ Trì Đào Lý Quật, đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Sửu (1697), Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Hình bộ Hữu thị lang, trí sĩ, tước Phương Lĩnh bá, soạn.

Đào Duy Quật, tức Đào Hoàng Thực (1670-?), người xã Thượng Trì, huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Liên Hồng, Đan Phượng, Hà Tây). Sau ông làm quan đến Hình bộ Thượng thư, tước Phương quận công.

Người viết chữ cho văn bia là Thực Nghĩa Đào Thường, đỗ thư toán khoa Ất Sửu, niên hiệu Chính Hòa 6 (1685), giữ chức Thị nội thư tả Binh phiên, Tiến công thứ lang, Huyện thừa huyện Hội Ninh.

Văn bia cho biết: Cụ họ Giáp – Giáp tướng công tước Lập quận công, tự Trung Túc, thụy Cẩn Đạt phủ quân, Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Thị Nam cung, phó thủ hiệu Tiền tượng cơ, Phó cai quan tri Thị nội thư tả Binh phiên Thị cận thị nội giám Tư lễ giám Tổng thái giám Đô chỉ huy sứ ty Đô chỉ huy sứ, phong tặng Tham đốc Thượng trụ quốc thượng trật, Lập quận công, Giáp tướng công, tự Trung Túc, tứ thụy Cẩn Đạt phủ quân. Cụ đã công đức cho tam bảo ruộng đất tại bản xã là 5 mẫu 5 sào 8 thước 6 tấc, một thửa ở trong chùa 3 mẫu 5 sào 12 thước, 8 tấc, nên bản xã đã bầu cụ làm hậu thần. Cụ Lập quận công tức Giáp Đăng Luân, còn có 2 bia lăng, 1 bia từ chỉ sẽ nói sau.

2. Cây hương: Cây hương ở Tân Yên thường có tên “Thiên đài thạch trụ”, xuất hiện nhiều vào đời Chính Hòa 4 cây, 3 cây dựng đời Bảo Thái, 1 cây dựng đời Long Đức. Nội dung của bài văn khắc trên cây hương nghèo nàn, thường chỉ kê họ tên những tín thí cúng tiền để dựng cây hương.

3. Chuông: Cả huyện hiện chỉ còn một quả chuông duy nhất để tại chùa Linh Ứng thôn Kim Tràng xã Việt Lập, một ngôi chùa cũng giữ được nguyên vẹn, đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Bài văn khắc trên chuông nói rõ các tín thí thập phương đã gom góp từng cân đồng, từng lạng chì và số tiền nhiều ít khác nhau để đúc chuông, vì quả chuông cũ - một quả chuông lớn, trải mấy phen binh loạn, đã bị mất. Chuông đúc năm Cảnh Thịnh 8 (1800), chữ Cảnh Thịnh vẫn còn nguyên vẹn, không bị đục đi như ở các chùa đình khác.

4. Biển gỗ: Hiện ở chùa Thú, xã Việt Lập có 2 biển gỗ, thực chất là bia gỗ, nguyên đề “Hữu biển thông tri”, đều khắc năm Cảnh Hưng Giáp Thìn (1784), không khắc tên người soạn văn. Biển gỗ thứ nhất cho biết: Quan viên sắc mục hai phường phía đông và phía tây chùa Phán Thú xã Bảo Lộc Sơn, huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang, đạo Kinh Bắc là Giáp Danh Phiên, Giáp Bá Hồ, Trần Thế Lộc, Giáp Công Chính… dâng biển công đức.

Nguyên là Trưởng quan thị Hữu trung cung phụng sai phụ tá thủ hiệu Tả uy cơ, Phó cai cơ, tri Thị nội thư tả, Hữu đô đốc, Thái thọ hầu Nguyễn Giáp Thái và vợ là chánh phu nhân Trịnh Thị Thịnh, đã phát tâm bồ đề, tự bỏ tiền, thóc, gỗ hưng công xây cất tam bảo, gồm thượng điện, tiền đường, hết thảy đều làm mới. Bia còn kê họ và tên 74 tín thí thập phương đến làm công đức, trong đó có Huyện thừa Giáp Đình Chân, Hoằng tín đại phu Giáp Công Khâm, Hiển cung đại phu Giáp Danh Linh. Hiển cung đại phu Giáp Danh Vượng, Sinh đồ Giáp Bá Hồ…

Biển gỗ thứ hai, cũng ghi tên người đứng ra hưng công là Nguyễn Giáp Thái cùng với gần 100 thiện tín thập phương khác.

Bài văn bia còn cho biết thêm: Ngôi chùa này từ cổ vẫn gọi là chùa Phán Thú, nhưng qui mộ nhỏ hẹp, lâu ngày bị đổ nát, nay dân 2 phường Đông, Tây làm lại là do có ông bà Nguyễn Giáp Thái đứng ra hưng công. Các tiết cúng lễ phải sắm đủ oản, hương, bánh dầy, chuối, trầu, gạo nếp. Sau khi cúng phải đem biếu trưởng quan Nguyễn Giáp Thái và ngày 12 tháng giêng hàng năm lễ tạ một con lợn.

Hiện nay ngôi chùa vẫn giữ được nguyên vẹn như xưa, nhưng theo Hậu Phật bi ký hiện còn trong chùa, thì chùa cũng đã sửa chữa nhỏ vào năm Tự Đức 10 (1857).

Tại thôn Bùi xã Cao Thượng cũng có một biển gỗ khắc năm Bảo Đại 19 (1945), nói về việc trùng tu ngôi chùa làng. Đặc biệt ở làng Đinh xã Cao Xá có tấm bia gỗ, khắc năm Tự Đức 17 (1804) nói về dòng họ Dương, trong đó có người là Quận công cho nhà Mạc. Đây là tấm bia có hình dáng như tấm bia đá, cũng có lưỡng long chầu nguyệt ở trán bia, xung quanh có hoa dây tiếp nối và đặt trên bệ gỗ.

5. Bia lăng, từ chỉ: Liên quan đến Nguyễn Giáp Thái vừa nói trên, tại đình Ngò, xã Việt Lập có tấm bia hình trụ, một loại hình bia ít thấy ở Việt Nam, cho thấy một số tình tiết khá lý thú. Bia có chu vi đáy dưới là 177 cm, đáy trên 166cm, cao 90cm, kể cả phần chóp cao 1m1. Bia đặt trên bệ hình tròn 3 cấp, chóp bia tạo thành nụ sen sắp nở. Bài văn bia do Thiêm sai tri Thị nội thư tả Binh phiên, phụng sai vương tử hữu cú giảng Đông các hiệu thư, Duy Tiên Lê Xá Lý Trần, đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu, soạn.

Tra trong Đăng khoa học, khoa Kỷ Sửu 1589 không thấy ai họ Lý ở Lê Xá. Còn khoa Kỷ Sửu 1709 thì hoãn vào năm Canh Dần 1710, nhưng ở khoa này cũng không thấy ai họ Lê ở Lê Xá?

Nội dung văn bia cho biết, Viên mục xã Bảo Lộc Sơn, huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang là Giáp Danh Phiên, Giáp Danh Điền, Giáp Danh Tiên… bầu hậu Phật. Do bản xã có quan Thái giám giữ chức Cai cơ, Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Tụ vũ cơ quân sự Tham đốc Bắc quân hữu bảo, trí sĩ, Thái Thọ hầu Nguyễn Giáp Thái và chánh phu nhan Trịnh Thị Thịnh đã làm cho bản xã một ngôi đình lớn 3 gian 2 chái, phía ssau đình lại dựng một ngôi đền 3 gian, đều bằng gỗ lim, lợp ngói. Lại cho 4 lạng vàng, 50 lạng bạc, 350 quan tiền sử, 8 mẫu ruộng, 1 cái ao để dân xã dùng vào việc hương hỏa và sửa chữa đình, đền sau này. Phần tiếp theo của văn bia là kê những khoán ước của dân đối với hậu thần Nguyễn Giáp Thái, như:

- Hàng năm làm giỗ tại đình, dùng xôi gà.

- Ngày tế chính quan hậu thần, 1 lợn, 3 mâm xôi, 1 nồi cơm trắng, 1 vò rượu, trầu cau đủ ăn.

- Số tiền, số ruộng ấy dùng để tế tự hàng năm, nếu người nào tranh chiếm, thì trời đất quỉ thần chiếu giám, trừng phạt tội bất hiếu.

- Đình trung nếu sau này bị hủy hoại, bản xã làm ngơ không sửa chữa, “nguyên có thiên địa quỉ thần tru diệt”(!).

- Làm đình định điều ước là để được hưởng hương hỏa đến ức vạn năm. Bản xã hoặc người nào làm trái lời giao ước thì thiên địa quỉ thần tru diệt…

Như vậy, lời giao ước khá nghiêm túc, nặng tính thề thốt. Trớ trêu thay! lời giao ước ấy, không giữ được đến “ức vạn năm” như văn bia đã nói, mà mới chỉ 74 năm sau, vào năm Gia Long thứ 7 (1808) ngôi đình lớn bị đem đi phát mãi. Ngày nay tới thăm thấy nền cũ vẫn còn, ngôi đền nhỏ 3 gian phía sau đình vẫn còn, tấm bia hình trụ dựng ngay trước cửa đền, nơi đó xưa co mái đình che. Dân xã sau khi bán ngôi đình, đã cho khắc vào khoảng trống của tấm bia hình trụ đo, rằng: Ngày 14 tháng 3 năm Mậu Thìn, các hương lão, viên chức, xã thôn trưởng, đinh nam, cùng các bậc trên dưới trong toàn xã khắc bia ghi việc. Do năm Nhâm Tuất, bản xã phiêu tán, bỏ thiếu thuế cong, mất nghề làm ăn, nên bản xã cùng tình nguyện phát mãi đại đình, gồm 3 gian 2 chái, đá tảng các loại, thu được một số tiền công, điền nạp vào thuế vải trắng, mong được phục hồi nghề cũ, an cư lạc nghiệp. Vì vậy lại khắc vào bia để bảo cho người đời sau biết. Còn các lễ tiết, tế lễ vẫn theo y như trong bia không dám làm trái. Tháng 3 năm Gia Long thứ 7 (1808), khắc.

Lời thanh minh trong bia cho ta biết thêm, thời ấy, dân xã có nghề dệt vải quan thiết đến đời sống, có lẽ cũng khá phát triển.

Liên quan đến bia lăng thái giám, tại lăng Phục Chân Đường thôn Ngọc Trai, xã Việt Lập còn có 2 bia không đề, đều khắc năm Vĩnh Khánh nguyên niên (1729), không soạn giả, chỉ khắc người viết chữ: Phan Đăng Thọ thi trúng thư toán khoa Tân Mão, là Thị nội tuyển, Tiến công thứ lang, Huyện thừa huyện Thanh Lan. Nội dung văn bia cho biết: Xã Chuế Dương, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang có vị Phó thư hiệu Thị hầu thị tuyển đội Liễm tri, Thị nội thư tả Hộ phiên, thị cận Tư lễ giám Thái giám Lập Nghĩa hầu Giáp Đăng Luân, nhân lúc nhàn hạ, tìm mua được một khu đất riêng ở chỗ giáp giới giữa các xã Chuế Dương, Nghĩa Vũ, Kim Chàng, Bảo Lộc sơn, chỗ ấy gọi là vườn ngọc trai, để xây lăng Phục Chân Đường. Số đất còn lại trồng lúa, cây ăn quả, giao cho con em trông nom, để sau khi trăm tuổi, làm nơi nhàn du. Khu vườn Ngọc Trai, trong ngoài đều vây bằng cây do nha(1), ở giữa đã thành ruộng và cây tạp… đều dùng làm ruộng tế. Cho thân thuộc, đệ tử, người nào tình nguệyn cư trú trông nom đều chiểu theo số người đã ở mà chia đều cho nhau cày cấy, dùng làm nhu phí cúng giỗ và tu sửa làng Phục Chân Đường. Nếu người nào không ở trong khu đó, thì trả lại ruộng đất, vườn tược, không được tranh chiếm.

Bia thứ 2 trong lăng khắc những lời giao ước của những người tình nguyện vào ở khu vườn. Trong bia thấy ghi 17 người đứng ra lập khoán ước, trong đó chỉ có 3 người họ Giáp, còn lại là họ Nguyễn, họ Sái, họ Vũ, họ Trịnh, họ Hoàng, họ Lương. Nói là khu vườn, nhưng chiếm cả một vùng đất rộng lớn, sau đó ít lâu đã trở thành làng Ngọc Trai, tục gọi là làng Vườn.

Liên quan đến Giáp Đăng Luân, tại nhà thờ họ Giáp thôn Đông La, xã Quế Nham có bia: Đức Hinh sơn nhưỡng từ bi ký dựng năm Bảo Thái 5 (1724). Bài văn bia do Gia Bảo Phạm Chuyết Phủ, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, khoa Canh Dần (1710), Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu Bồi tụng Binh bộ Thị lang, Nhập thị kinh diên, tước Thuật Phương hầu, soạn. Phạm Chuyết Phủ, tức Phạm Khiêm Ích (1679-1741), người xã Bảo Triện, huyện Gia Định (nay thuộc xã Nhân Thắng, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh).

Bài văn bia còn được 2 người nhuận sắc:

- Đông Phù Nguyễn Tĩnh Am, đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn, Đặc tiến kim tử, Vinh lộc đại phu, Tham tụng, Lễ bộ Thượng thư tri Trung thư giám, tước Sóc quận công, tức Nguyễn Công Hãng (1680-1732) xã Phù Chẩn, Đông Ngàn (nay thuộc Tiên Sơn, Bắc Ninh), sau làm quan đến Thượng thư bộ Lại, thăng Thái bảo, một công thần nổi tiếng đời Lê Hi Tông, sau bị giáng, ép uống thuốc độc chết.

- Phong Mai Lê Thuần Phủ, đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Tuất, Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Tham tụng, Binh bộ Thượng thư, tước Điện quận công, Thượng trụ quốc, tức Lê Anh Tuấn (1671-1734), người xã Thanh Mai, huyện Tiên Phong (nay thuộc xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây), giữ chức Thượng thư bộ Hộ, Thái bảo. Nổi tiếng văn học, bạn thân Nguyễn Công Hãng, cũng bị bắt tự tử như Công Hãng, vì vây cánh của Trịnh Giang vu tội âm mưu phế lập thế tử?

Nội dung văn bia cho biết: Ba thôn Ngọc Tài, Đông La, Tiền Đình xã Chuế Dương huyện Yên Dũng dự xây cất ngôi “Hậu thần từ chỉ”. Ấp nhà có quan Thị hữu trung cung, kiêm tri Thị nội Thư tả Hộ phiên, thị hữu thủy hiệu thị hầu thị tuyển đội tuyển thị cận, Tư lễ giám đồng tri giám sự, Lập Nghĩa hầu Giáp Đăng Luân đã cấp cho bản xã 10 mẫu ruộng, 100 lượng bạc dòng, 500 quan tiền sử, để bản xã chọn ngày giờ tốt dựng một ngôi sinh từ để sau này phụng thờ. Tiếp theo mặt 2, khắc những lời giao ước, các qui định về đồ tế lễ cho ngày mất, ngày giỗ. Đặc biệt lễ tháng giêng có rước ảnh hậu thần, mở trò vui (tác hí trường) v.v…

Như vậy, Giáp Đăng Luân đã cho dựng 4 bia ở 3 thời điểm khác nhau, 2 nơi khác nhau:

1. Năm Bảo Thái 5 (1724), tại nhà thờ họ Giáp thôn Đông La xã Quế Nham, xây cất “Hậu thân từ chỉ”, như nội dung văn bia đã nói trên, tức là một ngôi sinh từ, chuẩn bị sẵn cho mình một nơi “tiêu dao” sau khi trăm tuổi. Lúc này Giáp Đăng Luân mới là Thái giám, tước Hầu: Lập Nghĩa hầu.

2. Năm Vĩnh Khánh 1 (1729), tại thôn Ngọc Trai xã Việt Lập xây lăng Phục Chân Đường, chuẩn bị nơi chôn cất cho mình sau khi qua đời. Lúc này Giáp Đăng Luân cũng vẫn là Thái giám, vẫn tước hầu: Lập Nghĩa hầu.

3. Năm Vĩnh Hựu 4 (1738), tại chùa thôn Đông La, xã Quế Nham, Giáp Đăng Luân được bầu hậu ở đây. Lúc này, ông đã qua đời, trước lúc qua đời ông là Tổng thái giám, tước Công: Lập quận công. Sau khi qua đời được phong tặng Tham đốc Thượng trụ quốc, Thượng trật.

Tại làng Um, xã Việt Lập mới phát hiên được cuốn Giáp thị gia phả chính biên, biên soạn năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) sao lục lại năm Bảo Đại thứ 5 (1930). Gia phả chỉ còn vẻn vẹn 14 trang, khoảng 1500 chữ, toàn văn chữ Hán, có Nôm, viết chân phương, đôi chữ viết đá thảo, nhưng đều rõ ràng, dễ đọc. Gia phả cho biết, tiên tổ họ Giáp, người Cổ Bi (Gia Lâm), khoảng cuối đời Hồ trở về trước, một chi từ Cổ Bi dời về Dĩnh Kế. Cuối đời Hồ cụ Thuận Trung tự Phúc Chính, lánh nạn về xã Thiết Nham huyện Yên Dung. Đến đời Mạc, Giáp Hải là anh, đỗ Trạng nguyên ra làm quan, rồi về hưu tại Dĩnh Kế. Giáp Hà là em di cư đến xã Bảo Lộc Sơn (nay xã Việt Lập, huyện Tân Yên). Giáp Hà sinh ra Giáp Đăng Luân (năm 1549), tên hiệu Khánh Sơn tiên sinh, tên húy Đăng Luân, mất năm 1621. Trong cuốn Trạng nguyên Giáp Hải, Sở văn hóa Thông tin Bắc Giang xuất bản năm 1997, chúng tôi dựa vào chi tiết vừa nêu trên, cho rằng, Giáp Đăng Luân trong gia phả chính là Giáp Đăng Luân có lăng Phục Chân Đường ở Ngọc Trai, có sinh từ ở Đông La như đã trình bày. Khi viết Trạng nguyên Giáp Hải, chúng tôi khảo sát hai bia ở lăng Phục Chân Đường chưa thật kỹ, lần này không những sưu tầm thêm 2 bia ở thôn Đông La xã Quế Nham, mà còn in rập được thác bản đầy đủ; có điều kiện tìm hiểu kỹ, thấy rằng, như trên đã trình bày, Giáp Đăng Luân, đã cho xây sinh từ tại thôn Đông La, bia ghi sự việc này khắc năm 1724, và ít lâu sau, ông lại mua một khu đất ở Ngọc Trai, xây lăng Phục Chân Đường, văn bia khắc năm 1729. Những việc trên đều tiến hành khi ông vẫn còn sống. Đến khi ông mất đã được bầu hậu Phật tại chùa thôn Đông La và dựng bia vào năm 1738. Trước đây chúng tôi cho rằng, những sự kiện trên xảy ra trước, còn bia thì mãi sau này mới dụng. Nhưng nay xét kỹ thấy điều này không hợp lý, vì Giáp Đăng Luân tức Khánh Sơn tiên sinh trong Gia phả mất năm 1621 mà mãi đến năm 1724, 1729, 1738 mới dựng bia thì thời điểm dựng bia cách quá xa. Nếu có dựng bia chậm cũng chỉ vài chục năm là nhiều, không có lẽ chậm đến hơn trăm năm? Như vậy vấn đề còn phải tiếp tục làm sáng tỏ.

Bảng thống kê số bia hiện có ở Tân Yên

 

Số

Tên bia

Nơi để

Niên đại

Tác giả

Loại

Ghi chú

Thôn

1

Hậu Phật bi ký

 

Đại Hóa

Thành Thái 4 (1892)

Không

Bia hậu Phật

 

2

,, ,, ,,

 

,, ,, ,,

Tự Đức 10 (1857)

Nguyễn Thế Hưng (hương lão)

,, ,,

 

3

,, ,, ,,

 

,, ,, ,,

,, ,, ,,

Không

,, ,, ,,

 

4

,, ,, ,,

 

,, ,, ,,

Tự Đức (1853)

Chúc Thế Tài (hương lão)

,, ,,

 

5

,, ,, ,,

 

,, ,, ,,

Thành Thái 4 (1842)

Không

,, ,,

 

6

,, ,, ,,

 

,, ,, ,,

Tự Đức 10 (1857)

,,

,, ,,

 

7

,, ,, ,,

 

,, ,,

,, ,, ,,

,,

,, ,, ,,

 

8

,, ,, ,,

 

,, ,,

Tự Đức 6 (1853)

,,

,, ,,

 

9

Hưng công thạch trụ bi ký

Thế Nội

Việt Ngọc

Bảo Thái 4 (1723)

,,

Cây hương

 

10

Tân tạo hưng công nhất trụ thiên đài

,,

,,

Chính Hòa 25 (1704)

,,

,,

 

11

Hậu Phật bi ký

,,

,,

,,

,,

Bia hậu Phật

 

12

Thiên đại thạch trụ

,,

,,

,,

,,

Cây hương

 

13

Hậu thần bi ký

Trại

Cao Xá

Cảnh Hưng 38 (1778)

,,

Bia lăng

Thái giám Giáp Đình Liên

14

,, ,, ,,

,,

,,

,, ,, ,,

,,

,,

,,

15

Hữu biển thông tri 1

Ngò

Việt Lập

Cảnh Hưng giáp Thìn (1784)

,, ,,

Biển gỗ

Hậu Phật

16

Hữu biển thông tri 2

,,

,,

,,

,,

,,

,,

17

Thiên đài thạch trụ

,,

,,

Chính Hòa 5 (1684)

,,

Cây hương

 

18

Hậu Phật bi ký

,,

,,

Tự Đức 10 (1857)

,,

Bia hậu Phật

 

19

Giáp gia từ chỉ bi ký

,,

,,

Cảnh Hưng 35 (1734)

Lý Trần (Tiến sĩ)

Bia Thái giám

Nguyễn Giáp Thái

20

Linh Ứng tự chung

Kim Tràng

,,

Cảnh Thịnh 8 (1800)

Không

Chuông

 

21

Bia không đề (1)

Ngọc Trai

 

Vĩnh Khánh 1 (1729)

Phan Đăng Thọ (Thư toán)

Bia lăng

Thái giám Giáp Đăng Luân

22

Bia không đề (2)

,,

,,

,,

Không

,,

,,

23

Hậu thần bi ký

Nguyễn

,,

Cảnh Hưng 4 (1743)

,,

Hậu thần

 

24

Hậu Phật bi ký

Đông La

Quế Nham

Vĩnh Hựu 4 (1738)

Đào Lý Quật (Tiến sĩ)

Bia hậu Thái giám

Giáp Đăng Luân

25

Đức Hinh Sơn ngưỡng từ bi ký

,,

,,

Bảo Thái 5 (1724)

Phạm Chuyết Phủ (Tiến sĩ)

Bia từ chỉ

Thái giám Giáp Đăng Luân

26

Thiên đài thạch trụ

Phú khê

,,

Bảo Thái 5 (1724)

Không

Cây hương

 

27

,, ,,

,,

,,

Long Đức 2 (1733)

,,

,,

 

28

,, ,,

,,

,,

Vĩnh Khánh 3 (1731)

,,

,,

 

29

Ký kỵ bi minh

,,

,,

Tự Đức 34 (1881)

,,

Bia gửi giỗ

 

30

Bia không đề

,,

,,

Thịnh Đức 2 (1654)

,,

Bia hậu thần

Quận Công Nguyễn Công Luận

31

Thiên đài thạch trụ

Ngo

Song Vân

Chính Hòa 24 (1703)

,,

Cây hương

 

32

Không đề

Bùi

Cao Thượng

Bảo Đại 19 (1945)

,,

Biển gỗ

Trùng tu chùa

33

Hậu Phật bi ký

Đầu lầu

,,

Duy Tân 3 (1910)

,,

Bia hậu Phật

 

34

Hậu Phật bi ký

Phúc Lễ

Phúc Hòa

Chính Hòa 11 (1690)

,,

Bia hậu Phật

 

35

,,

Hòa Làng

,,

Khải Định 5 (1920)

,,

,,

 

36

Lập hậu bi

Hậu

Liên Trung

Thành Thái 10 (1898)

,,

,,

 

37

Hậu thần bi ký

Lãn tranh

,,

Gia Long 5 (1806)

,,

Gia hậu thân

 

38

Hậu phật bi ký

,,

,,

Khải Định 8 (1923)

,,

Bia hậu Phật

 

39

Không đề

Dinh

Cao Xá

Tự Đức 17 (1864)

,,

Bia gỗ

Họ Dương quận công đời Mạc

40

Hậu Phật bi ký

Nhã Nam

Nhã Nam

Bảo Đại 15 (1940)

,,

Bia thu Phật

 

Thông báo Hán Nôm học 1997 (tr.117-132)

In bài viết  Đóng lại