|
Ngôi nhà cổ của gia đình ông Trịnh Thế Sùng được dùng làm Trụ sở Hội đồng nhân dân. |
Theo những người dân trong làng, đây vừa là một nét rất riêng của Cự Đà, vì đấy là cách quản lý hành chính của địa phương này đã có từ hàng trăm năm trước, đến nay vẫn được duy trì. Nhưng Cự Đà còn trở nên hấp dẫn đối với những ai đến đây, bởi những ngôi nhà cổ đã có niên đại hàng mấy trăm năm, với kiểu kiến trúc cổ đến nay còn rất ít ở Việt Nam.
Lai lịch Cự Đà và chuyện gắn số nhà
Làng Cự Đà cổ là tên gọi của 1 trong 3 thôn bao gồm: Khúc Thủy, Khe Tang, Cự Đà thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Trong 3 thôn của xã thì Cự Đà là thôn có tuổi đời lâu nhất, vì hiện nay theo những di tích còn để lại có niên đại khoảng 400-500 tuổi.
Nằm tiếp giáp với con sông Nhuệ, Cự Đà là một dải đất hình tam giác, một phần tiếp giáp với thị xã Hà Đông, còn phần kia giáp với huyện Thanh Trì (Hà Nội). Người Cự Đà đảm đang, khéo léo, giỏi làm ăn, giàu rất nhanh, lại ở địa thế “nhất cận thị, nhị cận giang” nên Cự Đà phát triển kinh tế nhanh hơn các làng khác ở trong vùng.
Ông Trịnh Văn Cơ - một nhà giáo nghỉ hưu, kể cho chúng tôi nghe về lai lịch của làng: Vài thế kỷ trước, do có sông Nhuệ chảy quanh nên những người lái buôn, làm ăn lớn ở các nơi mỗi khi đi qua đây đều tập kết ở bến Cự Đà.
Lâu dần, nơi đây thành một cảng buôn bán, nhờ buôn bán mà người trong làng trở nên giàu có. Những người Cự Đà tha hương đi buôn bán làm ăn ở nơi khác, trở thành những doanh nhân cự phách, những điền chủ tiền nhiều như nước, nổi tiếng ở khắp nơi. Họ bắt đầu trở về kiến thiết nhà cửa xây dựng quê hương.
Những kiểu nhà sang trọng nhất thời đó ở đâu có, thì người Cự Đà có “máu mặt” đều mang về xây ở làng. Thời Pháp thuộc, Cự Đà cũng nổi tiếng là một trong những nơi có nhiều doanh nhân thành đạt như Cự Phát, Cự Doanh, Vũ Từ Đặng... quan hệ khá thân thiết với những nhà tư sản nước ngoài.
Nói đến những doanh nhân thành đạt của Cự Đà phải kể đến bà Cự Chân và thân phụ cụ Cự Doanh - một trong những người được ví là thủy tổ của nghề dệt kim đông xuân ở nước ta. Cụ Cự Doanh đã có một hệ thống cơ sở sản xuất, xưởng dệt may được lập nên ở phố Hàng Quạt những năm đầu thế kỷ XX (tiền thân của Cơ sở dệt kim Đông Xuân sau này).
Cùng với việc buôn bán, nhiều người Cự Đà còn mua ruộng ở khắp nơi để mở đồn điền trồng cấy. Để giao dịch thuận lợi, họ đã xây những khu nghỉ ở quê để vừa tiếp khách, vừa là nơi nghỉ ngơi.
Năm 1929, Cự Đà là thôn đầu tiên ở tỉnh Hà Tây có điện để phục vụ cuộc sống. Theo hồi ức của nhiều người thì khi ấy Cự Đà chẳng khác gì một khu phố thu nhỏ của Hà Nội phục vụ nhu cầu cuộc sống cao của tầng lớp trên... Cứ vào những chiều cuối tuần, các doanh nhân giàu có lại lái xe hơi về quê để hưởng cái không khí thanh bình nơi thôn dã.
Do giỏi làm ăn nên người Cự Đà bôn ba khắp nơi. Họ chỉ trở về quê vào những dịp lễ tết hoặc những sự kiện trọng đại trong làng, xã... Theo những người già kể lại, người dân gốc Cự Đà đến nay chỉ còn khoảng 50%, số còn lại vốn trước đây là “con sen, người ở”. Do phải làm ăn xa, vì thế mọi việc trong nhà những người buôn bán phải trông vào người làm.
|
Làng Cự Đà Hôm nay. |
Theo thời gian, người đến làm thuê ở Cự Đà xưa kia dần trở thành người dân ở đây. Họ tích lũy tiền mua đất làm nhà, nhiều người còn mua lại những ngôi nhà của chủ cũ. Còn những người Cự Đà gốc đi làm ăn xa rồi định cư luôn ở đó không về, trong đó nhiều nhất là Hà Nội có khoảng 1.000 hộ, thị xã Hà Đông 280 hộ và ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, cứ nơi nào có chữ “Cự”, thì đích thị đó là người Cự Đà.
Ngay ở Pháp, hiện nay đã và đang thành lập hẳn một làng nhỏ của người Cự Đà để tiện cho việc sinh hoạt, buôn bán và làm ăn. Người Cự Đà ở nước ngoài cũng phát đạt nhiều, hằng năm số người này về quê tương đối đông, nhất là vào dịp tết Nguyên đán.
Làng cổ Cự Đà hấp dẫn đối với người đến thăm còn là chuyện gắn số nhà trong làng. Với hơn 400 số nhà, làng được kết cấu theo hình xương cá với trục chính là sông Nhuệ bao quanh, tạo cho Cự Đà một nét cổ kính, trầm mặc mà bây giờ tìm lại ở những làng cổ xưa rất khó.
Theo ông Vũ Văn Tuấn - Trưởng thôn cho biết: “Việc đánh số ở thôn bắt đầu được thực hiện từ năm 1993 (thật ra, việc lập số nhà ở Cự Đà có từ năm 1929), khi ấy Cự Đà mới chỉ có khoảng 290 nóc nhà, nằm dọc trong các xóm.
Chuyện đánh số nhà ở Cự Đà để khẳng định việc chính chủ giữ nguyên nếp cũ của những ngôi nhà, còn ngôi nhà nào xây trên đất trồng trọt, lấn chiếm, cơi nới thì không được gắn số nhà, vì không chính thống.
Cách quản lý này có vẻ cổ nhưng lại rất hợp lý và khoa học, bởi thế khi vào Cự Đà người ta cứ ngỡ là đi giữa phố, mặc dù hiện nay ở làng vẫn có tới 70% người dân sống dựa vào nghề nông.
Những ngôi nhà cổ đã và đang bị xuống cấp và mai một
Trưởng thôn Cự Đà năm nay ngoài 50 tuổi, thuộc lớp người hậu sinh nhưng hiểu rất rõ về lai lịch của làng mình. Theo anh cho biết, trước đây làng có bản sắc phong rất cổ được lưu giữ ở trong đình, nhưng qua một trận hỏa hoạn nên đã bị cháy mất.
Khoảng đầu thế kỷ XX, một người làng đi buôn bán ở Huế đã xin lại bản sắc phong của làng mình ở triều đình nhà Nguyễn nhưng không được. Cho đến thời Pháp, bản sắc phong ấy vẫn giữ ở Huế, mãi đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi làm giấy tờ để công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia cho đình, chùa, miếu của làng, anh Tuấn (trưởng thôn) mới ra Viện Lưu trữ xin sao chép lại để lưu làm tài liệu cho làng.
Song có một giá trị không hề nằm trong bất cứ bản sắc phong nào của người dân Cự Đà đó chính là những ngôi nhà cổ, và có khá nhiều biệt thự xây dựng theo lối kết hợp giữa bản sắc của người Việt Cổ và kiến trúc của người Pháp mà đến nay làng vẫn còn lưu giữ.
Theo chỉ dẫn của anh Tuấn, chúng tôi qua chiếc cổng vòm cổ kính của xóm Đồng Nhân Cát vào thăm gia đình ông Trịnh Thế Sủng - đó là ngôi nhà ngói 5 gian với 35 cây cột gỗ xoan - một trong những ngôi nhà còn lưu giữ lại những nét cổ kính nhất của làng Cự Đà hiện nay.
Ông Sủng đi vắng chỉ có bà mẹ ở nhà đang ngồi dọn dẹp, thu lá ở sân. Theo niên đại còn ghi ở trên những bức đối nóc nhà, ngôi nhà của ông Sủng có tuổi đời khoảng 150 năm (1864).
Ngôi nhà được dựng bằng gỗ xoan theo kiểu “7 tiền, 7 hậu, cửa võng bức bàn” với nét chạm trổ rất cầu kỳ và điêu luyện, tinh xảo trên từng thân cột, xà, vách gỗ. Mẹ ông Sủng kể lại trước đây khi về làm dâu, cụ đã thấy ngôi nhà được kết cấu theo kiểu: nhà trên, nhà dưới, nhà ngang, nhà chái khít theo.
Mỗi gian trong ngôi nhà có một chức năng khác nhau: nơi dành cho gia chủ nghỉ ngơi, chỗ dành cho kẻ ăn người ở, phòng dùng để ăn cơm, tiếp khách, uống trà... Giữa các gian nhà nối với nhau là cái sân gạch Bát Tràng đến nay cũng đã nhuốm màu thời gian.
Ở Cự Đà hôm nay những ngôi nhà cổ giống như nhà ông Sủng chỉ còn khoảng hơn chục cái. Một ngôi nhà xem là cổ nhất ở Cự Đà, có niên đại 300 năm đã bị phá cách đây vài năm để lấy chỗ làm nhà mới cho con cháu. Đó là ngôi nhà của cụ Hai Chiếu được xây dựng từ thế kỷ XVIII. Ngôi nhà này đã được một đoàn khách người Nhật Bản đến khảo sát và Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Tây đánh giá là ngôi nhà cổ nhất ở đây.
Cùng với những ngôi nhà thuần Việt, trong thôn còn có khoảng 40-50 ngôi nhà hai tầng kiến trúc theo kiểu Pháp được xây dựng rất công phu và hoành tráng. Ngôi nhà của gia đình anh Tuấn cũng là một trong những ngôi nhà cổ được mua lại của một người dân trong làng cách đây mấy chục năm, vừa kết hợp kiến trúc cổ với kiến trúc của Pháp.
Ở trong ngôi nhà cổ này, mùa đông ấm áp, mùa hè lại rất mát. Từ bấy đến nay, ngôi nhà đã được sửa chữa lại nhiều lần, nhiều chỗ đã không còn nguyên dạng. Ngay ngôi biệt thự được coi là cổ nhất ở Cự Đà của ông Đinh Văn Tường được mua lại từ 25 năm trước vốn là một biệt thự kết hợp theo lối kiến trúc Á - Âu độc đáo nhất ở Cự Đà mà chúng tôi được chiêm ngưỡng cũng đã được sửa sang nhiều.
Ngôi nhà này vốn trước đây là của cụ Tư Bảng, một trong những điền chủ giàu có nhất nhì ở Cự Đà. Là một người “sành ăn, sành chơi” cụ đã chọn một vị trí khá đẹp để xây dựng ngôi nhà của mình, đứng đầu ngõ An Lạc, hai mặt giáp đường làng và ngõ xóm, quay mặt ra sông Nhuệ hứng gió trời.
Từng họa tiết trang trí trên tường đến những bậu cửa, tường hoa đã phủ bụi thời gian. Nhìn ngôi nhà rêu phong cổ kính, khiến những người đến xem không khỏi cảm giác nao nao.
Dọc đường làng vẫn còn giữ nguyên được chiếc cổng làng có gắn chiếc đồng hồ, dọc 12 xóm của thôn đều có cổng vòm. Ở làng có xóm Điếm Tuần, trước đây là nơi giữ an ninh trật tự trong làng.
Vài năm trước, trong làng nhiều chỗ vẫn còn những đoạn đường lát gạch xếp nghiêng, nhưng giờ đây cũng đã bị người ta đập đi để đổ bêtông. Nơi những chiếc cột điện đầu tiên của làng được xây dựng từ năm 1929 cũng đã không còn lại dấu xưa.
Không phải người dân ở đây không biết giá trị của những ngôi nhà cổ bởi hầu như chẳng có ngày nào ở Cự Đà là không được những đoàn khách ghé thăm. Nhưng có một thực tế mà ông trưởng thôn nói với chúng tôi là: “Quỹ đất của thôn đang bị thu hẹp dần, theo sự phát triển về dân số, những ngôi nhà cổ đã không chịu đựng được sức ép ấy. Thế là họ đành phải phá nhà cũ đi để làm nhà mới. Nếu cứ đà này, chỉ vài năm nữa những ngôi nhà cổ này sẽ dần mai một”.
Điều trăn trở của ông trưởng thôn cũng rất có lý, nhưng để trùng tu, bảo tồn được làng cổ này cũng là rất khó bởi Cự Đà vốn là một làng nghề. Vì sự tồn tại của cuộc sống buộc họ phải phá nhà trần để làm chỗ phơi miến, làm tương. Và có thể những ngôi nhà cổ của làng cũng sẽ bị mai một đi từng ngày, trước cuộc sống đô thị hóa
Mai Phương