Thứ năm, 21/03/2013 - 10:32
Đi lên gặp Tiến sĩ, đi xuống gặp Quận công
Từ bao đời nay, người dân miền châu thổ Quế Dương, Võ Giàng-nay là huyện Quế Võ, Bắc Ninh-đều rất đỗi tự hào về truyền thống văn hiến, khoa bảng quê mình. Mảnh đất đồng chiêm nơi ba mặt giáp sông được đắp bồi bởi những hạt ngọc phù sa ấy đã sản sinh cho đời không ít vị Tiến sỹ Nho học tài danh cùng nhiều bậc võ tướng thiện nghệ.

Điều đặc biệt là hầu hết các bậc lương đống-công thần ấy đều xuất thân từ hai dòng họ Nguyễn ở hai làng quê cách biệt thuộc điểm đầu và điểm cuối tỉnh lộ 279. Đó là họ Nguyễn làng Kim Đôi xã Kim Chân(1) với 18 Tiến sỹ và họ Nguyễn Đức thôn Quế Ổ xã Chi Lăng với 18 vị dũng tướng được phong tước Quận công.

Gia phả dòng họ Nguyễn Đức ở Quế Ổ ghi rõ: “Người đầu tiên được phong tước Quận công là Tài Quận công Nguyễn Đức Tín. Nhà nghèo song tài trí hơn người, Nguyễn Đức Tín thường xung phong đi đánh giặc và lập nhiều công lớn nhưng không hề tham danh vọng. Được thăng chức Đô đốc thiệm sự Quận công. Cụ để lại hai mẫu ruộng hương hoả để phụng sự từ đường ở bản hương, 15 mẫu ruộng cung kỳ ở Quế Ổ để truyền lại cho con cháu, người nào có quan tước được làm Chủ tế nhằm khuyến khích con cháu đời sau tiếp đạt mãi.

Cũng chính từ những tấm gương tiết tháo ấy mà con cháu gia tộc Nguyễn Đức về sau, nhiều người đã được phong tước hầu, làm rạng danh quê hương bản quán. Sách “Lê Quý Kỷ sự” viết “Họ Nguyễn ở Quế Ổ từ thời Lê Trung Hưng trở về sau, nối đời làm tướng. Trong họ có tới 18 người được phong tước Quận công, họ hàng to và mạnh nhất Kinh Bắc”. Trong đó 3 người được phong Đại vương là Ân Quận công Nguyễn Đức Nhuận đời thứ 9, Hiểu Quận công Nguyễn Đức Uông đời thứ 11 và Hội Quận công Nguyễn Đức Thân đời thứ 12.

Cũng theo các gia phả được lưu giữ tại nhà thờ họ Nguyễn Đức, khu vực lăng đá được bảo tồn hiện nay là do cụ Quế Quận công Nguyễn Đức Uyên xây dựng nên để làm nơi thờ phụng tổ tiên vào năm 1703. Văn bia tại lăng mộ ghi rõ “Tích công trưởng sự Hải Dương phụng mệnh trúc tác đê lộ tại Vĩnh Lại huyện, công tăng trúc xuất gia tư dĩ trúc thạch đệ. Bản phương dân chu kỳ công đức vi lập vi miếu từ, nhất tại Quế Ổ, nhất tại Dũng Quyết. Tiên miếu cụ hữu thạch tượng thạch mã,  thạch bi nhất toà tại bản hương”. Lăng và nhà thờ họ Nguyễn Đức được xem là nơi biểu đạt tập trung nhất về truyền thống thượng võ của gia tộc Nguyễn Đức với 3 vị được phong vương, 3 vị đỗ Tạo sỹ, 18 vị Quận công và 76 vị tước hầu. Không ít vị được cư dân nhiều nơi thờ tự làm Thành hoàng làng.

Bên cạnh những giá trị lịch sử, phản ánh về truyền thống thượng võ tiêu biểu bậc nhất xứ Kinh Bắc-Bắc Ninh, lăng và nhà thờ họ Nguyễn Đức còn là công trình tín ngưỡng văn hoá chứa đựng các giá trị nghệ thuật sâu sắc, thể hiện qua hình khối chạm khắc các hiện vật như bia đá, bài vị bằng đá, voi đá, ngựa đá, lư hương đá in đậm dấu ấn nghệ thuật thời Lê.

Lăng đá toạ lạc phía đông bắc làng Quế Ổ trên một thế đất cao đẹp, phía trước là dòng Thiên Đức (sông Đuống). Ngay phía cổng vào là đôi voi đá, ngựa đá, xếp vị trí đăng đối nhau qua đường thần đạo chạy vào ban thờ và bia đá. Ngựa đá cao 1,7m, dài 1,85m ở tư thế đứng trên bệ, có đầy đủ yên cương, chuông nhạc, miệng đóng hàm thiếc. Đôi voi đá kích thước cao 1m, dài 1,55m ở tư thế chầu vào nhau, phục trên bệ đá liền khối hình chữ nhật, tư thế phủ phục, vòi cuộn lại, hai ngà nhỏ, mắt hẹp, tai rộng hình quạt với 8 cánh lá xếp lại, 2 lỗ hình xoáy trôn ốc khá rộng, đuôi nhỏ vắt cong vào mông vừa mềm mại vừa khoẻ khoắn.

Trong cùng lăng là một bia đá khối hộp chữ nhật cao 2,85m, rộng 1,9m, dày 1m. Dưới bia là bệ đá thờ chu vi 2x2,85m, trước mặt bia có khắc chữ thảo với nội dung “Phụng sai Đề lĩnh tứ thành quân vụ sự kiêm Lạng Sơn, Hải Dương, an quảng-đằng sứ trấn thủ quan, hậu nội cơ cai tham đốc Quế quận công Nguyễn Đức Uyên, bi”. Bên trái mặt bia còn ghi “Tuế thứ Mậu tý niên, trọng đông tiết, cốc nhật tạo” - tức Ngày lành tháng 11 năm 1708. Các hiện vật tiêu biểu ở khu lăng tuy không nhiều về số lượng nhưng khá độc đáo về kích cỡ và nghệ thuật chạm khắc, tạo hình.

Nhà thờ họ Nguyễn Đức gồm hậu đường 3 gian kiến trúc theo lối con trồng-kẻ truyền, đơn giản nhưng khá chắc chắn. Tại đây hiện vẫn lưu giữ được hai câu đối với nội dung “Thiên hiệu Nguyễn Đức, phú quý thọ khang ninh-Thế thụ quân vương, công hầu bá tử” và “Quốc ân phẩm trật lĩnh nam thiên-Gia phái vương hầu Kinh Bắc trấn”. Nhà tiền tế kiến trúc theo lối thượng tam hạ tứ, hai cột đồng trụ có hai câu đối “Trung dũng quản tam quân, tổ hữu tôn phục hữu tử- Huân danh đạo ngũ tỉnh, hầu nhi bá quân nhi vương” và “Tổ công tiên đức bách thế bất chi- Tử hiếu tôn hiền vạn đại như ý”.

Điều khác biệt là lăng và nhà thờ họ Nguyễn Đức ở Quế Ổ là nơi thờ cúng tổ tiên chứ không phải lăng mộ cho một người như nhiều lăng tẩm khác. Ghi nhận để bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc của di tích, ngày 18-1-1992, UBND tỉnh Hà Bắc cũ đã ban hành quy định khu vực bảo vệ di tích. Tiếp đó, ngày 31-1-1992 Bộ Văn hoá thông tin đã có Quyết định số 138 công nhận “Di tích lịch sử và nghệ thuật cấp quốc gia Lăng và Nhà thờ 18 Quận công xã Chi Lăng”.

Tính từ cụ Thuỷ tổ Nguyễn Đức Luân đến nay đã trải qua 20 đời, con cháu dòng họ Nguyễn Đức cùng dân thôn Chi Lăng đã và đang nối nghiệp tổ tông tại nhiều miền quê khác nhau. Thành tâm hướng về nguồn cội, tìm về những giá trị nhân bản mà cha ông truyền lại để bồi đắp tương lai, người Chi Lăng nói riêng và cư dân Quế Võ nói chung luôn tự hào về truyền thống quê mình khi từ trung tâm huyện lỵ theo đường 279 “Đi lên thì gặp Tiến sỹ-Đi xuống thì gặp Quận công”.

(1) Từ cuối năm 2007, xã Kim Chân được sáp nhập về thành phố Bắc Ninh.  

Thành Trung
Top