9. Văn bia huyện Yên Phong: sơ bộ đánh giá (TBHNH1995)

05/01/2009

VĂN BIA HUYỆN YÊN PHONG: SƠ BỘ ĐÁNH GIÁ

LÂM GIANG

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Yên Phong là một huyện đồng bằng nằm ở phóa Tây nam sông Cầu, tỉnh Hà Bắc. Toàn huyện có 18 xã với 81 thôn, dân cư đông đúc, kinh tế văn hóa khá phát triển. Trước đây, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, huyện Yên Phong cũng là một trong những huyện bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Các điểm di tích như đình, đền chùa miều... nhiều nơi không còn xót đến một viên ngói. Có xã không còn nổi một điểm di tích nhỏ. Mặc dù vậy, trong đợt sưu tầm năm 1993 của hơn một chục anh chị em cán bộ Viện nghiên cứu Hán Nôm, cũng đã thu được kết quả khá khả quan: in rập 303 mặt bia, 20 quả chuông, chép được 450 đôi câu đố, 315 bức hoành phi.

Trước cách mạng Tháng Tám, Học viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp cũng đã từng làm việc này, họ đã điều tra khá kỹ ở Yên Phong, nhưng cũng chỉ in rập văn bia, còn các bài văn khắc trên chuông, câu đối, hoành phi v.v... hầu như còn để trống. Ngay cả văn bia, cũng còn bỏ sót những tấm bia rất quan trọng như bia thần tích, bia lập bến đò, bia lập vạn Đài Bàng ở Đại Lâm, xã Cam Đa bia họ Hoàng ở Phù Cẩm, xã Dũng Liệt, bia họ Ngô ở Như Nguyệt xã Tam Giang, v.v.

Nhìn vào kết quả sưu tầm hồi trước cách mạng Tháng Tám, thấy mật độ phân bố bia huyện Yên Phong khá đồng đều, nhưng lần này trở lại thì, có nhiều thôn, trước đây đã in rập nhiều bia, nay bia cũ đã không còn:

- Thôn Đông Xá xã Đông Phong, trước cách mạng in rập 15 bia, nay không còn bia nào.

- Thôn Đông Xuyên xã Đông Tiến, trước cách mạng in rập 11 bia, nay còn 2 bia.

- v.v.....

Nhưng cũng có những thôn, số lượng bia mới sưu tầm nhiều hơn số bia đã in rập hồi trước cách mạng:

- Thôn Đại Lâm xã Tam Đa, trước cách mạng in rập 11 bia, nay in rập 38 bia.

- Thôn Phấn Động xã Tam Đa, trước cách mạng in rập 3 bia, nay in rập 6 bia.

- Thôn Thọ Đức, xã Tam Đa, trước cách mạng in rập 6 bia, nay in rập 20 bia.

- Thôn Vọng Nguyệt xã Tam Giang, trước cách mạng in rập 4 bia, nay in rập thêm một biển gỗ lớn có giá trị, v.v...

Tập hợp cả hai lần sưu tầm, thì huyện Yên Phong có tới trên 600 thác bản văn bia. Trừ những bia in rập trùng nhau, thì toàn huyện còn trên 400 bia, chuông. Dựa vào số bia đã sưu tầm trên, chúng tôi có mấy nhận xét sau:

1. Về niên đại: Bia thời Lý Trần, Lê sơ ở Yên Phong không còn, ngoài tấm bia ỏ chùa Khai Nghiêm thôn Vọng Nguyệt xã Tam Đa do Trương Hán Siêu đời Trần soạn, khắc lại đời Tây Sơn, có nội dung phê phán Phật giáo như nhiều người đã biết(1). Có lẽ, bia có niên đại sớm hiện còn ở huyện Yên Phong là 2 tấm bia cuối đời Mạc: Ký do nhất biên và Thiên Phúc tự bi.

- Ký do nhất biên, để tại chùa Quảng Phúc thôn Đông Bích xã Đông Thọ, tạo năm Diên Thành th 3 (1580). Đây là tấm bia có 2 mặt, nhưng hiện thác bản chỉ còn một mặt. Văn bia ghi ông Nguyễn Khẩn và vợ là Nguyện Thị Ngọc Gia, bỏ ra 10 lạng bạc để sửa lại nhà chùa. Ông Nguyễn Khẩn đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Đức 3 (1529), từng giữ chức Giám sát Ngự sử đạo Tuyên Quang, Hưng Hóa, Hải Dương, rồi thăng Tham nghị đạo Hải Dương ở triều nhà Mạc. Có thể ở đây cung cấp mọt ít tư liệu về triều nhà Mạc hồi cuối thế kỷ XVI.

- Thiên Phúc tự bi để ở chùa Thiên Phúc thôn Đại Lâm xã Tam Đa, tạo năm Hưng Trị 3 (1590). Văn bia chỉ khắc họ và tên 51 người, trong đó 50 người cúng từ 1 đến 2 lạng bạc trắng, 1 người cúng 2 quan tiền để sửa chữa lại ngôi chùa. Tuy bia chỉ khắc tên người tiến cúng, nhưng đã cung cấp cho ta thông tin đáng lưu ý: Cả 2 bia Mạc này đều ghi người tiến cúng bạc trắng, chỉ có một người cúng tiền. Có thể thời kỳ này việc chi tiêu bằng bạc là khá phổ biến?

Tại sao một vùng đất văn hóa cổ như Yên Phong mà không còn lại lấy một tấm bia cổ? Phải chăng do Yên Phong, vùng địa đầu chống giặc phương Bắc, có phòng tuyến sông Cầu, từng diễn ra những trận đánh quyết liệt? Phải chăng chính sách đốt sạch phá sạch văn hóa Đại Việt do giặc Minh thi hành hồi đầu thế kỷ XV được thực hiện ở Yên Phong, của ngõ Thăng Long này một cách triệt để?

Thế kỷ XV, Phất giáo không còn giữ vai trò quốc giáo, song lại có ảnh hưởng mạnh mẽ trong nhân dân và các tầng lớp quí tộc quan lại. Nếu thời kỳ này Nho giáo chiếm địa vị độc tôn trong hệ thống nhà nước, thì Phật giáo lại chiếm địa vị hết sức quan trọng trong từng gia đình, từng làng xã Việt Nam. Nếu các thế kỷ trước, chùa chiền còn thưa thớt, thì thời kỳ này chùa chiền được xây cất nhiều hơn. Công việc xây cất và trùng tu chủ yếu là do các nhà sư trụ trì và các quí tộc, quan lại đứng ra hưng công, nhân dân cũng đóng góp xây dựng. Và từ thế kỷ XVI, đình đền phát triển nhiều, các lăng tẩm, miếu mộ, từ đường v.v... xuất hiện không phải là ít. Đáng lẽ ra kèm theo đó là những tấm bia ghi lại công việc xây cất, trùng tu và sự đóng góp của cá nhân và cộng đồng. Nhưng Yên Phong nói riêng, cả nước nói chung, ở hai thế kỷ này, văn bia xuất hiện không phải là nhiều, mà phải kể từ thế kỷ XVII trở đi mới nở rộ.

Ở các thế kỷ trước, văn bia hiện còn để lại quá ít ỏi, còn có thể hiểu do chiến tranh tàn phá, và cũng do "trăm năm bia đá thì mòn". Nhưng từ thế kỷ XVII trở đi, việc trùng tu, tôn tạo, mở rộng, xây cất thêm đình đài, đền chùa, miếu mạo... phát triển hơn nhiều, kéo theo đó là tục bầu hậu được mở rộng, các lệ làng được đặt ra... Lẽ dĩ nhiên văn bia cũng xuất hiện nhiều để ghi lại những sự việc đó. Cũng cính vì thế, Yên Phong nói riêng, cả nước nói chung bia mang tên trùng tu ít, mà thường lẩn vào bia hậu.

2. Vệ soạn giả: Bia Yên Phong xuất hiện tập trung vào ba thế kỷ XVII, XVIII, XIX. Soạn giả chủ yếu là nhà sư, xã trưởng, sinh đồ, huấn đạo v.v... Nhưng soạn giả là các bậc đại khoa, đại thần không phải không có, như:

- Hạ trùm trưởng bi, ở thôn Chi Long xã Trung Nghĩa, khắc năm Khánh Đức nguyên niên (1649) do Nguyễn Thuần Phu (tức Nguyễn Xuân Chính) người xã Phù Lưu huyện Đông Sơn phủ Thiệu Thiên, Châu Ái, đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ (Trạng nguyên) khoa Đinh Sử (1637), giữ chức Bồi tụng, Lễ bộ Hữu thị lang, tước Phương lộc bá, soạn(2).

Văn bia ca ngợi công lao ông Nguyễn Tiến Cơ và gia đình (anh em, con cháu) có công giúp Trịnh Tùng đánh nhà Mạc, khôi phục nhà Lê. Ông Tiến Cơ được thăng tiến Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Đề đốc, tước Hải quận công. Các anh em con cháu đều được phong tước hầu, hai người con đầu và người con út lấy công chúa (con gái chúa Trịnh). Văn bia còn cho biết, thôn Chi Long thời ấy gọi là hương Mẫn Xá. Trong bài minh lại xuất hiện 2 Việt Nam, mà gần đây một số người quan tâm.

- Hậu thần bi ký, để ở thôn Chính Trung, xã Yên Trung, khắc năm Dương Đức nguyên niên (1672) do Trần Nghi Trai, (tức Trần Thọ) người thon Điền Trì, huyện Chí Linh, đạo Hải Dương, đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất, là Vương phủ Thị nội soạn. Văn bia ca ngợi đức độ và tài năng của ông Phạm Đức Nhuận, người xã Chính Trung giữ chức Tư lễ giám, Đô thái giám, tước Thư Đình hầu, vì ông có tiến cúng tiền ruộng, nên dân xã bầu làm hậu thần.

- Thừa tự Ngô gia hậu thần bi ký để ở thôn Đông Yên xã Đông Phong, dựng năm Chính Hòa 12 (1691), do ông họ Nguyễn, (tức Nguyễn Viết Thứ) người xã Sơn Đồng, huyện Đan Phượng, đỗ Tam giáp đông Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn (1664), giữ chức Tham tụng, Hình bộ Thượng thư, tước Mai Sơn nam, soạn.

Văn bia ca ngợi ông Ngô Phàn Lân, Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, phó Tri thủy sư đội thuỳên, Thị nội giám, Tư lễ giám, Đô thái giám, tước Chưởng Trung hầu, là người có công với nước, thi ân cho dân... nên được bầu hậu thần.

- Thừa tự bi, đẻ ở thôn Hữu Chấp xã Hòa Long, tạo năm Chính Hòa 20 (1699), do ông Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Tham tụng Binh bộ Thượng thư, Tri trung thư giám, tước Lai Sơn bá Lê Phủ, người xã Thanh Khê huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) soạn. (Tức Lê Hi, người làng Thạch Khê huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, đỗ Tiến sĩ, khoa Giáp Thìn Cảnh Trị 2 (1644).

Bia ca ngợi đức độ, tài năng và sự đóng góp cho làng quê mình của ông họ Ngô, tự Phúc Cấn, là Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Thị nội giám, Tư lễ giám Tổng thái giám, thăng Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Đề đốc thần vụ tứ vệ quân.

- Thưa tự bi, để ở thôn Dương Xá, xã Vạn Du, tạo năm Chính Hòa 20 (1699), cũng do ông Lê Phủ (như bia để ở thôn Hữu Chấp trên) soạn. Văn bia cho biết thôn Dương Xá thời ấy cũng là Đặng Xá. Và ca ngợi đức độ, tài năng ông Thị nội giám, Tư lễ giám Tổng Thái giám, Thượng Trung hầu (tức Nhô Phàn Lân). Như vậy, cùng năm Chính Hòa 20, ông Tổng thái giám Thưởng Trung hầu đã được dựng bia ghi công ở 2 thôn Dương Xá và Hữu Chấp. Và trước đây, vào năm Chính Hòa 12 (xem Thừa tự Ngô gia hậu thần bi, ở mục trên) ông cũng đã đóng góp tiền của cho thông Đông Yên xã Đông Phong để được thờ tự.

- Thánh đức quang từ bi, để ở thôn Như Nguyệt xã Tam Giang, tạo năm Vĩnh Thịnh 4 (1708), do Vũ Trúc Am, người Mộ Trạch, huyện Đường An (Hải Hưng), tước Hương Lĩnh nam, Quang tiến thận lộc đại phu, Huy văn điện Thiêm sụ viện Điển lại, soạn. Văn bia cho biết, gia đình họ Ngô, trước đây là họ Dương, có công phò Lê diệt Mạc.

- Kỷ đức bi, để ở thôn Phong Xá, xã Đông Phong, tạo năm Cảnh Hưng 12 (1751), do Nhập thị bồi tụng Ngự sử đài Phó đô Ngự sử, tước Bảo Lĩnh hầu, Trần phủ, soạn. Văn bia cho biết bà Nguyễn Thị Tấu, cung tần trong phủ chúa con nhà trâm anh vọng tộc, lúc nhỏ học hành thông minh sáng láng, lớn lên theo hầu chúa có nhiều công lao. Nay bà tiến cúng tiền ruộng cho dân làng cúng giỗ cho cha mẹ mình.

Hậu thần bi, để ở thôn Thiểm Xuyên xã Thụy Hòa, khắc năm Cảnh Hưng 30 (1769), do ông Hoàng giáp khoa Bính Tuất (1766), Hiển cung đại phu Đông các đại học sĩ, Tán trị thừa chánh sứ ti xứ Nghệ An, thự Tham chính, hiệu Ngọ Phong cư sĩ, người huyện Thanh Oai, Ngô Thế Lộc (tức Ngô Thì Sĩ), soạn. Văn bia ca ngợi công lao Nguyễn Đình Tiệp là Thị nội, Thủy hạm đội, thị sai thị nội thư tả, Hộ phiên thị cận Nội giám Tư lễ giám, Tổng thái giám. Tiệp Trung hầu, là người làng Thiểm Xuyên, đã đóng góp tiền, ruộng cho dân để được bầu hậu thần v.v...

3. Về nội dung: Như trên đã dẫn một số văn bia do các nhà đại khoa viết, cũng đã phần nào chứng tỏ văn bia Yên Phong có nội dung phong phú và đa dạng, phản ánh nhiều mặt đời sống xã hội v.v. Có thể qui thành những loại chính sau đây:

a- Bia văn chỉ, văn hội: Cho biết những người đỗ đại khoa trung khoa, tiểu khoa của một số xã trong huyện; cho bết tục bầu hậu hiền, cùng các việc như xây cất văn chỉ, trùng tu miếu thờ tiên hiền..., như:

- Hậu hiền bi ký, ở văn chỉ thôn Quân Độ, xã Văn Môn, tạo năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748), do Nho sinh trúng thức, người xã Ông Mặc là Đàm Phủ soạn. Văn bia kể lại việc làm tốt đẹp của ông Trùm trưởng tước Thập lý hầu Vương Hiển, tự Phúc Cơ, hiệu Lan Đài phủ quân, vì có công với dân, nên được bầu làm hậu hiền. Đây có thể coi là tấm bia sớm nhất huyện về bia văn chỉ và bầu hậu hiền. Vì tục bầu hậu hiền ở các nơi phổ biến ở đời Nguyễn.

- Hoàng triều Minh Mệnh bát niên xuân, ở văn chỉ thôn Yên Phụ, xã Yên Phụ, khắc năm Minh Mệnh 28 (1837), do Giám sinh Quốc tử giám Nguyễn Huy Phiên, soạn. Văn bia cho biết: Trong ấp có nhiều người giỏi văn chương, nhưng ít người đỗ cao mới có 31 người đỗ Tú tài, nay cho dựng từ chỉ để khuyến khích học nghiệp.

- Trịnh đại khoa bi, ở thôn Phấn Đông, xã Tam Đa, dựng năm Tự Đức 29 (1876), do nho sinh Ngô Quang Thành, người xã Vọng Nguyệt ghi lại: Hội văn trong ấp tôn ông họ Trịnh, đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Đinh Mùi đời Vĩnh Thịnh (1547) làm tiên hiền, thờ văn chỉ mới xây cất xong.

- Ngô tộc ngũ đại liên trúng tiến sĩ, để ở thôn Vọng Nguyệt xã Tam Giang, không ghi niên đại và người soạn, cho biết họ Ngô ở Vọng Nguyệt có năm đời liền đều có người đỗ tiến sĩ. Đó là Ngô Thuyên, Ngô Hải, Ngô Nhân Đăng, Ngô Nhân Duệ v.v....

- Văn hội bi ký, ở thôn Chính trung, xã Yên Trung không có niên đại, do Quản chiếu Nguyễn Bá Cơ, soạn. Văn bia cho biết, ý nghĩa xây cất văn chỉ. Tuy không khắc niên đại, nhưng trong bia có nói đến sự quan tâm đến học nghiệp của Đại nguyên súy Thống quốc chính Thanh Vương (tức Trịnh Doanh, 1740-1786), thì có thể đoán văn bia khắc đời Cảnh Hưng (1740-1786).

- Văn chỉ hậu bi ở thôn Thọ Đc, xã Tam Đa, khắc năm Tự Đức 34 (1881), cho biết: Vì phải sửa sang văn chỉ, nên Văn hội đã nhận 320 quan tiền xanh của bà Nguyễn Thị Lếch, bầu bà làm hậu hiền.

- Ký kỵ bi ký, ở văn chỉ thôn Phù Cầm, xã Dũng Liệt, dựng năm Bảo Đại 16 (1941), cho biết bà Nguyễn Thị Cận cúng tiền, ruộng để được gửi giaỗ cho cha mẹ. Có thể coi đây là một trong những tấm bia muộn nhất ở Yên Phong.

b. Bia đào giếng, xây giếng: Đây là những tám bia có mặt tương đối sớm (đầu thế kỷ XVII) ở Yên Phong. Mặc dù đều là giếng chùa, nhưng cũng đã phản ánh nếp sống vệ sinh của nhân dân trong vùng. Bởi vì như chúng ta đã biết, mãi những năm gần đây, vấn đề này còn phải tuyên truyền, vận động. Nhất là các huyện vùng đồng bằng, thường chỉ dùng giếng đất đầu làng. Đó là các bia:

- Cẩm Quang tự tỉnh bi, ở thôn Ngân Cầu xã Long Châu, dựng năm Hoằng Định 17 (1616). Bia ghi một loạt họ tên những người trong thôn đóng góp tiền của để xây giếng.

- Vân La tự tỉnh bi để ở thôn Phù lưu ã Trung Nghĩa, khắc năm Vĩnh Tộ 4 (1622), ghi họ tên khoảng 200 người đóng góp tiền của để đào giếng chùa.

- Linh Quang tự tỉnh bi, ở thôn Ngô Nội xã Trung Nghĩa, ghi tên người đóng góp tiền của để xây giếng chùa, gần 40 người. Thôn Ngô Nội hi có tên là Ngô Xá. Có bài minh ca ngợi:

Linh Quang danh tích, đìa thế mênh mông.

Sãi vãi gắng công, xây thành giếng lớn.

Lộc truyền con cháu, phúc hưởng an bình.

Lưu truyền vĩnh viễn, dựng bia ghi minh.

c. Bia xây cất đường đá, cầu đá, đây lại là một tiến bộ nữa mà nhiều nơi không có được. Một vùng đồng bằng quanh năm lầy lội, xây được dù chỉ là một đoạn đường đá, cũng là việc làm đáng kể:

- Đông điếm thạch cầu bi, ở thôn Phương La Đông xã Tam Giang, dựng năm Vĩnh Thịnh 5 (1680), do Hoàng Khu, người Vọng Nguyệt, giữ chức Mậu lâm tá lang, Tri phủ phủ Thượng Hồng, soạn. Văn bia có đoạn: "... Trộm thấy địa phương bản xã, vốn có cây cầu đá ở xứ Cầu Xà, phía trước thông với đường thiên lý, phía sau gần kề ngôi đình của hai giáp, quả là danh thắng một phương, nhưng qui mô cũ của cây cầu vừa nhỏ, lại hư hại. Đến nay, các quan viên hương lão, các bậc thôn trưởng, xã trưởng trên dưới lớn nhỏ, cũng bỏ tiền ra công đức, mua đá núi, xây dựng cây cầu, để người người qua lại được thuận tiện..."

- Tân tạo thạch lộ bi tự, ở thôn Đào Xá xã Phong Khê, khắc năm Chính Hà Mậu Dần (1698), do phủ sĩ Nguyễn Tất Khai, từ Huệ An, soạn. Văn bia cho biết quá trình làm đường đá, đoạn dường tuy không dài, nhưng phải có sự đóng góp không những của nhân dân trong thôn mà còn có sự hỗ tợ của nhiều người trong vùng.

- Thiết thạch cầu bi ký, ở thôn Phú Mẫn xã Hàn Sơn, không ghi niên đại và tác giả, ghi tên họ của 140 người đã đóng góp tiền của để xây cất mọt cây cầu bằng đá. Có bài minh ca ngợi:

Suối Tào thôn Phú, Địa thế tung hoành.

Sãi vãi gắng sức, Cầu bắc qua ghềnh.

Truyền cho con cháu, Hưởng phúc khang ninh...

d. Bia thần tích: Ở loại bia này, cung cấp những tư liệu khá lý thú, như cuộc khởi nghĩa của công chúa nhà Lý Nguyệt Sinh và phò mã; những tình tiết liên quan đến Thánh Gióng, đến đền vua Bà, tức Bà chúa kho...

- Bản thần bi ký, ở thôn Vọng Nguyệt xã Tam Giang, khắc năm Dương Hòa 8 (1642). Văn bia cho biết: Sau khi Lý Chiêu Hoàng đế mất ngôi vào tay nhà Trần, thì Nguyệt Sinh công chúa cùng Phò mã đã dấy binh ở Thái Nguyên, mưu khôi phục lại ngôi báu của họ lý, nhưng không thành. Công chúa bị chết trậm, xác trôi theo dòng sông Cầu, dạt vào địa phận xã Tiểu Mai, huyện Hệp Hòa, kề với địa phận xã Vọng Nguyệt. Dan xã Vọng Nguyệt đã thờ bà làm Thành hoàng....

- Thượng đẳng tối linh, ở thôn Thượng Đồng xã Vạn An. Bia khắc sự tích Đức vua Bà người làng Quả Cảm, tài đức hơn người, là Hoàng phi thứ ba, sinh năm Thiên Ứng Chính Bình 4 (1235), mất khi đang có thai, được truy tặng Hoàng hậu, cho xây lăng ở Quả Cảm. Nhân dân địa phương thườn gọ là Đức vua Bà, bà chúa giữ kho.

Cao Sơn Đại vương, họ Cao tên Hiển, người làng Bảo Sơn, thời thuộc Minh, đỗ Tiến sĩ (?), làm quan đến nguyên súy, già mất, vua phong Cao Sơn Đại vương. Vốn đền thờ chính ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa), ở Quả Cảm đã rước về thờ làm thành hoàng.

- Thực lục Tam vị Đại vương bi ký ở thôn Đại Lâm xã Tâm Đa, khắc năm Tự Đức 35 (1882). Bia khắc toàn bộ bản thần tích do Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), với ngót 5000 chữ, khắc trên bốn mặt bia lớn. Kể rằng: Đời vua Hùng Huy Vương thứ 6 , ở Yên Khang, Yên Mô (Ninh Bình), có người tên Phạm Đãi, đến làm thuốc tại chùa thôn Đại Lâm, nhân chữa lành bệnh hiểm nghèo cho một cô gái mà cưới nàng về làm vợ. Đến 25 tuổi, co gái đẻ ra một cái bọc nở ra 3 người con trai. Lớn lên, 3 người con trai đều thông minh, cường tráng, rồi tập hợp các đinh tráng trong vùng thành một đội quân hùng mạnh. Nhà vua biết tiếng cho vời vào triều, bèn cho các ông giữ chức trong quân ngữ. Sau có giặc Ân đến xâm lấn bờ cõi, ba ông đem quân cùng giúp Thánh Gióng dẹp tan giặc Ân. Dẹp xong giặc ba ông đều hóa....

e. Bia sư tích: Đây cũng là mảng văn bia khá phong phú, giúp hiểu quá khứ đầy đủ hơn, toàn diện hơn, như:

- Chân Hộ khai hồ thạch ứơc ký, ở thôn Chân Lạc xã Dũng Liệt, khắc năm Vĩnh Thịnh 10 (1714), cho biết dân thôn Chân Hộ, nay là Chan Lạc, đã bán bãi trồng dâu lấy tiền mua 10 thửa ruộng và 2 cái ao ở trước miếu, đào thành hồ lớn để thả cá. Và, cứ đến tháng 3 hàng năm, xã trưởng phải mua cá con về thả. Cách thức chăm sóc, đánh bắt, chia bôi v.v... đều được qui định khá cụ thể rõ ràng. Ngày nay, nhân dân thôn Chân Lạc vẫn giữ được nghề nuôi cá và gột cá bột truyền thống ấy.

- Tạo lập bản xã trạo độ bi, ở thôn Đại Lâm xã Tam Đa, khắc năm Gia Long 16 (1817), cho biết: Quan Khâm sai trấn thủ Kinh Bắc cho phép xã Đại Lâm lập riêng bến đò, tránh tranh nhau, kiện tụng như đã từn xảy ra với xã Yên Viên, huyện Yên Việt (nay Việt Yên).

- Tạo lập Đài Bàng vạn sự tích bi, ở thôn Đại Lâm xã Tam Đa, khắc năm Gia Long thứ 3 (1804), cho biết: Dân vạn chài Đài Bàng, quanh năm sông nước, không có đất ở và nơi thờ cúng tổ tiên...nên xin một dải đất ở ngoài đê, thuộc địa phận xã Đại Lâm, trên từ xứ Viên Úy, dưi đến xã Quả Cảm dài 94 trượng. Hàng năm xin nạp thuế và hoa lợi để được dùng dải đất đó làm nơi ở cho dân vạn chài.

- Tam bảo thị bi, để ở thôn Phong Xá xã Đông Phong, khắc thời Lê trung hưng, do quan Dực vận tán trị công thần, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Lại bộ Tả thị lang, kiêm Đông các đại học sĩ Thiếu bảo, Mai quận công, đứng ra hưng công xây cất, lập chợ ngay bên chùa làng, vì chợ cũ lâu ngày đổ nát, qui mô chật hẹp, và "đặt phép thu thuế hàng hóa, không đánh thuế vạn vật, để chúng được sinh sô, để ai cũng yên tâm với nghề. Kẻ sĩ làm quan trong triều, áo mũ đã có chợ luô luôn cùng đốn, yên tâm việc nước . Nhà nông thì lúa gạo, dược phẩm được đem bán đầy chợ. Công nghệ thì thu hút hàng hóa, kỹ nghệ bốn phương về chất thành kho. Thương nghiệp thì hàng hóa chất đống, sản vật không phải một hai mà có tới hàng triệu loại. Đó cũng là sự để phúc cho muôn đời vậy..."

a. Bia trùng tu: Loaị này chiếm số lượng lớn và thường phản ánh trong các bia bầu hậu. Những bia mang tên "Trùng tu" rất ít. Ở Yên Phong, suốt ba thế kỷ XVII, XVIII, XIX, có nhiều người làm quan to, tước đến công hầu, lại chăm làm việc thện. Đình chùa nhiều nơi được họ đứng ra hưng công và đóng góp lớn cho việc trùng tu, tôn tạo, dân làng cũng có đóng góp to lớn của họ được. Bởi vậy, dân xã đã trả cái ơn ấy bằng bầu họ là hậu thần hoặc hậu Phật. Đó là lý do, khiến các bia nói về trùng tu, nhưng lẩn vào trong tiêu đề bia hậu. Sau dây là một số bia tiêu biểu.

- Hậu thần hậu Phật bi ký, để ở chùa Bảo Quảng thôn Thiểm Xuyên xã Thụy Hòa, tạo năm Chính Hòa 12 (1691), cho biết, ông Cai huyện Nguyễn Như Cao, tước Phương Lộc hầu, người xã Thổ Hà, huyện Yên Việt (nay là Việt Yên, Hà Bắc) thấy "chùa xã Thiểm Xuyên, đất thuộc loại hổ chầu rồng cuộn, người thì thuần hậu, tục hay", nhưng hiện chùa đổ nát, qui mô nhỏ hẹp. Ông bỏ tiền ra sửa lại, mở mang rông thêm: Tạc tượng, làm hành lang xung quanh, dựng ngôi hậu đường, tiền đường, nhà thiêu hương, gác chuông ,tạc khánh đá, hương án, đúc chuông... Vì vậy dân xã bầu ông làm hậu thần tại đình, hậu Phật tại chùa.

- Hưng Long tự, để ở chùa Hưng Long, thôn Đông Yên xã Đông Phong, tạo năm Chính Hòa 19 (1698). Văn bia cho biết: Chùa Hưng Long đổ nát, bất cứ ai đi qua nhìn thấy cảnh ấy dều ái ngại Cho nên mọi người cùng đóng góp tiền của để sửa chữa ngôi chùa. Văn bia ghi rõ họ tên, tuổi, đỗ đạt, quê quán của trên 30 người, phần lớn là người tỉnh ngoài, như Tri huyện huyện Yên Phong Hồ Đồng Chính, đỗ Trung khoa, người Nam Định. Giám sát Ngự sử Phú Bình Lê Văn Xuân, đỗ Trung khoa, người Kim Bài. Hồng lô tự khanh, Tuần phủ Thái Nguyên Lê Bảng, đỗ Trung khoa, người Quảng Bình... Trong đó chỉ có một vị đỗ đại khoa là Nguyễn Âu Đình, người Hành Thiện, Nam Định v.v...

- Hậu Phật bi ký, để ở chùa Kim Cương, thôn Quan Đình xã Vân Môn, tạo năm Cảnh Hưng 37 (1776), Chùa Kim Cương đổ nát, phải sửa chữa lớn, tiền chi tiêu không đủ, nay có người bản xã là Trương Công và vợ là Ngô Thị, cúng 200 quan tiền, 4 mẫu ruộng để sửa chữa. Vì vậy bản xã bầu ông bà làm hậu Phật.

- Hậu thần bi ký, để ở thôn Thọ Đức xã Tam Đa, tạo năm Tự Đức 32 (2879). Văn bia cho biết, đình thôn Thọ Đức đõ vài lần di chuyển, nhưng dân xã làm ăn vẫn đói kém, nay lại chuyển về chỗ cũ. Có bà Dương Thị Khanh cúng 300 quan để chi dùng vào việc ấy, nên được bầu hậu thần.

- Trùng tu Bảo Sơn tự bi ký, để ở chùa Bảo Sơn thôn Lương Tân xã Yên Trung, Tạo năm Kỷ Mão(?) do sinh đồ Nguyễn Sĩ Chiêu soạn. Bia ca ngợi sự đóng góp tiền của của thí chủ thập phương để xây dựng ngôi chùa. Trong đó người đóng góp nhiều nhất là ông Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Thị nội giám, Tư lễ giám, tả Thái giám, Luân Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Thọ, tự Phúc Đăng và vợ là Bùi Thị Lựu. Đây là lần trùng tu và mở rộng qui mô ngôi chùa, như: Nhà tiền đường, hâu đường, thượng điện, cây hương, hai bên hành lang, tôn tạo tượng phật v.v...

Trên đây, mỗi loại xin đơn cử một số bia tiêu biểu làm bằng cứ. Ngoài ra, còn có rất nhiều bia phản ánh các mặt khác của đời sống cộng đồng suốt mấy thế kỷ, chẳng hạn: Ở thôn Trần Xá xã Yên Trung có bia Hiếu nghĩa tri phương, tạo năm Minh Mệnh 16 (1835),cho biết:Trần Xá khi aays là một ấp nhỏ, nhưng đã chống trả 800 tên thổ phỉ làm cho chúng không dám bén mảng tới, nhà vua đã ban khen: "Hiếu nghĩa tri phương", tặng cho lý trưởng một chiếc áo the và 300 quan tiền chia đều cho nam nữ trong ấp. Hay ở thôn Phong Nẫm xã Đông Phong, có bia Lập bi vi tích, tao năm Gia Long 11 (1812), phải xoay hướng đình, vì dân cư không yên, đúng như dân gian thường lưu truyền: "Toét mắt là tại hướng đình"! Lại ở thôn Nội Trà xã Trung Nghĩa có bia Trung nghĩa dân, khắc năm Cảnh Hưng 35 (1744), cho biết, thôn Nôi Trà khi ấy có tên là Ngô Xá, kiên trì ắng sức, tiễu trừ nghịch tặc, nên được vua ban 3 chữ "Trung nghĩa dân". Có lẽ tên xã Trung Nghĩa ngày nay có bao hàm ý này? Sắc phụ quốc thượng tể là tên tấm bia để ở thôn Đông Xuyên xã Đông Tiến, khắc năm Cảnh Hưng 44 (1783), cho biết, nhà vua ban sắc cho vị Đại Vương được dân thôn thờ làm thành hoàng là "Phụ quốc thượng tể". Đại Vương sinh ngay 24 tháng 4 giữ chức Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, phụ quốc Thượng tướng quân Đô đố phủ, Tả đô đốc Thái bảo. Còn bia Tân tại thạch bi ở thôn Ngân Cầu xã Long Châu, cho biết: ngôi đình đóng góp tiền của ông Mẫn Kim Lan, tước Luân Lộc hầu, Bia do sinh đồ bản xã Nguyễn Đăng Khôi soạn năm Chính Hòa 4. Nay Lập đức bi ký là tấm bia để ở thôn Thọ Đức xã Tam Đa, khắc năm Tự Đức Canh Thân (1860), cho biết, ông Nguyễn Văn Long người bản xã đã góp tiền ủng hộ dân thôn dắp đê...

Hiếm thấy một nơi nào như Yên Phong, có nhiều nười làm quan to trong Nọi phủ, đó là quan Thái giám, cung tần, đại thần, và tập trung trong hai thế kỷ XVII và XVIII. Ngoài những tấm bia đã dẫn ỏ trên, còn có: Hậu Phật bi ký để ở thôn Đông Xá xã Đông Phong, khắc năm Vĩnh Hựu 4 (1738), nói về quan Thị nội giám Nguyễn Đắc Danh, người ở thôn Chi Long xã Long Châu, cúng tiền cho dân để được bầu hậu. Tiền tặng xung viện Lê Thị hậu thần bi ở thôn Phong xá xã Đông Phong, khắc năm Long Đức thứ 3 (1734), nói về bà thị nội cùng tần họ Lê, con gái quan Thượng thư bộ Lại. Hậu thần hậu Phật bi ký ở thôn Dương Ổ xã Phong Khê, khắc năm Chính Hòa 23 (1702), do Hàn lâm viện hiệu lý Tạ Dăng Huân soạn, nói về quan Tư lễ giám tả Thái giám Nguyễn Đức Chiêm. Tạo lập hậu thần bi - Tôn phụng tự húy nhật bi ở thôn Đào Xá xã Phong Khê, khắc năm Cảnh Trị 9 (1671), nói về bà Đỗ thị Ngọc Thám là cung tần trong phủ Chúa. Vương phủ Thị nội cung tần lương nhân quan ở thôn Phong Xá xã Đông Phong, khắc năm Cảnh Hưng 22 (1761), nói về một bà cung tầm (không rõ tên họ) để lại ruộng, nhà v.v... cho dân thôn làm hương hỏa. Tháp Linh tự hậu Phật bi ký ở thôn Thọ Đức xã Tam Đa, khắc năm Cảnh Hưng 38 (1777), nói về quan Thị nọi giám tả Thiếu giám Nguyễn Đình Đường. Hậu thần bi ký ở thôn Trác Bút xã Hán Sơn, khắc năm Vĩnh Thịnh 5 (1709) nói về quan phó tri Thị nội th tả Hộ phiên Tư lễ giám Đồng tri giám sự Phan Giang hầu. Ước văn nghi tiết ở thông Đông Yên xã Đông Phong, khắc năm Chính Hòa 10 (1689), nói về viên Phó tri thủy sư Thị nội giám, Tư lễ giám, đô Thái giám, Thưởng Trung hầu Ngô Văn Trọng. Hậu thần thạch trụ ở xã Thiểm xuyên, khắc năm Vĩnh Thịnh 3 (1707), nói về quan Tư lễ giám Hữu đề điểm Đặng Tường hầu Nguyễn Khắc Minh. Linh từ bi ký ở thôn Phương La Đoài xã Tam Giang, khắc năm Minh Mệnh 16 (1823), nói về lê tướng công, tước Hương Phái hầu, Tả thị lang bộ Hình. Linh Quang tự bi ở thôn Bằng Lục xã Thụy Hòa, khắc năm Vĩnh Tộ 2 (1620), do giám sinh Nguyễn Hiển Mô, tước Nghiêm Diễn nam, soạn, nói về quan tư lễ giám chưởng Nghiêm Lễ hầu Nguyễn Vĩnh Truyền và Đông Lan quận chúa Mạc Thị Ngọc Thụy v.v....

Trên đây chỉ mới nêu một số tấm bia tiêu biểu đã thu thập được trong 2 lần sưu tầm, in rập, chứng tỏ rằng Yên Phong là một huyện nhỏ ở vùng văn hóa cổ Kinh Bắc, đã để lại một khối lượng bia khá lớn, có nội dung rất phong phú và đa dạng, đóng góp những tư liệu quí giá cho việc nghiên cứu lịch sử văn hóa văn minh địa phương cũng như trong cả nước. Trong đó còn có một loạt vấn đề về phong tục, hương ước, điều ước, điều lệ, về nhân danh, địa danh, tục bầu hậu, tục hát cửa đình, những ngày lễ hội v.v. mà ở bất cứ tầm bia nào cũng có thể cho những tư liệu tốt.

Chú thích:

1. Tấm bia này, hồi trước cách mạng, người Pháp chưa in rập. Hiện đã in rập bổ sung trong đợt sưu tầm vừa qua.

2. Theo Đỉnh khế lịch triều Đăng khoa lục, ông là người làng Phù Chân, phủ Từ Sơn.

(Thông báo Hán Nôm học 1995, tr.83-101)


Lâm Giang

In