Thứ hai, 15/9/2014 23:36:53 GMT+7

Danh tướng Trần Khắc Chung

7:28
04/08/2013
0

Đỗ Khắc Chung tức Trần Khắc Chung. Do lập được nhiều công lao trong hai cuộc chiến tranh chống quân Mông - Nguyên xâm lược lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288), nên tháng 4 năm 1289, ông được ban quốc tính là họ Trần, từ đó, sử thường chép họ tên ông là Trần Khắc Chung.

Tên tuổi của Đỗ Khắc Chung nổi lên kể từ mùa Xuân năm Ất Dậu (1285). Bấy giờ, hai đạo quân Nguyên, một từ Chiêm Thành tiến ra do Toa Đô chỉ huy và một từ đất Trung Quốc tràn xuống do chủ tướng Thoát Hoan trực tiếp cầm đầu, cùng nhất loạt đánh phá ta, hòng bóp nát nước Đại Việt. Tướng nhà Trần chịu trách nhiệm cản bước tiến của Toa Đô là Trần Kiện đã hèn nhát đầu hàng. Tình hình chiến sự diễn biến rất phức tạp và hoàn toàn bất lợi cho ta. Triều Trần muốn nắm được chính xác thực lực của quân Nguyên, nhưng bối rối vì không biết ai có thể thực hiện được nhiệm vụ khó khăn này. Đúng lúc đó, Đỗ Khắc Chung xin tình nguyện đảm nhận.

Ngày 12 tháng Giêng năm Ất Dậu (1285), giặc đánh vào Gia Lâm và bắt được một số quân ta. Khi thấy người nào cũng thích vào cánh tay hai chữ sát Thát - nghĩa là giết giặc Thát - Đát (tức giặc Nguyên) bằng mực, chúng tức giận nên giết hại rất nhiều. Lúc ấy, nhà vua muốn sai người đi dò xét tình hình giặc nhưng chưa tìm được ai. Quan giữ chức Chi hậu Cục thủ là Đỗ Khắc Chung bước lên thưa: Thần tuy là kẻ hèn mọn bất tài nhưng xin được đi.

Nhà vua mừng vui, nói rằng: Ngờ đâu trong đám ngựa kéo xe chở muối lại có ngựa Kỳ, ngựa Ký (loài ngựa quý và ngựa tốt) như thế.

Nói xong, nhà vua sai Đỗ Khắc Chung đem thư đi. Đỗ Khắc Chung đến nơi, Ô Mã Nhi hỏi: Quốc vương nhà ngươi vô lễ, sai người thích chữ Sát - Thát trên cánh tay, khinh nhờn cả thiên binh, lỗi ấy nặng lắm.

Đỗ Khắc Chung đáp: Chó nhà nếu có cắn người lạ thì lỗi không phải ở chủ của nó. Quân dân nước tôi vì lòng trung phẫn mà tự thích chữ vào cánh tay đó thôi. Quốc vương của tôi không biết việc đó. Tôi là trung thần, há lại không có hai chữ đó hay sao?

Nói xong thì ông đưa cánh tay cho Ô Mã Nhi xem. Ô Mã Nhi liền nói: Đại quân của ta từ xa tới, sao nước ngươi không chịu quay giáo đến nhận mệnh mà lại còn chống trả. Lấy càng bọ ngựa ra mà chống xe thì sự thể liệu sẽ ra sao?

Đỗ Khắc Chung trả lời: Ấy là bởi hiền tướng không noi theo kế sách của Hàn Tín (danh tướng Trung Quốc người đời Hán) đi đánh dẹp nước Yên, đóng quân ở nơi biên ải, gửi thư báo tin trước. Nếu nước tôi không chịu thông hiếu mới là có lỗi. Nay bức bách lẫn nhau, có khác gì lời cổ nhân nói rằng, thú cùng đường thì sẽ cắn lại, chim cùng lối thì sẽ mổ lại, huống chi là con người?

Ô Mã Nhi nói: Đại quân ta mượn đường để đi đánh Chiêm Thành, Quốc vương của người nếu đến hội kiến thì bờ cõi đâu bị xâm phạm, dân tình sẽ được yên ổn. Nay nếu cứ cố chấp thì chỉ trong khoảnh khắc, núi non sẽ hóa thành đất bằng, vua tôi các ngươi sẽ hóa thành cỏ nát.

Khi Đỗ Khắc Chung về rồi, Ô Mã Nhi nói với các tướng tả hữu rằng: Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ ứng đối vẫn tự nhiên; không chịu hạ thấp danh giá của chủ, ấy là Chích (tên một kẻ ăn trộm nổi tiếng của Trung Quốc. Tích này chưa rõ nghĩa, xin được khảo cứu sau); không thèm nịnh ta, ấy là Nghiêu (một vị vua của huyền sử Trung Quốc, được nho gia hết lời ca ngợi); (ví việc đánh ta thì) nói là chó cắn người lạ, giỏi lắm thay. (Đi sứ mà như thế) thì có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước họ còn có người tài như vậy thì chưa dễ gì mưu tính được.

Nói rồi, Ô Mã Nhi sai người đuổi theo Đỗ Khắc Chung, nhưng không kịp. 

Lời bàn:

Theo sử cũ thì Đỗ Khắc Chung hay Trần Khắc Chung chưa bao giờ là tướng trực tiếp cầm quân, nhưng ông thực sự có dũng khí của một vị tướng và dũng khí đó đã khiến cho cả những viên tướng giặc khét tiếng như Ô Mã Nhi cũng phải thán phục. Trong cuộc đời làm quan của mình, ông đã không ngừng cống hiến và đạt được nhiều vinh hiển trên quan trường. Ông giữ rất nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Trần thời ấy, như: Ngự sử đại phu, Đại hành khiển, Thượng thư Tả bộ xạ... Ông không những là người có công lớn với triều đình, dân tộc mà còn là người có công lao đặc biệt đối với nhân dân làng Quan Tử, xã Sơn Đông (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), với vai trò là người thầy đầu tiên và cũng là người mở đầu cho truyền thống hiếu học cho nhân dân nơi đây.

Hiện nay truyền thống hiếu học của làng Quan Tử nói riêng và huyện Lập Thạch nói chung vẫn được các thế hệ con cháu lưu truyền, phát huy rất tốt. Biết ơn công lao to lớn của Trần Khắc Chung, dân làng Quan Tử đã tôn ông là Thành hoàng làng. Hàng năm, cứ vào ngày mồng 4, tháng 10 âm lịch, tại đền thờ Trần Khắc Chung làng Quan Tử đã diễn ra lễ giỗ cụ và ngày đó là ngày tiệc làng, nhà nhà bày biện mâm ngũ quả, đĩa bánh dày, thắp nén hương thơm tưởng nhớ công ơn của bậc tiền nhân. Vâng, cây có cội, nước có nguồn, nếu ai quên điều ấy chắc chắn sẽ không lớn nổi thành người.                                

N.N

Hay!! 0
Ý kiến của bạn về bài viết
*Vui lòng viết tiếng Việt có dấu để tránh nhầm lẫn
Họ tên:
Email:
Ý kiến đóng góp:
Bạn đánh giá như thế nào về cách bình xét gia đình văn hóa, khu phố văn hóa?
Thực chất
Không thực chất
Không ý kiến
Xem kết quả
23°C - 33°C
Nguồn: KTTVTW & KTTVBP