Đời sống văn hóa
Phật viện Đồng Dương có nguy cơ đi vào dĩ vãng!
QĐND - Chủ Nhật, 02/10/2011, 23:34 (GMT+7)

QĐND - Khi các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các cấp chính quyền chưa đưa ra được những biện pháp bảo tồn thích đáng, thì Phật viện Đồng Dương đang đứng trước sự đổ nát do tác động của thiên nhiên và sự phá hoại của con người.

 Hoàng kim một thuở 

Gặp một người dân họ Trà trong số hơn 300 hộ dân mang họ này đang sống ở đây (một tộc người Chăm), ông không biết Phật viện Đồng Dương là khu di tích đã được công nhận là Di tích văn hóa Quốc gia cách đây hơn 10 năm (ngày 21-9-2000). Và có lẽ ông cũng không biết rằng, cách đây 1.136 năm, người xưa đã xây dựng ở đây một công trình để đời sau đều phải tự hào. 

Một phần nhỏ còn lại của Tháp Sáng sắp sập khi các cây chống đỡ bằng gỗ đã mục rỗng.

Theo nội dung tấm bia đá tìm thấy ở Phật viện Đồng Dương-di tích Phật giáo Chăm được vua Indravarman II của vương triều Indrapura cho xây dựng từ năm 875, lấy tên là Laksmindra- Lokesvara để làm nơi thờ Phật Buddhapara tại xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Tính quy mô và sự bề thế của Phật viện được thể hiện rõ qua nội dung ghi trên bia cũng như trên các tác phẩm điêu khắc mà các nhà khảo cổ học người Pháp khai quật được vào các năm 1901-1902. Theo đó, sức ảnh hưởng của Phật viện Đồng Dương đã được đánh giá suốt hơn 5 thế kỷ tồn tại (875-1471), đương thời được xem như một trung tâm nghiên cứu, truyền bá Phật học có tầm cỡ lớn nhất khu vực Đông Nam Á. 

Xét về tầm vóc quy mô của Phật viện, nhà nghiên cứu người Pháp L.Finot, trong đề tài nghiên cứu và khai quật của mình về Đồng Dương đã giới thiệu 229 hiện vật, nổi bật nhất là bức tượng Phật bằng đồng. Bức tượng Phật đứng này cao hơn 1m, được xem là hoàn hảo và đẹp loại nhất Đông Nam Á. Công trình khai quật khu trung tâm Phật viện Đồng Dương của nhà nghiên cứu người Pháp khác là Parmentier cho biết rõ nét hơn về mô hình kiến trúc của Phật viện: Dài 1.330m, bắt nguồn từ hướng tây và chấm dứt ở hướng Đông. Riêng khu vực chánh điện thờ Phật lại là một vành đai hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m cùng hệ thống tường bao bọc kiên cố. Sự hoành tráng của một quần thể kiến trúc điêu khắc như cho ta lạc vào một thế giới nghệ thuật cùng với thiên hướng tâm linh đã được đánh giá là độc đáo vào loại nhất trong văn hóa Chăm-pa và Đông Nam Á, một nguồn di sản Phật giáo hết sức quan trọng. 

Còn theo nghiên cứu của GS.Trương Quốc Bình-Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phật viện này là khu di tích tiêu biểu bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Chăm-pa trong khu vực Đông Nam Á. Nếu được tiến hành khảo cổ, trùng tu, bảo tồn bài bản, khoa học, bảo đảm tốt tính trung thực, nguyên vẹn thì di tích này sẽ có đủ điều kiện để được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới thứ 3 tại Quảng Nam.

Gạch cổ-hiện vật khai quật được ở Phật viện xếp chỏng chơ

Điêu tàn một đống ngổn ngang

Háo hức tìm về di tích nổi tiếng thuở nào, khiến người trong cuộc thất vọng.

Đặt chân lên khu di tích Phật viện Đồng Dương đúng vào thời khắc tạm dừng giữa hai cơn mưa chiều nối tiếp nhau. Con đường dẫn vào đây nhầy nhụa bùn đất và tạo ngay cho người vào cảm giác hoang tàn, dù rằng vẫn có những ngôi nhà khuất sau những lùm cây rậm rạp hai bên đường. May mắn cho tôi là cách đây hơn một tháng, Hội thảo về bảo tồn di tích Chăm Phật viện Đồng Dương diễn ra nên người ta đã cho phát quang phần lớn bụi rậm hai bên lối dẫn vào và phạt bớt nhánh cây keo xung quanh phần di tích Tháp Sáng. Nhưng may mắn ấy cũng chẳng bớt đi nhiều nỗi buồn khi bước vào khu Phật viện Đồng Dương, giữa những viên gạch cổ ngổn ngang nằm rải ra khoảng vài trăm mét vuông là dấu tích duy nhất còn lại của Phật viện Đồng Dương mà con người bình thường có thể nhìn thấy được: Một phần Tháp Sáng sắp đổ đang được chống đỡ bởi những cây gỗ mục ruỗng.

Ông Trương Văn Việt-nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc không khỏi xót xa nói: “Khi chưa có những phương án hỗ trợ từ cấp trên, chính quyền xã đã cố gắng gìn giữ những gì có thể bằng cách… chống mấy cái cột, mà cũng cách đây 7-8 năm rồi, giờ đã bị mối mọt cả. Mấy cái cột đổ là Tháp Sáng đổ, Phật viện Đồng Dương chắc chỉ còn trong dĩ vãng!”.

KTS Hoàng Đạo Kính thì cho rằng, để khôi phục và cứu vãn Phật viện Đồng Dương là hết sức khó khăn và tốn kém. Điều cần làm lúc này là các cấp văn hóa, chính quyền phải nhìn nhận đây là một di tích lịch sử, là chứng nhân lịch sử tiêu biểu và đặc sắc nhất, có một không hai, chứa đựng những thông tin được thể xác hóa nếu ta giải mã được sẽ là nguồn tri thức về một nền văn minh trôi tuột vào dĩ vãng. Từ đó thực hiện công việc tư liệu hóa theo bài bản khảo cổ học kinh điển, tiếp cận tổng thể, đồng bộ, tránh sự thiên vị về phương diện này hoặc quan điểm kia, đề cao tính khách quan lịch sử, dành chỗ cho con cháu mai sau tiếp tục công cuộc thâm nhập vào dĩ vãng, không bị làm cạn kiệt.

Còn Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Minh Cả khẳng định quyết tâm của tỉnh Quảng Nam về việc lập kế hoạch khôi phục lại di tích cổ lớn nhất Đông Nam Á này. Bên cạnh đó, lên các chương trình hoạt động giáo dục, tuyên truyền tới nhân dân trong việc ứng xử, chung sức gìn giữ di sản Phật viện Đồng Dương.

Bài và ảnh: NGUYỄN THÀNH GIANG

Họ và tên:
Email:
Tiêu đề:
Mã xác nhận:

Nội dung
Gõ tiếng việt :    Off   Telex   VNI   VIQR
Các tin khác