ĐỀN HAI BÀ XÃ HÁT MÔN
MIẾU HƯỚNG BI KÝ
(BIA GHI HƯỚNG MIẾU)
Phiên âm:
Tự cổ hữu công liệt ư dân giả, nhân lập miếu dĩ tự chi. Nhi miếu hướng bất khả bất chí dĩ thần chi sở tại dân sở lại, dĩ hãn hoạn ngự tai dã. Ngã Hát Môn xã nguyên phụng ngã Trưng thần chủ lưỡng vị, tòng cổ miếu hướng vô hữu di ký. Tự Đức Bính Dần tuế, nhân trùng tổn hoại triệt hạ, tu bổ la kinh chiếu chi, hiện kiến miếu hướng toạ Mão hướng Dậu, nhưng chiếu y hướng tăng nhi quảng chi. Tự Đức Kỷ Mão tái bị trùng hoại, hội nghị tân chi. Nhưng niệm ngã ấp thần miếu lễ hữu quốc tế, khất khám cải tạo, mông đắc chi xuất quan tiền tam bách lưỡng thập quan cấp biện, phục chiếu y hướng. Chính cung trực xuất, thiêu hương mộc hạng, thuần dụng ba la mật, thủy khoán tất sức tịnh khoán thiết bao tường. Bản niên thập nguyệt nhật lạc thành, tỉ tiền quy tăng tráng yên. Đãn miếu hướng do vị truy kí dã. Tuế Tân Tỵ bát nguyệt thập tam dạ, thích ngộ bối phong thịnh phát, đại thụ triết hạ, gian hữu đảo hoại. Khất khám bổ biện tái mông chi xuất quan tiền tam bách lưỡng thập quan, giao lĩnh hoàn biện. Tuế Nhâm Ngọ xuân trọng hạ hoàn. Công tuấn, thương đồng truy kí miếu hướng. Bật duy, phù sự hữu quan ư tự sở bất khả bất trí kỳ cẩn dã. Phương kim quốc triều ưu long tự điển, ngã ấp phụng sự như nguyên, nhi kim nhi hậu ngộ hữu tu tạo, chiếu y toạ Mão hướng Dậu vi hướng. Thứ cơ thần chi sở tại nhi dân sở lại dĩ an dã. Nhân truy kí chi.
Tự Đức tam thập ngũ niên trọng xuân nguyệt thập bát nhật.
Đương thứ thỉnh ký:
- Lý trưởng Nguyễn Văn Cắng, Phó lý Nguyễn Trọng Kiếm
- Đông Hạ giáp trưởng Nguyễn Văn Thái; Đông Thượng giáp trưởng Nguyễn Khắc Quang; Nam Hạ giáp trưởng Nguyễn Hữu Tính; Nam Thượng giáp trưởng Trần Quang Huệ; Trung Hạ giáp trưởng Trần Đình Đoan.
Tú tài Hồ Danh Bật cung soạn.
Kinh thức Nguyễn Lương Bổn cung tả.
Bi công Long Châu, Ngọc Trác cung khắc.
Dịch nghĩa:
Từ xưa, người có công với dân thì sẽ được dân lập miếu thờ cúng, nhưng hướng miếu thì không thể không ghi lại, bởi vì đó là nơi thần nương tựa dân cậy nhờ, để mà dẹp bỏ mọi tai họa vậy. Xã Hát Môn ta nguyên thờ hai vị thần Trưng Nữ vương, hướng ngôi miếu cổ không thấy ghi lại. Năm Bính Dần (1866) niên hiệu Tự Đức vì bị phá hoại tổn thất, nên cho tu bổ lại, dùng la bàn đặt phương hướng. Nay thấy hướng miếu tọa Mão hướng Dậu, nên cứ theo hướng đó mà làm rộng ra. Năm Kỷ Mão (1879) niên hiệu Tự Đức lại bị phá hoại, dân làng bèn họp bàn để làm lại mới. Nhưng lại nghĩ rằng miếu thần làng ta là nơi cả nước cúng tế, nên chỉ xin cải tạo lại. Rất may là lại đội ơn trên cấp cho 320 quan tiền để lo liệu công việc, còn hướng vẫn theo cũ: Chính giữa cung trông ra là cây hương bằng gỗ mít; [bên trong] tượng sơn son, xây tường bao quanh. Tháng mười năm đó thì làm xong, so với quy mô trước còn tráng lệ hơn nhiều. Nhưng hướng miếu còn chưa kịp ghi lại. Đêm ngày 13 tháng 8 năm Tân Tỵ (1881), bỗng gió bão nổi lên, làm đổ cây lớn, trong chốc lát miếu lại đổ nát. Dân thôn lại xin trên cho xây dựng lại. May lại được 320 quan tiền, giao cho dân xã lo liệu xong việc. Đến tháng 2 năm Nhâm Ngọ (1882) thì làm xong. Công việc xong xuôi, dân làng bàn bạc ghi lại hướng miếu. Bật tôi nghĩ rằng việc liên quan đến nơi thờ cúng không thể không cẩn thận được. Huống hồ ngày nay triều đình coi trọng việc thờ cúng, cho phép ấp ta phụng sự như cũ. Từ nay về sau, nếu phải tu tạo thì cứ chiếu theo tọa Mão hướng Dậu mà làm. Được như thế thì may ra thần có nơi nương tựa, dân có nơi cậy nhờ để cầu được yên ổn. Vì thế ghi lại sự việc.
Ngày 18 tháng 2 năm Tự Đức 35 (1882)
Các vị chức sắc ký tên:
- Lý trưởng Nguyễn Văn Cắng.
- Phó lý Nguyễn Trọng Kiếm.
-Giáp trưởng giáp Đông Hạ Nguyễn Văn Thái .
- Giáp trưởng giáp Đông Thượng Nguyễn Khắc Quang.
- Giáp trường giáp Nam Hạ Nguyễn Hữu Tính.
- Giáp trưởng giáp Nam Thượng Trần Quang Huệ.
- Giáp trưởng giáp Trung Hạ Trần Đình Đoan.
Tú tài Hồ Danh Bật cung soạn.
Dịch từ thác bản mang số hiệu No. 15611, Thư viện Viện Hán Nôm.
Trích trong sách: Huyện Phúc Thọ - Làng xã và những di sản văn hóa, Hà Nội, 2010
TRƯNG NỮ VƯƠNG TRIỀU NHẤT VỊ ĐẠI VƯƠNG PHẢ LỤC
(Ngọc phả về một vị Đại vương, là tướng của Hai Bà Trưng)
Bản chính của bộ Lễ quốc triều
Trích lục
Xưa, Hùng Vương là bậc thánh tổ non sông, mở vận dựng nghiệp hơn hai ngàn năm. Vua Hùng dựng nước, non xanh ngàn dặm dựng nền thành đô cung điện; nước biếc một dòng khai đạo thánh đế minh vương. Cứu vật độ nhân, nắm 15 bộ. Đó gọi là tổ của Bách Việt.[...]
Lại nói chuyện lúc đó cơ đồ họ Hùng đã sắp hết, truyền được 18 đời. Ý trời đã cho cáo chung. Trải đến đời Tây Hán, Đông Hán có vùng Long Biên là còn thuộc nước ta [...]
Đến khi, có cháu gái của Hùng Vương khi trước là TRẮC, là bậc hào kiệt trong giới nữ lưu, là bậc thánh thần trên đời, mới phát động binh hùng cất quân ra cự lại. Khi đó, bọn nam nhi có tài thao lược chưa thấy có ai. Các nữ Tướng lĩnh binh lính đã gióng chuông phát động. Trưng Nữ mật đến cáo yết Tản Viên Sơn Thánh, hội đồng Bách thần tại cửa sông Hát Môn (ở xứ Sơn Tây) [trang 2a], thiết lập đàn tế cáo chư vị linh thần, và đọc chúc rằng:
“Trời sinh một người làm tôn chúa của vạn vật trong trời đất. Sinh linh đều có quan hệ đến, đến cả cỏ cây cũng có liên quan. Trải biết bao triều đại trước, các vị đế vương thiên tử thánh minh, triều đình đều có đạo, yêu dân yêu nước, đức hóa rộng ban, thiên hạ thanh bình, quốc gia vô sự. Ngày nay, có kẻ dị tính là tên chó dê Tô Định hung hăng quấy nhiễu, cuồng bạo tàn ác, khiến cho trời đất và người đều căm phẫn. Thiếp vốn là đứa cháu gái của dòng dõi Hùng Vương, là đàn bà mà nói đến chuyện sinh linh mà hoàng thiên rơi lệ. Ngày nay, rất đau lòng thương đến con đỏ, dẹp lũ giặc tàn bạo. Nguyện với chư vị tôn thần giáng đàn chứng giám cho lời thề ra sức giúp cho thiếp là Trưng Nữ cất quân đánh dẹp Tô Định để bảo vệ đất nước, cứu độ cho dân. Tỳ thiếp sẽ lấy lại muôn vật cũ của tổ tông, đặt sinh linh vào nơi yên ổn, đưa sinh linh ra khỏi chỗ hoạn tai, sau nữa là để không phụ ý hoàng thiên, thỏa [trang 2b] lòng anh linh của các bậc tiên hoàng, an ủi cha ông nơi chín suối!”.
Đọc chúc xong, gọi các âm binh nghìn hàng vạn đội; lại truyền hịch khắp Nam bang các đạo, châu, huyện, hễ ai có văn, võ, tài năng, đức độ hơn người, là bậc anh hùng có thể địch lại được [Tô Định] thì ngay ngày hôm đó sẽ chiêu nạp quân sĩ, phiên thần để đi đánh dẹp. [...]
Nguyễn Xuân Diện dịch từ văn bản VHv.1222 - Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Theo blog Nguyễn Xuân Diện