Ở di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đền Quán Thánh (Hà Nội), ngoài pho tượng đồng đen Trấn Vũ vừa được công nhận bảo vật quốc gia cuối năm 2016 còn có “tượng Đức Ông” mà một nhà nghiên cứu đánh giá là kiệt tác thứ hai của ngôi đền.
Tượng đá quý tạc ai?
Người đưa ra đánh giá trên là PGS-TS Trang Thanh Hiền, ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Bà cho rằng bức tượng Đức Ông bằng đá là minh chứng cho nghệ thuật điêu khắc chân dung đạt đến đỉnh cao giai đoạn thế kỷ 17.
Theo chú thích nhiều năm tại đền Quán Thánh, đó là Đức ông Trùm Trọng. Trong khi đó, theo bà Trang Thanh Hiền, đó chính là tượng Vũ Công Chấn - là vị “tổng công trình sư đã xây dựng đền Quán Thánh và đúc tượng Trấn Vũ”.
Mới đây, Hội đồng dòng họ Vũ tộc Đại tông, H.Vụ Bản, Nam Định vừa có đơn đề nghị gửi tới Báo Thanh Niên về việc ghi tên của bức tượng này. Đơn do ông Vũ Công Nhân, đại diện họ tộc, đứng tên gửi. Theo đó, gia tộc khẳng định đây là tượng của cụ tổ Vũ Công Chấn. Thư cho biết, theo sử sách và gia phả dòng họ, ông Vũ Công Chấn (1618 - 1699) đã có nhiều công với đất nước ở thế kỷ 17 khi được giao chỉ huy nhiều công trình xây dựng lớn như cầu Thiên Phúc (Gia Viễn, Ninh Bình), tôn tạo đền Quán Thánh vào năm Đinh Tỵ 1677 để đền có hình dáng kiến trúc cổ kính như ngày nay. “Cụ còn chỉ huy đúc tượng thánh Trấn Vũ bằng đồng, đúc chuông lớn treo trên tam quan đền. Công việc tốt đẹp và công lao của cụ đã được chúa Trịnh ban thưởng: Cho lập tượng đá trắng đặt bên tả nội điện sau này làm nơi thờ phụng từ lúc cụ còn sống”, thư nêu rõ.
Lá thư còn cho biết không chỉ gia phả dòng họ ghi những điều trên mà cả thần phả làng An Cự cũng khẳng định Luân Quận công Vũ Công Chấn có tượng đá thờ bên tả nội điện đền Quán Thánh, Hà Nội. Mặc dù vậy, theo đơn, hiện trong đền Quán Thánh có 2 cái sai. Thứ nhất, bức tượng Vũ Công Chấn bị chú thích là Đức ông Trùm Trọng, thứ hai là tư liệu giới thiệu lịch sử đền với khách tham quan lại ghi việc sửa đền đúc tượng vào năm 1766 là ông Nguyễn Đình Luân mà không phải Vũ Công Chấn.
Đền Quán Thánh xưa Ảnh: Tư liệu
|
Bức thư cũng nêu việc GS Vũ Khiêu và nhà sử học Lê Văn Lan đã từng gửi thư đề nghị đính chính tên tượng vào năm 2014, để tượng được ghi tên Luân Quận công Vũ Công Chấn chứ không phải Đức ông Trùm Trọng. Trong khi đó, bà Trang Thanh Hiền cho rằng việc bất cẩn trong chú thích này thậm chí còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phổ cập kiến thức, giới thiệu về di tích lịch sử trọng điểm này.
Tư liệu chưa thống nhất
|
|
Không để tình trạng không rõ ràng trong di tích
Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho biết sẽ đốc thúc để sớm tổ chức hội thảo khoa học, tại đó các bên liên quan sẽ đưa ra các chứng cứ để chứng minh quan điểm của mình. Nhà quản lý sẽ dựa trên chứng cứ khoa học và kết luận của các nhà nghiên cứu để đưa ra kết luận cuối cùng. “Một di tích quốc gia không nên để tình trạng không rõ ràng như vậy”, ông Tiến nhấn mạnh.
|
|
|
Nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền đặt câu hỏi, liệu Đức ông Trùm Trọng (tên tượng được chú thích) và Nguyễn Đình Luân (người được coi là đã đúc tượng Trấn Vũ, theo tài liệu trong đền) có phải cùng một người hay không. Bà Hiền cũng xem xét các văn bia trong đền đều không thấy ghi chép về nhân vật họ Nguyễn này. Các bia gồm: bia cổ năm 1633, bia Chân Vũ quán thạch bi năm Thành Thái 1893 và Trùng tu Trấn Vũ quán bi ký thời Tự Đức 1856.
Cũng theo PGS-TS Trang Thanh Hiền, ở dòng họ Vũ còn giữ một ghi chép bia ghi lại nội dung một tấm bia ở đền Quán Thánh nói về công trạng của ông Vũ Công Chấn. Bia ở mộ chí cũng ghi rõ công trạng, gia phả cũng ghi công trạng của ông với việc đúc tượng và xây đền Quán Thánh. “Nội dung bia chứng mấy việc. Thứ nhất là tượng đồng làm năm 1677. Người đốc công là tướng công họ Vũ. Tuy nhiên, hiện vật thật ở đền Quán Thánh lại không thấy nữa. Minh văn trên bia cũng là bản chép chứ không phải bản dập. Khó nhất là không còn bia ở Quán Thánh nữa”.
Theo bà Hiền, có một điểm nữa khiến bà thấy rất tin tưởng vào việc tượng đá chính là tượng Vũ Công Chấn là bức họa vị quan này của gia đình còn giữ. “Bức tranh ở nhà thờ họ giống y chang tượng ở đền Quán Thánh. Ông Nhân là cháu đời thứ mười mấy của ông ấy giống y chang tượng ở đền Quán Thánh và bức tranh”, bà Hiền nói.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Đạt Thức, một chuyên viên của Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL), cũng đã có nghiên cứu về niên đại của 2 bức tượng trong đền Quán Thánh: tượng đồng đen Trấn Vũ và tượng đá đang gây tranh cãi. Ông Thức đã khảo cứu các tư liệu Hán Nôm được khắc trên đá, đồng, gỗ và một số hiện vật khác cũng như hình thức mỹ thuật của tượng, và cho biết trong các tư liệu này, không có thông tin liên quan đến ông Trùm Trọng mà chỉ có thông tin liên quan trực tiếp đến pho tượng Trấn Vũ. Điều đáng nói là chính những thông tin tư liệu này lại không có sự thống nhất về niên đại đúc tượng Trấn Vũ. Chẳng hạn, có thông tin ghi tượng đúc vào niên hiệu Vĩnh Trị, có thông tin lại là niên hiệu Chính Hòa, cũng có thông tin chỉ ghi chung chung là thời Lê.
“Như vậy, không có thông tin nào khẳng định tượng được đúc vào niên hiệu Vĩnh Trị 1677. Đó là tất cả những gì có thể rút ra trực tiếp từ văn khắc Hán Nôm tại di tích liên quan đến niên đại pho tượng Trấn Vũ hiện nay”, ông Thức nhận định. Chính vì thế, theo ông Thức, nếu chưa có thông tin thêm về tấm bia nào tồn tại trên thực địa và thác bản khẳng định việc ông Vũ Công Chấn đúc tượng vào năm 1677, thì chúng ta vẫn có quyền đặt câu hỏi về tính xác thực của tư liệu gia phả họ Vũ.
Bên cạnh đó, về tạo hình, ông Thức đánh giá tượng Trấn Vũ với hoa văn trên táo gần gũi với phong cách phương Bắc, một hình thức mà thời Nguyễn chịu nhiều ảnh hưởng. Mắt tượng và nếp áo không đồng điệu với các tượng Việt có niên đại thế kỷ 17. Tượng đang được chú là tượng Trùm Trọng mang tính chân dung, áo nhiều nếp gấp, đặc biệt ở phần tay áo lại gần gũi với phong cách tạo tượng hậu ở giai đoạn thế kỷ 18 - 19. “Nếu những điều này được chứng thực thì sẽ còn nhiều bí ẩn cần được khám phá”, ông Thức chia sẻ.
Trong khi đó, hồ sơ di tích đền Quán Thánh của Cục Di sản, do lịch sử để lại lại không ghi rõ tới lịch sử từng bức tượng. Trước mắt, ông Thức đề nghị gia đình họ Vũ nên tập hợp các tài liệu văn bia liên quan mà chỉ dòng họ có để các nhà nghiên cứu cũng như quản lý dễ dàng xem xét hơn.
Theo phân cấp quản lý, việc quản lý đền và tượng kể trên hiện được giao cho Hà Nội, cụ thể là Q.Ba Đình. Bà Nguyễn Minh Hòa, Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội, cho hay bà đã liên lạc để Q.Ba Đình kiểm tra. “Phía quận nói hiện tại tuy chưa sửa nhưng đã hạ tên xuống tạm để chờ sau hội thảo sẽ tính tiếp. Dự kiến hội thảo được tổ chức trong quý 2 năm nay”, bà Hòa nói. Trên thực tế, tại đền Quán Thánh, bảng chú tượng Đức ông Trùm Trọng đã được hạ xuống, thay bằng bảng ghi tượng Đức Ông.
Trinh Nguyễn