Chùa Nhất Trụ được tạo lập năm 995, vua Lê Đại Hành đã cho dựng cột kinh (trụ đá) để khắc kinh dâng nhà Phật và xây dựng theo kiểu chữ Đinh, hướng chính Tây, gồm có cột kinh, chính điện, nhà tổ, phòng khách, nhà ăn, tháp… Chùa có tên Nhất Trụ vì trước chùa có cột đá cao hơn 3m, tiết diện hình bát giác. Trên thân cột ngoài 3 phần chữ khắc gồm có Lạc khoản, Kệ, Kinh còn có các chữ “Đệ tử Thăng Bình Hoàng đế tả đạo” ("Hoàng đế Thăng Bình" tức vua Lê Hoàn).
Chùa Nhất Trụ nằm ở vị trí trung tâm, là di tích quan trọng nhất, là nơi tu hành và họp bàn việc nước của các nhà sư thế kỉ X như Pháp Thuận, Khuông Việt và Vạn Hạnh. Trải qua các thời kì lịch sử của dân tộc, trước thử thách của gió bão, bom đạn chiến tranh, trụ đá vẫn còn đứng mãi với thời gian.
Cổng tamq uan chùa Nhất Trụ.
Cột kinh cổ nhất Việt Nam nằm trong lầu tứ giác.
Cột kinh làm bằng đá, cao hơn 3m, tiết diện hình bát giác, trên thân cột có khắc chữ Hán gồm: Lạc khoản, Kệ, Kinh. |
Thạch kinh chùa Nhất Trụ là một minh chứng sinh động cho nền nghệ thuật điêu khắc đá Việt Nam. Năm 973, Nam Việt Vương Đinh Liễn, con trai vua Đinh Tiên Hoàng đã cho dựng ở Hoa Lư 100 cột kinh Phật bằng đá, khắc kinh Đà la ni. Từ đây về sau tạo thành một dòng chảy thạch kinh trong văn hóa Việt Nam. Kinh tràng Hoa Lư là biểu tượng của Pháp trong Tam Bảo nhà Phật (gồm: Phật, Pháp, Tăng). Sau nhà Đinh, vua Lê Hoàn cho dựng thạch kinh ở chùa Nhất Trụ. Từ đây về sau nhân dân Việt Nam có truyền thống dựng Thạch Kinh trước điện thờ Phật.
Trong thời kì chống Pháp, chùa Nhất Trụ là nơi đón nhận, bảo vệ cán bộ và là nơi cất giấu tài liệu, vũ khí, đạn dược. Chùa cũng là nơi đặt trụ sở hành chính của UBND xã Gia Tường (tên gọi một thời của xã Trường Yên) và là nơi chứa lương thực, hội họp trong thời kì chống Mỹ.
Ban thờ Mẫu ở chính điện.
Nghệ thuật chạm khắc trang trí bên trong nội thất chùa Nhất Trụ.
Một trong số những ngôi tháp cổ trong vườn chùa.
Tượng Phật Bà Quan Thế Âm tạc bằng đá trắng.
Giếng đá của chùa.
Một góc không gian vườn chùa Nhất Trụ ở Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). |
Chùa tọa lạc trên khoảng đất rộng hơn 3000m2. Sau một thời gian trùng tu, tôn tạo, đến nay chùa Nhất Trụ có một không gian nghệ thuật độc đáo mang lối kiến trúc riêng Về kiến trúc gỗ, chùa Nhất Trụ mang phong cách, dáng dấp thời Nguyễn, nhất là nghệ thuật chạm khắc gỗ.
Trong chùa thờ Mẫu, Thánh Hiền, Đức Ông, và 3 pho tượng Tam Thế, tượng A Di Đà… Trải qua gần nghìn năm, cột kinh Phật trước chùa vẫn còn nguyên vẹn như xưa. Cột kinh cấu tạo bằng đá, có thân bát giác và trên cùng là hình búp sen chớm nở, trên 8 mặt thân cột khắc kinh Phật, có chức năng như một cuốn kinh. Cột kinh gồm 6 bộ phận: tảng đá vuông, đế tròn, thân bát giác, thớt bát giác, đấu 8 cánh và đỉnh hồ lô 6 bộ phận lắp ghép vào nhau bằng lỗ mộng và ngõng tròn, hoàn toàn không có chất kết dính nhưng rất vững vàng.
Chùa Nhất Trụ nằm cạnh đình Yên Thành và gần đền vua Lê Đại Hành. Giá trị văn hóa của chùa Nhất Trụ được thể hiện ở câu đối: "Tràng An thắng cảnh hoàng đô thủy, Nhất Trụ danh lam Phật tích linh".
Hàng năm, vào ngày 15 tháng Giêng, tại chùa thường diễn ra lễ khao tống thuyền rồng, đây là lễ cúng Phật cầu nguyện cho quốc thái dân an. Ngày 8/4 (âm lịch) có lễ lập hạ tại chùa, cầu thời tiết thuận hoà, mùa màng tốt tươi.
Ngày nay, chùa là nơi sinh hoạt văn hoá, tinh thần, tham quan tín ngưỡng của du khách thập phương và là bộ phận không thể tách rời trong cụm di tích Cố đô Hoa Lư. Với những giá trị trường tồn, chùa đã được công nhận là di tích cấp Nhà nước. Đây là cơ sở pháp lí nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Năm 1992, di tích đã được đầu tư kinh phí để trùng tu, quy hoạch toàn bộ diện tích chùa nhằm bảo vệ gìn giữ cho muôn đời sau./.
Bài và ảnh : Đặng Kim Phương