Nguyễn Văn Thế
Cao Thượng là một làng cổ, có lịch sử tụ cư (nay thuộc xã Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), làng có từ rất sớm, sớm nhất vùng Yên Thế hạ, và trở thành trung tâm chính trị văn hóa của Phủ Yên Thế từ thời Lê đến thời Nguyễn, với cái tên Cao Thượng – thanh cao, lịch lãm. Mỗi khi nhắc đến địa danh này, không chỉ người xứ Bắc biết tiếng: Đình Cao Thượng, chùa Cao Thượng… Một quần thể di tích lịch sử. Đình Cao Thượng được xây dựng từ thời Lê với 5 gian, 2 dĩ (trái), vật liệu được tuyển lựa rất kỹ càng, phần mái được lợp bằng ngói ta, xung quanh xây tường, phần gỗ là thứ gỗ lim lấy từ rừng đại ngàn, đặc biệt là hơn 40 cây cột của đình phải một người ôm mới hết, có lẽ, câu thành ngữ “to như cây cột đình” cũng ra đời từ đây ? Khách ngày nay, mỗi khi đến thăm ngôi đình, ai cũng sửng sốt và tự đặt câu hỏi “Thời xưa làm gì có cần cẩu, mà các cụ vẫn dựng được đình với bao phần việc nặng nhọc” ? Ngôi đình không chỉ có giá trị về kiến trúc mà còn mang đậm dấu ấn lịch sử khi mà nghĩa quân cụ Đề Thám, bộ đội chủ lực của ta thời chống thực dân Pháp đã đóng quân cùng ở tại ngôi đình này. Tương truyền: Gỗ làm đình được chở từ tỉnh Thanh ra, đóng bè ngược dòng sông Thương, khi gỗ về đến làng Hậu (có di tích đình Vường làng Hậu) thì nước bị cạn. Thấy vậy, dân làng Hậu không ai bảo ai đã đổ ra kéo gỗ giúp làng Cao Thượng dựng đình, từ đó, dân 2 làng kết ước gọi là “Dân ước”, coi nhau như anh em ruột thịt, họ gắn bó giúp đỡ nhau khi thiên tai, địch họa… khi đã có gỗ, dân làng Cao Thượng bèn đi đón 4 hiệp thợ ở dưới xuôi lên làm đình, ngôi đình bề thế nhất vùng Yên Thế Hạ. Sau đó đến thời Nguyễn, đình được hoàn thiện bằng việc dựng hậu cung một gian 2 dĩ (trái) 4 mái đao cong, có cửa cấm thâm nghiêm, có khám thờ đặt Long ngai, bì vị thờ Thánh. Qua kiểu dáng, điêu khắc… chứng minh đình Cao Thượng là một trong những ngôi đình cổ xưa ở nước Việt trong tứ Trấn của thời Lê Trung Hưng.
Sang thế kỷ XVIII, đình Cao Thượng được làm thêm Hậu Bầu, 2 bên tả, hữu vu, mỗi dãy 3 gian và cổng Tam Môn. Theo người xưa kể lại: Khi quân Tây Sơn tiến ra Bắc Hà, vua Lê Chiêu Thống đã bỏ chạy khỏi kinh thành Thăng Long lên đây đóng ở đình này, khi quân Tây Sơn đuổi đến nơi, Lê Chiêu Thống đang chơi cờ vội vàng vứt quân cờ bằng ngà voi vào hốc cột đình và trốn biệt. Tiếp đến Nguyễn Khang nổi tiếng anh hùng khởi nghĩa chống nhà Nguyễn, chống Pháp. Sát cánh kề vai cùng Hoàng Hoa Thám chống giặc giữ quê như Đốc Nhạc, Đốc Căn, Lãnh Hương,… cùng biết bao nghĩa sĩ và cả gia đình, tộc họ cùng tham gia cuộc đấu tranh vì nghĩa cả… và biết bao sự kiện lịch sử đã xảy ra trên mảnh đất này.
Đầu năm 1895, đình Cao Thượng phải tu sửa lớn do bà Nguyễn Thị Vang (còn gọi là bà Lý Định) đã ủng hộ 5 mẫu ruộng và 1.000 đồng bạc trắng để cho dân hai làng tu sửa lại đình. Nhưng vẫn giữ được dáng vẻ của ngôi đình thời Lê (thế kỷ XVIII).
Cũng như bao ngôi đình cổ xứ Bắc, đình Cao Thượng thờ hai vị thánh là Cao Sơn và Quý Minh, đều là những vị tướng của vua Hùng Duệ Vượng thứ 18, đã có công đánh giặc giữ nước “hộ quốc tý dân” trừ tai diệt họa, và đã được các triều đại phong kiến thời Lê – Nguyễn ban sắc, phong thần.
Hiện nay, trong đình còn lưu giữ được một số đạo sắc phong với các niên đại khác nhau, gia phong hai vị Cao Sơn – Quý Minh là: Thượng Đẳng Thần.
Việc thờ phụng Thánh thần được dân làng tổ chức rất trọng thể và tôn nghiêm với đầy đủ các tiết lệ: Xuân Thu nhị kỳ: 12 tháng Giêng và 20 tháng Tám (âm lịch) đều có rước sách, tế lễ tưng bừng.
Từ 12 đến 14 tháng Giêng, hai làng Cao Thượng và Đầu Cầu đến mở hội lớn suốt 3 ngày, rước thánh từ đình Chanh và đình Trên về đình Chợ (Đình Cao Thượng gần chợ nên còn gọi là Đình Chợ). Tế hai làng rất lớn và hát ca trù thờ thánh. Bên ngoài đình có nhiều trò vui: Đánh vật, cờ bỏi, trọi gà, nhẩy phỗng… ban đêm có hát tuồng và hát chèo, dân chúng xa gần nô nức đến hội và đã trở thành hội lệ rất thiêng liêng. Trong những năm chống Pháp, Hoàng Hoa Thám thường xuyên đến dự hội đình Cao Thượng và cho nghĩa quân cùng góp vui. Khi giặc Pháp đốt đình Trên, Đề Thám đã bỏ công quỹ và cho nghĩa quân cùng dân làm lại đình mới.
Rõ ràng đây là ngôi đình cổ có niên đại khá sớm của tỉnh Bắc Giang ngày nay, còn giữ được khá nguyên vẹn kết cấu kiến trúc của thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Đình Cao Thượng nằm ở trung tâm, phía trước làng Cao Thượng, quay hướng Tây Nam nhìn ra cánh đồng rộng trước làng, giáp xã Việt Lập. Trước đình là đường liên xã, rước thánh khi xưa, bên phải đình là đường vào làng Cao Thượng. Sau đình là Chợ Cao Thượng, cạnh chợ là chùa Trăm Gian (chùa Cao Thượng) với nhiều cây cổ thụ xum xuê và hồ sen thơm ngát. Đây là vị thế đẹp, cao thoáng, rộng rãi nhất vùng này. Đường liên xã chạy thẳng qua cửa đình nối với đường tỉnh lộ trải nhựa (800m) lên trung tâm huyện Lỵ Tân Yên. Qua khảo tả di tích và bản vẽ kỹ thuật đình Cao Thượng ta thấy đình này có kiểu thức kiến trúc: Thượng con chồng, giá chiêng, hạ con chồng cốn – kẻ với tòa đại đình 5 gian 2 dĩ cao rộng, bề thế, trang nghiêm. Khoảng gian giữa rộng tới 4,50m, gian cạnh rộng gần 4m, cột cái có cho vi 2,15m, đường kính hơn 70cm, đủ thấy quy mô kiến trúc to lớn của ngôi đình này. Chiều dài của đình đạt tới 24,80m, chiều rộng đình tới 14,10m, diện tích đại đình rộng đúng 1 sào Bắc Bộ, quả là một công trình kiến trúc gỗ có quy mô lớn nhất vùng này. Với 4 mái xoải rộng, 4 đao cong vút, bờ nóc gắn hoa chanh. Riêng đầu hồi đắp mặt hổ phù, vốn là của những lần tu sửa đình vào thời Nguyễn. Riêng về kết cấu khung chịu lực, gồm 6 hàng chân cột, tổng cộng 48 cột có 8 cột cái cực kỳ lớn, hầu như không thấy ở đình nào của tỉnh Bắc Giang hiện nay. Đây là nét nổi trội nhất về mặt kiến trúc của đình Cao Thượng: nhiều cột và cột to: cột cái F 700, cột quân F 600, cột hiên cũng to tới F 450mm, cả 8 cột cái có 8 đầu dư, 8 cột này cao hơn 5m, cột quân cao 3,5m và cột hiên cũng cao tới 2,70m.
Toàn bộ nền đình lát gạch bát to (40x40x5cm) cao hơn mặt sân đình 45cm. Bó toàn gạch chỉ, 4 góc có 4 cột gạch đỡ mái xoải ra tới gần 2m. Tạo nên nét nhẹ nhàng, thanh thoát cho cả mái đình vốn đường bệ, uy nghiêm. Thông thường, đình làng kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, nhưng đình Cao Thượng lại kiến trúc theo kiểu chữ Nhị với một tòa hậu cung 1 gian 2 dĩ 4 mái đao cong, 4 hàng chân cột lim chắc chắn, có cửa cấm thâm nghiêm, liền kề mái trước và mái sau đình lớn.
Cho đến nay đã hơn 300 năm trôi qua, nhưng những mảng phù điêu chạm lộng tinh xảo, đẹp mê hồn suốt cốn trước, cốn sau, cốn trên, cốn dưới… dày đặc với nhiều đề tài phong phú: “Long ổ” “Long vân đại hội”, “Cửu long tranh châu”, “Long hí cầu”, cùng Nghê, Hổ… Đề tài khác cũng sinh động không kém là: Con người, Người cưỡi voi, hai người hội kiến, Đoàn quân ra trận, Tiên múa, Đánh cờ…
Với kiểu kiến trúc gỗ độc đáo này, đã tạo cho ngôi đình vừa bền vững, chắc khỏe đồ sộ mà bên trong lại cao thoáng và rộng rãi lại vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát, đẹp uy linh. Khiến người nào, dù chỉ một lần qua đây, cũng không thể nào quên được !